Reader
Trang Đầu | Mục Lục | << CHƯƠNG 2 | CHƯƠNG 4 >>

CHƯƠNG 3

NHỮNG QUAN ĐIỂM VỀ THƯỢNG ĐẾ

 

I. LUẬN CHỨNG VỀ SỰ HIỆN HỮU

CỦA THƯỢNG ĐẾ

           

            Vào thời Trung Cổ, Thomas Aquinas đã nêu ra những luận chứng về sự hiện hữu của Thượng Đế dựa vào nguyên nhân và hậu quả, tính khả thể và tất yếu, tính toàn hảo, và mục đích của sự vật.

 

            Luận chứng dựa vào nguyên nhân và hậu quả  (the argument from cause):  Luận chứng này cũng còn gọi là luận chứng vũ trụ học (the cosmological argument). Theo luận chứng này, mọi sự vật đều có nguyên nhân.  Tuy nhiên nguyên nhân không thể đẩy lùi đến vô tận, vì thế phải có một nguyên nhân đầu tiên tự hữu làm nền tảng cho mọi nguyên nhân.  Nguyên nhân đó chính là Thượng Đế.  Ngài là căn nguyên của vũ trụ vạn vật.

 

            Luận chứng dựa vào tính khả thể và tất yếu (the argument from possibility an necessity):  Mọi sự vật đều hiện hữu trong tương quan với nhau như một mạng lưới (network), tùy thuộc vào nhau.  Tuy nhiên sự tùy thuộc vào nhau này cũng không thể đẩy lùi đến vô tận. Vì thế phải có một hữu thể hoàn toàn độc lập, không tùy thuộc vào bất cứ sự vật nào.  Hữu thể đó chính là Thượng Đế.

 

            Luận chứng dựa vào tính toàn hảo (the argument from perfection): Khi quan sát sự vật trong vũ trụ, chúng ta thấy có sự tăng tiến từ đơn sơ đến toàn hảo theo hình kim tự tháp, chẳng hạn sự tăng tiến từ côn trùng, thú vật, cho đến con người.  Như thế phải có một đấng tuyệt đối toàn hảo là nguồn của mọi thứ toàn hào. Đấng tuyệt đối toàn hảo đó là Thượng Đế.

 

            Luận chứng dựa vào mục đích (the argument from design): Luận chứng này cũng gọi là cứu cánh luận (the teleological argument): Mọi sự vật đều có cùng đích hay cứu cánh.  Nhưng sự vật không thể tự sắp đặt một cùng đích hay cứu cánh cho mình nhưng phải có một đấng khôn ngoan thiết lập trật tự và cùng đích cho mọi sự vật.

 

Ngoài ra còn có những luận chứng dựa vào hữu thể luận, đạo đức và nguyên tri con người.

 

Luận chứng hữu thể học (Ontological argument):  Đây là luận chứng của Anselm of Canterbury, dựa vào tam đoạn luận. Đại đề: Con người có một ý tưởng về một hữu thể vô hạn và toàn hảo.  Tiểu đề: Sự hiện hữu là một trong những điều cần thiết cho sự toàn hảo.  Kết luận: Vậy một hữu thể vô hạn và toàn hảo phải hiện hữu, vì chính khái niệm về sự toàn hảo đòi hòi sự hiện hữu.

 

Luận chứng dựa vào đạo đức (the moral argument).  Đây là luận chứng được Immanuel Kant nhấn mạnh.  Theo luận chứng này, trong mỗi người đều có sẵn một khuynh hướng đạo đức, có ý thức về thiện ác, thưởng phạt.  Vì thế phải có một Thượng Đế làm nền tảng và tiêu chuẩn cho những khuynh hướng và ý thức đạo đức này.

 

Luận chứng dựa vào lương tâm hay nguyên tri (an innate idea):  Mọi người bình thường sinh ra đều có sẵn một ý tưởng về Thượng Đế trong tâm trí.  Khi càng trưởng thành, ý tưởng về Thượng Đế càng rõ ràng hơn. Luận chứng này được Augustine, Calvin, Charles Hodge nhấn mạnh.

 

II. NHỮNG QUAN NIỆM KHÁC NHAU

VỀ THƯỢNG ĐẾ

 

Đa thần (Polytheism)

Đây là quan điểm của các tôn giáo cổ sơ, Ấn độ giáo, Phật giáo thiền tông (Zen Buddhism), tôn giáo Mọt-mon (Mormonism).  Quan điểm này cho rằng có nhiều thần linh.  Đức Chúa Trời chỉ là một trong vô số thần linh.  Quan niệm này thường liên kết với sự thờ phượng thiên nhiên.  Quan niệm này khác với quan niệm  “henotheism” cho rằng có nhiều thần linh nhưng có một vị thần cao hơn hết.

Tuy nhiên, đối chiếu với Kinh Thánh, chúng ta biết có một Đức Chúa Trời duy nhất và chân thật (Phục 6:4; Ê-sai 43:10-11; 1Cô 8:4-6; Gal.4:8).

