Reader
Trang Đầu | Mục Lục | << CHƯƠNG 4 | CHƯƠNG 6 >>

CHƯƠNG 5

SỰ PHỤC SINH CỦA CHÚA

 

Trích dịch từ Protestant Christian Evidences của Bernard Ramm,

Chicago: Moody Press, 1965, chương 7

 

I. TẦM QUAN TRỌNG  CỦA SỰ PHỤC SANH

 

Phục sanh là phép lạ lớn nhất trong Tân Ước, cũng như Xuất Ai Cập là phép lạ lớn nhất trong Cựu Ước.  Sự giải cứu khỏi làm tôi Ai Cập đã khai sáng cho dân tộc Y-sơ-ra-ên nên một quốc gia hiểu rõ số mệnh của mình và sự xuất Ai Cập được mở màn cho một nguồn mặc khải vô song, chỉ có cuộc đời Chúa Giê-xu trong Tân Ước mới có thể so bằng.  Mặc khải về luật pháp, về nhà tạm với mọi chi tiết, về chức tế lễ với mọi quy chế, về các thứ của lễ dâng lên Chúa.  Mười điều răn được giới thiệu bằng sự nhắc lại việc giải cứu lạ lùng cho Y-sơ-ra-ên khỏi kiếp sống tôi mọi bên Ai Cập (Xuất 20:2).  Cũng như việc Xuất Ai Cập là ấn chứng siêu nhiên Thiên Chúa đóng vào Cựu Ước thì việc phục sanh của Đấng Christ là ấn chứng siêu nhiên đóng vào Tân Ước.  Ông Hamilton nói: “việc phục sanh làm nên Bửu Ấn của Thiên Chúa toàn năng đóng trên đời sống, việc làm và lời giảng của Giê-xu Na-xa-rét”. (F. Hamilton, The Basis of the Christian Faith, Third Edition, p. 285).

 

A. Phục sanh là phép lạ đặc biệt của Đấng Mê-si-a 

Phép lạ này chỉ chung cho Đức Chúa Cha (Rô-ma 6:4), cho Đức Thánh Linh (Rô-ma 8:11) và cho chính Đấng Mê-si-a (Giăng 10:18).  Không phép lạ nào khác có yếu tố siêu nhiên đặc biệt như phép lạ phục sanh.  Trong khi các phép lạ khác Đấng Mê-si-a làm cho kẻ khác hay về chính mình Ngài, tỉ dụ, phép lạ đóng tiền nộp thuế thấy trong miệng cá, còn phục sanh là phép lạ của chính thân vị Ngài.  Sự phục sanh là lời chứng mạnh mẽ rằng Giê-xu là con Thiên Chúa (Rô-ma 1:4).  Ngài có trong mình Ngài “quyền phép của sự sống vô tận” (Hê-bơ-rơ 7:16), và Ngài là thầy tế lễ được tôn cao hơn các tầng trời” (Hê-bơ-rơ 7:26)

 

B. Phép lạ phục sanh là mấu chốt của cả công cuộc cứu chuộc

Trong khi các phép lạ của Chúa Giê-xu và của các môn đồ Ngài chỉ là phụ giúp vào đó thôi. Việc chữa lành người phong cùi có công hiệu giải tỏ tình thương, quyền năng và sự tốt lành của Thiên Chúa, cũng như khải thị về thân vị của Đấng Mê-si-a. Nhưng phép lạ đó không thuộc thành phần của chương trình cứu chuộc.  Sự phục sanh đi đôi với sự giáng sanh và chuộc tội là chính trái tim của Phúc Âm và của chương trình cứu chuộc.  Các tác giả Tân Ước lấy việc Phục sanh làm quan hệ lắm, đến nỗi Phi-e-rơ quy vào đó hết mọi ơn phước của việc cứu chuộc (I Phi-e-rơ 1:3).  Phao-lô nhìn nhận nếu thiếu sự phục sanh thì công việc Đấng Christ đều ra vô ích. (I Cô. 15:17) và phải có sự xưng nhận phép lạ phục sanh thì việc cứu rỗi mới được trọn vẹn (Rô-ma 10:9-10), điều đó không thể nói về các phép lạ khác. Ông Ramsey có lời bình giải rằng: “Kẻ thù truyền kiếp là sự tội và sự chết chỉ bị tiêu diệt bằng một nhát gươm mạnh, nhát gươm đó chỉ được giáng xuống do cái chết của chính Đấng Mê-si-a mà thôi”. (A.M. Ramsey, The Resurrection of Christ, p. 11). Ông Filson nhận xét rằng sự phục sanh của Chúa “bảo đảm cho kiếp lai sanh một chỗ quan trọng trong viễn tượng và tư tưởng của Cơ Đốc nhân.” (F.V. Filson, Interpretation, 2:37, April, 1949).

