Reader
Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 4 | Bài 6 >>

Bài 5

VỊ TRÍ CỦA KINH THÁNH TRONG GIÁO TRÌNH

Khi học môn sinh học, học sinh sử dụng sách giáo khoa sinh học. Khi học PhápVăn,  học sinh sử dụng sách giáo khoa Pháp Văn. Trong lớp học Kinh Thánh, học sinh sử dụng Kinh Thánh là sách giáo khoa. Tuy nhiên, khi học Pháp Văn hay sinh học, học sinh có thể lựa chọn và sử dụng nhiều sách giáo khoa khác nhau, không tuỳ thuộc trực tiếp vào một sách giáo khoa nào, trái lại khi học Kinh Thánh, học sinh chỉ tuỳ thuộc vào Kinh Thánh. Sự hiểu biết về Kinh Thánh liên quan trực tiếp đến việc sử dụng Kinh Thánh cách đúng đắn.

Trong bài này, chúng ta sẽ đề cập tới những  phương cách giúp chúng ta trong việc nghiên cứu Kinh Thánh. Trước hết chúng ta sẽ thảo luận về bản chất của Kinh Thánh và sau đó tìm hiểu về Kinh Thánh như một giáo trình. Không có một chủ đề nào quan trọng bằng những chủ đề của Kinh Thánh. Không có cuốn sách nào chứa đựng những phước hạnh như Kinh Thánh. Không có cuốn sách nào chỉ cho con người đến sự sống vĩnh cửu. Vì thế, sử dụng Kinh Thánh cách đúng đắn là điều vô cùng quan trọng.

I. BẢN CHẤT CỦA KINH THÁNH

Kinh Thánh và sự mặc khải.

Kinh Thánh là sách ký thuật về những mặc khải của Đức Chúa Trời cho con người. Nếu không có quyển sách ký thuật về sự mặc khải của Đức Chúa Trời này thì nhân loại sẽ biết rất ít về  Đức Chúa Trời. Khởi đầu với A-đam và đặc biệt chú ý đến Aùpraham và dòng dõi của ông, Kinh Thánh hướng về Chúa Cứu Thế Giê-xu như là trọng tâm.

Có hai loại mặc khải: mặc khải tổng quát và mặc khải đặc biệt. Trong mặc khải tổng quát, sự cao cả và quyền năng của Thượng Đế được mặc khải qua thiên nhiên: "Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, bầu trời giải tỏ công việc tay Ngài làm, ngày này giảng cho ngày kia, đêm này tỏ tự tri thức cho đêm nọ, đây đó chúng nó truyền đến cực địa, nơi chúng nó Ngài đã đóng trại cho mặt trời” (Thi Thiên 19:1-2,4) Sứ đồ Phalô cũng đã minh định chân lý này như sau: "Bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thể vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được” (Rô-ma 1:20).

Nếu bầu trời đầy sao là mặc khải duy nhất về Thượng Đế cho chúng ta, thì Thượng Đế sẽ rất trừu tượng và xa vời. Kinh Thánh cho thấy Thượng Đế đã tạo dựng con người để Ngài có thể tương giao với con người. Và Ngài đã tạo dựng con người để con người sẽ thờ phượng Ngài với tất cả khả năng tâm  linh, trí khôn và ngôn ngữ mà Thượng Đế ban cho họ (Sáng 1:27). Thượng Đế trong Kinh Thánh là Thượng Đế tự mặt khải chính mình. Chìa khoá để hiểu biết Ngài là sự mặc khải trong Kinh Thánh và qua Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Chúa Cứu Thế Giê-xu chính là trọng tâm của Kinh Thánh. Ngài là Lời Hằng Sống của Thượng Đế mà lời thành văn tức là Kinh Thánh làm chứng cho (Giăng 5:39,46). Mục đích đời đời của Thượng Đế bao gồm chương trình cứu chuộc nhân loại. Vậy nên, bắt đầu với Ađam, rồi qua Aùp-ra-ham và Môise, chúng ta thấy chương trình cứu rỗi của Thượng Đế hé mở. Thượng Đế đã can thiệp vào lịch sử và tự tỏ mình ra cho dân tộc mà Ngài lựa chọn là Y-sơ-ra-ên để thiết lập một giao ước đặc biệt với họ. Chính là qua Aùp-ra-ham và dòng dõi của ông mà sau đó gần 2,000 Đấng Cứu Chuộc đã sinh ra bởi một người nữ.