Duy niệm  (Idealism)

Đây là quan niệm của Plato, Josiah Royce, William Hocking, Cơ-đốc giáo Khoa Học (Christian Scientists), Hegel, Emerson.  Đây là quan niệm triết học nhị nguyên (dualism), phân biệt giữa vật chất và tinh thần, cho rằng những gì tuyệt đối chỉ có trong ý niệm. Thượng đế chỉ là hình ảnh mơ hồ của ý niệm. Thượng đế tuy toàn hảo, siêu việt, toàn tri nhưng vẫn là Thượng đế vô ngã (impersonal).

Quan niêm này trái ngược với Kinh Thánh.   Đức Chúa Trời của Cơ-đốc giáo là Thượng Đế  hữu ngã (personal) và siêu việt (transcendent) (Ps. 103:13; 113:5-6; Ê-sai 55:8-9).

 

Duy thực(Realism)

Đại diện cho quan điểm này là Thomas Reid(1710-1796), theo đó sự vật hiện hữu độc lập với sự nhận thức con người.  Quan điểm này nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của trực gíac. Cũng giống như quan điểm duy niệm, Thượng đế là một hữu thể khác biệt với tạo vật của Ngài, vì thế Ngài siêu việt đối vớùi mọi  tạo vật. 

Theo Kinh Thánh, con người không thể sống độc lập với Đức Chúa Trời cũng như không thể tự mình đạt đến chân lý thuộc linh một cách độc lập (Công 17:28; 1Cô 2:10-14)

Phiếm thần (Pantheism) 

Đây là chủ trương của Spinoza (1632-1677), Radhakrishnan (1888-1975) cũng như Ấn độ giáo.  Quan niệm này đồng hoá Thượng đế với vạn vật. Thượng đế là mọi vật và mọi vật là Thượng đế. Vì thế Thượng đế vô ngã (impersonal) và nội tại(immanent) trong vạn vật, không siêu việt.

 

Theo Kinh Thánh, Đức Chúa Trời là Thượng Đế hữu ngã và siêu việt (Thi 103:13; 113:5-6; Ê-sai 55:8-9)

 

Thượng đế Siêu việt và Nội tại (Panentheism)

Đây là quan điểm của Diogenes, Henri Bergson, Charles Hartshorne, Alfred N. Whitehead, Schubert Ogden, John Cobb, và thần học diễn biến (Process Theology).  Theo quan niệm này, Thượng đế cũng như mọi thực tại đều nằm trong tiến trình biến đổi (process).  Thượng đế khác biệt với thế giới nhưng bất khả phân ly và tuỳ thuộc hổ tương với thế giới, vì thế trong một ý nghĩ nào đó Ngài là Thượng đế hữu hạn.  Bản chất Thượng đế vừa là hiện thực như đang có (actual pole) vừa có khả năng trở thành (potential pole), cho nên quan niệm này còn được gọi là quan niệm Thượng đế lưỡng cực (bipolartheism).

 

Theo Kinh Thánh, chúng ta biết Đức Chúa Trời vô hạn (Thi 139:7-12; Giê. 23:23; Khải 1:8). Đức Chúa Trời siêu việt (Thi 113:5-6), toàn năng (Sáng 18:14; Mat. 28:18).  Khác với thần học diễn biến, Kinh Thánh cho thấy con người tuỳ thuộc vào Ngài (Công 17:28) nhưng Ngài không cần tuỳ thuộc con người (Xuất 3:14, Đa 4:35)

 

Duy thần(Deism):

 

Những người chủ trương quan điểm này gồm Voltaire (1694-1778),Thomas Hobbes (1588-1679), Thomas Jefferson, cũng như các nhà tiến hóa hữu thần (Theistic Evolutionists) .  Họ tin có một Thượng đế hữu ngã, siêu việt nhưng Ngài không can thiệp vào vũ trụ mà Ngài đã dựng nên.

 

Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời là Đấng liên hệ và quan tâm đến thế giới là tạo vật của Ngài.(2Sử 16:9,;Công 17:28; Aghê 2:5; Mat.6:25-30; Công 17:28).  Con người hư hoại (Giê 17:9; Êp.2:1-2) và cần đến ân điển của Ngài can thiệp để được cứu rỗi (Êph. 2: 8-9).

 

III. TRẢ LỜI CÁC QUAN ĐIỂM

 

Phần dưới đây được trích dịch từ cuốn Mere Christianity của C. S. Lewis (New York: The MacMillan Company, 1960), pp. 29-32. Bản dịch của Xuân Thu.