 

C. Sự phục sanh của Đấng Christ là ấn chứng cho sự phục sanh của chúng ta

Việc chữa lành bệnh nhân không bảo đảm chúng ta tin rằng Chúa Giê-xu cũng sẽ chữa bệnh cho mọi người chúng ta ngày nay, và việc làm cho La-xa-rơ sống lại không bảo đảm là chúng ta sẽ trường sinh bất tử.  Nhưng sự phục sanh của Đấng Christ là Trái Đầu Mùa có sức mở cửa các mồ mả ra cho mọi kẻ tin Ngài được hưởng sự sống đời đời.  Bởi vì Ngài đã phục sanh, nên chúng ta cũng sẽ phục sanh (Rô-ma 8:11).

 

D. Sự phục sanh của Đấng Christ có giá trị minh chứng đặc biệt.

            Sự phục sanh đây không có nghĩa là một sự làm tỉnh lại, làm hồi sanh, nhưng là một sự sống mới, một sự tái sanh vào cõi sống bất diệt và vĩnh cửu. Đó là một hiển vinh cho thân xác. Thân xác phục sanh của chúng ta ngày sau sẽ giống như thân xác phục sanh hiện nay của Chúa Giê-xu. Nếu một người bị giết chết trước công chúng và bị chôn trong một ngôi mộ có nhiều người chứng kiến, và nếu người đó lại xuất hiện với (1) đủ chứng cớ rõ ràng là chính con người đã bi giết trước đây, nhưng (2) lại có những đặc tính và quyền năng siêu phàm, thì chắc chắn người đó đã được phục sanh từ cõi chết do quyền phép của Thiên Chúa.

Chúa Giê-xu đã chịu xử án tử hình trước mặt công chúng. Sự xử án công khai đó đã được những sử gia như Tacitus và Josephus biết rõ và làm chứng. (Tacitus, Annals, XV, 44; Josephus, Antiquities, XVIII, 3).

 

Cuộc xử án này đã diễn ra tại thủ đô của nước Do Thái, dưới quyền của quan toàn quyền Rô-ma và binh lính của ông, với sự hợp tác của các nhà cầm quyền Do Thái, và trong một dịp đại lễ trọng thể nhất. Chắc chắn Chúa Giê-xu đã chịu chết. Thuyết nói rằng Chúa Giê-xu chưa chết hẳn chỉ là một sự dụng ý chối bỏ lời Kinh Thánh chép và không có một chút giá trị lịch sử nào. Theo các sách Phúc Âm thì biết rõ ai là chủ ngôi mộ đó, và cách mai táng thể nào, và nơi mai táng ở đâu. Khi Phi-lát cho đặt một đội lính canh nơi mộ đó thì ông đã chỉ rõ địa điểm đó cho bạn thân của Chúa cũng như cho kẻ thù của Chúa.