Trong khi nghiên cứu Kinh Thánh, chúng ta không nên quên sứ điệp chính yếu của Kinh Thánh. Chúng ta không nên sa lầy trong chữ nghĩa của Kinh Thánh mà quên rằng Kinh Thánh bày tỏ về Lời Hằng Sống. Những điều ký thuật trong Kinh Thánh là rất quan trọng vì đó là phưong cách duy nhất nhân loại có thể hiểu về Thượng Đế. Khi chú giải Rôma 1:16-32, Lawrence Richards đã viết: "Khi thu nhập những dữ kiện về Thượng Đế qua Lời Kinh Thánh, chúng ta kinh nghiệm về Ngài. và khi chúng ta suy niệm về Chúa thì trong kinh nghiệm đó chúng ta nhận biết Ngài” (Lawrence Richards, Creative Bible Teaching, Chicago, ILLinois: Moody Press, 1970, p. 55)

Nhờ Kinh Thánh chúng ta gặp được Lời Hằng Sống là Chúa Giê-xu và Ngài đòi hỏi nơi chúng ta sự đáp ứng. Sự đáp ứng mà Ngài mong muốn đó là sự thay đổi đời sống (IICô-rinh-tô 5:17). Do đó, Kinh Thánh không phải chỉ để nghiên cứu một cách lý thuyết hoặc nghiên cứu chỉ để thu thập kiến thức như chúng ta học một sách giáo khoa về khoa học. Làm như thế là đi ngược lại mục đích mà Kinh Thánh đã được viết ra. Kinh Thánh là một cuốn sách sống động bởi vì khi chúng ta đọc Kinh Thánh chúng ta sẽ gặp gỡ Lời Hằng Sống và kết quả là chúng ta sẽ được Chúa biến đổi đời sống qua quyền năng của Đức Thánh Linh.

Kinh Thánh và sự hà hơi

Sự mặc khải có liên quan đến việc tiết lộ nội dung của sứ điệp, còn sự hà hơi có liên quan đến sự ghi chép nội dung đó bởi những người được Đức Thánh Linh hướng dẫn. Lawrence Richards, khi tóm tắt phần giải luận về 1Cô-rinh-to 2:9-13, ông đã viết: "Căn nguyên của sự mặc khải là Đức Thánh Linh. Nội dung của mặc khải là kiến thức về Thượng Đế. Phương tiện của mặc khải là ngôn ngữ. Do đó bức tranh nhất quán của Kinh Thánh là kiến thức về Thượng Đế được ban truyền cho chúng ta trong ngôn ngữ loài người tức là trong chữ viết” (Lawrence Richards, sách đã dẫn, p.44). Phi-e-rơ đã cho chúng  ta biết rõ về phương cách Đức Chúa Trời đã dùng để mặc khải chính Ngài cho chúng ta: "Vì chẳng hề có lời tiên trì nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời” (2Phi-e-rơ 1:21).

Kết quả của việc được "cảm động” (linh cảm) bởi Thánh Linh là gì? Kết quả đó là những ý tưởng các tác giả Kinh Thánh viết ra thực sự là bởi Chúa. Hết thảy đều chân thực, chính xác và đầy thẩm quyền. Như thếm sự hà hơi (linh cảm) của Kinh Thánh là ảnh hưởng của Đức Chúa Trời nên những tác giả Kinh Thánh để họ viết ra nội dung Kinh Thánh. Khi suy nghĩ về sự tạo dựng vũ trụ (Thi Thiên  33:6), tạo dựng nhân loại để tương giao với Đức Chúa Trời (Sáng 2:7), hay về sự mặc khải bằng lời thành văn (2 Timôthê 3:16), chúng ta thấy rằng tất cả những điều này đều được hoàn thành bởi sự "hà hơi” của Đức Chúa Trời. Vậy nên, sự hà hơi của Kinh Thánh ở cùng một mức độ với sự tạo dựng vũ trụ và con người. Mặc dầu quan niệm " hà hơi ” (linh cảm) chỉ áp dụng cho những bản văn nguyên thuỷ chứ không áp dụng cho các bản sao chép hoặc bản dịch sau này, khoa phê bình bản văn đã chứng minh rằng việc lưu truyền Kinh Thánh rất chính xác.

