Reader
Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 5 | Bài 7 >>

Bài 6

GIÁO ÁN, TIẾN TRÌNH DẠY VÀ HỌC

Có lẽ bạn đã trải qua kinh nghiệm sau đây. Sau khi đã ngồi được 10 phút trong một lớp Kinh Thánh, bạn tự nghĩ: "Tôi mong anh ta sẽ đi đến phần quan trọng!” Nhưng rồi, sau khi ngồi thêm 20 phút nữa bạn vẫn thấy chẳng đi đến phần quan trọng nào cả. Điều bạn gặp phải có thể là kết quả của việc không soạn giáo án đầy đủ cho buổi dạy.

Giảng dạy không phải là chỉ nói về đề tài cả giờ đồng hồ, không phải chỉ giữ cho học sinh bận rộn và im lặng trong suốt buổi học. Không xếp đặt kế hoạch tập trung vào những mục tiêu ấn định trước, những lớp Thánh Kinh sẽ thiếu ý nghĩa và phương hướng. Câu nói quen thuộc sau đây có thể kết luận cho trường hợp này: "Không chuẩn bị kế hoạch là chuẩn bị thất bại”. Chỉ trông cậy vào việc xức dầu của Thánh Linh hơn là để thì giờ  xếp để soạn bài là quan niệm không phù hợp với tinh thần Kinh Thánh. Chúng ta phải làm cả hai. Kinh Thánh cho thấy xếp đặt kế hoạch quan trọng như thế nào trong công cuộc sáng tạo, trong việc hình thành quốc gia Ysơraên, cũng như trong chính việc giảng dạy của Chúa Giê-xu. Đức Chúa Trời đã xếp đặt kế hoạch cho việc cứu rỗi chúng ta trước khi sáng thế (Khải Huyền 13:8) bài học hôm nay đề ra một phương thức đơn giản để soạn giáo án.

 

A. GIÁO ÁN

I. Nhu cầu Soạn Giáo Án

Trong bài học trước chúng ta đã nói đến những đặc điểm của một giáo trình hiệu quả. Triển khai giáo trình là một tiến trình từng bước một, đòi hỏi sự cầu nguyện, sự xếp đặt cẩn thận, thời gian và sự kiên nhẫn. Giáo trình được khai triển thành những bài học riêng rẽ phối hợp thành những đơn vị học tập. Chúng ta cần nhắc lại rằng "Giáo trình là một kế hoạch theo đó tiến trình giảng dạy học tập được xúc tiến có hệ thống "Cũng như giáo trình, giáo án được soạn theo những mục tiêu đã định trước. William Martin cho thấy việc soạn giáo án sẽ đem lại nhiều ích lợi như giúp sử dụng thời giờ hữu hiệu hơn trong việc chuẩn bị cũng như trong lớp học; đem lại sự thống nhất và liên tục của từng bài học; giúp các giáo viên khép mình vào kỷ luật hơn trong việc chuẩn bị và tự tin hơn trong lúc giảng dạy. Những bài học được soạn thảo kỹ lưỡng sẽ tập trung bào những mục tiêu đã được mình định. Những bài học như thế thì thường thú vị hơn. Soạn giáo án cẩn thận, các giáo viên sẽ giảng dạy lời Đức Chúa Trời cách hiệu quả và hoàn thành tốt công tác mà Đức Chúa Trời đã kêu gọi (William Martin, First Step for Teacher, Springfield, Missouri: Gospel Publishing House, pp/ 84-85). Điều cần nhấn mạnh ở đây là những bài học riêng sẽ phải được soạn thảo kỹ lưỡng vì cách thức soạn giáo án quyết định phần lớn tính chất của việc giảng dạy. Giáo viên sẽ nhận thấy việc giảng dạy không có hiệu quả cho đến khi thủ đắc được kỷ năng chuẩn bị bài học.

