Reader
Trang Đầu | Mục Lục | << CHƯƠNG 3 | CHƯƠNG 5 >>

CHƯƠNG 4

VẤN ĐỀ PHÉP LẠ

Phần sau đây được trích dịch từ cuốn Protestant Christian Evidences của Bernard Ramm (Chicago: Moody Press, 1965), chương 4 và 5.

 

 

Những định nghĩa về phép lạ thường biểu lộ khuynh hướng tư tưởng của người định nghĩa.  Hume và nhiều triết gia hiện đại định nghĩa phép lạ là một sự phạm luật tự nhiên.  Những định nghĩa nào nhấn mạnh tới những chữ như vi phạm hay mâu thuẫn hay trái ngược đều sai trật ý nghĩa thật của hai chữ phép lạ.

 

            Thay vì cố gắng đưa ra một định nghĩa chặt chẽ về phép lạ, chúng tôi xin đề cập tới những yếu tố mà bất cứ định nghĩa nào về phép lạ cũng phải có.

 

Thứ nhất, phép lạ phải là một biến cố cảm giác được. Người ta đã dài dòng lý luận rằng phép lạ là phép lạ bất chấp người ta xem thấy hay không xem thấy hay cả đến không thể xem thấy đi nữa.  Đức Chúa Trời có thể thay đổi tổ chức nội tại của một nguyên tử nhỏ bé đến nỗi không ai có thể xem thấy.  Nhưng quả đó là một phép lạ. Và Ngài có thể làm phép lạ đó cách xa loài người.  Nhưng làm phép lạ để giúp ích cho nhân loại thì kiểu lý luận đó không xác đáng về mặt thực hành, tuy cũng có lý phần nào về mặt lý thuyết.  Nhưng phép lạ mà chúng ta thấy trong Kinh Thánh là những phép lạ có thể cảm biết được, nghĩa là thường thường người ta không cần phải luận lý lâu mới nhận được phép lạ.

           

Có sự khác biệt giữa hai câu nói sau đây: “Cái áo này màu xanh” và “trái đất xoay quanh mặt trời”.  Câu trên có thể chứng thực ngay được bằng mắt thấy. Câu dưới đòi hỏi một sự suy luận lâu dài.  Phép lạ thường là một sự hiển hiện ngay trước mắt chúng ta hay chỉ cần chú ý một chút là nhận ra được liền.

 

Thứ hai, phép lạ có khả năng khêu gợi một ý tưởng về siêu nhiên.  Cho rằng đôi khi sự lạ kỳ xuất hiện như thể phép lạ và phép lạ xuất hiện như một sự lạ kỳ.  Có lần một chiếc thang máy đứt dây rớt xuống qua 40 tầng lầu mà người giữ máy ngồi trong hộp đó không chết. Đó là sự lạ kỳ nhưng không phải phép lạ. Cho rằng khi cơn động đất làm tung cửa nhà tù ở thành Phi-líp (Công Vụ 16) thì sự lạ kỳ đã xuất hiện như một phép lạ.  Nhưng có nhiều thứ phép lạ khác nhau trong Kinh Thánh khiến chúng ta hiểu rõ không phải sự lạ kỳ xuất hiện như phép lạ, tỉ dụ, khi người cùi bỗng nhiên được khỏi, hay người mù bỗng dưng được sáng hay người què tức khắc chạy, nhảy và đi.  Nhưng cái bản chất của phép lạ bao giờ cũng khêu gợi lên trong trí khôn người ta sự có mặt Chúa siêu nhiên.

 

Thứ ba, phép lạ bao giờ cũng được thực hiện ở trong chương trình cứu rỗi.  Có nhiều cách diễn tả điều này.  Có thể nói phép lạ có đặc tính luân lý hay phép lạ thuộc thành phần của mặc khải Kinh Thánh, hay phép lạ gieo tín nhiệm vào sứ điệp của sứ giả.  Ý niệm chung định rằng phép lạ không giống như những trò ảo thuật.  Phép lạ không có mục đích làm thoả tính tò mò khán giả, cũng không phải để mua vui quần chúng.  Phép lạ thuộc thành phần của chương trình cứu rỗi trong Cơ Đốc giáo.  Về điểm này còn có hai nhận xét nữa nên chú ý:

 

Thứ nhất, không phải tất cả hành động siêu nhiên của Thiên Chúa được xếp vào hàng phép lạ.  Tỉ dụ, ơn tái sanh, tuy là siêu nhiên, nhưng không phải là phép lạ, tuy trong cách nói thông thường chúng ta hay nói tới “phép lạ tái sanh”. Cái lý do tại sao các nhà thần học không kể ơn tái sanh hay ơn thêm sức của Thánh Linh hay nhiều ơn thiêng liêng khác là phép lạ chỉ vì hành động siêu nhiên của Thiên Chúa không mang tính chất cảm giác được.  Chúng ta đọc thấy trong Kinh Thánh rằng ơn tái sanh là một tác động siêu nhiên và chúng ta có thể kinh nghiệm được những biến đổi phi thường trong nhân cách và tập quán do tái sanh đem lại, nhưng vì hành động của Thiên Chúa vốn không mang đặc tình cảm giác cho nên không được kể là phép lạ.

 

Thứ hai, các nhà thần học không nhất trí về cách phép lạ liên quan tới luật tự nhiên.  Có người cho rằng phép lạ là một thứ luật thiên nhiên không quen thuộc đối với chúng ta, nhưng đó chỉ là một thứ luật thiên nhiên.  Quan điểm này được bênh vực bởi những tác giả như Alexander trong cuốn Evidences of Christianity (Chứng Lý Cơ Đốc Giáo) và Carnell trong cuốn Introduction to Christian Apologetics  (Dẫn nhập khoa biện giáo).  Họ lý luận rằng không nên kể phép lạ là trái luật tự nhiên và như vậy cũng trái khoa học. Nhưng nên cho phép lạ là những hoạt động hợp luật của Thiên Chúa do đó Ngài dùng luật thiên nhiên và chất liệu tuỳ ý Ngài.  Theo ông Carnell nếu các nhà khoa học chịu khổ dày công nghiên cứu về phép lạ thì họ sẽ gặp thấy luật tự nhiên nằm trong đó.  Làm như vậy, ông ước ao đem phép lạ đặt gọn vào trong lòng nhà khoa học.

 

Một lớp người khác cho phép lạ là những tác động sáng tạo. Nhưng không có lớp người nào muốn loại trừ sự hợp tác của siêu nhiên với tự nhiên trong việc thi hành phép lạ.  Tỉ dụ, một trận động đất, có thể do Thiên Chúa làm nhưng trận động đất lại khởi đầu từ những căn cớ tự nhiên và làm tung các then cửa trong nhà tù thành Phi-líp.  Hoặc có lẽ, những trường hợp rất mực thuận lợi đã xảy đến làm chia đôi nước biển đỏ.  Nhưng trường phái thứ hai này luận rằng phép lạ thực ra là một tác động tự do và tuyệt đối của Thiên Chúa khác nào tác động sáng thế nguyên thủy vậy.

 

Chúng ta khen cái thiện chí của trường phái thứ nhất đã có công xếp đặt phép lạ vào trong vòng định luật để tăng thêm giá trị khoa học cho phép lạ.  Định nghĩa phép lạ như vầy khôn gthể nào chấp nhận được.  Một định luật trong khoa học là một sự nhất trí, thường xuyên, đúng kỳ, phổ quát. Nếu nói rằng phép lạ thuộc định luật cao hơn hay nói chúng là thuộc định luật thì tức là đã dùng cái danh từ định luật theo một nghĩa khác với nghĩa quen dùng trong khoa học.  Nếu phép lạ là tác động của định luật thì định luật đó không còn là định luật của khoa học nữa.

 

Chúng ta có thể nhận rằng phép lạ là một định luật theo nghĩa lạ, trong trường hợp X, Thiên Chúa sẽ thực hành phép lạ Y chẳng hạn, tức là trong nhiều trường hợp đặc biệt nào đó hoàn toàn thuộc quyền Chúa và chúng ta không thể định ra một giả thuyết nhất định nào về thứ định luật cao hơn như vậy được.

 

            Đồng ý với ông Machen chúng ta nhận rằng phép lạ là một tác động sáng tạo. Đó là một hành động siêu nhiên, tuyệt đối bởi quyền năng Thiên Chúa.  Nếu phép lạ ở trong định luật (như định luật khoa học) thì làm sao chúng ta có thể theo định luật đó mà tiên đoán, mà tổ chức hoặc trình bày những kinh nghiệm xảy ra? Các luật đó ăn hợp với những bộ định lý nào? Và chúng đồng hoá thế nào với những thứ sự kiện khoa học?  Ông Mozley, trong tác phẩm “On Miracles” (Phép lạ) của ông, đã bênh vực chủ trương của chúng tôi.  Nhưng ông Bett, trong cuốn The Reality of the Religious Life (Thực tại về đời sống tôn giáo) đã lý luận một cách gượng ép cho ý kiến phép lạ ở trong định luật.  Thực ra ý ông muốn quả quyết rằng trong toàn thể chương trình của Chúa thì phép lạ không phải là những biến cố kỳ quái, những mâu thuẫn nghịch lý, hay nhưng việc lôi thôi, không đúng chỗ. Đó cũng chẳng khác gì ý kiến của chúng tôi.  Đối với giáo lý cơ đốc, phép lạ là điều có thể công nhận. Nhưng nói rằng phép lạ không phải là tác động của một định luật bí mật thì không đồng nghĩa với câu nói phép lạ là những biến cố kỳ quái trong chương trình của Chúa.  Phép lạ dĩ nhiên phải ở trong phạm vi an bày của Chúa. Nhưng cố gắng ghép phép lạ vào trong định luật tức là dùng chữ định luật một cách khác với khoa học.  Lý do khiến phép lạ đáng tin không phải vì phép lạ thuộc về một thứ định luật nào đó, nhưng vì phép lạ rất thích hợp trong chương trình và mục đích cứu rỗi nhân loại của Chúa.

 

I.          PHÉP LẠ VÀ VŨ TRỤ QUAN

 

Từ đầu thế kỷ 20, nhất là từ ngày ông Orr cho ra đời tác phẩm thời đại của ông nhan đề là “The Christ View of God and The World” (Quan điểm Cơ Đốc về Thiên Chúa và vũ trụ). Vấn đề chứng lý không thể tách rời khỏi vũ trụ quan. Vấn đề căn bản không còn phải là câu hỏi chúng ta có thể dùng phương pháp sử học để chứng minh rằng Chúa Giê-xu đã gọi La-xa-rơ ra khỏi mồ chăng? Ngày nay sự thật đã hiển nhiên là mọi sử gia đều phải làm việc theo vũ trụ quan của mình, nó hằng chi phối hết những gì mình nhận là thực tại lịch sử. Cho nên lý luận củ cơ đốc nhân về phép lạ (1) sự hữu lý của siêu nhiên, và (2) nếu siêu nhiên là hữu lý thì phương pháp lịch sử chính đáng có thể chứng minh rằng Chúa Giê-xu đã gọi La-xa-rơ ra khỏi mồ như đã chép trong Giăng 11.

 

Luận đề của chúng tôi về điểm này là: phép lạ, để được chấp nhận, phải được nhìn qua khung cảnh Cơ-Đốc Giáo.  Ở đây chúng tôi chỉ có ý nêu lên rằng phép lạ chỉ được coi như một thực tại đáng tin ở trong hệ thống Cơ Đốc giáo.

