Reader
Trang Đầu | Mục Lục | CHƯƠNG 2 >>

CHƯƠNG 1

BIỆN GIÁO LÀ GÌ?

 

Phần này được soạn theo William Dyrness, Christian Apologectic in a World Community, Downers Grove, IL: Inter-Varsity Press, 1983, chương 1.

 

 

I. DẪN NHẬP

 

Từ ngữ “biện giáo” (apologetics) phát xuất từ tiếng Hi-lạp (apologia) được dùng trong các phiên tòa chỉ về sự biện hộ của bị can trước một lời buộc tội. Plato (428-347 T.C.) trong tác phẩm Apologia (Biện Hộ) đã nói đến vị thầy của mình là Socrates bị dân chúng buộc tội làm băng hoại đời sống đạo đức của thanh niên tại thành Nhã điển.  Trước nhân dân, Socrates đã tự biện hộ cho chính mình. Ông nói, “Xin đừng để ý đến cách tôi nói hay hay dở nhưng hãy chỉ chú ý đến lời nói chân thật của tôi. Xin cho tôi nói lên sự thật và xin quan tòa xét xử công minh.”1  Có lẽ Phi-e-rơ cũng nghĩ về một phương pháp tự bào chữa như vậy khi ông khuyến giục các Cơ-đốc nhân ”Nếu có ai hỏi ‘Tại sao anh em tin Chúa?’ hãy sẵn sàng trả lời họ cách hòa nhã, lễ độ, và với lòng tôn kính” (IPhi 3:15).

Trong Tân Ước, từ ngữ “biện giáo” (apologia) có nghĩa là lời phát biểu nhằm biện hộ, bêânh vực hay trả lời cho những vấn nạn đức tin (Công 22:1; Phil. 1:7, 16, 27b; 1Phi 3:15).   Ngoài ra trong Tân Ước còn dùng từ ngữ “apologeomai” để chỉ sự biện hộ trước lời buộc tội của nhà cầm quyền như trường hợp của Phao-lô (Công 24:10; 26:1,2).

 

Trong thời kỳ Hội Thánh đầu tiên, trước sự tấn công của Do thái giáo và các ngoại giáo, các tín hữu luôn luôn lên tiếng để làm sáng tỏ và bênh vực niềm tin của mình.  Một mặt Hội Thánh tìm cách thuyết phục những người nghi ngờ,  mê tín, ngăn chận những giáo thuyết sai lạc, trả lời những người có tinh thần câu nệ, bài bác đối với đạo Chúa; mặt khác, Hội Thánh luôn luôn dạy dỗ, hướng dẫn tín hữu sâu nhiệm trong trong đạo để có thể giữ vững niềm tin  (Giu-đe 3, 22; Tít 1:9-14; 2 Tim 2:24, 25; 1Phi 3:15).  Phi-lip đoạn 1 cũng cho thấy biện giáo liên hệ chặt chẽ đến đời sống đức tin và công tác truyền bá Phúc Âm.  Mặc dầu Kinh thánh không trình bày khoa biện giáo cách chi tiết nhưng chứa đựng nhiều yếu tố của khoa biện giáo. Nói cách khác, khoa biện giáo có nền tảng Kinh Thánh.

 

Biện giáo là một ngành của thần học nhằm bênh vực hay biện hộ cho Cơ-đốc giáo dựa trên những luận cứ.  Biện giáo đưa ra những luận chứng về sự thực hữu của Thượng đế, sự bất tử của linh hồn, sự mặc khải, sự linh cảm và thẩm quyền của Kinh Thánh.  Biện giáo cũng bao gồm việc phân tích những ý kiến bài bác toàn bộ hệ thống tín điều Cơ-đốc giáo hay những tín điều riêng biệt, qua đó làm sáng tỏ và biện hộ cho toàn thể đức tin Cơ-đốc.  Để biện minh cho niềm tin Cơ-đốc,  khoa biện giáo cần đưa ra những bằng chứng  như về lịch sử, khoa học, triết học, xã hội học, nhân loại học v.v... (ngoại chứng) cũng như những bằng chứng trong chính Kinh Thánh (nội chứng).