 

II. Những Phần Của Giáo Án.

Giáo án cần có những phần sau đây:

1. Tên giáo viên. Nhằm nhấn mạnh vào sự quan trọng và trách nhiệm của mỗi giáo viên.

2. Ngày tháng. Đây là ngày tháng bài học được dạy. Ghi rõ ngày tháng sẽ giúp chúng ta theo đúng tiến trình của giáo trình.

3. Lớp. Nhóm tuổi của lớp được ghi nhận, thí dụ như các em tiểu học, học sinh cấp 1, lớp tráng niên...Khi định mục tiêu bài học cần lưu ý đến những nhu cầu của lứa tuổi học sinh.

4.Tựa đề đơn vị. Khoá trình gồm nhiều đơn vị (unit), mỗi đơn vị gồm nhiều bài học. Tựa đề đơn vị cần nên được nêu lên trong mỗi bài học để nhắc nhở chúng ta liên tục về bức tranh toàn diện.

5. Mục tiêu đơn vị học tập. Mục tiêu đơn vị học tập có phạm vi rộng lớn hơn mục tiêu bài học. Mỗi đơn vị học tập nên có những mục tiêu cụ thể, rõ ràng và ngắn gọn. Những mục tiêu này phải phản ảnh những nhu cầu của học sinh.

6. Tựa đề bài học. Nên chọn tựa đề đơn giản và đi thẳng vào vấn đề giúp học sinh dễ nhớ bài học và tạo nên hứng thú. Tựa đề cần phải liên quan chặt chẽ với bài học.

7. Phân đoạn Kinh Thánh. Bài học nên căn cứ trên một đoạn Kinh Thánh. Đối với các em nhỏ hơn, một câu trong  Kinh Thánh có thể dùng như một đoạn văn. Đối với người lớn, phân đoạn có thể dài khoảng 10 câu và có thể cùng đọc trong lớp. Với những phân đoạn dài hơn, giáo viên nên tóm tắt nội dung của phân đoạn đó khi hướng dẫn lớp học.

8.Chân lý chính yếu của bài học. Đây là câu phát biểu ngắn gọn gói ghém nội dung bài học. Câu phát biểu này nói lên cốt lõi của bài học.

9. Nhu cầu của học sinh. Liệt kê ngắn gọn những nhu cầu của học sinh, theo đó bài học có thể hướng đến. Học sinh đến với chúng ta với những nhu cầu cần được đáp ứng. Động cơ thúc đẩy cho sự thay đổi nằm ở điểm này. Các buổi dạy của chúng ta sẽ thật sự sống động khi chúng ta giúp học sinh mình khám phá ra rằng Chúa Cứu Thế là câu giải đáp cho những nhu cầu này.

10. Mục tiêu bài học. Trình bày súc tích về mục đích bài học. Mục tiêu mỗi bài học phản ảnh cụ thể mục tiêu của đơn vị. Mục tiêu đòi hỏi học viên áp dụng những điều mình học vào chính cuộc sống hoặc suy nghĩ về những kinh nghiệm sống của mình trong ánh sáng lời Chúa.

Bài học có thể được diễn tiến theo những bước sau đây:

1. Giới thiệu bài học (nhập đề): Đây là bước gây chú ý. Có thể kết hiệp bài học với nhu cầu học sinh để thu hút sự chú ý   và từ đó hướng học viên vào nội dung bài học cách tự nhiên.

2. Tìm hiểu nội dung phân đoạn Kinh Thánh: Trong phần này giáo viên giúp học viên tìm hiểu những sự kiện và ý nghĩa của phân đoạn Kinh Thánh.

3. Aùp dụng: Giáo viên giúp học viên rút ra những bài học cho cá nhân và Hội Thánh ngày hôm nay.

4. Đáp ứng. Giáo viên kêu gọi sự đáp ứng của học viên. Chúa muốn chúng ta làm gì?

Cần xác định thời gian cho từng phần trong diễn tiến của buổi học. Để bài học có thể hoàn tất mỹ mãn, chúng ta cần lưu ý đến thời gian.