 

Nếu bạn là một Cơ-đốc nhân, bạn không cần phải tin rằng tất cả những tôn giáo khác đều sai lầm hết cả.  Nếu bạn là người không có tín ngưỡng, có lẽ bạn tin rằng mọi tôn giáo trên thế gian này chỉ là một lầm lẫn lớn.  Nếu bạn là một Cơ-đốc nhân, bạn có thể nghĩ rằng tất cả mọi tôn giáo, dù là tôn giáo kỳ dị nhất, đều chứa đựng một chút nào đó của lẽ thật.  Khi tôi còn là một người không có tín ngưỡng, tôi nghĩ rằng phần lớn nhân loại đếu nghĩ sai về câu hỏi đáng cho họ suy nghĩ nhất; khi trở thành Cơ-đốc nhân tôi có cái nhìn rộng rãi hơn.  Nhưng Cơ-đốc nhân mà có quan niệm là Cơ-đốc giáo đúng, khác với tất cả mọi tôn giáo khác và những tôn giáo này đều sai, là một điều dĩ nhiên.  Giống như trong toán học - một bài toán cộng chỉ có thể có một con số trả lời đúng, tất cả các con số trả lời khác đều sai:  nhưng trong những số sai đó có nhiều số gần đúng hơn những số khác.

 

Đa số con người tin tưởng ở một Đấng hoặc các thần nào đó, và thiểu số còn lại không tin gì hết.  Ở điểm này Cơ-đốc giáo cũng xếp hàng với đa số - như là Cổ Hy Lạp, Cổ La Mã, những người dã man tân thời, những người theo chủ nghĩa Stoics, Platonists, Hindus, Hồi Giáo, v.v..., đối lại với những người theo chủ nghĩa vật chất Tây Aâu.

 

Bây giờ, tôi đi đến một phân loại lớn khác.  Có thể chia ra những người tin ở Thượng Đế tùy theo Đấng họ tin tưởng.  Có hai ý tưởng rất khác nhau về đề tài này.  Một là ý tưởng cho rằng Thượng Đế vượt quá thiện và ác.  Loài người chúng ta cho một điều nào đó là thiện và một điều nào đó là ác.  Nhưng có người cho rằng, đó chỉ là quan điểm của con người mà thôi.  Họ nghĩ rằng khi càng khôn ngoan, con người càng không cho một điều nào đó thiện hoặc ác một cách rõ rệt, mà  một điều gì đó có thể cùng là thiện theo một chiều hướng và ác theo một chiều hướng khác.  Và kết quả của lý luận này là trước khi ta đi đến ý tưởng về thần thánh xa vời, sự khác biệt thiện ác sẽ không còn nữa.  Chúng ta gọi ung thư là ác vì ung thư giết người; nhưng lý luận như vậy có nghĩa là ta có thể gọi nhà giải phẫu ác vì ông ta giết ung thư.  Tất cả đều tùy thuộc vào cái nhìn mà thôi.  Ý tưởng thứ hai, đối nghịch lại ý tưởng trên, thì cho rằng Thượng Đế dĩ nhiên phải “thiện” hay “công bình,” là một Đấng chọn điều Ngài muốn chọn, một Đấng yêu thương tình yêu và ghét bỏ sự đáng ghét, một Đấng muốn chúng ta cư xử theo một chiều hướng nào đó rõ ràng.  Quan điểm thứ nhất - quan điểm cho rằng Thượng Đế vượt quá thiện và ác - được gọi là Phiếm Thần Luận.  Người có quan điểm này là một triết gia đại tài, người Prussian, tên à Hegel, và theo tôi được biết, người Hindus cũng theo thuyết này.  Người Do Thái, người theo Hồi giáo và Cơ-dốc giáo theo quan điểm thứ hai.

 

Ngoài sự khác biệt vừa kể, còn có một sự khác biệt nữa giữa quan điểm về Thượng Đế của Phiếm Thần Giáo và Cơ-đốc Giáo.  Người theo Phiếm Thần Giáo nói chung tin rằng Thượng Đế làm cho vũ trụ hoạt động, giống như bạn hoạt động cơ thể bạn:và vũ trụ hầu như là Thượng Đế, cho nên nếu không có vũ trụ thì không có Thượng Đế, và bất cứ điều gì bạn tìm thấy trong vũ trụ là một phần của Thượng Đế.  Ý tưởng của Cơ Đốc giáo thì khác hẳn.  Cơ-đốc nhân nghĩ rằng Thượng Đế sáng tạo ra vũ trụ - giống như người vẽ một bức tranh hay sáng tác một âm điệu.  Người họa sĩ không phải là bức tranh và không chết nếu bức tranh bị phá hủy.  Bạn có thể nói “họa sĩ đã để chính mình thật nhiều vào bức tranh”, nhưng ý bạn chỉ muốn nói là từ đầu óc họa sĩ đã nảy ra tất cả những vẻ đẹp và sự sáng tạo.  Sự khéo léo của họa sĩ thể hiện qua bức tranh không giống như là sự khéo léo trong đầu óc hay là sự khéo tay của họa sĩ.  Tôi hy vọng bạn thấy được là sự khác nhau này giữa Phiếm Thần Giáo và Cơ-đốc giáo có liên hệ với sự khác nhau đã kể trên.  Nếu bạn không thấy được sự quan trọng của sự khác biệt giữa “thiện và ác” thì rất là dễ để cho rằng bất cứ cái gì trong đời này cũng là một phần của Thượng Đế.  Nhưng dĩ nhiên nếu bạn nghĩ về một cái gì đó thật là xấu, và Thượng Đế là thật sự tốt lành, thì bạn không thể lý luận như vậy được.  Bạn  phải nghĩ rằng Thượng Đế không thuộc về vũ trụ, và nhiều điều ta tìm thấy trong vũ trụ là trái với ý Ngài.  Đương đầu với ung thư, hay một cái xóm ẩm thấp bẩn thỉu, người thuộc Phiếm Thần Giáo có thể nói “Nếu nhìn qua cương vị thần tính, bạn sẽ thấy đó cũng là Thượng Đế”.  Người Cơ-đốc trả lời “Đừng nói chuyện vô lý”.  Vì Cơ-đốc giáo là một tôn giáo chiến đấu.  Cơ-đốc giáo tin rằng Thượng Đế tạo dựng vũ trụ - nghĩa là không gian và thời gian, nóng và lạnh, tất cả màu sắc và mùi vị, tất cả thú vật và cây cỏ, là những gì do Thượng Đế “tạo ra bởi đầu óc của Ngài”, như một người đặt ra một câu chuyện.  Cơ-đốc giáo cũng nghĩ rằng có điều gì sai lạc trong thế giới mà Thượng Đế đã tạo dựng và Ngài nhấn mạnh một cách rõ ràng rằng chúng ta phải làm sao cho đúng trở lại.