 

Thử coi thuyết của Galileo, của Kepler của Newton về thái dương hệ có phải những lý luận của họ là đúng? Chúng ta sẽ biết nếu chúng ta tạm cho lý của họ là đúng rồi chúng ta hãy lập luận như sau: Nếu có P thì có Q. Nếu có P (trái đất xoay quanh mặt trời), thì có Q (các sao phải ở xa vô tận và có thị sai (parallax). Nhưng nếu người ta chế nhạo các giả thuyết của những nhân vật đó thì người ta không còn phương tiện nào để biết họ nói đúng hay sai.

 

Câu kết luận về điểm này như sau: Theo luận lý học, một mệnh đề sẽ tỏ ra là đúng hay sai nếu đem đặt nó vào trong hệ thống tư tưởng và thử nghiệm xem nó có đồng hoá với hệ thống hay không?  Theo khoa học một giả thuyết phải được tạm xem là đúng để có thể đi tới chỗ công nhận hay loại trừ nó.  Theo tâm lý học, cần phải có sự thông cảm và hiểu biết nơi nhà tư tưởng nếu ông ta muốn thực sự am hiểu điều mà nhà tư tưởng khác đề ra.

 

Nói cách tiêu cực thì có một sự bất công lớn đối với giáo lý cơ đốc về phép lạ nếu ai cố chấp đặt phép lạ vào trong hệ thống giáo lý cơ đốc và các mục tiêu của nó. Hoặc nếu ai chỉ nhìn vào phép lạ một cách khinh bỉ và không tin hoặc cứ khăng khăng từ chối không chịu nhường cho phép lạ một chỗ đứng như các sự kiện khác.  Nói cách tích cực thì khi ta giải thích phép lạ cho phù hợp với hệ thống tư tưởng giáo lý cơ đốc thì phép lạ tỏ ra có thực, nghĩa là chúng liên kết chặt chẽ với hệ thống đó.  Nếu ta chỉ coi phép lạ như những vấn đề khoa học và lịch sử thì những suy luận của chúng ta về phép lạ sẽ gặp nhiều bế tắc.  Các định lý của khoa học và lịch sử không để sử dụng đối với phép lạ vì chính bản chất của phép lạ.  Nghĩa là khoa học và sử học thì hoạt động trên định lý về tính liên tục (continuity) còn phép lạ thì vốn có tính gián đoạn (discontinuity).  Bởi thế cần phải có những định lý phụ thêm để thắng nổi những thành kiến vốn thường gặp trong triết học, khoa học và sử học. Những định lý này thuộc thành phần của hệ thống giáo lý cơ đốc, chính những định lý này tăng cường, củng cố và giải thích cho phép lạ.

 

Chính hệ thống giáo lý cơ đốc đối với những định lý trong đó đã khiến cho nhà thần học Cơ Đốc có cái nhìn kính trọng đối với các phép lạ của Kinh Thánh, nhưng vẫn giữ thái độ nghi ngờ như các nhà khoa học đối với các thứ phép lạ mà người đời thường rêu rao.  Nói như thế có nghĩa là tính chất luận lý và thiên nhiên của phép lạ đã làm cho nhà thần học Cơ Đốc coi phép lạ như là sự kiện lịch sử.  Niềm tin này các nhà bênh đạo đã trình bày theo nhiều đường lối khác nhau, chúng tôi xin tóm tắt lại trong một câu như sau: các phép lạ của Kinh Thánh được các nhà thần học Cơ Đốc coi như những sự kiện bởi vì chúng thích hợp với một hệ thống lớn lao về luận lý, thiêng liêng và cứu rỗi.  Ông Hume chẳng phải người trước tiên cũng chẳng phải người sau cùng đã ngang nhiên đem phép lạ đặt ra ngoài khung cảnh Cơ Đốc giáo.  Có một bài trong Hibbert Journal đã đặt hẳn phép lạ vào trong khung cảnh ngoại đạo (Hibbert Journal, 48: 159-62, January, 1950).  Cơ Đốc nhân có quyền chối bỏ những định nghĩa nào biến phép lạ thành điều phi lý và những luận điệu nào cắt đứt phép lạ khỏi khung cảnh thiêng liêng và luận lý của Kinh Thánh.

 

Ông Machen đã nghị luận rất chí lý rằng: “Phép lạ bất khả luân lý với chủ nghĩa hữu thần.  Một khi đã nhìn phận sự hiện hữu của một Đấng Thiên Chúa như Tạo Hoá, tể trị của vũ trụ thì tất nhiên không còn thế đặt giới hạn nào cho quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa đó nữa.  Trong một phương diện có thể nói phép lạ làm trở ngại cho đức tin. Nhưng ai dám nghĩ ngược lại? Có thể cho rằng nếu Tân Ước không chứa phép lạ nào trong đó thì dễ tin hơn nhiều. Những câu chuyện tầm thường có ít giá trị.  Tân Ước không phép lạ sẽ dễ tin hơn nhiều. Nhưng lại có cái khó này là như vậy thì Tân Ước có đáng tin không?” (Machen, Christianity and Liberalism, p. 102-102).

 

Ở đây xin độc giả nhớ tới những điểm cốt yếu của giáo lý Cơ Đốc. Mọi điểm cần được liên quan tới vấn đề phép lạ.  Tỉ dụ: Cơ Đốc nhân tin vào một Đấng Thiên Chúa tự do, chủ tể toàn năng. Tự do để làm những gì mình muốn, chủ tể để làm những gì Ngài muốn và chỉ chịu trách nhiệm với chính mình mà thôi, toàn năng để thanh toán những gì Ngài muốn.  Cơ Đốc nhân cũng tin rằng Thiên Chúa đã yêu thương nhân từ, thương xót, hằng tìm cách ban ơn phước và sự cứu rỗi cho loài người.  Điều đó có hàm ý loài người đã phạm tội, đã ra mù quáng, đã phản loạn.

 

Như vậy, phép lạ nằm trong chương trình cứu chuộc.  Đối với con người trọng tội thì phép lạ là phương châm giải cứu con người, bởi vì con người bị khép kín trong hai cái vô cùng của sự tối tăm và sự phản loạn.  Phép lạ thi thố quyền năng Chúa phá tan sự tối tăm và sự phản loạn.  Nhưng phép lạ không chỉ thi thố quyền năng, mà còn bày tỏ tình yêu và lòng thương xót. Phép lạ không phải là công việc để làm tiền, hoặc làm chính trị, hoặc kiếm tư lợi hay danh giá hão huyền vị kỷ.  Phép lạ không phải thứ trổ tài mua vui cho quần chúng, phép lạ là hành động ơn phước do Thiên Chúa ban để giảm bớt đau khổ cho con người để phá tan nghi ngờ và để đem lại niềm tin.  Người ta đã trình bày sai lầm về phép lạ và người ta đã nhạo cười phép lạ khi người ta tách rời phép lạ ra khỏi cái khung cảnh cứu chuộc và tước lột mất cái bản chất luân lý của phép lạ và chỉ còn coi nó như một vấn đề của khoa học hay sử học mà thôi.  Phép lạ phải được nhìn qua ánh sáng từ những trang sách của Kinh Thánh chiếu ra, vì đó mới là khung cảnh tự nhiên của nó.

 

Phép lạ cũng gồm chứa một giá trị mặc khải rất lớn. (1) Trong sự thương xót của Chúa Giê-xu khi Ngài chữa bệnh tật, chúng ta nhận thấy tình yêu Thiên Chúa được khải thị.  Những hành động chữa bệnh của Chúa Giê-xu là những hành động yêu thương, chứng tỏ cho loài người biết tấm lòng Thiên Chúa từ bi lạ lùng. (2) Trong phép lạ, chúng ta thấy quyền năng Thiên Chúa được khải thị. Ở đây có một Đấng Thiên Chúa mạnh hơn bệnh tật, mạnh hơn sự chết, mạnh hơn thiên nhiên.  Mỗi phép lạ là một bằng chứng về quyền chủ tể và sự toàn năng của Thiên Chúa, và đó chính là những phép lạ (3) Như nhận định rất đúng của ông Mullins, phép lạ giải bày mối liên quan giữa thế giới thiêng liêng và thế giới vật chất. (E.I. Mullins, Why is Christianity True? p. 183).  Trước hết phép lạ bày tỏ quyền tối thượng của tinh thần, chính Thiên Chúa hành động trên thiên nhiên hay là tinh thần hành động trên vật chất.  Phép lạ là một sự sửa sai cho cái thời đại mà trong đó những gì là thiêng liêng, và tinh thần bị coi như viễn vông trống rỗng, so sánh với vật chất có kích thước, có chất lượng.  Nếu vật chất nhường bước cho tinh thần thì quyền tối thượng của tinh thần được khải thị.

Hơn nữa, phép lạ còn chứng tỏ rằng cái thuyết nhị nguyên tinh thần và vật chất vốn quen biết xưa nay không phải là một chân lý cao nhất đâu.  Trong thực hành  và vì lý do tranh luận, chúng ta có phân biệt giữa vật chất hay cái tự nhiên với cái thiêng liêng hay tinh thần.  Những tác động của tinh thần trên vật chất trong một phép lạ không những tuyên xưng quyền siêu việt của tinh thần hay thiêng liêng, mà còn nói trước rằng tinh thần có thể ảnh hưởng trên vật chất được.  Giá trị mặc khải ở đây về vấn đề sáng tạo và về vấn đề liên hệ tinh thần với thể xác thật là lớn lao. Cho nên ông Mullins đã viết: “phép lạ không gây lớn lao nhưng đem hiệp nhất cho trật tự thế giới.  Phép lạ tuyên bố rằng cái thuyết độc lập của tinh thần và vật chất không phải là một chân lý cao nhất.  Phép lạ tỏ ra rằng hai sự đó chịu sự kiểm soát của một bên.”

 

II. PHÉP LẠ CHỨNG MINH SỨ ĐIỆP CƠ ĐỐC

 

Từ những ngày khởi đầu của giáo hội, người ta đã luận rằng phép lạ chứng minh sứ điệp của sứ giả và đã không nên bác bỏ điều đó chỉ vì nó cũ kỹ hay do lưu truyền. Đặc điểm này hiện rõ trong luận điệu của các nhà biện giáo thuộc giáo hội La Mã, giáo hội chính thống và giáo hội Tin Lành.  Nếu loài người lâm vào tội ác, nếu những giáo lý căn bản khó chứng minh, nếu niềm tin cá nhân là chủ quan mập mờ thì còn phương pháp nào tốt hơn để thuyết phục loài người về cái chân lý cứu rỗi cho bằng thực chứng siêu nhiên của phép lạ.

A. Chúa Giê-xu Christ nại đến các phép lạ của Ngài để chứng minh thần quyền của Ngài

Trong Giăng 5, Chúa Giê-xu nói rõ người Do Thái có nhiều cách để nhận ra được giáo lý của Ngài là thật.  Một trong những loạt tuyên ngôn mạnh mẽ nhất của Chúa Giê-xu được chép trong đoạn Giăng 5, trong đó Chúa Giê-xu xưng mình bình đẳng với Đức Chúa Trời (18). Và thay vì sửa bớt lời tuyên xưng như là quá đáng đó. Chúa Giê-xu còn lần lượt minh chứng mọi điều Ngài đã phán (từ câu 19...) rồi để kết thúc các điều tự xưng kỳ lạ đó, Chúa Giê-xu chỉ rõ chân lý của Ngài được chứng minh thế nào, tỉ dụ, chính Thiên Chúa làm chứng về Ngài, Giăng Báp-tít làm chứng về Ngài và Kinh Thánh làm chứng về Ngài. Tuy vậy, Ngài cũng tuyên bố rằng công việc của Ngài cũng làm chứng về Ngài nữa. “Những việc mà Đức Chúa Cha đã trao cho Ta làm, chính các việc mà Ta đã làm đó làm chứng về Ta rằng Đức Chúa Cha đã sai Ta đến” (c. 36).