 

B. TIẾN TRÌNH DẠY VÀ HỌC

Như chúng ta đã định nghĩa, giáo trình là "Chương trình theo đó tiến trình dạy và học được thực hiện một cách có hệ thống”. Chúng ta đã thảo luận về bản chất của một giáo trình và giáo án. Bây giờ chúng ta nói đến điểm thứ 3 trong định nghĩa của giáo trình: Tiến trình dạy và học.

Trong giáo án chúng ta cần nêu rõ những công việc của thầy giáo và những công việc của học viên. Một thầy giáo dù được chuẩn bị tốt cách mấy cũng sẽ không đạt nhiều hiệu quả nếu không có khả năng giao tiếp tốt.

Trong phần này chúng ta sẽ trình bày 10 quy luật (hay nguyên tắc) để việc dạy và học được kết quả tốt. Những nguyên tắc này là nền tảng của tiến trình dạy và học. Tiến trình là một chuỗi liên tục các hoạt động được thực hiện có chủ ý nhằm đạt tới mục tiêu.

I. Mối liên hệ giữa việc dạy và học

Mối liên hệ giữa việc dạy và học có thể được mô tả như sau: "Dạy là một tiến trình, học là kết quả; dạy là một quá trình, học là thành quả; dạy là phương tiện, học là cứu cánh... Chỉ có thể thực sự gọi là giảng dạy khi có những biến đổi xảy ra trong đời sống của học viên (John T. Siseore, The Ministry of Vistitation, Nashville, TN: Broadman Press, 1964, p.11)Eavey cũng đồng ý rằng việc giảng dạy phải gắn liền với sự tiếp thu của học viên. Thầy giáo cần hiểu được sự tiếp thu xảy ra thế nào nơi học viên và chỉ khi đó thầy giáo mới có thể lựa chọn những sinh hoạt học tập nhằm đạt được những thay đổi trong đời sống của các học viên (C.B Eavey, Sđd.tr.118).

Dạy và học là 2 mặt của đồng tiền. Không thể có điều này mà không có điều kia. Đối với những người học hàm thụ thì sách giáo khoa hay tài liệu hướng dẫn học tâïp đóng vai trò thầy giáo. Ngay cả đối với những người "tự học” trong ý nghĩa là không có những sách giáo khoa nhứt định hay tài liệu hướng dẫn học tập cụ thể vẫn có thể có những nguồn tài liệu khác. Tóm lại việc giảng dạy chỉ có thể gọi là hiệu quả khi dẫn đến sự tiếp thu nơi học viên.

"Học” được định nghĩa là "Sự thay đổi khá rõ rệt trong cách sống như là kết quả của việc thực hành và kinh nghiệm” (Rob-ert Davis, Sđđ, tr. 164).Ý nghĩa chính ở đây là "thay đổi cách sống”. Điều đó có nghĩa là một người đi tới chỗ biết và có thể làm những điều mà trước đó người đó không biệt hoặc không có thể làm. Sự thay đổi này là kết quả của việc thực hành hoặc kinh nghiệm để phân biệt với sự thay đổi cách sống do kết quả của sự tăng  trưởng bình thường.

Có nhiều hình thức học khác nhau. Chẳng hạn người ta có thể nghĩ rằng mình đã học được điều gì khi họ thâu nhập được những kiến thức, sự hiểu biết, các kỷ năng hoặc hình thành những quan điểm mới. Việc học chỉ nhấn mạnh vào kiến thức mà không có sự hiểu biết thường được gọi là học "vẹt”. Việc học như vậy thường là máy móc và đem lại rất ít hoặc không đem lại thay đổi gì trong nếp sống. Việc học nhấn mạnh đến cả kiến thức lẫn sự hiểu biết đem lại những thay đổi trong lối sống. Điều rõ ràng là chúng ta đã học được nhiều điều khi chúng ta trở nên một tạo vật mới trong Chúa Cứu Thế, khi " mọi sự đều trở nên mới” (2 Côrinhto 5:17). Do đó đối với những nhà giáo dục Cơ Đốc, sự tăng trưởng thuộc linh là hình thức học tập quan trọng bắt nguồn từ kinh nghiệm gặp Chúa.