 

Vấn đề là gì?  Một vũ trụ chứa đựng những thứ xấu xa và không nghĩa lý, nhưng cũng có những sinh vật như chúng ta, là những người biết là nó xấu xa và không nghĩa lý gì hết.  Chỉ có hai quan điểm để đối diện với tất cả các sự thật đó.  Một là quan điểm Cơ-đốc giáo, cho rằng đây là một thế giới tốt lành đi sai lạc, và vẫn còn giữ những kỷ niệm về những gì nó nên có.  Quan điểm kia gọi là thuyết Nhị Nguyên Luận.  Thuyết này cho rằng có hai quyền năng đồng nhau và độc lập nhau, ở đằng sau mọi thứ một quyền năng là thiện và quyền năng kia là ác, và vũ trụ này là chiến trường mà họ dấu nhau không dứ.  Theo ý riêng tôi, sau Cơ-đốc giáo, thuyết Nhị Nguyên Luận là thuyết trưởng thành và có lý nhất.  Nhưng thuyết này lại có một cái sai.

 

Theo thuyết này. hai quyền năng thiện và ác phải độc lập nhau.  Cả hai đều hiện hữu từ lúc ban đầu.  Đấng này không tạo ra đấng kia, và không đấng nào có quyền tự gọi mình là Thượng Đế.  Có thể mỗi bên đều nghĩ mình là thiện và phía kia là ác.  Một bên thích sự đáng ghét và ác độc, bên kia thích sự tốt lành và thương xót, và mỗi bên đều có lý của mình.  Bây giờ khi ta gọi một bên là Thiện một bên là Ác, chúng ta có ý nói gì?  Một là ta chỉ muốn nói ta thích bên này hơn bên kia - như thích rượu bia hơn nước táo - hai là ta nói rằng không cần biết hai đấng ấy nghĩ gì, và dù ta có thích đấng nào đi nữa, một trong hai đấng này nghĩ sai và lầm lẫn khi cho chính mình là thiện.  Nếu chúng ta chỉ muốn nói rằng chúng ta thích đấng đầu tiên, thì chúng ta không cần đề cập đến thiện ác chi nữa.  Vì thiện có nghĩa là cái chúng ta chọn, mà không cần biết chúng ta thích cái gì vào lúc nào.  Nếu “thiện” có nghĩa giản dị là đi theo phía chúng ta thích, mà không có lý do chi hết, thì thiện không đáng gọi là thiện nữa.  Vì vậy ta phải có ý cho rằng một trong hai quyền năng là sai, và quyền năng còn lại là đúng.

 

Nhưng ngay khi bạn nói như vậy, bạn lại đặt trong vũ trụ một đấng khác ngoài hai đấng kể trên: một luật lệ hay tiêu chuẩn hay điều lệ về điều thiện mà mộ trong hai quyền năng tuân theo, và phía bên kia không tuân theo.  Nhưng bởi vì hai quyền năng này được đoán xét bởi tiêu chuẩn này, cho nên tiêu chuẩn này, hay là Đấng tạo nên tiêu chuẩn này cao xa hơn cả hai đấng, và Ngài là Thượng Đế thật sự.  Như vậy, thật ra khi chúng ta gọi họ là thiện và ác thì có nghĩa là một đấng có mối liên lạc đúng với Thượng Đế, và đấng kia thì có mối liên lạc sai với Ngài.