 

Sau khi đã mai táng xong rồi mà Chúa giê-xu lại xuất hiện thì Ngài đã chứng tỏ cho các môn đồ Ngài biết Ngài chính là kẻ bị giết trước đây, Chúa đã nói chuyện một cách thân tình và đặc biệt với họ để họ tin, Chúa đã tỏ ra cho họ xem các dấu đóng đinh vẫn còn nơi thân xác vinh hiển của Ngài. Chúa làm phép lạ trước mặt họ, Chúa vẫn giữ với họ những cử chỉ quen thuộc khi trước. Ông Orr nhấn mạnh rằng các việc đó không phải chỉ hiển nhiên một cách thoáng qua, nhưng trong những “cuộc chuyển văn kéo dài” giữa Chúa với các môn đồ. (James Orr, The Resurrection of Jesus, p. 145).

 

Việc Chúa hiẹân đến và biến đi, Chúa đi xuyên qua các cửa đóng kín, Chúa lên trời, các việc đó chứng tỏ Ngài đang sống một đời sống hoàn toàn biến đổi. Việc Chúa ăn thức ăn chứng tỏ Chúa không phải thứ hồn ma nào. Tân Ước chép rõ ràng chắc chắn rằng Chúa Giê-xu Christ đã từ kẻ chết sống lại và vì thế Ngài là Con Đức Chúa Trời, và đạo của Ngài là đạo Đức Chúa Trời ban hành, là đạo Đức Chúa Trời đóng ấn. Tuy rằng theo tâm lý học kèm theo, nhưng theo luận lý học thì không thể nào giải thích được trường hợp phục sanh này. Nếu Chúa Giê-xu Christ đã từ kẻ chết sống lại trong cuộc sống biến đổi, bất diệt và vĩnh cửu, thì đạo Cơ Đốc mà Ngài giảng dạy phải là đạo Thiên Chúa ban hành, và vì thế Phao-lô đã có lý khi bảo các người thành Athenes rằng mọi người đều phải tin thật điều đó (Công Vụ 17:31). Đó thật là chứng cớ hiển nhiên Đấng Christ đã phục sanh.

 

II. CÁC LOẠI CHỨNG CỚ

 

Qua những trang trên đã có một chữ NẾU to lớn trong đầu óc độc giả. NẾU Đấng Christ đã phục sanh - chữ NẾU đó được đổi sang chữ VẬY là cách thu lượm bằng chứng hiển nhiên để đưa giả thuyết sang thực tại.

 

A. Chứng cớ triết học

 

Có vẻ kỳ lạ khi dùng chứng cớ triết học để bênh vực sự phục sanh của Đấng Christ.  Nhưng độc giả thấy đối phương đã viện những lẽ triết học để chối bỏ sự phục sanh.  Ông Bowen đã ngang nhiên tuyên bố rằng: “Chúng ta phải nhìn nhận rằng triết lý chúng ta không cho phép chúng ta tin nhận những điều mà người xưa làm chứng cho chúng ta tin.” (C.R. Bowen, The Resurrection in the New Testament, p. 62).  Nếu đối phương đã viện lẽ triết học để chứng minh sự phục sanh là phi lý thì chúng ta cũng phải dùng triết lý để chứng minh sự thực hữu của phục sanh.  Nếu họ viện lẽ đồng nhất của định luật thiên nhiên để chối bỏ phục sanh thì chúng ta cũng viện lẽ triết học Kinh Thánh để xưng nhận phục sanh.  Ông Ramsey viết: “Đạo Cơ Đốc là đạo phục sanh”. (Op. cit. p. 10).  Chúng ta tin rằng theo đúng khoa phương pháp học do triết học khai triển ra từ bao thế kỷ nay, đi đôi với các điều xác thực do Kinh Thánh nói thì chúng ta có thể xây dựng một nền triết học Cơ Đốc giáo. Trong các nguyên lý của khoa triết học này có hai nguyên lý sau đây: (1) Thiên Chúa là Đấng tự do và tuyệt đối để làm những gì Ngài muốn làm, và (2) Thiên Chúa là Đấng toàn năng để thực hiện.  Đặt hai nguyên lý đó vào kiểu nói của Kinh Thánh thì chúng ta có lời của Phao-lô nói với Agrippa rằng: “Ủa nào! Các ông há lại ngờ chẳng có thể tin được rằng Đức Chúa Trời khiến những kẻ chét sống lại sao?” (Công Vụ 26:8).

