Reader
Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 8

Bài 9

CƠ ĐỐC GIÁO DỤC CHO NGƯỜI LỚN

Người lớn đề cập ở đây gồm lứa tuổi tráng niên, trung niên và cao niên. Nhiều người trong Hội Thánh mặc dù đã lớn tuổi nhưng vẫn còn nhiều năm để phục vụ. Tuy nhiên, họ cần được khuyến khích và cũng cần được huấn luyện để phục vụ hữu hiệu hơn. Chúng ta không nên chểnh mảng công tác Cơ Đốc Giáo Dục  cho người lớn tuổi trong Hội Thánh và trang bị họ cho công tác phục vụ.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA NGƯỜI LỚN

Trên thế giới, người lớn kiểm soát chính quyền, kinh tế, lực lượng quân sự, trường học, và những hoạt động tôn giáo. Trong Hội Thánh, họ là thành phần quan trọng trong các sinh hoạt của Hội Thánh và đặc biệt trong chương trình giáo dục. Kinh Thánh cho thấy những người đầu tiên đến với Đấng Christ là những người lớn. Những người đầu tiên  được trang bị để phục vụ Đấng Christ là những người lớn. Tân ước tập trung vào việc truyền bá Phúc Âm cho người lớn, rồi sau đó họ đem gia đình của mình đến với Đấng Christ (Icông vụ 16:28-34).

Có người cho rằng nếu đem trẻ em và thanh niên trở lại với Chúa thì thường cả gia đình cũng sẽ tin Chúa. Tuy nhiên, chúng ta thường thấy trẻ em đã tin nhận Chúa thường không đứng vững, đặc biệt ở lứa tuổi thanh niên, nếu cha mẹ chưa tin Chúa. Người lớn giữ vai trò quan trọng trong đời sống gia đình cũng như việc nuôi dưỡng đức tin cho con cái.

Có ba quan niệm thường ảnh hưởng đến chương trình giáo dục của Hội Thánh:

1.     Qua trẻ em để đem Phúc Âm đến với người lớn. Như chúng ta đã thấy, quan niệm này không phải là khuôn mẫu Thánh Kinh.

2.     Vì khó đem người lớn đến với Chúa nên chúng ta phải nhấn mạnh việc giáo dục cho trẻ em và thanh niên trong các chương trình giáo dục của chúng ta. Quan niệm này cũng không đúng. Kết quả các công tác truyền giáo trên thế giới cho thấy thành phần tráng niên thường tin nhận Chúa với số lượng đông khi được truyền giảng một cách thích hợp.

3.     Giáo dục Cơ Đốc phải thực hiện trong Hội Thánh. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng cho dù chương trình giáo dục của Hội Thánh có hiệu quả như thế nào cũng không thể thay thế cha mẹ trong việc giáo dục niềm tin cho con cái. Trong Kinh Thánh, gánh gặng giáo dục tôn giáo do gia đình gánh vác. Tuy nhiên công tác Cơ Đốc Giáo Dục  không thể để cho gia đình gánh vác một mình. Hội Thánh, nhất là những người lớn, có trách nhiệm làm việc với gia đình của mình để sản sinh và nuôi dưỡng những đời sống Cơ Đốc trong Hội Thánh.

 

 

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM VÀ NHU CẦU CỦA NGƯỜI LỚN

Những nhu cầu chung cho tất cả người lớn gồm những nhu cầu về thể chất như giấc ngủ, thức ăn, chỗ trú ngụ, vận động... Những nhu cầu tinh thần như mối liên hệ tốt với người khác, nhu cầu gia nhập hội đoàn, tổ chức. Người lớn thường được muốn thán phục, tôn trọng phát xuất từ sự coi trọng chính mình và cho mình là xứng đáng. Hầu hết những ý tưởng thế tục về vấn đề này không phù hợp với ý tưởng Kinh Thánh. Trng quan điểm Kinh Thánh, con người không xứng đáng nhưng cũng không vô giá trị. Chính vì giá trị Đức Chuá Trời đặt trên mỗi cuộc sống, chúng ta có thể cảm nhận sự quan trọng đích thực qua mối liên hệ thật sự với Đấng Christ.

Những người lớn tuổi thường có nhu cầu muốn được kết quả trong đời sống gíđình cũng như xã hội. Người Cơ-đốc cần ý thức nhu cầu quan trọnglà mở mang nước Đức Chúa Trời ở trần thế vàphát triển Hội Thánh của Ngài.

Nhucầu tình thương liên quan đén những mối quan hệ như hôn nhân, mối quan hệ cha con, tình bạn thân thiết, và sau cũng là mối quan hệ con người và Thượng Đế.