 

Trong Giăng 10:24, người Do Thái trực tiếp yêu cầu Chúa Giê-xu nói rõ cho họ Ngài có phải là Đấng Mê-si-a hay không. Chúa Giê-xu trả lời thẳng cho họ rằng: “Ta đã nói cho các ngươi rồi mà các ngươi không tin, các việc Ta làm nhân danh Cha Ta, chính các việc đó làm chứng về Ta. (Giăng 10:25).  Rồi tiếp đó là câu chuyện về Đấng chăn hiền lành. Tới phần kết cấu chuyện đó Chúa Giê-xu phán: “Ví bằng Ta không làm những việc của Cha Ta, thì các ngươi chớ tin Ta. Còn nếu Ta làm thì, dầu các ngươi chẳng tin Ta, hay tin những việc Ta, để các ngươi hiểu và biết rằng Cha ở trong Ta và Ta ở trong Cha” (Giăng 10:37-38).

 

Trong Giăng 2 có chép về phép lạ biến nước lã thành rượu, và Giăng giải thích rằng: “Ấy là tại Cana, trong xứ Galilê, mà Đức Chúa Giê-xu làm phép lạ thứ nhất, và tỏ bày sự vinh hiển của mình như vậy, môn đồ bèn tin Ngài” (c. 11).

Trong Giăng 14, có bài giảng danh tiếng về chỗ ở trên trời.  Chúa Giê-xu tuyên bố một điều lạ rằng ai xem thấy Ngài thì thực là đã xem thấy Đức Chúa Cha. Ngài khuyên mời các môn đồ hãy tin rằng sự thật có như vậy chỉ vì lời Ngài đã nói như vậy.  Nhưng nếu họ còn ngần ngại chưa tin thì Ngài phán: “Hãy tin bởi công việc Ta” (câu 11).

Trong những biến cố được chép trong Luca 7, chúng ta thấy Giăng Báp-tít đang ở trong tù với một tâm trạng đầy bối rối.  Ông không biết chắc Giê-xu có phải là Đấng Mê-si-a hay không.  Ông sai mấy người đến với Chúa Giê-xu và hỏi Ngài có phải là Đấng Christ hay không (câu 20).  Lúc bấy giờ Chúa Giê-xu chữa lành nhiều kẻ bệnh, kẻ tàn tật, kẻ mắc quỉ dữ, và làm cho nhiều người đui được sáng” (câu 21).  Sau khi đạ làm xong những phép lạ đó Chúa Giê-xu mới quay lại phán với mấy đầy tớ của Giăng Báp-tít rằng: “Hãy về báo cho Giăng sự các ngươi đã thấy và đã nghe: kẻ đui được sáng kẻ què được đi, kẻ phung được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết được sống lại.  Tin Lành đã rao giảng cho kẻ nghèo.” (câu 22)

 

Trong Mathiơ 9, có một biến cố khác đầy ý nghĩa.  Người ta đem đến với Chúa Giê-xu một người mắc chứng bệnh bại, và thay vì Ngài nói với chúng ta rằng “hãy đứng dậy và bước đi” thì Ngài lại nói: “các tội lỗi của ngươi đã được tha.” Các thầy thông giáo coi lời đó là phạm thượng và Chúa Giê-xu biết ý họ, Ngài bèn hỏi: “nhân sao trong lòng các ngươi có ác tưởng làm vậy?” Trong hai lời này: một là nói, tội lỗi ngươi đã được tha, hay là nói: ngươi hãy đứng dậy mà đi, thì lời nào nói dễ hơn? Và hầu cho các ngươi biết Con Ngừơi ở thế gian có quyền tha tội, thì Ngài phán cùng người bại rằng: “hãy đứng dậy, vác lấy giường, mà trở về nhà ngươi” (câu 4-6). Ở đây Chúa Giê-xu nêu ra lý do rõ ràng rằng duy một mình Ngài có quyền tha tội.  Quyền làm phép lạ biểu dương uy quyền của Ngài trong lãnh vực thiêng liêng.

 

Đã rõ phép lạ không những chứng minh cho sứ điệp của Chúa Giê-xu, mà còn chứng minh cho sứ điệp của các sứ đồ nữa.  Tuy rằng sách Công Vụ sứ đồ không chép nhiều phép lạ như sách Phúc Âm, nhưng cũng có những phép lạ trong đó, mà còn có nhiều loại phép lạ nữa: phép lạ chữa bệnh, phép lạ đối với sức mạnh thiên nhiên, và phép lạ về sự quan phòng. Những quyền phép đó đã đi theo các sứ đồ để tỏ cho kẻ đến nghe lời giảng biết rằng sứ điệp của các sứ đồ thực là sứ điệp của Chúa. Điều này hẳn là ý nghĩa rõ ràng của Hê-bơ-rơ 2:4 nói rằng Thiên Chúa chứng giám cho lời giảng của các sứ đồ bằng “những dấu kỳ sự lạ và đủ thứ phép mầu và sự ban cho của Đức Thánh Linh mà Ngài đã theo ý muốn mình phát ra.”

 

Về điểm này, còn một lý lẽ nữa rất đáng cho ta quan tâm. Ấy là đứng trước những lời tuyên bố lớn lao ghê gớm của Chúa Giê-xu về chính mình Ngài các phép lạ đã trở nên rất mực cần thiết. Chúa Giê-xu tuyên bố Ngài là con Đức Chúa Trời, Ngài tự xưng có đủ những đặc quyền thuộc riêng về một mình Thiên Chúa (Giăng 5), Ngài xưng mình là Đấng có quyền định đoạt cho một linh hồn được lên trời hay phải xuống địa ngục, xưng mình là Cứu Chúa của trần gian, là ánh sáng của thế giới, là bánh hằng sống, là Đấng chăn lành, và là Đấng Mê-si-a. Những lời tự xưng đó thật là lớn lao, chúng ta chưa hề thấy một người nào khác trong nhân loại dám tự xưng những điều như vậy.

 

Nếu những lời tự xưng đó là thật, và nếu chúng ta là thiên sứ hay quỷ sứ chỉ biết sống trong thế giới trực giác, thì chúng ta sẽ trực tiếp thông hiểu các lời đó và không cần đến một chứng minh nào khác nữa.  Nhưng trái lại chúng ta là loài người sống trong xác thịt với năng lực bị giảm đi vì yếu đuối và với tấm lòng tối tăm và tội lỗi.  Cho nên các lời vĩ đại đó chúng ta không thể thấu triệt bằng một cái nhìn trực quan.  Loài người là vật hữu hạn, tối tăm, mê muội, cần đến một lời biểu dương sáng suốt minh bạch. Phép lạ chính là lời biểu dương rất xứng hợp cho loài người.

 

Ai cũng hiểu rằng người điên khùng vẫn hay có những lời tuyên bố khác thường. Một người điên rất khôi hài hoặc kinh khủng khi nó xưng mình là thế nọ thế kia, có khi là Thầøn là Chúa nữa.  Vậy chúng ta làm thế nào để phân biệt con Đức Chúa Trời với kẻ điên rồ nào đó? Chúng ta phải nói thế nào về sự chắc chắn của niềm tin chúng ta vào Đấng Christ và về sự ngu xuẩn của kẻ đặt niềm tin vào một tên điện cuồng tự xưng là Mê-si-a? Dĩ nhiên khả năng làm phép lạ sẽ phân biệt Đấng Mê-si-a thật của Thiên Chúa với những tên khùng thích tỏ mình ra là to lớn và đến từ Đức Chúa Trời.  Cho nên chúng tôi tin rằng vì Đấng Christ là con Thiên Chúa nên Thiên Chúa có bổn phận thiết yếu phải tỏ ra chân lý đó để không bao giờ Đấng Christ phải ở trong sự tranh đua với một người mê hoặc hay điên khùng nào đó và để không bao giờ chúng ta bị cáo trách là đạo đức mê tín vì đã đặt niềm tin vào Đấng Christ là con Thiên Chúa.  Chúng tôi tin rằng Thiên Chúa đã che chở con Ngài băng quyền năng thi thố phép lạ.

 

Giám mục Butler nhận định rằng nhiều cuộc tranh luận triết học về vấn đề phép lạ có thể nói lên trên phương diện lý thuyết.  Các triết gia có thể đặt nhiều lý do để hỏi tại sao phép lạ nọ phép lạ kia đã không xảy ra và tại sao dầu sự an bài của Chúa, phép lạ sẽ không xảy ra.  Nhưng Joseph Butler còn nói về phương diện thực hành không thể có sự chống đối nào về vấn đề phép lạ.  Thực ra, Thiên Chúa không còn cách nào tốt hơn nữa để đánh động lòng dân chúng Do Thái và ngoại bang sống trong thế kỷ thứ nhất, về lẽ siêu nhiên của Cơ Đốc giáo cho bằng phép lạ.  Thiên Chúa không còn phương pháp nào tốt hơn là dùng phép lạ để cảm động một số lớn dân mù chữ hay ít học, trong số đó ít người có thì giờ, trí tuệ hoặc vốn liếng văn hoá tối thiểu để theo dõi một bài luận triết học dài dòng.  Việc dùng phép lạ để chứng minh sứ điệp của Đấng Christ và của sứ đồ là một điều rất thiết thực và xứng hợp với hoàn cảnh, dù người ta có dùng những luận điệu mánh lới chống phép lạ đến thế nào đi nữa cũng không sao.

 

B. Các phép lạ là thành phần hệ trọng của Kinh thánh mà nếu thiếu phép lạ thì bài tường thuật sẽ ra vô nghĩa

 

Nhiều nhà phe âbình phúc âm nhất là có khuynh hướng tra xét lại toàn bộ phúc âm và cạo sạch đi những phép lạ như những mụt nhọt và để lại nguyên văn bản chất của bài tường thuật. Vì những lý do khác nhau các nhà giải kinh bảo thủ và các nhà phê bình hình thực đã hiệp nhau để bác bỏ điều đó như một việc phi lý. Phép lạ là một phần của từng câu trong bài tường thuật, nên không có thể nói chuyên cắt nó đi như ta cắt một cái mụt trên da hay như bỏ một vật gì bên ngoài áp đặt lên ta. Phép lạ phải sống liền với chính những bài tường thuật và nếu bỏ đi thì chính câu chuyện sẽ không còn hiểu được nữa.

 

Chung quanh nhiều phép lạ có những biến cố xảy ra trước và sau. Cái ở trước là sửa soạn cho phép lạ, còn cái ở sau thì đề cập tới cái hiệu quả của phép lạ. Nếu bỏ phép lạ đi thì những điều nói trước và sau phép lạ sẽ bị treo lơ lửng giữa trời.  Tỉ dụ, khi nghiên cứu 4 sách phúc âm và so sánh, ta nhận thấy rõ một điều là việc làm cho La-xa-rơ (trong Giăng 11) được sống lại là biến cố khơi mào cho mộït chuỗi biến cố khác đưa tới sự chết của Chúa Giê-xu. Vây nếu không có việc làm cho La-xa-rơ sống lại thì sẽ không có sự kích động mạnh mẽ đặc biệt trong các người Do Thái lúc đó, và nếu không có sự khích động đó thì sẽ không có sự bàn mưu và sự đóng đinh trên thập tự giá.  Sự làm sống lại La-xa-rơ thuộc thành phần cốt yếu của câu chuyện.