II. Những nguyên tắc giảng dạy sinh động

Có những nguyên tắc quan trọng giúp cho việc giảng dạy sinh động và học tập có hiệu quả.

1.Quyền năng của Đức Thánh Linh. Chúng ta cần phải nương dựa vào quyền năng của Đức Thánh Linh để đạt được những mục đích thuộc linh (1Côrinhtô 1:10-15). Như trước đã nói việc giáo dục Cơ Đốc chủ yếu là một công tác thuộc linh. Nói cho cùng thì chính Đức Thánh Linh là Đấng dạy dỗ mặc dầu Ngài làm việc đó qua con người. Ngài ngự trong tấm lòng của cả giáo viên lẫn học viên. Ngài soi sáng tâm trí và cảm động tấm lòng. Ngài không những chỉ dắt chúng ta và Chân lý (Giăng 16:13) nhưng Ngài cũng chính là Thần Chân Lý (Giăng 14:17) Ngài cáo trách thế gian về tội lỗi, về sự công nghĩa, về sự xét đoán (Giăng 16:8). Một khi chúng ta nhận thức rằng Đức Thánh Linh làm việc trong thầy giáo cũng như trong học viên để truyền đạt sứ điệp của Lời Hằng Sống thì khi đó chúng ta mới hiểu được chan lý sống động.

2. Gương mẫu. Việc giáo dục không những chỉ  qua lời nói nhưng còn qua cách sống nữa. Nguyên tắc giáo dục bằng gương sáng đòi hỏi giáo viên phải sống đúng với điều mình đã giảng dạy. Chẳng hạn nếu chúng ta huấn luyện người khác về việc dạy lớp Kinh Thánh của Trường Chúa Nhật thì chính việc huấn luyện của chúng ta phải thể hiện những phương pháp giảng dạy có hiệu quả.

Đối với những người làm cha mẹ thấy những hành vi khác lạ nơi con cái mình và đặt câu hỏi: "Chúng đã học điều đó ở đâu?”Rõ ràng là chúng đã học điều đó bằng cách bắt chước người khác. Điều hiển nhiên là học sinh bắt chước thầy giáo của chúng nhiều hơn là điều chúng ta tưởng. Điều này càng đúng nơi các trẻ em. Nguyên tắc noi theo gương mẫu vẫn tác động dầu chúng ta ý thức hay không ý thức. Vì thế chúng ta cần nêu lên những gương sáng chứng minh cho các chân lý mà chúng ta giảng dạy. Các học viên sẽ sẵn sàng tiếp thu điều chúng ta muốn họ học khi chúng ta giảng dạy những điều đó kèm theo gương sáng để họ nhìn thấy và noi theo.

3. Sự giao tiếp. Thầy giáo là một người làm công việc giao tiếp. Nhiệm vụ của họ là truyền đạt những tri thức và tình cảm. Sau đây là những phương cách để một giáo viên Cơ Đốc Giáo Dục  có thể giao tiếp, truyền đạt tốt hơn.

a, Nêu rõ các mục tiêu của bài học. Chỉ cho học viên biết đang học phần nào của bài học, như thế sẽ giúp học viên chuẩn bị và sắp xếp những tài liệu trước khi nghe giảng bài. Câu nói sau đây về việc truyền giảng cũng có thể áp dụng cho việc giảng dạy. "Nói cho cử toạ biết điều bạn sắp trình bày với họ, trình bày cho họ về điều đó, và sau đó nhắc lại cho họ điều bạn vừa trình bày.

b, Liên hệ bài học với những yêu cầu và hoàn cảnh thực tế trong đời sống của học viên. Sự giao tiếp sẽ được tăng cường khi nó có ý nghĩa. Việc có ý nghĩa hay không tuỳ thuộc vào từng cá nhân. Điều nào được người ta coi là quan trọng thì điều đó trở nên có ý nghĩa đối với người đó.