 

Triết học Cơ-đốc giáo chứng minh cho phục sanh bởi vì triết học đó cung cấp những điều kiện siêu hình, khả dĩ làm cho việc phục sanh vừa hữu lý vừa dễ hiểu.  Nếu đối phương dùng triết lý của họ để chối bỏ phục sanh, thì chúng ta dùng triết lý của chúng ta để bênh vực.

 

B. Chứng lý thần học

 

Nếu có người nói cho tôi nghe một phép lạ nào và biểu tôi tin, thì câu hỏi trước tiên tôi đặt ra là: “biến cố này có ở trong khối những biến cố có ý nghĩa sâu xa về triết học và thần học không?”

 

Một trong những lý do tại sao các loại tự tạo Mê-si-a, các thứ thầy lang thần tốc, các kẻ làm phù làm phép chóng bị lật tẩy và đổ vỡ là vì niềm tin của họ không đi đôi với việc làm của họ, việc làm thiếu ý nghĩa sâu xa về thần đạo. Trái lại, một trong những lý do tại sao lẽ siêu nhiên của Cơ Đốc Giáo chinh phục được nhiều người trí thức trong mọi thời đại là vì các lẽ siêu nhiên trong Cơ Đốc giáo phù hợp với toàn bộ giáo lý thần học. Chứng lý mạnh của Phục sanh là vì sự phục sanh thích hợp với hệ thống tư tưởng đầy ý nghĩa sâu xa về triết lý và tôn giáo.

 

Vào cuối thượng bán thế kỷ hai mươi, người ta đã chứng kiến một sự tràn ngập thị trường bởi các loại sách báo về triết học lịch sử. Các sử gia chuyên môn, các triết gia chuyên môn, các nhà thần học chuyên môn đã sản xuất nhiều tác phẩm trong lãnh vực này, tỉ dụ: Toynbee, Brunner, Baillie, Schwetzer, Butterfield, Niebuhr, Berdyaev, Sorokin, Collingwood.  Một trong những kết quả quan trọng do sự tràn nhập sách báo về triết học lịch sử là sự chú trọng đặc biệt và mới mẻ về tính chất lịch sử của Cơ Đốc giáo và về “Thành của Thiên Chúa” (City of God) của Augustine. Điều mà Hegel đã cố gắng làm cho triết học, nghĩa là cho triết học một gốc rễ lịch sử, thì Kinh Thánh đã làm cho tôn giáo, và Augustine đã làm cho thần học Cơ-đốc giáo.  Ngày nay người ta đã cảm thấy có vẻ giả tạo trong các thuyết siêu hình học theo kiểu Platon, hay Aristote, hay Locke, hay Descartes. Các thuyết đó có thể là tốt về phương diện bản thể học hay nhận thức luận, nhưng thiếu sót mối liên quan lịch sử.  Vũ trụ và đời sống nhân loại có bắt rễ trong lịch sử. Sức lôi cuốn mạnh mẽ của Kinh Thánh sở dĩ có là vì Kinh Thánh không phải là một mớ những tín điều thu thập lại theo kiểu Spinoza trong cuốn “Đạo Đứcù” (Ethics), cũng không phải là một sách phân tích sâu xa theo kiểu Kant trong tác phẩm Phê Bình (Critiques).  Nhưng đạo của Kinh Thánh được nối kết chặt chẽ với thời gian giống như vũ trụ và đời sống nhân loại.  Đạo Kinh Thánh có sự tiếp xúc liên tục với thực tế, điều mà khoa phân tích hay tổng hợp của siêu hình không có.