 

Một trong những bài tường thuật linh động nhất của Tân Ước là câu chuyện người mù trong Giăng 9. Nếu người mù đó không được chữa lành thì không có lời làm chứng của nó, không có sự xao động trong dân chúng, không có sự âu lo của người Pha-ri-si, và không có sự xét hỏi trước hết cha mẹ nó rồi đến nó.  Mọi việc làm lời nói sau biến cố sẽ trở nên vô nghĩa nếu trước hết không có sự chữa lành.  Cũng một tình trạng đó ta thấy ở trong sách Công Vụ sứ đồ. Trong Công Vụ 4 có sự tra xét về các sứ đồ. Sự tra xét phát sinh vì có đám đông dân chúng vây quanh Phi-e-rơ và Giăng. Tại sao dân chúng tụ lại đó? Vì họ thấy người què được Phi-e-rơ chữa lành “vừa đi vừa nhảy vừa ngợi khen Đức Chúa Trời” (Công Vụ 3:8).  Nếu có sự chữa lành không thôi, không có sự xôn xao trong dân chúng.  Nếu dân chúng không xôn xao thì không có sự giảng thuyết, nếu không giảng thuyết không có sự bắt bớ. Vậy phép lạ đó cần thiết cho mộït chuỗi biến cố khác xảy ra.

 

Cũng xem lời tố cáo Chúa Giê-xu là đồng mưu với quỷ (Mác 12). Họ cho rằng Ngài thi hành phép lạ với quyền của Sa-tan. Chúa Giê-xu đối lại rằng nếu có ai lấy tình thương và ân huệ của Thiên Chúa được tỏ ra qua Thánh Linh của Ngài mà cho quỉ tướng là kẻ cầm đầu mọi sự độc ác, ghen ghét và sát nhân, thì người đó đã phạm một tội không thể tha thứ được.  Nhưng nếu không có phép lạ thì lời tố cáo và lời phán tố cáo đó trở nên vô nghĩa. Nếu bọn Pha-ri-si muốn chống lại Chúa Giê-xu thì điều trước hết họ làm là tố cáo Ngài không thật hoặc các phép lạ Ngài không thật. Nhưng vì các phép lạ Ngài quá rõ rệt không còn thể chối cãi nên họ đã tìm mưu khác, tức là bỏ quẹo ý nghĩa các phép lạ của Ngài.

 

C. Các phép lạ và các lời của Chúa Giê-xu đi đôi với nhau một cách kỳ diệu

 

Thật là một điều đáng tiếc nếu có một người nói năng khéo léo nhưng đời sống lại đầy sự gian ác, còn đáng tiếc hơn nữa nếu một người có quyền làm phép lạ cả thể mà miệng lưỡi lại thô tục xấu xa. Có một cách dễ nhất để phân biệt những kẻ giả hình dối trá là nêu lên sự tương phản giữa lời nói và đời sống của chúng. Nhưng ta hãy so sánh lại sự xưng hiệp tuyệt diệu giữa lời nói và việc làm của Chúa Giê-xu Chưa hề có ai trên thế gian này đã nói những lời khôn ngoan sâu sắc và cao siêu về phương diện thuộc linh cho bằng Chúa Giê-xu. Mà cũng chưa hề có ai trên thế gian này đã sống một đời sống đầy những sự lạ cả thể về tình yêu, lòng thương xót và sự dịu dàng êm ái cho bằng Chúa Giê-xu. Nếu Chúa Giê-xu nói những lời cả thể mà không có phép lạ, thì chúng ta có thể gọi Ngài là một vị đại tiên tri hay vị thiên tài của tôn giáo, thế thôi. và nếu Chúa Giê-xu làm nhiều phép lạ vĩ đại nhưng không nói được điều chi quan trọng thì Ngài đặt trên đầu chúng ta một dấu hỏi quá lớn.  Nhưng thực ra hãy xem những việc lạlùng của một Đấng có những lời nói sâu nhiệm cao cả và chúng ta có thể tin tưởng vào những lời đầy giáo lý cao siêu của một Đấng làm nên những việc lạ lùng.  Chúng tôi nhận rõ một thực tại không thể chối cãi là có sự tương hợp lạ lùng giữa những lời nói vĩ đại của Chúa Giê-xu và những công việc kỳ diệu của Ngài.  Ông Mullins giải thích rằng, “Các phép lạ là việc làm mà Phúc Ââm là tiếng nói của việc làm đó.”

 

D. Các phép lạ của Chúa Giê-xu có đầy đủ chứng cớ minh bạch để trở thành những sự kiện lịch sử 

 

Như chúng tôi đã nói trong định nghĩa phép lạ rằng phép lạ là những biến cố cảm giác được, những biến cố rõ ràng, hiển hiện cho mắt thấy, tai nghe, cho gíac quan cảm thức.  Chúng không phải là những việc bí ẩn nội tâm mà người ta phải lý luận dài dòng mới nhận ra được.  Phép lạ được tỏ rõ cho loài người qua sự thú nhận của giác quan, như sự làm sạch da dẻ của người mắc bệnh phung, sự làm sống lại một cánh tay khô héo, hoặc làm cho người mù bẩm sinh thấy được.

 

Nếu phép lạ được tỏ rõ do giác quan cảm xúc thì phép lạ có thể trưng lên bằng chứng. Nếu phép lạ có đầy đủ bằng chứng chắc chắn đáng tin thì những bằng chứng được ghi chép đó cũng có giá trị như sự mục kích, chính biến cố vậy. Mặc cho ông Hume muốn nói chi thì nói, đường lối xét xử của hàng ngàn toà án trên thế giới, cũng như lịch sử khoa học, vốn bằng dựa trên chứng cớ đáng tin của lời khai hay của tài liệu biên chép.  Vì mục đích minh chứng, các toà án coi sự làm chứng của một chứng nhân đã mục kích một tội phạm nào đó như thể là chính toà án đã mục kích việc đó vậy, trừ khi toà án có lý do để nghi ngờ sự thành thực của chứng nhân đó.  Hơn nữa, vì thời gian đã trôi qua nên sự dò xét trở nên khô khan, càng lâu càng khó. Nhưng một khi biến cố đó đã được ghi chép theo thể thức tài liệu đáng tin, thì sự đáng tin của tài liệu đó không thay đổi dầu thời gian trôi qua. Nếu việc La-xa-rơ sống lại đã được Giăng mục kích thực sự và được Giăng trung tín ghi chép lại khi ông còn đủ trí khôn và trí nhớ, thì về phương diện minh chứng, việc đó cũng có giá trị y như chính chúng ta đã có mặt tại đó và nhìn xem việc đó xảy ra vậy.

 

Khi nghiên cứu kinh phúc âm, ta nhận thấy những lý do sau đây có sự minh chứng rằng các phép lạ trong phúc âm đều có đủ bằng cớ đáng tin.

 

1. Nhiều phép lạ đã được thực hiện trước mắt cả dân chúng cũng chứng kiến

Chúa Giê-xu đã chữa bệnh trong các thành thị, ở những phố xá đông người qua lại, khi có đám đông dân chúng vây quanh, khi giảng thuyết trước dân chúng tụ tập ngoài trời hay trong nhà. Hầu hết các phép lạ đó đã không xảy ra trong nơi kín đáo hay cho trước mặt một thiểu số môn đồ Ngài. Hầu hết các phép lạ là của dân chúng, có thể điều tra sự thật ngay tại chỗ vàkhông có gì trở ngại cho việc điều tra đó. Sự hoạt động công khai, rõ ràng như vậy là bằng chứng chắc chắn sự việc đã xảy ra thực sự.

 

2. Có những phép lạ thực hiện giữa vòng người không tin.

Phép lạ thường xảy ra giữa vòng tín hữu.  Khi bọn chỉ trích có mặt thì xem ra phép lạ không muốn xuất hiện nữa.  Nhưng sự hiện diện của đối thủ hay của bọn chỉ trích gièm chê không hề có ảnh hưởng gì trên quyền làm phép lạ của Chúa Giê-xu vẫn làm phép lạ.  Vậy có khả năng làm được phép lạ trước đối thủ, trong lúc đối thủ vây quanh mình thì đó là dấu chắc chắn phép lạ đã xảy ra thực sự.

 

3. Chúa Giê-xu đã làm nhiều thứ phép lạ khác nhau và trong một khoảng thời gian khá dài.

Kẻ giả mạo thường chỉ quanh quẩn trong một số ít phép lạ nhất định mà thôi và các phép lạ của hắn chỉ rải rác.  Đối với Chúa Giê-xu thì không vậy.  Ngài làm phép lạ liên tục trong suốt khoảng thời gian chức vụ công khai của Ngài, từ phép lạ biến nước thành rượu tại Ca-na cho đến phép lạ khiến La-xa-rơ sống lại.  Hơn nữa, Ngài không bị giới hạn vào một loại phép lạ đặc biệt nào. Đôi khi Ngài tỏ ra quyền năng thấu suốt siêu phàm của Ngài, tỉ dụ, Ngài đã biết rằng Na-tha-na-ên ẩn mình ở dưới cây vả.

Có nhiều lần Ngài tỏ quyền năng cho một số lớn bệnh tật như bệnh mù, bệnh phung, bệnh bất toại, bệnh sốt rét,bệnh điên và chính sự chết nữa. Có lần Ngài tỏ sức mạnh trên thiên nhiên, như khi Ngài khiến sóng gió im lặng, có khi Ngài làm những việc hoàn toàn sáng tạo như khi Ngài nuôi năm ngàn người bằng mấy chiếc bánh nhỏ.  Giả mạo tới cỡ đó là việc không thể nào xảy ra. Ngài càng chữa bệnh nhiều lần, sự đó càng chứng tỏ Ngài không thể là kẻ giả mạo.  Hơn nữa, không sức nào tưởng tượng được rằng Ngài giả mạo tuyệt khéo như vậy trong suốt hơn ba năm trời.  Số phép lạ đông đảo, nhiều phép lạ khác nhau, và xảy ra trong suốt khoảng thời gian dài ba năm rưỡi của chức vụ, đó là chứng cớ mạnh mẽ rằng Chúa Giê-xu thực sự thực hành phép lạ mà phúc âm ghi chép.