c, Chia nội dung bài học thành từng phần nhỏ một cách hợp lý, tuỳ theo mức độ khó dễ hay phức tạp của bài học và khả năng của học viên.

d, Nêu những câu hỏi để kiểm tra xem mối giao tiếp đã tốt chưa. Giao tiếp là một mối liên hệ song phương. Mối giao tiếp tốt chỉ được khẳng đinh khi thấy sự đáp ứng từ phía học viên.

e, Tìm cách kích thích mọi giác quan như thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác càng nhiều càng tốt. Các công trình nghiên cứu đã cho thấy việc kích thích càng nhiều giác quan khiến bài học thú vị hơn và giúp học viên ghi nhớ nội dung bài học trong thời gian dài.

4. Sử dụng các phương pháp và tài liệu đa dạng

Giáo viên cần phải sử dụng các tài liệu và phương pháp cách đơn điệu. Chẳng hạn đừng chỉ sử dụng phương pháp thuyết trình nhưng chúng ta cần phải lựa chọn phương pháp và tài liẹu tuỳ theo nhu cầu của học viên và mục tiêu của lớp học. Không có một phương pháp nào phù hợp được với mọi hoàn cảnh. Mọi phương pháp đều có điểm thuận lợi và bất lợi riêng. Phương pháp hữu hiệu nhất đối với từng hoàn cảnh là phương pháp đem lại kết quả nhiều nhất. Việc đa dạng hoá các phương pháp giảng dạy không phải là một lựa chọn tuỳ ý nhưng là một điều bắt buộc. Nếu muốn việc giảng dạy có hiệu quả hơn thầy giáo phải chú ý đến việc sử dụng các phương pháp giảng dạy cách phong phú và khôn khéo.

5. Không ngừng cải thiện

Điều nguyên tắc này muốn nhấn mạnh là dù việc giảng dạy đã có  hiệu quả đến đâu chăng nữa cũng không ngừng được cải thiện. Có thày giáo đã từng dạy học 20 năm nhưng thực sự chỉ có một năm kinh nghiệm, bởi vì người ấy chỉ lặp đi lặp lại một kinh nghiệm từ đầu đến cuối. Như thế người thầy giáo này đã không tăng tiến gì cả. Có thể là người này đã cố gắng cải tiến nhưng không thành công, nhưng cũng có thể là người này đã tự thoả mãn với kết quả mình đạt được.

Một thầy giáo tốt không ngừng nỗ lực để cải tiến. Chúng ta không thể để mình bị trói buộc bởi những suy nghĩ hoặc bị ngăn trở bởi những người không thích tiến bộ, hoặc bởi thiếu thốn phương tiện. Người thầy giáo cần nhìn thấy những tiềm năng to lớn Đức Chúa Trời  đặt trong đời sống mỗi học viên để nỗ lực giúp học viên phát triển các tiềm năng đó trong ơn Chúa. Công việc của người thầy giáo giống như người thợ kim hoàn mài dũa và đánh bóng những viên ngọc quý. Người thầy giáo không mong mỏi gì hơn là thấy những kết quả mỹ mãn nơi học viên. Chúng ta phải mong mỏi làm trọn ý chỉ của Đức Chúa Trời  trên đời sống chúng ta là một thầy giáo.

III. Những nguyên tắc học tập có hiệu quả

Năm nguyên tắc sau đây liên quan đến việc học tập. Có thể nói nguyên tắc căn bản nhất là nguyên tắc về động cơ học tập.

1. Động cơ học tập

Nguyên tắc này khẳng định rằng động cơ học tập của học viên sẽ quyết định nội dung điều họ sẽ học. Động cơ học tập bắt nguồn từ ước muốn học tập của học viên. Chỉ khi nào một người có ước muốn học tập thì người đó mới có thể bắt đầu học tập. Trong Hộâi Thánh, các giáo viên có nhiệm vụ phải khơi lửa để mọi viên than đều bắt lửa và cả lò than bừng cháy. Bạn có thể tưởng tượng lời Kinh Thánh của bạn sẽ như thế nào nếu mọi học viên đều có lòng ước ao học hỏi như vậy.