Kinh Thánh và Cơ đốc Giáo dục.

Qua những điều vừa trình bày, có ba điều quan trọng đối với các lãnh đạo và giáo viên Cơ đốc giáo dục, đó là giảng dạy lời Chúa, có mối thông công riêng tư với Đức Chúa Trời, và chú trọng đến sự đáp ứng.

Điều chúng ta giảng dạy là Đức Chúa Trời. Nội dung của Kinh Thánh vô cùng độc đáo. Kinh Thánh là sứ điệp của Thượng Đế loan truyền cho nhân loại. Để nhận biết Chúa, chúng ta phải biết về Ngài. một giáo viên dạy Kinh Thánh phải truyền đạt nội dung của Kinh Thánh một cách rõ ràng và đơn giản để học viên có thể hiểu được Lời của Đức Chúa Trời.

Mục tiêu của chúng ta là mối thông công cá nhân với Đức Chúa Trời. Ngoài việc được cứu và báp têm bằng nước, chúng ta cần phải được đầy dẫy Đức Thánh Linh và được Ngài sử dụng để thân thể của Đấng Christ. Chúng ta phải được Chúa sử dụng trong việc làm chứng và trongviệc tham gia vào sinh hoạt của Hội Thánh. Chúng ta phải tiến tời bậc thành nhân trong Đấng Christ bày tỏ những mỹ đức của Ngài. Vậy nên, mục đích của chúng ta trong việc giảng dạy Kinh Thánh không phải chỉ là nắm được những nội dung và dữ kiện trong Kinh Thánh mà còn là giúp các học viên nhận biết Chúa bằng cách trình bày chính kinh nghiệm bản thân của chúng ta.

Chúng ta chú trọng đến sự đáp ứng. Sau khi nghe lời Chúa và nhìn thấy sự thực hành lời Chúa trong đời sống chúng ta thì các học viên sẽ có những thay đổi trong đời sống. Qua mỗi bài học, chúng ta cố gắng để đạt được kết quả đó là những đời sống thay đổi, những tâm trí thay đổi mới và sự tăng trưởng thuộc linh. Chúng ta cần kêu gọi sự đáp ứng. Từ ngữ thường xuyên trên môi miệng chúng ta là vâng lời, hành động, ban cho, đọc Kinh Thánh, sống, tin cậy, làm, nghiên cứu. Cầu nguyện, vui mừng, ca hát, chúc tụng... Những giáo viên chú trọng đến sự đáp ứng sữ thường dùng những từ ngữ đó.

Kinh Thánh và việc học thuộc lòng.

Một loại hình quan trọng trong Cơ đốc giáo dục là học thuộc lòng Kinh Thánh. Khi chúng ta suy nghĩ về những câu Kinh Thánh chúng ta yêu cầu học viên phải học thuộc lòng vì khả năng thay đổi đời sống mà những câu Kinh Thánh đó đem lại, một cách thích đáng.

Trong bài học về Chúa Giê-xu, chúng ta đã thấy vị Giáo sư vĩ đại đã thấm nhuần Kinh Thánh đến nỗi lời nói và ý tưởng của Ngài đã rập theo khuôn mẫu Kinh Thánh. Các Cơ ĐốcNhân sẽ nhanh chóng trưởng thành thuộc linh nếu họ có được mối liên hệ với lời của Đức Chúa Trời như thế! Chúng tôi muốn đề nghị một số nguyên tắc giúp cho việc thuộc lòng Kinh Thánh trở nên có ý nghĩa và lâu bền hơn. Những đề nghị này được dành cho cả người trưởng thành lẫn các thiếu nhi.