 

4. Chúng ta có chứng cớ của chính những kẻ đã được ơn chữa lành.

Kinh Thánh ghi rằng nhiều lần Chúa Giê-xu đã làm phép lạ chữa bệnh thì chính kẻ được chữa lành đi truyền báo sâu rộng ơn phước mình đã được, ngay cả trong những trường hợp mà Chúa Giê-xu cấm họ không được đem kể ai nghe. Có một bữa tiệc mà La-xa-rơ tham dự, tại đó hẳn La-xa-rơ đã làm chứng về ơn phước mà mình hưởng (Giăng 12:1-2).  Người mù trong Giăng 9 đã nói “khi trước tôi mù mà bây giờ tôi thấy” (câu 25).  Chúng ta cũng không được phép làm mờ đi cái ánh sáng đó đời sống Chúa Giê-xu đã để lại.  Dĩ nhiên các phép lạ của Ngài đã đồn đi khắp các làng mạc thôn xóm trong cả xứ Pha-lê-tin, tỉ dụ, Phao-lô nói cho quan Phê-tu biết rằng những sự việc về Đấng Christ không thực hiện trong một góc xó nào đâu (Công Vụ 26:28).  Cũng xin để ý rằng có hai sách phúc âm được viết bởi hai tác giả không phải là người mục kích câu chuyện, điều đó chứng tỏ những sự việc về đời sống Chúa Giê-xu không phải là bí mật khó kiếm.  Như vậy ta biết giáo hội sơ khai trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ được phát triển mạnh mẽ và mau chóng như vậy một phần cũng vì người ta còn nhớ lại đời sống lạ lùng và phép lạ cả thể của Chúa Giê-xu. Ta cũng biết sự thành công lớn của việc giảng Tin Lành trong sách Công Vụ là do kết quả của những lời chứng trực tiếp của nhiều người đã được ơn khỏi bệnh, họ đem chuyện kể lại cho các người thân yêu cho họ hàng gần xa và cho các người cùng làng cùng tỉnh với họ.

 

5.  Không ai có thể đem những phép lạ của dân ngoại để công phá những bằng cớ của sách phúc âm.

Người ta tin những phép lạ trong các tôn giáo khác bởi vì người ta đã tin đạo đó rồi.  Còn trong đạo của Kinh Thánh thì chính xác phép lạ lại thuộc vào số những phương tiện chứng minh đạo thật. Sự phân biệt đó có quan hệ vô cùng.  Nước Y-sơ-ra-ên được thành lập bởi một chuỗi những phép lạ.  Luật pháp được bao bọc bởi nhiều dấu kỳ siêu nhiên.  Và nhiều tiên tri được tỏ ra là phát ngôn nhân của Chúa bởi quyền phép làm phép lạ của họ.  Chúa Giê-xu đến không những giảng đạo mà còn làm phép lạ nữa. Các sứ đồ đôi lần cũng làm phép lạ.  Phép lạ chứng minh cho đạo Chúa về mọi mặt. Ông Lewis viết “tất cả những điều cốt yếu trong Ấn Độ giáo vẫn như trước nếu bạn rút ra những gì kỳ lạ trong đó.  Đối với đạo Ma-hô-mét cũng vậy.  Nhưng Cơ Đốc giáo thì khác hẳn.  Cơ Đốc giáo quả thực là câu chuyện về phép lạ vĩ đại.  Một Cơ Đốc giáo chỉ có trật tự mà thôi thì đã bỏ mất đặc tính cơ đốc rồi vậy” (Lewis, p. 83).

Những phép lạ dân ngoại thiếu hẳn tính chất tôn nghiêm của các phép lạ Kinh Thánh.  Các phép lạ dân ngoại thường là thô bỉ vì những lý do thường hoàn toàn ích kỷ.  Các phép lạ đó không có tính chất luân lý hay cứu chuộc, trái hẳn với tính chất thanh khiết, luân lý và cứu chuộc của các phép lạ Kinh Thánh Chúa Giê-xu làm.  Chúng cũng không có bằng cớ chắc chắn như các phép lạ Kinh Thánh có.  Cho nên chỉ tra xét mấy phép lạ dân ngoại và trưng lên sự vô lý của nó, rồi bác bỏ chung tất cả các phép lạ khác nhân lý do đó thì thật là bất công đối với các phép lạ Kinh Thánh.  Ông Foster viết: “Luận rằng mọi thứ phép lạ đều phi lý bởi vì đã tìm thấy trong đó một số phép lạ giả mạo thì là sai luân lý và là lạm dụng lẽ phải.  Loại bỏ một mớ những dị đoan mê tín lừa bịp rồi đem xếp vào cùng loại đó tất cả những gì là siêu nhiên thì là một thứ lý luận bừa bãi, bậy bạ, không xứng cho những người biết tư tưởng thẳng thắn và tự trọng.” (Foster, p. 2)

 

            E. Không có bằng chứng đầy đủ chống lại phép lạ. 

Các tín hữu đầu tiên sớm bị bắt bớ, chịu cực hình bởi lửa, gươm và tù ngục.  Đó là những cơ hội rất thuận tiện để chối đạo hoặc xưng nhận những điều giả mạo.  Nhưng không thấy ghi chép về một tín hữu nào chối bỏ đức tin cơ đốc khi bị bắt bớ với sự xưng nhận rằng các phép lạ trong cơ đốc giáo là giả tạo.  Thử xem trường hợp của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt. Khi hắn toan phản bội Chúa Giê-xu, còn gì tai hại hơn là hắn đứng lên vạch trần ra rằng các phép lạ của Giê-xu toàn là truyện giả mạo, lừa bịp. Nhưng miệng Giu-đa đã đóng chặt về chuyện đó.  Tất cả việc hắn có thể làm lúc đó là tỏ cho người Do Thái biết chỗ Chúa Giê-xu cầu nguyện.  Và hắn chỉ có thể phản bội Chúa bằng một cách như vậy.  Phúc Âm có ghi rõ Chúa Giê-xu bị nhiều người đồng hương ghen ghét.  Cả giáo hội ban đầu cũng bị ghen ghét như vậy. Nhưng dân xứ Pha-lê-tin là dân có đủ động lực trong sự ghen ghét của họ và từng biết rành mạch về đời sống của Chúa Giê-xu, thế mà họ không hề để lại một dòng chữ nào để chối bỏ một phép lạ của Ngài.  Đằng khác có nhiều thù địch dữ tợn của Cơ Đốc giáo nhìn nhận rằng Chúa Giê-xu đã làm nhiều phép lạ, tỉ dụ, như Celsus, Hierocles, cả hoàng đế Julian.

 

Tóm lại, điều chủ trương căn bản của chương này là phép lạ rất thích hợp cho hệ thống giáo lý cơ đốc, hay là, nếu chúng ta nhìn nhận giáo lý cơ đốc, chúng ta không còn đặt vấn đề cho sự thực hữu của phép lạ.  Đứng trong khuôn khổ giáo lý cơ đốc thì phép lạ (1) rất hợp lý trước niềm tin căn bản của chúng ta, và (2) được chứng minh là đã thực sự xảy ra trong lịch sử và trong thực tế.  Sự thực hữu của phép lạ có đủ bằng cớ chắc chắn không ai có đủ lý lẽ để nói ngược lại, nhưng chúng tôi đã suy luận trong phạm vi đức tin cơ đốc.  Như vậy chúng ta sẽ gặp sự chống đối của những người bên ngoài, và chúng ta cũng cần trả trả lời cho những vấn nạn họ nêu ra.

 

III. TRẢ LỜI NHỮNG AI KHÔNG TIN PHÉP LẠ

 

A. Khoa Học Đã Không Chối Được Phép Lạ

 

Các nhà khoa học trưng ra ba lý do để chống phép lạ đó là:

1.      Khoa học đã không có kinh nghiệm về phép lạ

2.      Phép lạ đi ngược luật thiên nhiên

3.      Vũ trụ của khoa học là vũ trụ phản phép lạ

 

Điểm thứ nhất, khoa học không thể khám phá được phép lạ vì lẽ hiển nhiên rằng phép lạ đã xảy ra trong chương trình cứu chuộc một lần đủ cả của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại và vì thế phép lạ đã thuộc về dĩ vãng.  Phép lạ chỉ còn là đề tài của khoa sử học, nghĩa là muốn hiểu vấn đề phép lạ người ta phải dựa vào bằng cớ, tài liệu và chứng tích. Cho nên các nhà khoa học không thể nào làm tái diễn việc vượt qua biển đỏ, hoặc làm lại hiện tượng cái lưỡi rìu sắt nổi trên mặt nuớc, hoặc chữa khỏi tức khắc bệnh phong cùi.

 

Đối với lý do thứ hai, chúng tôi quyết rằng câu vấn nạn đó tức là một câu định nghĩa phép lạ, tuy không đúng. Mối liên quan giữa luật thiên nhiên và phép lạ không phải là một thứ mâu thuẫn, nhưng là một thứ siêu việt. Dĩ nhiên phép lạ là một cái gì khác hẳn đường lối thông thường của thiên nhiên. Muốn bài bác một lập trường triết học bằng cách chối bỏ một định nghĩa thì không phải là cách tốt đẹp. Thường tình không thể dẹp yên bão táp sóng gió bằng lời nói của một người, nhưng bằng sức mạnh của thiên nhiên. Tính cách siêu nhiên và siêu việt của phép lạ là nền tảng để khám phá ra phép lạ.  Về điểm này, một khoa học gia chỉ có thể nói như sau: những biến cố có tính cách của một phép lạ không thể tìm thấy trong đường lối thông thường quen thuộc của khoa học, cũng không thể suy đoán ra từ những định lý quen biết của các khoa học. Quả quyết rằng phép lạ không thể xảy ra tức là đã bước vào một lập trường triết học. Và điều này đưa tới vấn nạn thứ ba.  Nói cho cùng, tin phép lạ hay chối phép lạ là vấn đề thuộc vũ trụ quan. Ông Carnell đã có lý khi ông viết như sau:

“Nếu chúng ta đặt vấn đề của chúng ta thấp hơn là một sự tranh cãi giữa hai vũ trụ quan siêu nhiên và tự nhiên thì chắc chắn chúng ta, chưa nắm dược vấn đề phép lạ cho đúng tầm mức của nó. Cái then chốt của vấn đề là như sau: có phải Đấng tối cao làm Chúa tể vạn sự vạn vật hay là các định luật nội tại làm chủ? Có phải trí khôn Đấng Christ là thần trí (logos) cho mọi sự hay là trí khôn của con người máy móc làm nền tảng cho mọi ý nghĩa? Những câu hỏi đó đặt vấn đề của chúng ta vào đúng mức quan trọng của nó” (J. Sarnell, An Introduction to Christian Apologetices, pp. 243-244).

 

Cho rằng khoa học không phải chạm trán với phép lạ, cho rằng phép lạ không đi đôi với các định luật thực tiễn của khoa học, trong hai điểm đó không điểm nào chứng minh phép lạ là vô lý hay hoang đường. Một nhà khoa học chỉ có thể nói phép lạ là vô lý hay hoang đường khi ông biến khoa học của ông thành triết học cho ông. Nhưng làm vậy thì vấn đề phép lạ không còn là vấn đề khoa học nữa, song là vấn đề triết học rộng rãi bao la.  Bình luận của chúng tôi về điểm này như sau:

 

1. Nếu nhà khoa học biến đổåi các định lý khoa học của ông thành những nguyên lý triết học thì tức là ông đang tiến vào trong lãnh vực của siêu hình học như một triết gia thực thụ rồi.