 

Ai ai cũng nhận thấy rằng Thánh Kinh thần học tức là thần học lịch sử và lịch sử thần học.  Giáo lý Cơ Đốc là siêu hình học trong chiếc áo lịch sử. Ông Casserley có mấy nhận xét cứng rắn về điểm này.  Ông quả quyết rằng ngày nay khoa triết học lịch sử làm cách mạng tư tưởng của chúng ta đến nỗi phân chia tất cả triết học làm hai thời kỳ: thời kỳ tiền triết học lịch sử và thời kỳ triết học lịch sử. Đối với ông, thì Cơ Đốc giáo là siêu hình học trong thể thức lịch sử.  Có nhiều giáo lý quan trọng của Cơ Đốc giáo cũng là những biến cố lịch sử quan trọng. Điều đó tỏ ra Cơ Đốc Giáo đi sát với thực tế và với vũ trụ. (J.V.L. Casserley, The Christian in Philosophy, p. 66 ff).  Cho nên sự phục sanh của Đấng Christ thích hợp với toàn bộ thần học Kinh Thánh, nghĩa là các việc lớn của lịch sử đi đôi với các giáo lý quan trọng của thần học.

Sự phục sanh là một sự thật trong lịch sử và trong thần học cũng như sự giáng sanh và sự đền tội.  Phục sanh thuộc thành phần của chính chương trình cứu chuộc. Giáo lý cứu rỗi của Cơ Đốc giáo kêu gọi phục sanh và đòi hỏi phục sanh. Cho nên chúng ta có thể nói mạnh rằng cơ cấu thần học của đạo Chúa làm chứng cho sự phục sanh. Bởi sự phục sanh của Đấng Christ mà tội và sự chết bị tiêu diệt, công nghiệp vô hạn của sự đền tội được ban ra, và sự phục sanh sau này của các thánh được đóng ấn.

 

C. Chứng lý Kinh Thánh

 

Triết lý tôn giáo, tức là triết lý Thánh Kinh làm cho sự phục sanh trở nên một thực tại của lịch sử. Thần học cơ đốc làm cho phục sanh trở nên cần thiết trong chương trình cứu chuộc. Và các sách Kinh Thánh cho chúng ta biết thực tại lịch sử của phục sanh. Cho nên sự phục sanh của Đấng Christ là hữu lý, cần thiết, và thực tế.

            1. Chứng lý của Cựu Ước. Đấng Christ chết và sống lại ý như lời Kinh Thánh đã nói trước.  Các sứ đồ đã quay về Cựu Ước để tìm chứng lý cho sự phục sanh bởi vì Đấng Christ đã dạy họ phải tìm kiếm Ngài ở trong Cựu Ước. Theo khoa giải kinh Cơ Đốc về Cựu Ước thì sự phục sanh đã được tiên báo từ lâu trước khi các sứ đồ tuyên bố việc đó là sự thật. Nhiều câu Kinh Thánh do các sứ đồ trích dẫn từ trong Cựu Ước ta có thể gặp thấy nhan nhản trong các sách nói về phục sanh, nên không cần bàn ở đây.  Tuy nhiên, hầu hết sách nói về phục sanh đã thiếu sót về các hình bóng của phục sanh trong Cựu Ước, tỉ dụ như gậy của A-rôn trổ hoa, việc dâng của lễ, nước, việc dâng I-sác, cũng như ý nghĩa hình bóng của chính bản thân ông Mên-chi-xê-đéc. Tuy rằng chứng lý đó các hình bóng Cựu Ước không được dồi dào cho lắm, nhưng thật có chứng lý đó ở mức độ nhất định và gia thêm sức mạnh cho việc bênh vực phục sanh. Chúng tôi xin nhắc lại rằng theo khoa giải kinh Cựu Ước mà chính Đấng Christ đã làm gương (lu-ca 24:25-27, 48) thì sự phục sanh đã được tiên báo từ lâu trước khi việc xảy ra. Ta cũng nên nhớ rằng Chúa Giê-xu đã nhắc tới chuyện Giô-na như là hình bóng về sự chết và phục sanh của Ngài và Phao-lô quả quyết rõ ràng rằng tâm trí người Do Thái bị che kín khi đọc Cựu Ước cho đến chừng nào Đức Thánh Linh soi sáng cho. (II Cô. 3:14, 15).