 

Nhu cầu bảo vệ cho Cơ-đốc giáo chống lại những kẻ tố cáo nó hiện nay cũng quan trọng như bất luận thời kỳ nào trong lịch sử.  Từ mọi phía, người ta đều nghe những lời than phiền về chủ nghĩa thế tục và những câu chuyện kể lại các thành công lớn lao của các lối thờ cúng và các đạo mới.  Những nguy cơ như thế tiếp tục khiến cho Biện giáo trở thành cần thiết.  Nhưng chúng ta phải cẩn thận nhìn các sự việc cho đúng với viễn cảnh của chúng.  Theo một ý nghĩa, thì việc chú trọng đến biện giáo ngày nay vốn là hệ quả của các yếu tố có tính cách lịch sử và văn hóa, nhiều hơn là những yếu tố có tính cách tôn giáo hoặc triết học. Trong chương trình học tập của một chủng viện hay những chương trình tương đương, biện giáo theo như chúng ta biết đã không hề có một vai trò chủ yếu mặc dầu có rất nhiều phần trình bày và lý luận vững chắc về Cơ-đốc giáo.  Đại đa số dân chúng đã không hề nghĩ đến việc phải bênh vực cho đạo của mình chỉ vì lý do đơn giản là họ không hề nghĩ đến việc nghi ngờ đạo ấy.  Nhưng trong nhiều nền văn hóa mà Hội thánh đã bị mất quyền kiểm soát, các Cơ-đốc nhân đã bị đặt vào thế phải tự vệ và bị bắt buộc phải trả lời lại những kẻ tố cáo mình.

 

Nhiều khi Cơ-đốc nhân ý thức về vai trò này nhưng cảm thấy mình chưa được chuẩn bị đầy đủ để trả lời những điều người ta chống lại đạo của mình.  Thực ra việc  tự vệ, tự biện hộ vốn không phải là chỉ riêng Cơ-đốc giáo mới có.  Tất cả những ai có những niềm tin về cuộc đời và về thế giới này đương nhiên phải tự bênh vực, tự bào chữa.  Phần lớn các vấn đề mà Cơ-đốc giáo bị đòi hỏi phải đối đầu không phải riêng gì của Cơ-đôc giáo nhưng đúng hơn là những vấn đề phát xuất từ việc chúng ta vốn là những con người.  Là con người, chúng ta phải tư duy và lý luận, chúng ta phải hành động, chúng ta phải dấn thân vào một hành động nào đó.  Do đó, chúng ta phải có khả năng bảo vệ cho những dấn thân của mình. Cơ-đốc nhân tin rằng Đức Chúa Trời đã tự mặc khải, tự bày tỏ mình ra trong lịch sử loài người và bắt đầu một chương trình mà mọi người phải đáp ứng lại, nhưng niềm tin ấy không hề loại trừ việc các Cơ-đốc nhân phải tự biện bạch như tất cả mọi người khác.  Họ phải hiểu rõ điều mình tin, tin quyết vào chân lý của nó, liên kết nó với kinh nghiệm trong đời sống rồi diễn tả cái thực tại đó bằng hành động có trách nhiệm và bằng việc truyền đạt cho người khác một cách thông minh. 

 

Nếu những gì chúng ta đang nói là đúng, thì môn biện giáo toàn hảo nhất không phải là cái tinh thần tự vệ, chỉ khoanh tay ngồi đó chờ cho thiên hạ tấn công mình, nhưng là một sự bộc lộ tích cực những gì chúng ta tin là thật về Đức Chúa Trời, con người và thế giới.  Tôi tin rằng lòng can đảm để chủ động đi bước trước là thước đo cho sinh lực của đức tin (đạo) chúng ta.  Đặc điểm của các nhà truyền giảng Phúc âm phải là hướng tới việc truyền giảng không gì ngăn chận nổi, và khoa biện giải phải tham dự vào thái độ hăng say nhiệt thành đó của nhà truyền giáo. G.C.Berkouwer từng bảo rằng Biện giáo ”không phải là một phong trào tự vệ, nhưng là việc làm chứng dũng cảm đầy phiêu lưu cho chân lý (đạo thật) bằng sức mạnh của đức tin Cơ-đốc.”2  Vậy một nhà biện giáo tích cực sẽ không chờ đối phó với từng thách thức, mà sẽ dành thì giờ để chuẩn bị một quan điểm biện giáo có khả năng đối phó với mọi thách thức.  Có một câu châm ngôn dạy rằng cho một người một con cá, người ấy sẽ có lương thực đủ ăn cho một ngày; dạy cho anh ta cách bắt cá, anh ta sẽ có đủ lương thực để ăn suốt đời. Trong biện giáo cũng vậy, điều vô cùng quan trọng hơn là phải xây dựng cả một cơ cấu nhờ đó người ta sẽ giải quyết được mọi phản bác, chớ không phải là chỉ trả lời cho một số lớn các câu hỏi mà thôi.  Những thách đố mà Cơ-đốc giáo phải đương đầu thay đổi rất nhanh chóng, và lệ thuộc vào các hoàn cảnh luôn luôn đổi thay; cho nên thật không tài nào thấy trước được những vấn đề riêng rẽ, đặc thù mà một ngày nào đó chúng ta sẽ phải trả lời.  Vì thế mục tiêu của chúng ta là khai triển một chiến lược biện giáo tổng quát.