2. Cái nguyên lý dùng để loại bỏ phép lạ là nguyên lý về sự đồng nhất của thiên nhiên. Nguyên lý này xét về nguồn gốc thì là thành phần của thuyết hữu thần trong kinh viện triết học, và người ta dùng nguyên lý để chủ trương rằng đã có một Đấng Thiên Chúa trật tự thì cũng có một vũ trụ trật tự. Nhưng không một phương pháp thí nghiệm nào có thể chứng thực nguyên lý này. Nguyên lý đó được thể hiện trong thực tế nhưng không phải là định lý khoa học để có thể chứng minh. Cho nên sự đồng nhất của thiên nhiên là một giả định trong thuyết hữu thần cũng như trong thuyết vô thần. Trong thuyết hữu thần, sự đồng nhất của thiên nhiên là biểu hiệu Thiên Chúa trung tín đối với vũ trụ càn khôn. Nhưng sự trung tín này không khai trừ phép lạ. Về điểm này ông Lewis có mấy lời đáng trích ra đây:

 

Nếu chúng ta nhận Thiên Chúa thì chúng ta có phải nhận phép lạ không? Dĩ nhiên, đi ngược lại điều đó thì không được ổn thoả. Cho nên khoa thần học có nói với bạn rằng: “hãy nhận Thiên Chúa và với Ngài hãy liều mình nhận thêm một ít phép lạ nữa, và rồi ta sẽ sửa sang đức tin củ anh theo sự đồng nhất đối với đại đa số biến cố.” Cái triết lý đã cấm bạn không được cho sự đồng nhất là tuyệt đối thì cũng là cái triết lý sẽ cũng cho bạn nền tảng vững chắc để tin rằng sự đồng nhất là phổ biến hầu như tuyệt đối. Đấng phải đe phạt thiên nhiên vì muốn sự tự xưng là toàn năng thì Ngài cũng công nhận thiên nhiên trong những gì là hợp pháp (Lewis, p. 128).

 

3. Nhà khoa học phải giả định sự chân thật của một thuyết khoa học nào đó. Nếu vậy thì ông cũng lại phải giả định rằng:

a. Đây là một vũ trụ đã được ấn định về mọi mặt.

b. Hầu hết mọi năng lực đang hoạt động là năng lục khoa học, tức là sức mạnh thiên nhiên. Nhưng cả hai giả định đó đều rất mực mong manh.

 

Điều mà khoa học có thể nói là: bản khai phép lạ cần phải nghi ngờ cho đến khi nào có đủ lý do chắc chắn khiên ta nhìn nhận bản khai đó là đáng tin. Chúng tôi đồng ý cần phải nghi ngờ về hết mọi chuyện phép lạ. Chúng tôi cũng đồng ý rằng có đầy đủ lý do chắc chắn về phương diện triết lý và lịch sử để coi trọng vấn đề thực hữu của các phép lạ Kinh Thánh.

 

B. Khoa Phê Bình Lịch Sử Đã Không Thể Từ Chối Sự Thực Hữu Của Các Phép Lạ Kinh Thánh

 

Từ thế kỷ thứ 16 đến nay đã có một loạt những cuộc tấn công dữ dội vào sự thực hữu của các phép lạ Kinh Thánh Tân Ước song không đem lại thắng lợi nào.

 

1. Các cuộc tấn công đó chỉ là do các khuynh hướng lập trường triết học như thuyết bất khả tri, thuyết tự nhiên thần giáo, thuyết duy vật, chủ nghĩa canh tân, và chủ nghĩa duy nhiên. Thái độ tinh thần của tư tưởng hiện đại là thích chống báng các phép lạ, và thái độ đó do triết học. Như vậy các nhà phê bình cực đoan đi vào vấn đề với một tinh thần khép kín. Ông Lunn viết: “không gì trái khoa học bằng tinh thần khép kín, nhưng đáng buồn là các người thuộc tân phái bắt đầu công việc nghiên cứu vớit inh thần khép kín đối với vấn đề phép lạ có thể xảy ra và phép lạ là công việc của bàn tay thiên thượng.” (Arnold Lunn, “Miracles the Scientific Approach,” Hibbert Journal, 48: 242, April 1950).

 

Nhà phê bình nào cũng là một nhà triết lý và triết lý về lịch sử, nên ông đề cập đến vấn đề những thành kiến triết lý của ông.  Ông Parvis viết: “Nếu dĩ vãng đã dạy chúng ta được điều gì thì điều đó có nghĩa là công việc của nhà phê bình Tân Ước không những gồm phương pháp sử học mà cũng gồm cả triết học lịch sử nữa. Lịch sử phải được coi như sách chứa đựng không những gì đã xảy ra, nhưng còn chứa đựng những biến cố, tức là những chuyện đã xảy ra kèm theo ý nghĩa nữa” (M.M. Parvis, New Testement Criticism in the World Wars Period, the Study of the Bible Today and Tomorrow,  p. 73).

 

Bởi vậy, nếu nhà phê bình thuộc phái triết học duy nhiên thì tất nhiên họ sẽ lựa chọn những đường lối giải thích có thể trốn tránh các phép lạ tỏ tường của Kinh Thánh. Sự thực hữu của phép lạ bị gạt bỏ ngay từ đầu trên căn bản của một triết lý duy nhiên đã chấp nhận từ trước.  Đối với lập trường này, chúng tôi xin trả lời rằng: Các nhà phê bình cực đoan đã “giết chết” các sự kiện để làm cho triết lý của họ phù hợp với mọi kinh nghiệm thông thường. Đàng khác chúng tôi tin rằng nếu các nhà duy nhiên biết nhìn xem các phép lạ theo quan điểm siêu nhiên học thì họ sẽ thấy rõ sự hợp lý và sự thực hữu của phép lạ.

 

2. Hầu hết các phê bình gia hiện đại có một thái độ tiêu cực đối với giá trị lịch sử của phúc âm, thái độ bất khả tri luận đó không thể nào chấp nhận. Vì những lẽ sau đây:

 

a. Sách Công Vụ Các Sứ Đồ chống lại mọi cách “tiêu diệt” về cuộc đời Chúa Giê-xu. Mười ngày sau khi Chúa Giê-xu thăng thiên. Phi-e-rơ đã giảng về một Đấng Christ giảng đạo và làm phép lạ.  Thuyết phê bình cực đoan vì muốn tồn tại nên đã đánh gãy cái xương sống là sự tích của sách Công Vụ các sứ đồ và đặc tính sứ giả của tác giả Lu-ca. Họ thi hành ý định đó thế nào? Họ thi hành bằng cách xuyên tạc, thêu dệt về cuộc đời các sứ đồ cũng như họ xuyên tạc cuộc đời Chúa Giê-xu vậy. Họ bảo rằng cũng một phong trào đã phong thần cho Giê-xu Christ trước thế nào thì sau lại “phong thần” cho các sứ đồ như vậy. Câu chuyện “dựng đứng” đó cần phải có nếu không thì mọi sự sẽ đổ vỡ tan tành. Những kẻ đã “phong thần” cho Giê-xu trước kia thì nay lại được thế hệ sau “phong thần” cho. Cái lý luận rất mực vị kỷ này có mục đích làm sống động cho một giả thuyết quá thiếu sót.

 

b. Các tác giả sách Phúc Âm và sách Công Vụ các sứ đồ có nói đến những điểm đặc biệt về lịch sử, địa dư, về nhân vật về văn hoá xã hội, điều đó chứng tỏ sự trung tín của họ đối với những loại sự kiện đó.

 

Ở đây có hai điều cần nói thêm:

i) Ông William Ramsay quyết rằng muốn xuyên tạc hay thêu dệt những sự kiện có đầy đủ chi tiết như vậy là một việc rất khó. Điều đó chỉ có nghĩa là các tác giả phúc âm là những người đã quen thuộc với những sự kiện chi tiết đó, và họ không phải là những người Á Châu, ở Hy Lạp hay ở La Mã làm công việc sao chép lại lịch sử xứ Palestine, khảo cổ học xứ Palestine đã nhiều lần thay đổi, và sự trung thành của các tác giả phúc âm đối với các vấn đề đó thật là toàn vẹn. Ông Meginley nói: “chưa hề tìm thấy một nét sai trật nào trong lời tường thuật của các tác giả phúc âm về xứ sở mà trong đó Chúa Giê-xu đã sống và về những người mà Chúa Giê-xu đã gặp một xứ sở mà nhiều tín hữu đầu tiên chưa hề biết.” (Mecginley, op. cit., p. 10). Những biễn cố trong phúc âm đi đúng với thực tại lịch sử như vậy mà bảo rằng do óc tưởng tượng của những người ngoài xứ Palestine đặt ra thì thật là khó nghe.

 

ii) Nếu những tác giả đó đã tỏ ra nói đúng trong mọi chi tiết lịch sử như vậy thì ta phải nhận họ có trí thông minh sáng suốt, và không thể gọi họ là người nhà quê đần độn được.

 

c. Các nhà phê bình cực đoan đã nhắm mắt trước chứng cớ rành mạch của toàn thể giáo hội sơ khai.  Với thái độ bất khả tri luận của họ, họ đã chối bỏ trọn vẹn chứng cớ hiển nhiên từ Clement thành La Mã trở đi. Đây là một lỗi lầm nghiêm trọng.

 

d. Không có thời gian đủ để có thể xẩy ra chuyện biến hoá đời sống Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu chết vào năm 30 sau kỷ nguyên.  Có mấy học giả Kinh Thánh đặt thời gian của thơ Gia-cơ hoặc thơ Ga-la-ti vào khoảng năm 45 sau kỷ nguyên.  Tất cả các học giả Kinh Thánh đều cho các tác phẩm của các sứ đồ viết xong vào khoảng năm 50 sau kỷ nguyên.  Nếu có sự biến hoá từ một nhà giảng đạo tầm thường thành ra một Đấng Christ oai nghi, thì sự biến hoá đó phải mang những đặc tính sau đây là những đặc tính rất đáng nghi ngờ.

 

i) Sự biến hoá đó phải cực kỳ mau lẹ, nó phải được xong xuôi toàn vẹn trong khoảng thời gian dài nhất là 20 năm mà thôi.

ii) Nó phải đồng nhất với nhau một cách phi thường, bởi vì không tìm thấy chứng cớ nào khác ủng hộ cho nó nữa. Và cũng không thể khám phá ra một bằng chứng nào về sự tiến hoá đó.

iii) Nó phải được làm nên trong sự hay biết đầy đủ của các chứng nhân đầu tiên và của các sứ đồ, bởi vì cả Tân Ước đã hoàn thành vào khoảng 50 năm sau kỷ nguyên.

 

e. Vấn đề phê bình phúc âm nhất lãm không có nghĩa là chối bỏ hay không biết đến giá trị lịch sử của Phúc Âm nhất lãm.  Đành rằng không ai có thể tạo ra một thuyết nhất trí về vấn đề phúc âm nhất lãm.  Nhưng tương đối ra (sau khi đã thay đổi những gì cần phải thay đổi) thì sự bất lực đó không biện hộ cho một thuyết hoài nghi về đời sống của Đấng Christ.  Sau khi nêu lên các giả thuyết căn bản của họ, Baillie đã trách các nhà phê bình cực đoan như sau: “Như vậy các nhà phê bình cực đoan thường hay chọc tức chúng ta bằng cách cắt ngang vấn đề với câu hỏi: giáo hội đầu tiên có ý nói gì bằng câu chuyện này.  Họ đã cắt ngang mất câu hỏi quan trọng hơn nhiều: Chúa Giê-xu có ý nói gì khi Ngài phán điều đó hay làm điều đó?” (D.M. Baillie, God Was in Christ, p. 56).  Bày tỏ những khác biệt về lề lối giải quyết, vế cách trình diễn, về chi tiết thì không có nghĩa là bẻ gãy sức mạnh của giá trị lịch sử trong các sách phúc âm đâu.

 

f. Các nhà phê bình cực đoan đã chối bỏ sự thành thực của các sứ đồ. Trên kia họ đã bảo giáo hội sơ khai chẳng những đã biến Giê-xu Na-xa-rét thành Đấng Mê-si-a, mà còn biến các sứ đồ thành những người làm phép lạ nữa. Trong lập trường đó họ đã gạt bỏ sự thành thật của các sứ đồ.