1.     Chọn lựa những câu Kinh Thánh để học thuộc lòng theo đặc tính và nhu cầu của các học viên. Hãy theo các tiêu chuẩn sau đây:

a, Học viên có khả năng hiểu được khúc Kinh Thánh đó không ?

b, Đối với các em thiếu nhi thì phải xem xét ý nghĩa của khúc Kinh Thánh đó có thể được giải thích bằng những từ ngữ cụ thể không?

c, Từ ngữ thích hợp với các thiếu nhi không?

d, Khúc Kinh Thánh đó có quá dài không?

Chẳng hạn các em tuổi mẫu giáo chỉ có thể học thuộc lòng một phần của câu Kinh Thánh. Thí dụ như "Con cái phải vâng phục cha mẹ”. Thiếu nhi từ 6 đến 8 tuổi có thể học một câu gốc trọn vẹn mà các em đã học từng phần rồi, thí dụ "Hỡi người làm con, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa vì điều đó là phải lắm” (Ê-phê-sô 6:1). Thiếu nhi từ 9 đến 11 tuổi có thể học thuộc lòng một khúc Kinh Thánh dài về một đề tài nào đó chẳng hạn tình yêu thương (1 Cô-rinh-tô 13) hay đức tin (Hê-bê-rơ 1). 10 điều răn (Xuất 20) hay các phước lành (Ma-thi-ơ 5:1-12).

2. Giải thích cho học viên chú ý nghĩa của khúc Kinh Thánh họ cần học thuộc lòng. Học viên cần phải hiểu được điều họ học thuộc lòng. Hơn nữa người ta dễ học thuộc lòng một đoạn văn có ý nghĩa hơn là một chuỗi từ ngữ vô nghĩa.

3. Sử dụng bản dịch Kinh Thánh quen thuộc. Nên sử dụng bản dịch Kinh Thánh đang được dùng tại Hội Thánh. Người ta dễ ghi nhớ một khúc Kinh Thánh đã được nghe giảng rồi. Việc dùng một bản dịch Kinh Thánh thống nhất là điều quan trọng. Việc thay đổi từ bản dịch này sang bản dịch khác thường tạo nên điều mà các nhà tâm lý học gọi là sự "lẫn lộn”.

4. Sử dụng dụng cụ nghe nhìn (thị cụ) khi dạy học cầu gốc (câu Kinh Thánh văn bản). Tranh vẽ,hình ảnh, bài hát có thể dùng để dạy câu gốc.

5. Nhắc lại cầu gốc (câu Kinh Thánh căn bản) trong suốt bài học. Khi nhắc câu gốc được lặp đi lặp lại trong suốt bài học một cách tự nhiên, thì đến cuối bài học viên sẽ trở nên quen thuộc với ý nghĩa của câu gốc.

6. Giúp học viên hiểu câu Kinh Thánh đó được  áp dụng vào đời sống của họ như thế nào. Mặc dù việc học thuộc lòng Kinh Thánh là rất quan trọng, nhưng điều đó sẽ có rất ít giá trị nếu học viên không áp dụng vào đời sống của họ. Mục đích việc học thuộc lòng Kinh Thánh là nhắm đến sự thay đổi trong đời sống.

7. Đối với thiếu nhi, việc học thuộc lòng Kinh Thánh cần sự hỗ trợ của phụ huynh. Trong tuần, phụ huynh nên học câu gốc chung với con cái mình. Tốt hơn hết là chính cha mẹ cũng học thuộc lòng câu gốc. Việc học thuộc lòng câu gốc có thể trở thành một chương trình trong gia đình. Sau khi thực hiện một công việc và nhìn thấy kết quả người ta sẽ có niềm vui của sự hoàn thành.

8. Ôn lại câu gốc (câu Kinh Thánh căn bản). Nếu không được ôn lại người ta rất mau quên. Câu châm ngôn "dao năng dùng thì bén” có thể được áp dụng cho việc học thuộc lòng Kinh Thánh.

II. KINH THÁNH NHƯ MỘT GIÁO TRÌNH

Giáo trình là gì? Chữ giáo trình được dùng trong nhiều cách. Hai định nghĩa sau đây sẽ giúp ích cho việc nghiên cứu của  chúng ta.

Giáo trình gồm "Những sinh hoạt của giáo trình và học viên trong việc học Kinh Thánh nhằm mục đích đưa học viên tới sự trưởng thành trong Đấng Christ” (Edwards J. Hakes, An Intro-duction to Eangelical Christian Education, Chicago, IL.: Moody Press, 1964, p.86).