 

 

II. CÁC YẾU TỐ CỦA BIỆN GIÁO

(ELEMENTS OF APOLOGETICS)

 

Bối cảnh (the context):  Yếu tố đầu tiên trong bất kỳ một lời biện hộ nào cho Cơ-đốc giáo là bối cảnh trong đó kẻ thách thức đang sống.  Mỗi hoàn cảnh, mỗi nền văn hóa, và lẽ tất nhiên là mỗi người đều có một số các nhu cầu tiềm ẩn mà Phúc âm nhằm thỏa mãn.  Đặc điểm của Cơ-đốc giáo là thích hợp cho mọi nhu cầu của con người. Nhiệm vụ của chúng ta là phải sống gần gũi với con người để biết các nhu cầu và những vấn đề mà có thể là họ không thể nói ra, để rồi làm cho họ được thỏa mãn bằng Phúc Aââm của Chúa.  Vai trò biện giáo là đáùp ứng cho từng bối cảnh riêng biệt.  Chúng ta phải thận trọng đừng trả lời cho những câu hỏi mà chẳng hề có ai đặt ra cả.

 

Quan điểm (the point of view): Yếu tố thứ hai trong biện giáo là một quan điểm riêng biệt, một cấu trúc toàn diện (framework) tạo hình cho việc biện hộ. Ở đây, yếu tố quan trọng không phải là sự kiện tính (factuality), mà là nhất quán tính (consistency) mà tất cả các sự kiện họp lại đều nói lên tính cách trước nhau như một đó. Ở đây, Cơ-đốc nhân rút ra những chân lý trong Lời mặc khải của Đức Chúa Trời và tìm cách quán triệt, thông hiểu những chân lý ấy một cách nhất quán, toàn diện.  Một phần quan trọng của công tác biện giáo sẽ là việc thấu triệt các hàm ý của một quan điểm hữu thần, theo đó Đức Chúa Trời được quan niệm như là Đấng Tạo Hóa, bảo tồn và cứu chuộc vũ trụ này.  Mọi sự đều phải được nhìn bằng ý chỉ và chủ đích của Ngài, như được bày tỏ trong Lời mặc khải.  Theo cái nhìn của Cơ-đốc nhân thì công cuộc sáng tạo trời đất muôn vật nói lên các chủ đích tốt lành của Đức Chúa Trời; con người vốn là loài thọ tạo độc nhất vô nhị phản ảnh cá tính của chính Đức Chúa Trời và do đó có một giá trị vô hạn; lịch sử kể lại sự tích Đức Chúa Trời đã can thiệp tích cực nhằm vãn hồi trật tự cho mọi sự việc đã bị tánh ích kỷ của con người phá hư.  Điều mà nhà biện giáo Cơ-đốc đưa ra vốn không phải là một lời thách thức phải lắng nghe các lý lẽ của chúng ta cho bằng là một lời mời gọi hãy nhìn vào thế giới theo như cách vừa kể trên, để thấy điều mà chúng ta tin là đúng, là thật.  Chúng ta nhấn mạnh là hãy đáp ứng lại với mọi sự theo như cách đó; hãy tuân thủ những lời chỉ giáo của Đấng Tạo Hóa thì mọi sự sẽ trở thành có ý nghĩa cho bạn.