 

2. Chứng lý của Đấng Christ. Một khi đã coi sách Phúc Âm như sách lịch sử trung thành thì không thể nghi ngờ chính Chúa Giê-xu đã báo trước sự chết và sự phục sanh của Ngài, và Ngài tuyên bố rõ ràng việc đó cho các môn đồ, tỉ dụ như trong Giăng 2:19-21, Lu-ca 9:22, Mác 12:40, Mác 16:21, Mác 8:31 và Mác 20:19.  Các tác giả Phúc Âm đã thẳng thắn nhìn nhận rằng những lời tiên báo đó của Chúa thực ra đã không lọt vào tâm trí họ cho đến khi việc phục sanh biến thành sự thật (Giăng 20:9). Nhưng chứng lý bởi miệng Chúa Giê-xu còn đó: sau ba ngày Ngài sẽ sống lại từ cõi chết. Ngài đã phán báo các môn đồ rằng Ngài sẽ bị giết cách hung dữ, do lòng ghen ghét, và sẽ sống lại ngày thứ ba. Mọi sự đó đã thật xảy ra.

 

3. Chứng lý bởi Phúc Âm và Công Vụ Các Sứ Đồ. Giữa các tác giả Phúc Âm và Công Vụ các sứ đồ tuy có sự khác nhau về chi tiết, nhưng hoàn toàn nhất trí về thực tại rằng Chúa Giê-xu đã từ cõi chết sống lại. Đọc qua các sách Phúc Âm ta nhận thấy rõ điều này là các sách đó nói về sự chết và sự phục sanh của Đấng Christ một cách tỉ mỉ hơn bất cứ việc gì khác trong cuộc đời Chúa. Các chi tiết về sự phục sanh không ai được tự tiện cắt ra khỏi bài tường thuật về cuộc khổ nạn của Chúa.  Như tiến sĩ W.M. Smith đã nói, chúng ta biết Chúa Giê-xu chịu chết trong thành nào, với đầy đủ chi tiết về những biến cố, những câu chuyện về cuộc xứ án và cái chết của Chúa, và những nhân vật lịch sử hoạt động trong đó. Chúng ta biết Chúa ở đâu, khi nào, tại sao, và cách nào. Chúng ta biết ai đã lãnh xác Chúa và đã mai táng Chúa ở đâu và trong hoàn cảnh nào.  Các tác giả Phúc Âm cứ tiếp tục diễn tả câu chuyện một cách liên hồi không ngắt theo chương theo đoạn của chúng ta đặt ra và lúc nào cũng dồi dào chi tiết về sự phục sanh của Chúa. Họ nhất trí quả quyết: (1) phục sanh xảy ra trong ngày thứ nhất của tuần lễ; (2) Phục sanh được biết trước tiên bởi mấy phụ nữ; (3) Vầng đá đã được lăn ra khi mấy phụ nữ đó tới mộ; (4) Có sự hiện diện của thiên sứ; (5) Chúa Giê-xu đã hiện ra với nhiều cá nhân khác nhau trong nhiều lần khác nhau cũng như Ngài đã hiện ra với từng nhóm người; (6) Ngài có đủ bằng chứng để nhận biết Ngài là Thầy của họ ngày trước và nay vẫn còn quyền làm phép lạ như xưa, và xác Ngài cũng có xương có thịt, nhưng nay có thêm những đặc tính siêu nhiên mới mẻ.