"Giáo trình là một chương trình theo đó tiến trình dạy và học được thực hiện một cách có hệ thống” (Daniel Eleaneor, Introduction to Christian Education, Cincinnati, Ohio: Standard Publishing, 1980, p.78)

Những đặc điểm của một giáo trình có hiệu quả

Sau đây là đặc điểm của một giáo trình có hiệu quả.

1. Giáo trình đặt trọng tâm nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu là Lời Hằng Sống như được mặc khải trong Kinh Thánh.

2. Giáo trình bao gồm sự giao tiếp và trao đổi (interaction) giữa giáo viên và học viên.

3. Giáo trình bao gồm kế hoạch được soạn thảo cẩn thận bởi mục sư và những người lãnh đạo Cơ Đốc Giáo Dục  trong Hội Thánh. Kế hoạch đó phải gồm những chiến lược rộng lớn phù hợp những nhu cầu và khả năng của Hội Thánh. Những mục tiêu cho từng khoá học, từng phần của khoá học và từng bài học phải được minh định. Cần cầu nguyện nhiều và đầu tư thời gian thích đáng cho việc soạn giáo trình.

4. Giáo trình bao gồm những nguyên tắc hay qui luật căn bản trong tiến trình dạy và học (sẽ đề cập rõ hơn trong chương kế tiếp).

5. Giáo trình bao gồm những tài liệu và phương pháp được lựa chọn nhằm giúp đạt được những mục tiêu đã đề ra. Chúng ta phải suy nghĩ và tìm kiếm những phương pháp và tài liệu thích hợp nhất cho việc dạy dỗ từng lứa tuổi. Giáo viên phải  có tinh thần sáng tạo. Trong bài học về Chúa Giê-xu, vị giáo sư vĩ đại, chúng ta thấy Ngài đã sử dụng một cách sáng tạo những hình ảnh đơn sơ, tự nhiên để thu hút mọi người, để minh hoạ bài học của Ngài và khích lệ những môn đồ của Ngài đuổi theo những mục tiêu thuộc linh.

6. Giáo trình bao gồm các hình thức bài học. Hình thức bài học có liên quan đến cách thức phối hợp các kinh nghiệm học tập. Xin đề cập ở đây ba hình thức bài học thường được những người soạn giáo trình sử dụng.

a, Hình thức bài học thống nhất theo đó tất cả mọi người trong Hội Thánh đều học về một nội dung trong cùng một thời điểm. Điểm thuận lợi và mọi người trong gia đình sẽ học cùng một đề tài trong cùng một thời gian và qua đó tạo nên tinh thần cùng học tập trong gia đình. Điểm bất lợi là có những nội dung quá cao hay không phù hợp đối với các em thiếu nhi.

b, Hình thức bài học theo trình độ gồm những loại bài riêng cho từng độ tuổi gặp lại mỗi 2,3,4 hoặc 6 năm. Có những bài học riêng cho thiếu nhi, thanh niên, người lớn. Điểm thuận lợi là nội dung thích hợp với từng lứa tuổi. Điểm bất lợi là nó loại bỏ đề tài chung cho cả gia đình cùng học tập.

c, Hình thức bài học tự lựa chọn cho phép mỗi nhóm tự lựa chọn các bài học từ một danh sacùh đề nghị. Hình thức này thường được dành cho những người trưởng thành hay cho lứa tuổi tráng niên. Lợi điểm của hình thức này là cho phép tự do lựa chọn, nhưng điểm bất lợi là nó có thể dẫn đến việc học Kinh Thánh không cân đối.