 

Khởi điểm (the starting point):  Chúng ta có thể đề cập đến yếu tố này vào bằng cách đặt câu hỏi: Điều mà biện giáo tìm kiếm trước tiên là đức tin (một sự dấn thân, đáp lại tiếng gọi của Đức Chúa Trời) hay là lý trí (việc thông suốt đức tin [đạo])? Lẽ dĩ nhiên là không thể phân rẽ hai yếu tố này, vì một sự đáp ứng chân thật nào đó đều bao hàm một ít hiểu biết, và ngày nay, chúng ta đã học biết được rằng kiến thức phải bao gồm cả những yếu tố phi lý (non-rational) nữa. Nhưng về cơ bản, thì đã có hai phương pháp biện giáo: một phương pháp nhấn mạnh là chúng ta phải hiểu rồi mới có thể tin; còn phương pháp kia lại nhấn mạnh rằng chúng ta phải tin rồi mới hiểu được.  Số người thuộc nhóm thứ nhất, cho rằng tìm hiểu rồi mới tin, vốn đã có ngay từ những ngày đầu tiên của lịch sử Cơ-đốc giáo. Justin Martyr là một trong số các đại diện đầu tiên. Trong thời Trung cổ, Thomas Aquinas lý luận rằng người ta có thể biết được một vài điều gì đó là đúng về Đức Chúa Trời ở ngoài sự mặc khải. Joseph Butler, thế kỷ thứ mười tám, cũng tin rằng các nguyên tắc luân lý đạo đức vốn là trực giác hiển nhiên đối với tất cả những ai biết suy nghĩ.  William Breaton Greene và B. B. Warfielf, được coi là đại diện của “trường phái thần học Princeton,” xem vai trò của Biện giáo như là một ngành của thần học được thiết lập trên những tiền đề (presuppositions) của thần học hệ thống như sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, bản tính tôn giáo của con người, và chân lý mặc khải lịch sử của Kinh Thánh.  Greene dạy rằng ý niệm về Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời vốn được đặt cơ sở trên việc chính lý trí phải được thừa nhận là có giá trị.  Lý trí là một tài năng nhận thức mà trong phạm vi riêng của nó, phải có nó thì người ta mới biết đối chiếu và phán đoán; nó là nguồn gốc và là cơ sở của chân lý tôn giáo.  Lẽ tất nhiên là cả Greene lẫn Warfield đều không bảo rằng lý trí là vô ngộ, mà chỉ nói rằng trước khi sự mặc khải đến, thì lý trí là phương pháp duy nhất mà chúng ta có để tra vấn chân lý. Quan điểm của họ là nếu chúng ta không thể đặt nền móng cho đức tin Cơ-đốc trên các cơ sở hữu lý, nếu chúng ta không thể chứng minh việc có thể có các phép lạ hay chứng thực được sự hiện hữu của một Đấng Cai Trị khôn ngoan và có quyền năng  thì chúng ta chỉ có một đức tin vô căn cứ, thiếu nền móng.  Nói như thế không có nghĩa là bảo rằng lý trí có thể phát giác ra các chân lý của sự mặc khải, nhưng là lý trí có khả năng nhận ra chúng.  Một người có thể bị bệnh quá nặng không thể tìm ra thứ thuốc mình cần có để chữa bệnh cho mình, nhưng không thể không nhận ra và bảo cho người khác biết mình đang cần gì.  Đức tin mà không đưa ra được chứng cứ hiển nhiên là bất hợp lý, vì đức tin bao hàm lòng tin quyết do chứng cứ hiển nhiên tạo ra.  Như thế, biện giáo phải thiết lập các chân lý căn bản được giả định trước là có, để tạo ra nền thần học hệ thống.  Warfield thì tin rằng Đức Thánh Linh rất cần thiết để tạo ra đức tin cứu rỗi, nhưng lý trí có thể tạo nền móng cho một đức tin như thế.3   Warfield tin rằng Cơ-đốc giáo ”đã được đưa vào trong thế gian để hợp lý hóa phương pháp khiến nó thống trị thế gian. Và chính là nhờ phương pháp lý luận của nó, mà nó chiếm được vương quyền”4 

