Reader
Trang Đầu | Mục Lục | Ngược Lại

 

Giáo-sư MS NGUYỄN XUÂN HỒNG

 

 

 

 

 

 

 

CÁC SÁCH THI CA

trong

KINH THÁNH

 

 

 

 

 

 

 

 

VIỆN THẦN HỌC TIN LÀNH VIỆT NAM XUẤT BẢN


 

 

 

ĐẠI CƯƠNG VỀ THI CA

 

 

 

Thơ là một hình thức phô diễn tư tưởng có lẽ đã có từ khi con người mới có tiếng nói. Thơ và ca thường đi đôi với nhau (thi ca) vì cả hai đều dùng tiếng nói và âm điệu để diễn tả tình cảm tâm tư con người. Nhưng ca thì thiên về âm điệu, còn thơ thì thiên về tiếng nói nhiều hơn. Vì tiếng nói tự nó không thể tồn tại nếu không được lưu giữ trong trí nhớ con người, mà khả năng của trí nhớ thì rất hạn chế, nên tiếng nói cần có một phương tiện truyền đạt vừa có thể đại diện cho nó vừa có thể lưu giữ lâu dài được. Phương tiện đó là chữ viết. Qua chữ viết hay văn tự, tức là những ký hiệu đại diện cho những âm thanh tạo thành ngôn ngữ con người, tiếng nói được lưu giữ và truyền đạt.

Bởi vì con người có khuynh hướng làm đẹp những gì mình có thể lưu truyền được, nên tiếng nói truyền đạt bằng chữ viết không còn là thứ tiếng nói truyền miệng thông thường nữa, mà là thứ tiếng được gọt giũa, trau chuốt, đãi lọc. Từ đó ta có văn thơ, tức là những công trình nghệ thuật của tiếng nói được chuyên chở bằng chữ viết.

Ở đây, ta lại phải xét qua sự khác biệt giữa văn (prose) và thơ (poetry). Thông thường, văn hay là  văn xuôi (prose) được viết liên tục cho đến khi hết ý, còn thơ hay văn vần (poetry) được viết thành những giòng riêng biệt. Bài văn không đòi hỏi vần điệu, tiết nhịp, nhưng một bài thơ không thể nào thiếu những thứ đó. Chính vì vậy mà các loại thơ cổ điển phải tuân theo một số niêm luật về vần điệu.

Tuy nhiên, những yếu tố vần điệu và viết thành giòng không hẳn luôn luôn tạo thành thơ, và nhiều thể thơ hiện đại hầu như không có những yếu tố đó. Cũng có những bài văn chứa đựng nhiều âm tiết nhịp điệu nhưng không thể gọi là thơ. Như vậy, hai yếu tố phân biệt đó không có tính cách tuyệt đối, ngoài ra cũng còn những yếu tố ẩn tàng khác để minh định đặc tính thơ mà chúng ta sẽ không đi vào chi tiết vì không thuộc phạm vi bài học.

Trong ngôn ngữ Việt Nam, những bài vè, những câu nói lối, là gạch nối giữa thơ và văn xuôi. Đó là những lời nói thường, nhưng được ghép thành vần điệu. Chúng không phát xuất từ những rung cảm, khôâng khơi động trí tưởng tượng như thơ.

Mặt khác, trong kho tàng văn học cổ điển, hình thức thơ được dùng trong nhiều thể loại mà ngày nay được xem là thuộc phạm vi chuyên biệt  của văn xuôi: tiểu thuyết (Truyện Kiều), kịch (Shakespeare)...

Trong ngôn ngữ Do-thái, có những bản văn được người ta xếp vào loại thơ–văn xuôi, nghĩa là những bài ký thuật, những câu chuyện được trình bày theo mỹ từ pháp,  nhưng mang hình thức văn xuôi. Câu chuyện nguời đàn bà Thê-cô-a kể trong II Sa. 14:5-7 và ngụ ngôn của tiên tri Na-than trong II Sa 12:1-4, được liệt vào loại nầy. Nhiều học giả hiện đại còn xếp cả sách Giô-na, Ru-tơ, Ê-xơ-tê, và Đa-ni-ên 1-6, vào loại nầy. Tuy nhiên người ta công nhận rằng loại thơ–văn xuôi rất khó phân biệt.

Trong văn học Do-thái cũng như các dân tộc khác, thơ dễ nhận diện khi nó được viết thành câu.  Những câu thơ Do-thái thường sử dụng một số thành ngữ và những cấu trúc đặc biệt của thơ, và phải tuân thủ một số qui luật thi phú.

 


  1. THI CA DO-THÁI
  2. NHỮNG BÀI THƠ LẺ TẺ
  3. GIÓP
  4. GIÓP (2)
  5. THI THIÊN
  6. THI THIÊN (2)
  7. CHÂM NGÔN
  8. CHÂM NGÔN (2)
  9. NHÃ CA
  10. CA THƯƠNG

(c) 2004-2009 VietChristian.com and its software. All rights reserved


Top