 

i) Họ cho rằng các sứ đồ đã không trung thành chiếu giải đời sống Đấng Christ trong đời sống mình.

ii) Họ cho rằng sứ đồ trong đời sống đã để mặc cho người ta xuyên tạc về cuộc đời của Chúa Giê-xu. Ông Meintyre đã trích lời của ông Vincent Taylor rằng: “nếu các nhà phê bình cực đoan nói đúng thì các môn đồ hẳn đã được cho lên trời ngay sau khi Chúa sống lại.” (Meintyre, op. cit. p. 10)

iii) Giu-đa đã giúp ích lớn cho thuyết phê bình cực đoan. Giu-đa là anh em với Gia-cơ, cho nên là anh em với Chúa Giê-xu. Về Giê-xu như một người tự nhiên và hoàn toàn nhân loại là đúng hay người như thần linh là đúng? Nhưng trong cả hai trường hợp đó không ai có thể xưng mình là cùng huyết thống với Đấng Christ trừ ra người nào thực sự có.

 

g. Không có chứng cớ nào về một sự tiến hóa thực sự trong phúc âm hay trong Tân Ước hay trong giáo hội sơ khai.

 

i) Lối giải thích quá tự do về phúc âm, trong đó một Giê-xu hoàn toàn tự nhiên có thể tách ra khỏi một Đấng Christ thần linh, lối giải thích đó đã chết rồi.

ii) Chính thuyết phê bình cực đoan đã phải chứng minh rằng các lớp đất trước cũng như các lớp đất sau đều chứa đựng một Đấng Christ có thần tánh.

iii) Các cuộc khám phá ra những bản chép rất cổ về phúc âm thử đã kéo lui thời gian của tất cả các sách phúc âm trở về trong thế kỷ thứ nhất.

Nói tóm lại, các nhà phê bình cực đoan đã tạo nên một lỗ hổng giữa đời sống thực tế của Chúa Giê-xu và giáo hội sơ khai với sách Tân Ước.  Rồi họ ném vào trong lỗ hổng đó tất cả câu chuyện biến hoá từ một Giê-xu nhân loại sang một Giê-xu thần linh.  Chỉ có duy một bằng cớ cho luận điệu này là một thuyết xã hội học về chuyện hoang đường sang thế kỷ và sự bành trướng phát triển của nó. Đem đặt tất cả vào trong cái lỗ hổng bịa đặt đó, đối phương đã chiếm được một chỗ đứng vững chãi kiên cố, bởi vì không thể tìm được một bằng chứng nào trái lại. Nhưng, đồng thời, cũng không có bằng chứng cụ thể nào bênh vực họ. Cũng như kiểu một nhà tiến hoá ngây thơ kia bị chất vấn: sự sống đã đến từ đâu? Thì ông trả lời: “đến từ các ngôi sao”. Câu nói của ông ta không thể bác bỏ cũng như không thể chứng thực.

 

h. Sau hết sự lạ lùng trong những tài liệu nói về Đấng Christ thần linh, và sự lạ lùng trong lịch sử giáo hội Cơ Đốc sẽ là một thứ ảo thuật bí nhiệm nếu các nhà phê bình cực đoan nói đúng.

 

Câu hỏi cấp bách là bởi đâu mà có sức mạnh lạ lùng đó? Không ai có thể trả lời. Nếu bảo là do môi trường xã hội làm nên thì yếu lý quá. Thần đồng hay thiên tài bao giờ cũng mang đặc tính cá nhân. Ai là những thiên tài đã viết nên áng văn chương vĩ đại nhất, đã viết nên cuộc sống vĩ đại nhất, những giáo lý thần đạo vĩ đại nhất, mà lại qua đi không để lại tên tuổi gì? Nếu môi trường xã hội sản xuất ra được Tân Ước thì chúng ta lại có một hiện tượng ly kỳ khác cũng có giải thích như vấn đề phép lạ mà các ông phê bình cực đoan đang ráng sức dẹp đi vậy.  Chúng ta chỉ có thể kết luận như sau: thuyết bất khả tri luận đối với phúc âm như là một thuyết phi lý và phúc âm Tân Ước hoàn toàn đáng tin về phương diện lịch sử, gồm cả vấn đề phép lạ trong đó.

 

C. Dùng Triết Học Chống Phép Lạ

Đã Không Thành Công

 

Dùng triết học để chối bỏ phép lạ thuộc luận điệu của thuyết định mệnh (deterninism).  Đó có thể là thuyết định mệnh vật lý (physical determinism) loại bỏ phép lạ như trong thuyết duy vật hay thuyết duy nhiên hoặc có thể là thuyết định mệnh luận lý (logical deterninism) không chấp nhận phép lạ như trong thuyết phiếm thần và thuyết duy tâm tuyệt đối (absolute idealism) của Spinoza, Hegel. Đó cũng có thể là thuyết định mệnh đạo đức (ethical determinism) cho rằng phép lạ không phù hợp với bản tính hay mục đích của Thiên Chúa, như trong các học thuyết duy tâm, thuyết duy thần (deism) và thần học  tân phái.

 

Quan điểm của chúng tôi tóm lược như sau:

1. Chúng tôi xin trả lời cho thuyết định mệnh vật lý và các thuyết khoa học khác rằng sự siêu việt của con người trên vật chất, trên bản năng và dục vọng chứng tỏ thực tế còn gồm chứa một cái gì mầu nhiệm hơn là vấn đề nhân quả.

 

2. Đối với thuyết định mạng luận lý cũng vậy. Đặc tính sáng tạo, tìm mới và bản chất tự do của con người là những thực tại mà thuyết định mệnh luân lý không thể nào tiêu hoá nổi.

 

3. Chúng tôi trả lời cho thuyết duy tâm và thần học tân phái rằng:

 

     a. Một thuyết nhân loại học quá lạc quan hằng bênh vực một sự liên lạc không hề dứt giữa loài người với Thiên Chúa, đi đôi với một định nghĩa không đầy đủ về vấn đề tội ác. Chúng tôi không tin rằng những cách giải thích đó phù hợp với thực tại. Một thái độ thực tế đối với vấn đề tội ác báo hiệu một đường lối thần học tốt.

 

     b. Thuyết duy tâm và thần đạo tân phái đã bỏ qua không nhìn nhận sự mặc khải siêu nhiên của Kinh Thánh.

 

Câu trả lời chung cho tất cả các thuyết đó là triết học không thể “giết chết” những gì là sự kiện hay thực tại.  Nếu phép lạ là một thực tại lịch sử thì các triết gia không nên tìm cách “giết chết” nó đi để bảo tồn học thuyết của mình, nhưng phải làm sao cho thuyết của mình đi đôi với thực tại. Bằng cớ nào đã khiến nhà sử học tin có dân Hittites, có A-lịch-sơn đại đế, có vương quốc Theban? Phép lạ cũng có bằng cớ chắc chắn đáng tin như vậy đó.  Và nếu các cuộc tấn công đả kích phép lạ bấy lâu đã tỏ ra vô hiệu thì phép lạ được kề vào số những thực tại mà bất cứ triết gia nào cũng phải công nhận.

 

Ngày nay các triết gia thường phủ nhận phép lạ không vì chứng lý sâu xa của công trình nghiên cứu sử học, mà chỉ vì thành kiến sâu xa của con người thời nay chỉ thích tin vào những thuyết khoa học quá khích hay thuyết định mạng và loại bỏ ngay từ đầu vấn đề siêu nhiên.

 

Để kết luận, triết học đã không thắng nổi sứ mạng của chứng cớ hiển minh về phép lạ bởi vì: (1) Các thuyết siêu hình học đó không trung thành với thực tại. (2) Triết học đã có ý bỏ qua tất cả quan niệm về mặc khải siêu nhiên và thực chứng của nguồn mặc khải đó để lập nên một hệ thống siêu hình học bởi biện chứng pháp hay bởi khoa học phân tích v.v... (3) Triết học đó đã không đi đúng với bản tính nhân loại về tính các siêu việt của nó, và không biết rõ về vấn đề tôïi ác với đặc tính phản loạn và tối tăm của nó. (4) Triết học đó đã xây đắp một nền siêu hình học trước khi nhận thức được chứng cớ lịch sử của phép lạ và vì thế đã loại bỏ vấn đề phép lạ ngay từ đầu.

 

Một trong những thành kiến hỗn độn nhất của con người thời nay là họ tin rằng người ta chỉ có thể hoặc là theo khoa học hoặc là theo Cơ Đốc giáo, người ta hoặc bênh vực sự đồng nhất của thiên nhiên hoặc bênh vực sự rối loạn, người ta hoặc là học giả, triết gia, hoặc chỉ là con chiên ngoan đạo.   Nhưng Cơ Đốc nhân chân chính tin vào sự đồng nhất của thiên nhiên theo đúng đường lối của khoa học.  Họ tin vào nguồn mặc khải siêu nhiên đi đôi với sự hiểu biết sáng suốt của lý trí con người.  Họ tin rằng vấn đề tình cảm ái mộ phải được kiểm soát bởi lý lẽ khôn ngoan của trí não. Họ tin rằng người ta có thể vừa là học giả vừa là Cơ Đốc nhân.

 

D. Khoa Tâm Lý Học Tân Tiến

Không Thể Đánh Đổ Phép Lạ

 

Khoa tâm lý học nêu lên nhiều lẽ để nghi ngờ sự thực hữu của các phép lạ được ghi chép trong các sách Phúc Âm.

 

1. Các nhà tâm lý học nói rằng các phép lạ chỉ là chữa bệnh bằng niềm tin.  Một điều không lạ lùng gì cho tâm lý học và y khoa là có nhiều bệnh nhân mắc chứng bệnh về chức năng hay tâm bệnh, không thể điều trị bằng y dược hay bằng giải phẫu được. Cái căn cớ tinh thần của bệnh có thể mạnh đến nỗi tạo nên được những dấu hiệu thực sự của bệnh.  Có nhiều bệnh nhân như thể đã từng được chữa khỏi bởi tâm bệnh học hoặc bởi phương pháp thôi miên, hoặc bởi những kinh nghiệm dị kỳ bất ngờ, hoặc bởi tôn giáo.  Người ta đã luận rằng Chúa Giê-xu vì có một sức mạnh tinh thần rất hớn hoặc bẩm sinh Ngài là mộït thầy tâm lý rất giỏi nên Ngài có thể tự mình khiến cho các chứng bệnh thần kinh đó tan biến.

 

Chúng tôi không cho rằng không hề có trường hợp bệnh thần kinh nào trong đám đông bệnh nhân mà Chúa Giê-xu đã chữa lành cho, nhưng chúng tôi nghĩ rằng kể hết mọi phép lạ đó là điều là chữa bệnh bằng niềm tin là vô lý. Chữa bệnh phong cùi hay mù từ lúc mới sinh đâu có thể do niềm tin được.  Hơn nữa, có những phép lạ về thiên nhiên không thể nào là chữa bệnh bằng niềm tin được.  Làm cho kẻ chết sống lại, càng không thể cho là chữa bệnh bằng niềm tin.

Không có vấn nạn chính đáng về điểm này.  Ông Garvie đã trả lời cho đối phương rằng:

 

    a. Khoa học tân tiến ngày nay không chấp nhận một vi phạm rộng lớn cho việc chữa bệnh bằng niềm tin khả dĩ đủ để bao gồm hết mọi phép lạ trong sách phúc âm.