 

Điểm này có thể được giải thích một cách khác.  Nếu thuyết Nhị Nguyên Luận đúng, thì ông Ác là ông thích điều ác thật.  Nhưng trên thực tế chúng ta không biết có ai thích làm điều ác chỉ vì đó là điều ác.  Cái gần sự ác nhất mà ta có thể có được là sự tàn nhẫn.  Nhưng ở đời con người tàn nhẫn vì hai lý do - một là họ bạo dâm, có nghĩa là họ có tính dục hư hỏng (sai lạc) làm cho sự tàn nhẫn đối với họ là một khoái lạc; hai là để họ được việc gì đó, như tiền bạc, quyền thế, hay sự an toàn.  Nhưng thú vui, tiền bạc, quyền thế và sự an toàn nói chung đều là những cái tốt.  Các ác là đeo đuổi những điều nay một cách sai lầm hay quá độ.  Dĩ nhiên tôi không muốn nói những người làm những chuyện kể trên không phải là những người ác độc thậm tệ.  Tôi chỉ muốn nói là khi bạn xem xét sự ác độc, bạn sẽ thấy nó có nghĩa là đeo đuổi cái gì tốt lành, nhưng theo đường hướng sai lầm.  Bạn có thể tốt cho chính sự tốt lành: bạn không thể ác độc cho chính sự ác độc.  Bạn có thể làm điều lành khi bạn không cảm thấy hiền lành chút nào, và khi bạn không vừa lòng chút nào, nhưng chỉ giản dị vì sự hiền lành là đúng; nhưng không ai làm một chuyện ác độc chỉ vì chuyện ác độc là sai, mà chỉ vì sự ác độc gây vui thú, hay lợi ích cho anh ta.  Nói một cách khác, sự ác độc không thể thành công vì nó ác, hiểu theo cái nghĩa điều thiện là thiện.  Như vậy điều thiện có nghĩa là chính nó:  còn điều ác là điều thiện mà bị hư hỏng đi.  Nhưng trước hết phải có điều thiện rồi nó mới bị hư.  Chúng ta gọi tính bạo dâm là một tính dục hư hỏng, vì bạn chỉ giải thích được cái hư hỏng từ cái bình thường, chứ không giải thích cái bình thường từ cái hư hỏng.  Vậy nên cho rằng Ông Ác đồng vai vế với Ông Thiện, yêu thích sự ác giống như Ông Thiện yêu thích điều thiện, thì không đúng.  Để là kẻ ác, ông ta phải đã ham thích điều thiện, nhưng đeo đuổi một cách sai lầm: ông ta cũng có những rung động tốt lành lúc đầu, để rồi sau đó mới làm hư hỏng đi được.  Nhưng nếu ông ta ác độc, ông ta không thể tự cung cấp cho chính mình những điều thiện, để ham muốn, hay những rung động tốt lành để làm hư hỏng.  Ông ta phải nhận lấy hai điều nay từ ông Thiện.  Và nếu vậy, ông ta không phải độc lập.  Oâng ta là một phần của thế giới ông Thiện:  hoặc  là ông ta được tạo dựng bởi ông Thiện hoặc bởi Đấng nào đó cao hơn cả hai.

 

Giải thích một cách giản dị hơn nữa.  Ông Ác phải hiện hữu và có sự khôn ngoan và ý chí để thực hiện sự ác độc.  Nhưng sự hiện hữu, khôn ngoan và ý chí là những gì tốt lành.  Vì vậy, ông ta phải nhận lấy những điều này từ  ông Thiện:  để thực hiện sự ác độc không thôi mà ông ta phải vay mượn, hoặc ăn cắp từ đối thủ của mình.  Bây giờ, bạn có bắt đầu thấy tại sao Cơ-đốc giáo luôn luôn bảo rằng ma quỉ là thiên sứ sa ngã không?  Đó không phải là mẩu chuyện chỉ dành cho trẻ con mà thôi.  Đó là sự chấp nhận rằng thật sự ma quỉ là kẻ ăn nhờ chứ không phải có từ nguyên thủy.  Quyền năng giúp cho ma qủy tiếp tục hành động là quyền năng do sự tốt ban cho.  Tất cả những điều khiến cho một người ác trở thành ác một cách hiệu quả nằm ngay trong chính điều tốt lành như sự quyết tâm, khéo léo, đẹp đẽ, hay chính sự hiện hữu.  Đây chính là lý do tại sao, theo nghĩa hẹp, thuyết nhị nguyên không đứng vững.

 

Vậy thì Cơ Đốc nhân tin rằng có một quyền năng đen tối hiện đang tự xưng là Vua Chúa của thế gian này.  Và dĩ nhiên điều này đưa ra nhiều vấn đề.  Tình trạng  như vậy có đúng theo ý muốn Thượng Đế hay không?  Nếu đúng thì Ngài phải là Đấng rất kỳ lạ: vì nếu không, sao lại có chuyện gì xảy ra ngược lại ý muốn của một Đấng có quyền năng tuyệt đối?