 

4. Chứng lý của những phần khác trong Tân Ước. Trong Công Vụ Các Sứ Đồ chương 1, Lu-ca bảo chúng ta rằng Chúa Giê-xu đã tỏ mình ra là vẫn sống bằng nhiều chứng cớ chắc chắn (en pollois Tekmeriois), một kiểu nói diễn rả một loại bằng cớ chính thức và mạnh mẽ nhất.  Trong chương 1 đó chúng ta thấy có Chúa hiện ra và tiếp theo là Chúa lên trời.  Chúa cũng hiên ra riêng với Ê-tiên và với Phao-lô. Các sứ đồ bắt đầu giảng về sự phục sanh trong Công Vụ 2, và tiếp tục cho đến cuối sách Công Vụ.  Các tác giả thư tín cũng luôn luôn nhắc tới phục sanh; và I Cô. 15 lấy phục sanh làm đề tài chính.  Rồi trong sách Khải Huyền Chúa Giê-xu lại xuất hiện hằng sống.

 

D. Chứng cớ của lịch sử Giáo Hội

Cả trong lịch sử giáo hội, cả trong lịch sử đức tin đều có nói đến sự phục sanh ngay từ đầu. Phục sanh được nhắc đến trong “thơ gởi cho người Cô-rinh-tô” của Giáo Hoàng Clement thành La Mã vào năm 95 S.C. Đó là tài liệu sớm nhất của lịch sử hội thánh và sự phục sanh cứ tiếp tục được nhắc đến trong suốt thời kỳ các giáo phụ.  Niềm tin vào sự phục sanh xuất hiện trong hình thức bài “Tín Điều Các Sứ Đồ” và không hề bị tranh luận.

 

E. Chứng cớ do luân lý

Các nhà bênh đạo đã có công minh chứng rằng Phúc Âm không được hoàn toàn tín nhiệm, thì các việc lạ lùng xảy ra trong lịch sử Giáo Hội không gì có thể giải thích cho ổn thoả ngoài sự phục sanh.  Nói chúng thì chứng cớ luận lý diễn ra đại khái như sau: (1) Lý do sự bành trướng lạ lùng của Giáo Hội sơ khai là vì sự phục sanh của Chúa Giê-xu đã ban cho Giáo Hội quyền năng và can đảm để làm chứng cho Chúa. (2) Cuộc đời riêng của mỗi sứ đồ lạ lùng đến nỗi chỉ có thể giải thích bằng năng lực biến cải siêu phàm của sự phục sanh. (3) Sự trở lại của Phao-lô chỉ có thật nếu sự phục sanh có thật. (4) Vấn đề mộ trống không thể nào giải thích nếu không chấp nhận phục sanh. (5) Không thể có mưu gian chước dối gì bởi vì ngôi mộ đó cả kẻ thù lẫn bạn hữu của Chúa đều biết.  Vả lại, không có gì dập tắt Cơ Đốc giáo mau lẹ cho bằng bịa đặt ra một xác bị đóng đinh cho Giê-xu Christ nếu thực sự Ngài không bị đóng đinh. 

 

Cơ đốc nhân nhìn nhận sự phục sanh của Chúa Giê-xu Christ là một thực tại lịch sử.  Họ nhận thấy điều đó hợp lý theo triết học và thần học Cơ Đốc. Tính chất lịch sử của phục sanh được chứng minh rõ ràng bởi các lời tiên tri Cựu Ước, bởi Tân Ước, và bởi lịch sử giáo hội qua các tác phẩm giáo phụ và các bài tín điều đầu tiên.

 

III. THÁI ĐỘ KHÔNG TIN PHỤC SINH

LÀ THÁI ĐỘ PHI LÝ

 

Có những điểm nghiên cứu về vấn đề phục sanh đã được nhất trí công nhận, không cần bàn lại ở đây.

 

Thứ nhất, Tân Ước tin phục sanh là tin vào sự biến đổi vật lý hoàn toàn trong thân xác bị đóng đinh của Chúa Giê-xu. Có nhà thần học cố gắng giải thích phục sanh theo nghĩa thuộc linh, nhưng Tân Ước dạy rõ ràng sự phục sanh thể xác của Đấng Christ.  Tỉ dụ Phi-e-rơ nhấn mạnh rằng “Nhưng ngày thứ ba, Đức Chúa Trời đã khiến Ngài sống lại, lại cho Ngài được tỏ ra, chẳng hiện ra với cả dân chúng, nhưng với những kẻ làm chứng mà Đức Chúa Trời đã chọn trước, tức là với chúng ta, là kẻ đã ăn uống cùng Ngài, sau khi Ngài từ trong kẻ chết sống lại.” (Công Vụ 10:40, 41).  Dĩ nhiên không ai ăn và uống với một thần linh bao giờ.