 

                b. Thuyết của Matthew Arnold quá nặng nề vì phải nhấn mạnh đến sự tự dối mình của Chúa Giê-xu và của đám đông bệnh nhân. (A.E. Garvie, A Handbook of Christian Apologeties, p. 74 ff).  Ông Richardson còn cho thấy rằng trong thời Chúa Giê-xu, người ta chưa hề có ý thức gì về vấn đề chữa bệnh bằng niềm tin (Richardson, The Miracle Stories of the Gospel).

 

2. Một vấn nạn khác do tâm lý học là: chúng ta không thể nào nói ra một phép lạ nếu chúng ta quả thực có xem thấy.  Câu đó ý nói là phép lạ có đặc tình bí nhiệm làm chúng ta không thể nhận xét rõ ràng được.  Nó kỳ lạ mới mẻ quá không thể nào hiểu nổi.  Nếu vậy thì chúng ta làm sao nói về y khoa với những trường hợp chữa bệnh rất ly kỳ do đó thực hiện? Ngày trước, khi chứng bệnh viêm phức mạc đã tới một trình độ nào đó thì bệnh nhân sưng phù lên rồi chết. Nhưng ngày nay, khi con bệnh đã chắc chắn là chết thì thuốc trụ sinh đã làm cho khỏi một cách lạ lùng.

 

Hơn nữa, người ta còn sửa chữa được cả tâm tính con người bằng cách cho bệnh nhân uống thuốc bổ về hạch nội tiết. Những người mắc chứng buồn bã, chán nản, đờ đẫn có thể nhờ thuốc mà trở nên tươi tỉnh, vui vẻ, cũng nên chú ý đến sự tiến bộ trong các ngành khoa học khác nữa. Đọc trong bản thống kê tường thuật của khoa học, ta sẽ thấy những việc ly kỳ, bất ngờ xảy ra hàng ngày.

 

            Vậy câu vấn nạn của Hume rằng chúng ta không thể nói ra một phép lạ nếu chúng ta có xem thấy, câu đó chẳng những chối bỏ phép lạ mà còn chối bỏ (1) khả năng nhìn nhận những việc lạ xảy ra trong ngành y học và (2) những kham phá mới lớn lao trong các khoa học khác nữa.

 

3. Các nhà tâm lý học đã gieo nghi ngờ lớn trên khả năng con người về sự tường thuật biến cố xảy ra. Các nhà tâm lý học đã đặt ra những tình trạng giả tạo và bắt thuộc viên của mình ghi chép những gì đã xảy ra. Các điều mâu thuẫn và mập mờ được biên chép bởi các thuộc viên đó đã đánh mạnh vào sự đáng tin của con người đóng vai trò quan sát. Thuyết hoài nghi đó đã được đem áp dụng vào các tác giả của sách phúc âm.

Chúng tôi không có ý tranh luận về những khám phá thực tiễn của khoa tâm lý học về trình độ đáng tin của nhân chứng.  Cứ đọc trong các sách bảo vệ khoa tâm lý ứng dựng đủ thấy rõ chi tiết vấn đề.  Nhưng có hai điều nhận xét cần nêu ra trước ở đây là: (1) Các toà án không ngưng hoạt động vì những điều các nhà tâm lý học đã nói.  Không có phương tiện nào khác được đặt ra để thay thế bản kê khai những lời lượm lặt bởi các chứng nhân.  Đã rõ là các toà án cho rằng lời khai của các nhân chứng là hoàn toàn không đáng tin như nhiều người nói. (2) Nhà tâm lý học đã đi quá xa. Nếu xe A tông xe B và làm chết tài xế C thì cuộc điều tra có thể đem lại những lời khai nghịch như sau: xe A đang chạy 30 km một giờ - xe A đang chạy 40 km một giờ, xe A đã báo hiệu trước khi quẹo - xe A đã đụng xe B hết tốc lực - xe B bánh xe rít lên, thắng xe hãm mạnh quá, v.v... Vậy nếu chúng ta cho rằng một biến cố đầy những mâu thuẫn như vậy không thể xảy ra thì chúng ta phải kết luận tai nạn xe đó đã không hề xảy ra.  Nhưng xác hai xe nằm đó với xác tài xế C đủ nói ngược lại chúng ta.

 

Mặc dầu các lời khai khác nhau, người ta vẫn có thể đồng ý với nhau về một số sự kiện.  Bởi đó cần phải giới hạn sự nghi ngờ về lời khai chứng nhân. Chính nhà tâm lý học là kẻ thi hành những cuộc thí nghiệm thì ông có tự cho mình là hoàn toàn đúng đáng tin không?  Nếu ông theo đúng lời kết luận của ông thì chắc chắn ông cũng phải nén bỏ công cuộc thí nghiệm bởi vì ông cũng là nhân chứng trong các cuộc thí nghiệm về tâm lý.  Làm sao ông có thể xét sự đáng tin của các nhân chứng trong một tai nạn giả tạo nào đó nếu ông không cho rằng ông đang mục kích những gì xảy ra để có thể kiểm điểm về sự đáng tin của các nhân chứng?

 

Nói về các chuyện xảy ra trong phúc âm, chúng ta không chỉ có một nhân chứng hay vài nhân chứng, không chỉ có một phép lạ hay vài phép lạ.  Nhưng chúng ta có nhiều phép lạ xảy ra trước mắt nhiều người chứng kiến.  Sự tăng số nhân chứng và tăng số phép lạ dĩ nhiên cũng tăng thêm sự thực hữu của phép lạ.

 

Một hay hai trường hợp khỏi bệnh một cách mập mờ với vài ba nhân chứng, dĩ nhiên người chín chắn không thể chấp nhận.  Nhưng sách phúc âm chứa đầy những phép lạ đủ thứ đủ loại được thực hiện trước mắt hằng trăm người, có khi hàng ngàn người chứng kiến.  Như vậy, không thể gieo chút nghi ngờ nào lên các phép lạ trong đó khi nghiên cứu về sự đáng tin của những người tường thuật biến cố.

 

Hơn nữa, cần chú ý đến tính chất trong sạch, chừng mực và sự đáng tin chung cho các câu chuyện đó.  Các tác giả sách phúc âm không thể bị cáo trách về một sự gian dối nào trong những lời tường thuật về địa dư, lịch sử và văn hoá. Xét về phương diện văn chương, mặc dầu đối phương liệt phúc âm vào loại kém. Phúc âm vẫn đứng vào hàng tuyệt bút của văn chương thế giới.  Phúc âm theo Lu-ca đã được coi như một sách đẹp đẽ nhất trong nhân loại.  Sự hiển nhiên về khả năng văn hoá, lịch sử, địa dư và văn chương của các tác giả phúc âm đặt nặng uy tín cho các vị đó trong việc ghi chép các phép lạ xảy ra.

 

4. Các nhà tâm lý học đã cho phép lạ trái ngược với kinh nghiệm. Vấn nạn này đã được lập lại nhiều lần từ ngày ông Hume xướng ra nó. Câu đó chẳng qua chỉ là nói ngược lại câu định nghĩa phép lạ hay là một định nghĩa lo lắng về phép lạ.  Vì phép lạ vốn có khả năng làm bàng hoàng trí khôn, làm hoảng hốt óc tưởng tượng, và phép lạ bao giờ cũng xuất hiện một cách hoàn toàn độc đáo, tất cả nhũng cái đó làm nên phép lạ.  Nếu phép lạ không có cái ngòi chích tâm lý như vậy thì không thể sinh ra công hiệu như người ta vẫn mong chờ.  Người ta hiểu phép lạ là một cái gì khác hẳn với những kinh nghiệm thường nhật, quen thuộc.  Vậy, nếu ai nói rằng mình không tin điều gì trái thói quen thì người ta đã chối bỏ khoa học.  Cho nên không ai có thể chối phép lạ chỉ vì lẽ phép lạ khác với kinh nghiệm thường ngày, và đồng thời cũng không ai viện lý do đó để chối những phát minh tân kỳ của khoa học được.  Chỉ duy có một vấn nạn thoả đáng là vấn nạn của người duy vật, họ viện lẽ siêu hình học để quyết rằng vũ trụ này không chấp nhạân phép lạ.

 

Các nhà thần học nhận thấy rằng văn hoá Âu Châu đã thiệt mất cái cảm giác thèm muốn những điều siêu nhiên hay siêu việt, siêu phàm.  Cái siêu nhiên hay siêu phàm đang bị đào thải với một luận cứ cũng mù quáng và ủy mị không kém thứ luận cứ mà các ông tân tiến quen gán cho các nhà thần học trung cổ vậy.

 

Phe chống siêu nhiên nhấn mạnh rằng: bất chấp những gì nhà siêu nhiên quả quyết hay bài bác, vấn đề là: (1) chỉ có một tinh thần tân tiến khoa học, sáng suốt, văn minh, với một vũ trụ của định luật, của trật tự, của nhất trí và điều hoà, chống lại (2) mộït tinh thần hẹp hòi, độc đoán, cố chấp nghi hoặc, với một vũ trụ của ma thuật, của lộn xộn của bừa bãi.

 

Nhưng thực ra tinh thần thời nay đã bỏ rơi mất cái đặc tính quí báu là cởi mở và truy tầm.  Phép lạ bị thời nay lên án là vô lý trước khi tra xét kỹ lưỡng theo thói quen, thói quen tra cứu đó là đặc tính của tinh thần cởi mở, tinh thần vô tư và tự do truy tầm.  Nhà siêu nhiên tin vào khoa học, giáo dục, văn minh, tiến bộ cũng như nhà chống siêu nhiên.  Họ còn tin mạnh hơn nữa vào trật tự vì nhất trí của vũ trụ này không kém gì nhà chống siêu nhiên.

 

Tóm lại, mục đích của chúng ta là trưng lên một vũ trụ quan có thể chứng minh cho phép lạ, biện luận về những lý lẽ lịch sử bênh sự thực hữu của phép lạ, và phi bác những luận điệu chối bỏ sự hợp lý và sự thực hữu của phép lạ.  Nếu mục đích của chúng tôi đã đạt thì đức tin Cơ Đốc đã được chứng minh là đạo Đức Chúa Trời.  Đạo ấy được đóng ấn bởi siêu nhiên, tức là phép lạ.

 

CÂU HỎI

 

1. Phép lạ là gì?  Theo Bernard Ramm, phép lạ cần có những yếu tố nào? Xin giải thích và cho biết nhận xét cùa bạn.

 

2. Theo Bernard Ramm, “Phép lạ, để được chấp nhận, phải được nhìn trong khung cảnh Cơ-đốc giáo.” Xin giải thích lời phát biểu này và cho biết ý kiến của bạn.

 

3. Theo Bernard Ramm, phép lạ chứng minh sứ điệp Cơ-đốc giáo.  Tại sao?  Các bằng cớ nào cho thấy rằng các phép lạ trong Kinh Thánh là đáng tin?

 

4. Một số nhà khoa học đã chối bỏ phép lạ.  Họ đưa ra những lý do nào?  Bernard Ramm trả lời với họ thế nào?  Bernard Ramm đã dùng những luận cứ nào để chứng tỏ cho các nhà phê bình lịch sử, các triết gia, các nhà tâm lý học thấy rằng các phép lạ là đáng tin?

 

5. Lý do nào bạn tin nơi phép lạ?  Ngày nay Chúa có còn làm phép lạ không?  Khác với thời Cựu ước và thời các sứ đồ như thế nào?  Tại sao?


Top