Nhưng bất cứ ai có quyền hành đều biết một chuyện có thể xảy ra theo ý mình trên một phương diện và không theo ý mình trên một phương diện khác.  Một bà mẹ có thể nói với những đứa con mình rất hữu lý rằng:  “Má sẽ không dọn phòng học của các con mỗi đêm nữa.  Các con phải tự làm sao giữ cho nó sạch sẽ.”  Một đêm kia bà vào phòng, thấy con gấu và bình mực, và sách văn phạm Pháp văn đều nằm trong lò sưởi.  Điều này trái ý bà muốn.  Bà rất muốn các con bà sạch sẽ gọn gàng.  Nhưng  trên một phương diện khác, ý bà cũng là để các con bà có tự do mà bề bộn.  Ở bất cứ một quân đội nào, nghiệp đoàn nào, trường học nào cũng vậy.  Bạn giao một việc gì đó rồi để tùy ý người khác làm, nhưng rồi phân nửa một số người không thèm làm.  Đó không phải là ý muốn của bạn nhưng ý đầu tiên của bạn làm cho chuyện đó có thể xảy ra.

 

Có thể ở trong vũ trụ cũng giống vậy.  Đức Chúa Trời tạo dựng những sinh vật có tự do ý chí.  Có nghĩa là những sinh vật này có thể đi đúng hay sai.  Nhiều người nghĩ rằng họ có thể tưởng tượng ra những sinh vật có tự do nhưng không thể nào đi sai; tôi không tưởng tượng được như vậy.  Nếu một sinh vật có tự do để làm thiện, nó cũng có tự do để làm ác.  Và tự do ý chí là điều đã làm những xấu xa ác độc có thể xảy ra.  Tại sao Thượng Đế lại cho sinh vật có tự do ý chí?  Bởi vì, tự do ý chí, mặc dù có thể tạo ra sự xấu xa ác độc, đó cũng là điều duy nhất làm cho tình yêu thương hay điều thiện, hay sự vui mừng, đáng để mà có.  Vũ trụ đầy những người máy - những sinh vật giống như máy móc - không đáng được tạo dựng. Sự vui mừng mà Thượng Đế muốn cho những sinh vật cao đẵng Ngài tạo dựng có được, là sự vui mừng để có tự do, tự ý liên kết với Ngài, và cùng với nhau trong tình yêu vui mừng để có tự do, tự ý liên kết với Ngài, và cùng với nhau trong tình yêu vui mừng tột đỉnh, mà tình yêu nóng cháy giữa một người đàn ông và một người đàn bà trên trái đất này chỉ là sữa pha nước khi đem so sánh mà thôi. Để được như vậy những sinh vật này phải có sự tự do.

 

Dĩ nhiên Đức Chúa Trời biết là cái gì sẽ xảy ra nếu họ sử dụng sự tự do của họ không đúng chỗ: rõ ràng Ngài đã thấy là đáng để thử nghiệm.  Có lẽ chúng ta không đồng ý với Ngài.  Nhưng không đồng ý với Ngài cũng có điều khó khăn.  Ngài là nguồn cội của quyền năng lý luận của chúng ta:  ta không thể đúng và Ngài sai, cũng giống như giòng nước không thể dâng cao hơn nguồn.  Khi bạn bàn cãi chống với Ngài, là bạn bàn cãi chống với chính quyền năng làm bạn có thể bàn cãi được cũng giống như chặt đi nhánh cây bạn đang ngồi.  Nếu Thượng Đế nghĩ rằng tình trạng chiến tranh hiện tại trong vũ trụ là giá đáng để trả cho tự do ý chí - nghĩa là tạo dựng ra một thế giới sống động, trong đó những sinh vật có thể làm điều thiện, hay điều ác hại, hơn là một thế giới đồ chơi, chỉ di động khi Ngài giựt dây - thì chúng ta cũng nên nghĩ rằng đáng giá thật đấy.

 

Khi chúng ta đã hiểu về tự do ý chí, chúng ta sẽ thấy tại sao rất là buồn cười khi hỏi rằng, như có người một lần đã hỏi tôi:  “Tại sao Thượng Đế lại tạo dựng sinh vật bằng giống gì mà xấu xí đến đỗi phải đi con đường sai lầm?”  Sinh vật được làm bằng chất tốt hơn - khôn ngoan hơn, mạnh mẽ hơn, tự do hơn - thì sẽ tốt hơn nếu đi đường đúng, nhưng sẽ tệ hại hơn nếu đi sai.  Con bò không thể tốt nhiều hay xấu nhiều; con chó có thể tốt hơn hay xấu hơn; đứa trẻ càng tốt hơn hay xấu hơn thế; một người thường tốt hay xấu hơn một bực nữa; một người có biệt tài hơn một bực nữa; và một người siêu phàm thì tốt nhất, hay tệ nhất.