Những nhucầu tâm linh chỉ được thoả mãn trong mối liên kết chínhđáng với Đức Chúa Trời. Người ta có thể chối từ hay ngăn lại nhu cầu này, nhưng nó vẫn còn đó. Rao giảng Chúa Cứu Thế là phương cách để đáp ứng nhu cầu này của con người.

Mặc nhu cầu trên là chung cho tất cả người lớn, nhưng một số người lớn nhận ra một số nhu cầu này hơn một số nhu cầu khác tuỳ theo sự phát triển khác biệt giữa những lứa tuổi tráng nien, trung niên, hay cao niên.

Thời kỳ tráng niên là thời kỳ càng ngày càng độc lập với cha mẹ mình. Những tráng niên phải phát triển một hình ảnh rõ rệt về mình như một người lớn và cảm thấy có năng lực trong thế giới người lớn. Những biến cố quan trọng trong đời anh ta gồm việc lựa chọn người bạn hôn nhân, thiết lập và điều hành một mái nhà, tạo dựng một gia đình, và bắt đầu một nghề nghiệp.

Người trung niên có trách nhiệm với cha mẹ luống tuổi. Đời sống hôn nhân của anh trải quanhững sự điều chỉnh khi con cái của anh lớn lên và rời gia đình. Đây là thời kỳ chờ tuổi già à bắt đầu sự suy thoái. Càng về già, người lớn thường có khuynh hướng hướng về qua khứ.

Người cao niên phải thích ứng với cuộc sống hưu hạ, sự giảm lợi tức, thời giờ nhàn rỗi, cái chết của người phối ngẫu và bạn bè. Họ được giảm bớt trách nhiệm để được tự do vui hưởng cuộc sống. Tuỳ theo mức độ điều chỉnh mà thời kỳ cao niên có thể đem lại mãn nguyện, sự trưởng thành thuộc linh và gần gũi với Đức Chúa Trời, hoặc cũng có thể là thời kỳ suy sụp  tiếp nối từ những năm trung niên.

Nhận biết được nhu cầu chung của tuổi người lớn cũng như nhu cầu cá biệt của từng người sẽ giúp chúng ta làm cho sứ điệp Phúc Âm thích hợp với họ hơn và đáp ứng những nhu cầu của họ một cách thoả đáng. Sự đóng góp quan trọng của giáo dục Cơ Đốc là giúp mỗi cá nhân ý thức được nhu cầu về mối tương quan với Chúa và cuộc sống vĩnh cửu của họ.

 

TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM

Truyền bá Phúc Âm là việc truyền đạt rõ ràng về Phúc Âm. Việc trình bày Phúc Âm cần bắt đầu với tính chất tuyệt đối thánh thiện của Đức Chúa Trời  (Iphi-e-rơ 1:15-16), sự phạm tội của loài người (Ê-sai 53:6; Rô-ma 3:23), sự xuống thế làm người của Chúa Cứu Thế (Lu-ca 2:9-14; Giăng 1:4), cái chết của Ngài như một sinh tế hoàn hảo để chuộc tội (Giăng 1:29; Ê-sai 53:4-5; IICô-rinh-tô 5:21). Sự phục sinh vinh quang của Ngài (Lu-ca 24: 1-8; Khải huyền 1:12-18) và chấm dứt với lời mời gọi sự ăn năn và đặt niềm tin và sự tuân phục nơi Chúa Cứu Thế (Lu-ca 14:26-27; Công vụ 16:31).

Có thể truyền bá Phúc Âm cách "đại chúng” như tổ chức những buổi họp mặt ngoài trời do một nhà truyền giáo thuyết giáo và tín hữu trong Hội Thánh mời bạn bè đến. Có thể truyền bá Phúc Âm bằng cách phân phát truyền đạo đơn cho những người ngoài đường phố và đi đến từng nhà. Truyền bá Phúc Âm có thể theo hình thức quan hệ tình bạn. Nhiều người thấy truyền bá Phúc Âm qua tình bạn (friendship evangelism) thoải mái và phù hợp hơn trong Hội Thánh địa phương vì thực hiện trong những mối quan hệ bình thường.

Truyền bá Phúc Âm theo hình thức quan hệ bạn bè dựa theo những nguyên tắc sau đây. Thứ nhất, chúng ta phải hiểu rằng cuộc sống của chúng ta phải phản ảnh một cách chính xác Phúc Âm. Chính chúng ta phải là Phúc Âm trước khi chúng ta rao giảng Phúc Âm (IICô-rinh-tô 3:2). Thứ nhì, chúng ta phải kết bạn với những ai chưa được cứu rỗi (Lu-ca 7:34) vì sự quan tâm thật sự đến họ. Thứ ba, chúng ta phải nói cho họ về Phúc Âm đúng lúc. Thứ tư, nếu Hội Thánh là bối cảnh của việc truyền bá Phúc Âm, Hội Thánh phải thể hiện tốt tình trạng thuộc linh giữa vòng các tính hữu. Bất cứ sự tị hiềm hoặc chia rẽ sẽ làm hỏng việc truyền bá Phúc Âm.