 

Phương pháp thứ hai cũng có các đại diện ngay từ các giai đoạn nguyên thủy của lịch sử Cơ-đốc giáo.  Cả Augustine lẫn Anselm đều dùng câu tin để hiểu. Những người thừa kế truyền thống đó của họ gồm có John Calvin, Blaise Pascal, và trong thế kỷ trước là Abraham Kuyper.  Theo Kuyper, thì biện giáo chỉ nên bênh vực cho những gì đã được đưa ra một cách có hệ thống.  Đức tin là phạm trù tiên khởi.  Kuyper gọi đức tin đó là ”một hành động bởi đó ý thức của chúng ta bị bắt buộc phải đầu phục chính nó để giữ một cái gì đó là thật, và để vâng theo một điều gì đó.”5  Thật ra, người ta chắc chắn một cái gì đó rồi, trước khi đưa ra hay chấp nhận một chứng minh.  Đức tin là việc giả định trước mọi chứng minh.  Vì tội lỗi đã làm tổn hại cả bản tính của chúng ta, cho nên đến cuối cùng sẽ chẳng có gì có thể chứng minh được.  Cuộc tranh luận sẽ chẳng tiến được xa hơn là nhìn nhận có sự mâu thuẫn ngay trong tâm thức chúng ta, và sự khiếm khuyết của lý trí chúng ta để hoàn toàn thỏa mãn sự khao khát muốn theo đuổi sự hiểu biết.  Do đó, tất cả rắc rối ấy là loài người đã dấn thân để có thể tiến bộ bằng cách lý luận sao cho hợp lý, từ sự nhận biết sự khiếm khuyết của lý trí chúng ta làm khởi điểm, vốn là một việc phí sức vô ích.6   Lẽ dĩ nhiên là Kuyper không phủ nhận là lý trí sẽ có một vai trò trong việc tin quyết, nhưng đó sẽ chỉ luôn luôn là một vai trò thứ yếu. ”Lời chứng của Đức Thánh Linh là và luôn luôn sẽ là quyền phép duy nhất có thể đưa chúng ta đến chỗ ý thức được tính cách chắc chắn của nguyên tắc đặc biệt (Kinh Thánh)”7 

 

Warfield phản bác rằng phương thức của Kuyper trước hết chỉ giải thích cái hệ thống trước rồi sau đó mới đặt câu hỏi đó là sự kiện hay việc tưởng tượng. Warfield tin rằng điều đó chắc chắn sẽ dẫn tới thần bí chủ nghĩa.  Đây là lời tố cáo thường được đưa ra chống lại những người không chịu để cho lý trí giữ vai trò chủ yếu (primary) hay chủ động (autonomous).  Những người thuộc trường pháp thứ hai này cho rằng khi nào vai trò của lý trí được thổi phồng thì có nguy cơ đưa đến duy lý chủ nghĩa.

 

Những điểm dị biệt giữa hai quan điểm trên đây một phần do cách định nghĩa khác nhau về biện giáo.  Phương pháp đầu chủ trương rằng việc chứng minh một cách hợp lý nội dung của niềm tin có thể được thực hiện ngoài sự vận hành của Đức Thánh Linh; như vậy, biện giáo hoàn toàn chỉ là một công việc của lý trí. Mặt khác, phương pháp thứ hai buộc chặt biện giáo vào với việc truyền giảng Phúc âm như một thành phần của tiến trình thuyết phục người ta tin nhận Chúa Cứu Thế.  Trong khi chúng ta chấp nhận phương pháp thứ hai, chúng ta cũng sẽ cố gắng chứng tỏ rằng việc dành cho đức tin vai trò chủ yếu không có nghĩa làø xem nhẹ lý trí và chứng cớ, nhưng đúng hơn là chứng tỏ lý trí và chứng cớ có một vai trò thích đáng và thiết yếu.  Đức Chúa Trời đòi hỏi một sự đáp ứng toàn diện gồm cả tâm trí, ý chí và óc tưởng tượng, tất cả phải tích cực tham gia vào chương trình đang diễn tiến của Ngài.  Chúng ta phải làm theo cũng như nhận biết ý chỉ của Ngài. Chúng ta phải bày tỏ cũng như tin cậy vào cá tính của Ngài; và chúng ta phải tuân giữ cũng như phải chấp nhận Lời Ngài.