7. Giáo trình phải được thực hiện trong quyền năng của Đức Thánh Linh. Công việc của Đức Chúa Trời không thể hoàn tất mà không nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh. Đức Chúa Trời hành động và chúng ta cùng làm việc với Ngài. Chúng ta là những bạn cùng làm việc của Đức Chúa Trời (1Côrinhtoo 3:7). Ngài vui lòng sử dụng chúng ta mặc dù có lúc chúng ta rất yếu đuối. Chúng ta không dập tắt công việc của Đức Thánh Linh bằng những mục tiêu, hình thức, tiến trình, tài liệu và phương pháp của chúng ta. Trái lại, chúng ta nên nhờ cậy nơi sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh trong khi cân nhắc mọi yếu tố của giáo trình mà chúng ta đề cập ở trên. Tuy nhiên thật là vô lý khi chúng ta đòi hỏi Chúa   ban phước cho một bài học được chuẩn bị, sắp xếp, giảng dạy một cách sơ sài, cẩu thả. Với tư cách là những người lãnh đạo và giáo viên Cơ Đốc Giáo Dục, chúng ta cần không những phải sửa soạ mọi sự chu đáo nhưng chúng ta cũng cần hoàn toàn lệ thuộc vào quyền năng của Đức Thánh Linh. Ngoài Đức Thánh Linh, chúng ta không thể làm được gì cả.

Những tiêu chuẩn để lựa chọn các tài liệu học tập

Ở nhiều nơi trên thế giới, các tài liệu học tập dùng cho chương trình Cơ Đốc Giáo Dục  không có nhiều. Trong hoàn cảnh đó, các Hội Thánh địa phương phải tự soạn các tài liệu. Mặc dù đây là một nhiệm vụ lớn lao nhưng chúng ta vẫn có thể thực hiện được nếu chúng ta tiến hành từng bước và trải qua một thời gian dài. Trong trường hợp đã có sẵn tài liệu chúng ta vẫn không nên nghĩ rằng cứ việc sử dụng các tài liệu đó mà không cần bổ sung, điều chỉnh. Sau đây là một vài chỉ dẫn đối với việc lựa chọn các tài liệu học tập.

1. Tài liệu pảhi do uỷ ban giáo dục và những người lãnh đạo Hội Thánh địa phương lựa chọn. Như thế sẽ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành trong Hội Thánh.

2. Các tài liệu này phải đề cao Kinh Thánh như là lời được hà hơi của Đức Chúa Trời. Chúng ta cần phải xem quâ tựa đề và mục lục của tập tài liệu. Chỉ cần chú ý một chút ở điểm này cũng có thể giúp tránh khỏi vô số khó khăn về sau.

3. Các tài liệu phải thích hợp với các lứa tuổi. Các thí dụ minh hoạ và sự áp dụng phải phù hơp với lứa tuổi học viên. Các tài liệu cần được soạn theo đúng các nguyên tắc giảng dạy bao gồm các dụng cụ nghe nhìn thích hợp, và sử dụng các phương pháp giảng dạy một cách phong phú.

4. Các tài liệu phải dễ sử dụng. Cần có những chỉ dẫn rõ ràng để một giáo viên dầu ít kinh nghiệm cũng có thể đọc và thực hành mà không bị nhầm lẫn.

5. Các tài liệu cần phải có tính hấp dẫn, có phẩm chất tốt, dễ hiểu và được soạn thảo nhằm có thể sử dụng lâu dài.

Nhận thức được vai trò của Kinh Thánh trong giáo trình của Hội Thánh, chúng ta càng hiểu hơn lới sứ đồ Phao-lô khuyên Ti-mô-thê về vai trò của Kinh Thánh " Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời, lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật”. (2Ti-mô-thê 2:15).

 

CÂU HỎI

1.     Những khúc Kinh Thánh sau đây dạy dỗ chúng ta điều gì về sự mặc khải của Thượng Đế trong Chúa Giê-xu Christ? (Xin trình bày bằng lời lẽ riêng của bạn) Giăng 1:1-3; Cô-lô-se 1:15-18; Giăng 1:14; Hê-bê-rơ 1:1-2.

2.     Hãy giải thích sự liên hệ giữa lời thành văn và Lời Hằng Sống (Chúa Cứu Thế Giê-xu).

3.     Một giáo trình có hiệu quả cần có những đặc điểm nào? Xin giải thích và cho biết nhận xét của bạn về những đặc điểm được đề cập trong bài học.

4.     Bạn nhận xét gì về những tiêu chuẩn để chọn tài liệu học tập? Ngoài những tiêu chuẩn này, bạn thấy cần thêm những tiêu chuẩn nào khác?


Top