 

Quyền năng đen tối đã đi sai lầm thế nào?  Đây là câu hỏi mà con người không thể trả lời chắc chắn được.  Tuy nhiên dựa vào kinh nghiệm của chúng ta khi đi sai lầm, chúng ta có thể đoán được.  Lúc mà ta có bản ngã là lúc ta đặt chính mình lên trên hết - muốn làm trọng tâm - hay thực sự là muốn làm Thượng Đế.  Đó là tội lỗi của ma quỉ (Satan): và đó là tội lỗi mà hắn đã dạy cho loài người.  Nhiều người nghĩ rằng sự sa ngã của con người chắc là do tính dục mà ra, nhưng đây là sự lầm lẫn. (Câu chuyện trong Sáng Thế Ký cho thấy rằng những sự sa ngã về tính dục của chúng ta xảy tiếp theo sự sa ngã ban đầu, và là hậu quả chứ không phải là nguyên nhân).  Điều mà Satan gieo vào đầu của tổ tiên của chúng ta, là ý tưởng họ có thể “trở thành thần” - có thể tự cai quản lấy chính mình giống như là họ đã tự tạo dựng lấy chính họ - tự làm chủ lấy - tạo ra một hạnh phúc cho chính họ ngoài Thượng Đế và xa cách Ngài.  Và từ cái gắng sức vô vọng đó chúng ta có những cái gọi là lịch sử loài người:  tiền bạc, nghèo khó, tham vọng, chiến tranh, mãi dâm, giai cấp, đế quốc, nô lệ, một câu chuyện dài khủng khiếp của loài người trong cố gắng đi tìm cái gì đó ngoài Thượng Đế là Đấng làm cho con người hạnh phúc được.

 

Lý do tại sao con người không thành công được là như thế này.  Thượng Đế tạo dựng chúng ta: tạo chúng ta giống như một người chế tạo một cái máy.  Chiếc xe được chế ra để chạy bằng xăng, thì nó khó chạy khi dùng bằng chất gì khác.  bây giờ, Thượng Đế chế tạo ra cái máy con người để chạy bằng chính Ngài.  Chính Ngài là nhiên liệu mà tâm linh chúng ta phải dùng để chạy, hay là thức ăn mà tâm linh chúng ta dùng để nuôi sống.  Không có gì khác hơn được.  Vì vậy, đòi hỏi Thượng Đế làm cho chúng ta hạnh phúc trong đường lối riêng của chúng ta, mà không cần phải để ý gì đến Ngài hết thì không đúng.  Thượng Đế không thể cho chúng ta một hạnh phúc bình an nào ngoài chính Ngài, vì không có điều này ở đâu hết.  Không thể có điều đó được đâu.

 

Đây là chìa khóa của lịch sử.  Thật nhiều năng lực đã được tận dụng - nhiều nền văn minh được xây dựng - nhiều cơ quan rất tốt được trù liệu; nhưng mỗi lần như vậy thì là có cái gì sai lầm.  Nhiều lầm lỗi tai hại luôn luôn đưa những người ác độc và ích kỷ lên tột đỉnh, để rồi đưa tất cả xuống sự khổ sở và đổ vỡ.  Thật sự, guồng máy không còn chạy được nữa.  Guồng máy có vẻ như bắt đầu chạy được vài thước, rồi hư.  Họ muốn nó chạy bằng loại xăng khác.  Đó là điều Satan đã gây ra cho nhân loại chúng ta.

 

Và Thượng Đế đã làm gì?  Thứ nhất, Ngài để cho chúng ta có lương tâm, ý thức về thiện và ác:  và suốt lịch sử cũng có người cố gắng (nhiều người rất tận tâm) để tuân theo lương tâm.  Không ai hoàn toàn thành công.  Thứ hai, Ngài cho nhân loại những cái mà tôi gọi là giấc mơ tốt lành: tôi muốn nói về những câu chuyện rải rác đó của các tôn giáo khác về một thần đã chết rồi sống lại, và qua cái chết của người, nhân loại được sự sống mới.  Thứ ba, Ngài chọn một giống dân đặc biệt, và trải qua nhiều thế kỷ cố sức dạy dỗ họ về Ngài - chỉ có một mình Ngài mà thôi, và Ngài để ý đến cách cư xử tốt lành.  Dân tộc này là dân Do Thái, và Cựu Ước kể lại diễn tiến về sự Ngài gắng sức dạy dỗ họ.

 

Rồi đến một chuyện thật đáng sợ.  Giữa những người Do Thái tự dưng có một người đi đây đó nói chuyện giống như Ngài là Thượng Đế.  Ngài tuyênbố Ngài tha tội.  Ngài cho rằng Ngài luôn luôn hiện hữu.  Ngài bảo rằng Ngài đến để phán xét thế gian lúc sau cùng.  Hãy hiểu rõ điểm này.  Giữa những người thuộc phiếm Thần Giáo như người Aán Độ chẳng hạn, ai cũng có thể tuyên bố mình là một phần của Thượng Đế, hay là một với Thượng Đế: không có gì là kỳ dị cả.  Nhưng người này, vì là người Do Thái, không thể nào muốn nói về Thượng Đế giống như vậy.  Thượng Đế, theo ngôn ngữ của họ, có nghĩa là Đấng bên ngoài vũ trụ, Đấng tạo ra vũ trụ và tuyệt đối khác với tất cả mọi thứ.  Và khi bạn hiểu như vậy bạn sẽ thấy rằng điều mà người này tuyên bố là điều kỳ lạ nhất từ trước đến giờ, chưa từng được nói qua môi miệng loài người.