 

III. NHỮNG CÂU HỎI LIÊN QUAN

ĐẾN BIỆN GIÁO

 

Một Cơ-đốc nhân phải bênh vực, bảo vệ gì?   Giu-đe câu 3 đưa ra lời đáp cho câu hỏi này: ”Hãy tích cực bảo vệ chân lý...mà Đức Chúa Trời ban cho dân Ngài một lần là đủ”. Đó là chân lý nằm trong Kinh Thánh, là ”đức tin” mà chúng ta phải bày tỏ và bảo vệ.  Tuy nhiên, chúng ta không hề đựơc kêu gọi phải bảo vệ cho tất cả những gì mang nhãn hiệu Cơ-đốc.  Điều chúng ta phải tìm cách trình bày cho thật rõ ràng là chân lý mặc khải, tức là Lời sống động và đầy năng lực của Đức Chúa Trời (Hêb 4:12). 

 

Có thật cần thiết phải bảo vệ cho Cơ-đốc giáo hay không? Nếu Phúc âm là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu rỗi người ta, thì chúng ta là ai mà lại tìm cách bảo vệ, bênh vực nó? Dầu sao thì một con sư tử đâu cần được ai bảo vệ; người ta chỉ cần thả cho nó tự do mà thôi.  Chắc chắn cũng có một vài bằng cớù hiển nhiên chứng minh cho quan điểm rằng biện giáo là không thật sự cần thiết.  Khi Martin Luther được hỏi ông đã làm gì mà gây đủ thứ rắc rối bên Đức như thế, ông đã trả lời: “Tôi chỉ giảng, dạy, và viết về Lời Đức Chúa Trời mà thôi; ngoài ra tôi chẳng hề làm gì khác. Và trong khi tôi ngủ... thì Lời Chúa đã làm cho ngôi giáo hoàng bị suy yếu rất nhiều đến nỗi chưa hề có nhà vua hay vị hoàng đế nào bị tổn hại nhiều đến thế. Tôi đã chẳng làm gì cả; chỉ có Lời Chúa đã làm mọi sự” (4:241).

 

Cornelius Van Til, một nhà biện giáo hiện đại, cho rằng rằng truyền giảng là phương pháp biện giáo hay nhất. Nhưng trong khi chúng ta đã thấy rằng nếu lý trí vốn không thể giữ vai trò chính yếu để đem lại đức tin thì nó cũng giữ một vai trò rất quan trọng.  Nếu nó không phải là nguyên nhân đầy đủ để tạo ra đức tin, thì nó là một nguyên nhân cần thiết để tạo ra đức tin.  Nếu chưa hề có ai nhờ lý luận mà vào được Nước Trời, thì cũng chưa hề có ai đã trở thành một Cơ-đốc nhân mà không hề có một lý do nào đó.  Dầu Đức Thánh Linh giữ vai trò chủ yếu, nhưng Ngài chỉ vận hành bên trong và thông qua lý trí chúng ta.  Đức Thánh Linh sử dụng chân lý để khiến con người sống lại và phục hồi địa vị cho con người.

 

Tội lỗi có khiến cho lý trí trở thành không tin cậy được hay không? Tuy quả thật là tội lỗi có ảnh hưởng trên tất cả mọi việc làm của con người, kể cả việc lý luận, nhưng bảo rằng một người nào đó không thể hiểu được chân lý khi có người trình bày cho người ấy, thì không đúng.  Hình ảnh của Đức Chúa Trời nơi con người đã không hề bị mất hẳn khi loài người sa ngã.  Khả năng hiểu được chân lý cũng là một trong những ân huệ của Chúa ban cho.