 

Thứ hai, niềm tin vào sự phục sanh thân xác Chúa Giê-xu là một niềm tin rất phổ biến trong kho văn chương Cơ Đốc giáo, nghĩa là trong Phúc Âm trong các thư tín, trong sách Khải Huyền, trong các tác phẩm giáo phụ đầu tiên, và trong các bài tín điều thời Giáo Hội sơ khai.  Không thể chỉ coi sự phục sanh của Đấng Christ là sự phục sanh ở trong luật tự nhiên.  Nếu thuyết phê bình hình thức có giúp ích chi thì ích đó là tỏ ra cái yếu tố siêu nhiên và sự phục sanh của Đấng Christ đã ăn rễ sâu trong truyền thống Cơ Đốc giáo từ ban đầu.

 

Thứ ba, quan điểm nhượng bộ cho rằng những lời tường thuật về phục sanh trong Phúc Âm một phần là lịch sử và một phần là tiểu thuyết đã bị kết án là không thoả đáng chút nào.  Bởi thế, tất cả các cố gắng muốn chối bỏ phục sanh bằng cách tạo ra những giả thuyết như nào là Giê-xu chưa chết hẳn, nào là lầm lẫn ngôi mộ, nào là xác bị lấy trộm v.v... đều là những cố gắng vô ích, sai lầm. Cho nên chúng ta không mất thì giờ bàn ở đây những thuyết đó mà các sách khác đã phi bác.

 

Thứ tư, đã nhất trí nhận rằng việc ai tin hay không tin vào sự phục sanh của Đấng Christ trực tiếp liên hệ tới (1) các tư tưởng triết học của kẻ ấy, (2) cách hiểu của kẻ ấy về bản chất của Cơ Đốc nhân, và (3) lý thuyết của kẻ ấy đối với tính đáng tin của các sách Phúc Âm và lối giải quyết của kẻ ấy đối với vấn đề Phúc Âm nhất lãm.

 

Hầu hết các sách nói về phục sanh đều nêu lên những chứng cớ tích cực, tỉ dụ như mộ rỗng, các lần Chúa Giê-xu hiện đến, đời sống biến đổi lạ lùng các sứ đồ.  Điều này đã nói tới nhiều lần, khỏi cần lập lại ở đây. Mục đích của chúng tôi là muốn tỏ ra sự thật về phục sanh theo chứng cớ chúng tôi đã trình bày. Chúng tôi muốn tỏ ra rằng lập trường của kẻ không tin phục sanh là lập trường gặp phải nhiều khó khăn không thể giải quyết. 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


CÂU HỎI

 

1.  Những bằng chứng nào trong Kinh Thánh chứng tỏ Chúa Giê-xu đã thật sự sống lại?  Phao-lô đã đưa ra những lập luận nào để thuyết phục về sự phục sinh của Chúa?  Theo bạn, bằng chứng rõ ràng nhất là gì?

 

2. Theo Bernard Ramm, sự phục sinh của Chúa quan trọng thế nào?  Xin tóm tắt những chứng cớ về sự phục sinh của Chúa mà Bernard Ramm đã nêu ra. Theo bạn, những chứng cớ này có giá trị ra sao?  Theo Bernard Ramm, tại sao không tin vào sự phục sinh là điều phi lý?

 

3.  Ngày nay người ta thường có những thái độ nào đối với sự phục sinh của Chúa?  Đối với mỗi thái độ, bằng cách nào bạn chia xẻ hay thuyết phục họ?


Top