Cần tạo những chiếc cầu dẫn đến cuộc sống của những người chưa tin Chúa một cách tự nhiên. Chẳng hạn Hội Thánh có thể đưa ra những chương trình và sinh hoạt với những đề tài có quan tâm đến cuộc sống thực tế như việc làm cha, mẹ, sự giao tiếp trong hôn  nhân... Những người tin Chúa phải hiểu và tôn trọng những người khác. Nếu chúng ta lắng nghe những gì họ nói, chúng ta có thể giới thiệu Kinh Thánh một cách thích ứng hơn. Chúng ta phải phân biệt giữa Chân lý Thánh Kinh và tính tương đối của văn hóa. Cách ăn mặc kiểu tóc chỉ liên hệ đến văn hoá, không thể trở thành những vật chướng ngại trong việc tiếp nhận Chúa Cứu Thế. Sau hết, chúng ta phải phát  triển và vun trồng tình yêu Đức Chúa Trời  đối với những người hư mất. Khi chúng ta liên hệ với người khác trong tình yêu, chúng ta thật lòng chú tâm đến họ như những cá nhân với nhu cầu cá biệt của họ.

GIÁO DỤC GIA ĐÌNH

Mục đích của chương trình giáo dục gia đình là giúp đỡ phát triển nếp sống tâm linh của gia đình. Chương trình giáo dục gia đình đòi hỏi sự phối hợp giữa chương trình giáo dục của Hội Thánh và giáo dục  trong gia đình.

Nguyên tắc thứ nhất của giáo dục này là Hội Thánh phải huấn luyện cha mẹ để thực hiện nhiệm vụ giáo dục tôn giáo cho con cái của họ. Cha mẹ phải học biết quan điểm Kinh Thánh về vai trò của họ, cách phát triển những thói quen học hỏi Kinh Thánh cá nhân và những kỷ năng lãnh đạo sinh hoạt đức tin trong gia đình. Họ phải hiểu biết những nhu cầu phát triển của trẻ em, thanh niên và cách thức giáo dục giới tính, rèn luyện tinh thần trách nhiệm và phục vụ. Họ cần phát triển ý thức cộng đồng với những cha mẹ Cơ Đốc khác về những tiêu chuẩn thông thường của cuộc sống gia đình và họ có thể đánh giá sự tăng trưởng thuộc linh và đạo đức diễn tiến trong gia đình

Nguyên tắc thứ hai là việc giáo dục của Hội Thánh phải liên kết với giáo dục của gia đình. Điều này liên quan đến việc phải thông tin cho các cha mẹ về những gì Hội Thánh đang làm. Cha mẹ phải yểm trợ những phương pháp giảng dạy của Hội Thánh và giúp đỡ  con cái mình áp dụng những gì được giảng dạy tại Hội Thánh trong cuộc sống hằng ngày. Cha mẹ phải giúp đỡ con cái mình đáp ứng lại với Đức Chúa Trời. Cha mẹ và thầy cô phải phối hợp  trong việc phát triển tâm linh của đứa trẻ.

Nguyên tắc thứ ba là chương trình giáo dục của Hội Thánh phải được thực hiện để giúp đỡ hơn là gây cản trở hay thay thế việc giáo dục Cơ Đốc trong gia đình. Vì thế những người lãnh đạo Hội Thánh cần quyết định xem chương trình của Hội Thánh có thật sự tập trung vào gia đình hay không. Nếu không, những bước nào cần phải áp dụng để thực hiện được như vậy. Cũng phải sắp xếp những sinh hoạt của Hội Thánh sao cho thời gian dành cho cuộc sống gia đình được tối đa. Việc thực hiện một chương trình giáo dục gia đình sẽ tăng thêm sự vươn tới của việc truyền bá Phúc Âm. Người lớn sau khi đã hoàn tất tốt chương trình giáo dục với gia đình có thể xây dựng được những chiếc cầu với bạn hữu nhờ đó có thể đem Phúc Âm cho họ.

GIÁO DỤC CHO NHỮNG NGƯỜI LỚN ĐỘC THÂN

Những người lớn độc thân gồm những người lớn, đủ hạng tuổi, chưa bao giờ lập gia đình, đã ly dị, hay trong tình trạng goá bụa. Làm thế nào để chương trình giáo dục của Hội Thánh có hiệu quả đối với một nhóm như vậy?