 

Ai cần đến Biện giáo?  Cơ-đốc nhân, người không phải là Cơ-đốc nhân, hay cả hai?  Lẽ dĩ nhiên là chúng ta nghĩ trước hết đến những người không phải là Cơ-đốc nhân, vì có lẽ họ là những người chống lại đạo nhiều nhất.  Thế thì biện giáo liên hệ với công tác truyền giảng như thế nào?  Điều rõ ràng là nhờ công tác truyền giảng mà người thường có thể đến được với Chúa Cứu Thế. Phao-lô nói ”Vì thế gian...không nhờ khôn ngoan của Đức Chúa Trời để nhận biết Ngài, nên Đức Chúa Trời vui lòng dùng lối truyền giảng có vẻ khờ dại của chúng tôi để cứu rỗi những người tin nhận” (ICô 1:21).  Sự khờ dại này - mà Tân ước gọi là “sự gây vấp phạm của Phúc âm” - vốn là tảng đá vấp phạm cho rất nhiều người.  Họ không chịu chấp nhận nó cả khi nó đã được trình bày và thấu hiểu rõ ràng, dầu chẳng hề có luận cứ biện giáo nào lại có thể cất đi cái chướng ngại vật đó.  Nhưng đối với một số đông người khác, thì không phải là sự khờ dại của Phúc âm đã gây trở ngại cho họ, nhưng là một cái tai tiếng có liên hệ với Cơ-đốc giáo.  Có thể họ đang bị Cộng sản chủ nghĩa thu hút nên tự hỏi chẳng hay Cơ-đốc giáo có một chương trình nào tương đương như vậy để phát triển nhân loại không. Họ có thể rối trí vì vấn đề tội lỗi: làm thế nào Đức Chúa Trời lại để cho những con người vô tội phải chịu đau khổ?  Có thể họ đã nghiên cứu triết học và tự hỏi làm thế nào để hiểu được Cơ-đốc giáo thông qua các phạm trù triết học? Tất cả những thách thức này đều có thể và cần phải được đáp ứng.  Mọi biện pháp bên ngoài nhằm tự vệ chống lại Cơ-đốc giáo cần phải bị triệt hạ để chân lý có thể thâm nhập trung tâm thành phố. Tại đọ, Biện giáo có một vai trò nhằm dọn sạch khu đất để dành chỗ cho tín ngưỡng, cất đi mọi chướng ngại vật trên đường để dọn đường cho việc truyền giảng Phúc âm. Muốn làm việc ấy, chúng ta sẽ luôn luôn phải trực diện với những câu hỏi chân thành và phấn đấu để đưa ra những lời đáp đã được suy nghĩ chín chắn.

 

Nhưng biện giáo vốn có một vai trò trong đời sống người tín hữu nữa.  Một thần học gia hiện đại, Paul Tillich đã lý luận rằng trong đức tin của tất cả mọi người đều có một yếu tố nghi ngờ.  Có lẽ do hệ quả của việc làm người mà thỉnh thoảng chúng ta vẫn có những thắc mắc nghiêm trọng đối với đức tin mà chúng ta phải đương đầu. Một phần của sự tăng trưởng trong sinh hoạt làm Cơ-đốc nhân bao gồm việc phải thẳng thắn đương đầu với các thắc mắc ấy mỗi khi chúng xuất hiện để đưa ra câu trả lời đúng nhất cho chúng.  Bouillard nói, Biện giáo là ”một đặc tính thiết yếu và là một trong những điều kiện thường trực của đức tin” (tr.12). Được nhìn dưới ánh sáng ấy, hoạt động biện giáo là dấu hiệu của sự cường tráng của đức tin Cơ-đốc.

 

Đâu là vai trò của sự mặc khải và của Đức Thánh Linh trong biện giáo? Rõ ràng Kinh Thánh là chuẩn mực cho việc tự vệ của chúng ta cũng như cho mọi lãnh vực khác của đức tin và của việc hành đạo của chúng ta.  Nhưng Kinh Thánh không đến với chúng ta dưới hình thức giải đáp được mọi thắc mắc của chúng ta.  Đức Chúa Trời luôn luôn ứng dụng sự mặc khải để đáp ứng tình trạng nhân sinh của chúng ta, và điều đó có nghĩa là Ngài tự bày tỏ mình ra cho chúng ta dưới các hình thức lịch sử và văn hóa riêng biệt mà chúng ta phải học để giải thích.  Biện giáo có thể nêu ra cho chúng ta những câu hỏi mà lời đáp thì nằm trong Kinh Thánh, nhưng chúng ta phải có đủ kiên nhẫn để cẩn thận tự làm quen với ngôn ngữ và cấu trúc của Kinh Thánh để qua đó chúng ta nghe được những điều mà Đức Chúa Trời phán dạy.