Có một vài yếu tố có thể khuyến khích động cơ học tập:

a, Điều trước tiên là sự giảng dạy có ý nghĩa. Một khi các bài học có liên quan đến những nhu của học viên thì nội dung Kinh Thánh của bài học sẽ trở nên thích hợp. Nó đem lại câu trả lời cho những vấn đề mà con người thời nay đang thắc mắc. Nó thoả mãn mong ước của tấm lòng con người muốn hiểu biết về Đức Chúa Trời.

b, Điều thứ hai là việc giảng dạy phải được trình bày thế nào để ngay từ đầu học viên hiểu được những mục tiêu của bài học là gì. Điều đó giúp học viên hiểu họ đang hướng tới đâu và có cảm giác là họ đang tham gia vào bài học. Chúng ta có thể tưởng tượng được cảm giác của các môn đồ khi Chúa Giêxu phán với họ "Ta chẳng gọi các ngươi là đầy tớ nữa, vì đầy tớ chẳng biết điều chủ mình làm, nhưng ta đã gọi các ngươi là bạn hữu ta, vì ta từng tỏ cho các người biết mọi điều ta đã nghe nơi Cha ta” (Giăng 15:15)

c, Điều thứ ba là sử dụng những sinh hoạt học tập phong phú trong việc giảng dạy. Người ta thường thích những điều mới mẻ. Chúng ta đã nêu lên sự cần thiết phải áp dụng những phương pháp giảng dạy phong phú. Thêm vào đó những sinh hoạt học tập phong phú giúp tạo nên và duy trì sự thích thú. Một người có thể rất thích ăn cơm với cá, nhưng nếu cứ ăn cơm với cá mãi thì rồi cũng sẽ chán.

d, Điều thứ tư là sự quan tâm đến các học viên và những sự đóng góp của họ vào bài học sẽ giúp tăng cường động cơ học tập. Phải tạo cho học viên có cảm giác rằng họ là quan trọng. Giáo viên cần phải hiểu biết về học viên càng nhiều càng tốt. Giáo viên càng tỏ ra quan tâm đến học viên bao nhiêu thì học viên càng sẵn sàng tiếp thu bài học bấy nhiêu.

4. Tinh thần chịu học tập

Việc học tập tuỳ thuộc rất nhiều nơi ước muốn học tập của học viên hơn là hoạt động giảng dạy của thầy giáo. Ơû đây muốn nói đến tinh thần học tập. Dầu thầy giáo có giảng dạy tốt cách mấy về phần mình mỗi học viên cũng phải tự học tập. Học tập luôn luôn bao gồm việc tự học.

Dĩ nhiên chúng ta không bao giờ phủ nhận sự quan trọng của thầy giáo. Đức Chúa Trời  đặt những thầy giáo trong Hội Thánh là để dạy dỗ chúng ta. Những bài học được giảng dạy tốt chắc chắn sẽ giúp cho việc học trở nên dễ dàng. Tuy nhiên, sau khi thầy giáo đã giảng và thực hiện mọi điều rồi, các học sinh vẫn phải có trách nhiệm tự học. Nếu chúng ta thực lòng muốn hiểu biết về lời của Đức Chúa Trời  thì chúng ta có thể hiểu biết được và có thể trở thành một kinh nghiệm bổ ích và kéo dài suốt cuộc đời.