 

Một điều người này tuyên bố gần như không còn làm chúng ta để ý đến, vì ta nghe quá nhiều lần, nên không còn thấy sự trọng đại của nó nữa.  Tôi muốn nói đến vấn đề tha tội: bất cứ tội nào.  Trừ khi người tuyên bố điều này chính là Thượng Đế, sự tuyên bố này thực sự quá phi lý đến nỗi thành buồn cười.  Chúng ta đều biết một người có thể tha thứ những tội tình người khác làm đối với anh ta.  Bạn đạp chân tôi và tôi tha cho bạn, bạn ăn cắp tiền và tôi tha cho bạn.  Nhưng chúng ta nghĩ sao về một người, chính người không bị ăn cướp và không bị đạp lên, lại tuyên bố rằng người tha bạn về tội đạp chân người khác, và ăn cắp tiền người khác?  Ngu như con lừa là danh từ hiền lành nhất để diễn tả lối cư xử của người này.  Nhưng chính Giê-xu làm những điều này.  Ngài bảo mọi người rằng tội lỗi họ được tha thứ, mà không chờ để hỏi ý kiến những người đã bị tội lỗi của những kẻ này làm thương tổn.  Ngài không ngần ngại để tỏ ra rằng Ngài là nhân vật chính, là người can dự vào, chính Ngài bị thiệt hại vì tất cả những tội lỗi.  Điều này chỉ có nghĩa, nếu Ngài thật sự là Thượng Đế vì luật lệ của Ngài bị bẻ gãy, và tình yêu thương của Ngài bị tổn thương trong mọi tội lỗi.  Những lời này nếu từ môi miệng của bất cứ người nào không phải là Thượng Đế chỉ có thể được xem là ngây ngô và tự phụ, mà từ xưa đến giờ trong lịch sử không ai so sánh được. 

Vậy mà (và đây là điều lạ lùng, và có ý nghĩa) ngay cả kẻ thù Ngài, khi họ đọc sách Tin Lành, không có cảm tưởng Ngài là ngây ngô và tự phụ.  Những người không có thành kiến càng không có cảm tưởng nói trên.  Đấng Christ bảo rằng Ngài “khiêm nhường và nhu mì” và chúng ta tin Ngài, không chú ý rằng nếu Ngài chỉ là một người thường, khiêm nhường và nhu mì không phải là những đặc tính mà ta có thể gán cho những lời nói của Ngài.

 

Ở đây tôi cố gắng ngăn ngừa người nào nói một điều thật ngu xuẩn mà nhiều người thường nói về Ngài:  “Tôi sẵn sàng chấp nhận Giê-xu như là một nhà giáo đạo đức đại tài, nhưng không chấp nhận lời Ngài cho rằng Ngài là Thượng Đế”.  Đó là một điều chúng ta không nên nói.  Một người thường mà nói những gì Giê-xu nói, không phải là một giáo sư đạo đức đại tài, nhưng mà là kẻ điên rồ, ngang hàng với kẻ tuyên bố anh ta là trứng luộc, hoặc là Ma Quỷ của hỏa ngục.  bạn phải chọn lựa.  Hoặc người này đã và đang là Con Thượng Đế: hoặc là người điên hay là cái gì khác tệ hơn.  Bạn có thể nhốt Ngài lại như là người ngu, bạn có thể nhổ vào ngài và giết Ngài như là một con quỷ; hoặc bạn quì xuống chân Ngài gọi Ngài là Chúa và là Thượng Đế.  Nhưng chúng ta đừng có đem chuyện vô lý rằng Ngài là nhà nhân loại học đại tài.  Ngài không cho chúng ta nghĩ vậy.  Ngài không có ý định đó.

 

 

 

CÂU HỎI

 

1.  Trình bày vắn tắt những luận cứ cổ điển (classic arguments) về sự thực hữu của Thượng Đế. Theo bạn, những luận cứ này có những ưu điểm và nhược điểm nào? 

 

2.  Theo bạn, những nỗ lực hay những luận cứ nhằm chứng minh sự thực hữu của Thượng đế có những giới hạn nào không? Tại sao?  Làm thế nào bạn có thể giúp một người vô thần hay hoài nghi tiến đến niềm tin vào sự thực hữu của Thượng Đế?

 

3.  Xin giải thích những quan điểm khác nhau về Thượng Đế.  Dựa trên Kinh Thánh và sự suy luận, bạn trả lời thế nào về những quan điểm này? 

 

4.  C.S. Lewis cho thấy những sự khác biệt nào giữa quan niệm về Thượng Đế của phiếm thần luận và của Cơ-đốc giáo?  Dựa trên những khái niệm thiện, ác, ý chí tự do, C. S. Lewis đã trả lời quan điểm phiếm thần như thế nào?  C.S. Lewis đưa ra lập luận nào để khẳng định rằng Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời?


Top