 

Kinh Thánh cung cấp một chuẩn mực cho việc thảo luận biện giáo theo hai cách: thứ nhất, sách ấy đề cập các biến cố cá biệt, mà khi được giải nghĩa đúng, sẽ là các biến cố nhằm mục đích cứu rỗi.  Bộ sách ấy cung ứng nhiều thí dụ độc đáo và đầy đủ về sự tự mặc khải để cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Bắt đầu bằng công cuộc sáng tạo để dẫn tới ngày cáo chung được báo trước, các biến cố ấy họp thành cuộc đời và lịch sử của Cơ-đốc nhân.  Chúng ta phải nhận ra điều mà bản thân ta có liên hệ với câu chuyện trong đó. Thứ hai, các biến cố ấy và cách giải nghĩa do linh cảm cung cấp cho chúng ta những điểm đối chiếu nhằm tác tạo và nhào nặn tư tưởng chúng ta.  Chúng giúp chúng ta hiểu rõ tính tập trung của Đức Chúa Trời, sự tốt lành của công trình sáng tạo và ảnh hưởng đáng buồn của tội lỗi, đó là chỉ kể ra vài luận đề căn bản mà thôi. Các luận đề ấy cung cấp cho chúng ta cả một cấu trúc dựa vào đó mà suy nghĩ về Biện giáo. Nhưng chúng ta không thể xây dựng một cấu trúc toàn diện để tham khảo, đối chiếu nếu không được sự trợ giúp bên ngoài.  Đây là điểm đề sự vật hành của Đức Thánh Linh chen vào. Đức Thánh Linh đến được ban cho chúng ta để làm chứng cho Chúa Cứu Thế và chân lý của sự mặc khải, nhưng Ngài không hành động trong cõi hư vô.  Ngài không rỉ tai để trả lời cho chúng ta trong khi chúng ta ngồi đó với quyển Kinh Thánh mở ra trước mặt. Ngài vận hành bên trong và thông qua việc chú giải Kinh Thánh thật thận trọng, cung cấp việc phê bình liên tục có tích cách tiên tri cho đời sống và tư tưởng chúng ta, ứng dụng chân lý ấy cho lòng ta, và như John Calvin thường nói là chế phục tấm lòng của chúng ta để chúng trở thành dễ dạy. Đức Thánh Linh cũng không khiến cho lý trí và chứng cứ hiển nhiên trở thành không cần thiết; trái lại, Ngài vận hành bên trong và thông qua chúng để khiến cho ánh sáng lóe lên, và để chúng ta đầu phục phần chứng cứ hiển nhiên đã có sẵn trong đó rồi. Xin chúng ta đừng tự tách riêng ra khi tìm cách bảo vệ cho chân lý một cách thông minh, nhưng cũng đừng nên đề cao quá đáng tầm quan trọng của việc lý luận. Chúng ta chỉ nên đơn giản làm những gì mình có thể làm được, rồi cầu nguyện và chờ đợi để Chúa làm điều Ngài muốn.

 

 

 

 

 

 

 

CÂU HỎI

 

  1. Biện giáo (Apologetics) là gì?  Từ ngữ này phát xuất từ đâu?  Xin trưng dẫn một số câu Kinh Thánh làm nền tảng cho khoa biện giáo.

 

  1. Tại sao có người cho rằng biện giáo là điều không cần thiết.  Theo bạn, biện giáo quan trọng thế nào đối với tín hữu? Đối với người chưa tin?  Biện giáo có thể bày tỏ thế nào tinh thần chứng đạo tích cực của Cơ-đốc nhân?

 

  1. Xin giải thích vắn tắt các yếu tố của biện giáo.

 

  1. Cho biết nhận định của bạn về lời phát biểu sau đây: “Trong việc biện giáo đức tin đứng hàng đầu, còn lý trí là thứ yếu.”   Đức Thánh Linh vận hành như thế nào trong lý trí và trong mặc khải?  Lý trí và mặc khải tương quan nhau thế nào?

 

  1. Xin giải thích vai trò của lý trí và chứng cứ (evidence) trong việc đưa một người đến với Chúa Cứu Thế?  Bạn có kinh nghiệm gì về điều này?

Top