3. Sự tham gia

Nguyên tắc này minh định rằng việc tham gia của học viên là điều cần thiết để học tập được kết quả. Học viên học tập qua việc tham gia các hoạt động. Các hoạt động có thể liên hệ đến thể chất, tâm trí, tình cảm, hay tâm linh. Việc tham gia các hoạt động này giúp  cho học viên dễ hấp thụ điều mình đa học. Nguyên tắc này bao gồm việc theo dõi, khen thưởng, thực hành, và ôn tập. Tất cả những điều này đều có liên quan mật thiết với nhau. Việc học tập sẽ được đẩy mạnh và duy trì khi những tiến bộ của học viên biết được kết quả việc học của mình, biết được những sai sót của mình và sửa chữa những sai lầm đó. Khi học sinh thực hiện một việc tốt và được tuyên dương hay khen thưởng thì học viên thường có khuynh hướng lập lại hành động tốt đó. Học sinh nhỏ tuổi rất thích được thầy giáo khen ngợi: "Tốt lắm! Khá lắm!” hoặc "Đúng lắm, bạn có tiến bộ nhanh lắm!” Việc khen thưởng làm gia tăng động cơ học tập nơi học viên. Việc thực hành và ôn tập giúp học viên dễ học thuộc các dữ kiện và nhớ bài được lâu.

4. Sự khác biệt của mỗi cá nhân

Mỗi học viên có trình độ khác nhau, khả năng khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, tinh thần học tập và động cơ học tập khác nhau. Chúa Giê-xu đối xử với mỗi người bằng những phương cách khác nhau. Ngài biết chúng ta có thể học nhanh mức nào và học những nội dung nào. Để thực hiện nguyên tắc này, giáo viên phải dành thì giờ tìm hiểu từng cá nhân học viên. Thầy giáo phải biết được điểm mạnh và điểm yếu của mỗi học viên để đối xử với từng học viên một cách thích hợp.

Đây là một thách thức bởi vì đòi hỏi một thầy gió chỉ phụ trách một số lượng ít học viên. Nếu một giáo viên phải dạy một lớp gồm 80 học viên thì không thể nào quan tâm đến từng cá nhân được. Những người lãnh đạo trong Hội Thánh cần theo dõi sĩ số của từng lớp hầu bảo đảm sự quan tâm đến từng học viên.

5. Khung cảnh và không khí học tập

Khung cảnh và không khí học tập thoải mái thú vị sẽ khuyến khích việc học tập rất nhiều. Chúng ta có thể tạo nên khung cảnh thoải mái bằng cách sắp đặt phòng ốc dễ chịu, thoải mái. Điều kiện vật chất không thoải mái, chẳng hạn như nóng quá hoặc lạnh quá sẽ gây trở ngại trong việc học hỏi. Chúng ta cũng cần tạo không khí hào hứng trong khi học tập. Học viên có thể chán nản do việc đặt mục tiêu bài học không thực tế, tình cảm bị tổn thương do những phê bình chỉ trích hay so sánh giữa học viên này với học viên khác.

Những nguyên tắc đã được đề cập trong bài học cần được áp dụng để tạo không khí học tập thú vị, hấp dẫn. Những nguyên tắc này liên hệ chặt chẽ với nhau. Do đó khi chúng ta vi phạm nguyên tắc này thì rất có thể chúng ta sẽ vi phạm nguyên tắc khác. Ngược lại, khi chúng ta đem áp dụng một vài nguyên tắc thì chúng ta cũng sẽ áp dụng các nguyên tắc khác. Mục tiêu của chúng ta, là làm sao để lớp học trở nên thú vị, hấp dẫn đến nỗi các học viên sẽ không muốn bỏ lớp.

 

CÂU HỎI

1.     Theo bạn việc soạn giáo án cho một bài học Kinh Thánh quan trọng như thế nào? Bằng cách nào bạn soạn một giáo án?

2.     Xin soạn giáo án cho một trong những bài học sau đây:

-         Biến nước thành rượu (Giăng 2:1-11)

-         Chữa lành kẻ bại (Giăng 5:1-9)

-         Đi bộ trên mặt biển (Giăng 6:16-21)

3.     Xin nêu lên mối quan hệ của việc dạy và học. Xin cho biết những nguyên tắc quan trọng nhằm giúp việc dạy và học được hứng thú và kết quả.

4.     Việc đa dạng hoá các phương pháp giảng dạy cần thiết như thế nào? Xin nêu lên vài thí dụ cụ thể.


Top