Nhiều Hội Thánh thầy rằng trong các sinh hoạt nên hợp chung những người độc thân và có gia đình lại với nhau. Một số Hội Thánh tìm cách giáo dục những người này qua các chương trình dành cho quí ông và quí bà của Hội Thánh. Một số Hội Thánh có những nhân viên phụ giúp việc giáo dục riêng cho những người độc thân. Dù áp dụng phương pháp nào, chúng ta cần lưu ý những người độc thân có những lo âu, nhu cầu và mong ước riêng của họ. Những điều này phải được lưu tâm đến. Chúng ta cần mở rộng lòng mến khách theo Kinh Thánh đối với những người độc thân qua tình bằng hữu. Rất dễ bỏ qua những người độc thân nhất là khi Hội Thánh quá bận rộn với chương trình tập trung vào gia đình. Sự sơ suất như thế sẽ làm cho những người độc thân cảm thấy bị loại trừ, thậm chí thấy mình thấp kém. Cũng cần giao cho những người độc thân những công tác, chức vụ trong Hội Thánh hợp với khả năng và hoàn cảnh của họ.

 

GIÁO DỤC NGƯỜI CAO NIÊN

Người cao niên thường có kiến thức, kinh nghiệm, và có khả năng sáng tạo. Lời Đức Chúa Trời  nói rằng họ phải được kính trọng. Người cao niên thường cần sự cảm thông và giúp đỡ về mặt thể chất, tâm trí, tài chánh, xã hội, tình cảm, pháp lý, và tâm linh. Trong Nước Trời, người cao niên vẫn còn hữu ích hay có khi hữu ích hơn lúc họ còn trẻ. Nhưng để được nhiều hữu ích hơn, Hội Thánh phải tập trung  vào những nhu cầu đặc biệt của họ. Chúng ta có thể xây dựng một chương trình cho người cao niên với những mục tiêu sau đây.

1. Một số người cao niên cảm thấy rằng công việc của đời họ hoàn tất và đây là thời gian để nghỉ ngơi thoải mái. Một số khác cảm thấy công việc của đời họ  chưa bao giờ hoàn tất vì thế họ vẫn cứ bận rộn và lao động hữu ích cho đến ngày chết. Có những người lại ước mong cuộc đời khác đi, muốn có sức mạnh và của cải nhiều hơn nhưng lại đành cam chịu với những giới hạn của họ. Cũng có những người mà tuổi già của họ không có  mục đích, vô nghĩa và nuối tiếc khi nhìn lại cuộc đời phí phạm, vô ích đã qua. Chúng ta giúp đỡ người cao niên sử dụng thì giờ trong cái nhìn về thời gian vĩnh cửu. Tuổi già không phải là để sống qua ngày cho biết cuộc đời nhưng là để chuẩn bị cho đời sống vĩnh cửu (Thi 90:12).

2. Giúp liên kết giữa những thế hệ bằng cách đem con cháu, cha mẹ và ông bà lại với nhau. Khi họ được đem lại gần nhau trong những chương trình hành động đánh giá và trong những đề án phục vụ, họ sẽ được biết nhau như những con người chứ không phải là các thành viên của một nhóm tuổi. Điều này giúp loại bỏ đi những định ý sai lầm của người lớn tuổi cho những người cao niên muốn không bị vướng bận với cuộc sống và các sinh hoạt của nó, họ không thể học hỏi, nếp suy nghĩ đã cố định và cơ bản là không thay đổi. Thật ra, không nhất thiết phải như vậy. Họ vẫn có nhu cầu và ước muốn tham gia vào công việc Chúa và kết quả.

3. Bởi vì Đức Chúa Trời  giao phó cho người cao niên trách nhiệm "sống thánh thiện và giảng dạy” (Tít 2:2-5) nên chúng ta  phải khuyến khích họ thực hiện những trách nhiệm của họ. Họ cần được tham dự vào việc thờ phượng, giảng dạy, tình bằng hữu, và truyền giáo. Những ai không thể đảm nhận những chức vụ lãnh đạo vì cơ thể ốm yếu, thì nên được khuyến khích tham gia vào nhóm cầu nguyện. Những ai không thể tham dự giờ thờ phượng, thì cần được viếng thăm và giúp đỡ bằng tài liệu, băng ghi âm, điện thoại vv....

CÁC NHÓM PHỤ NỮ VÀ NAM GIỚI

Việc chia nhóm quí ông và quí bà đáp ứng những nhu cầu riêng biệt cho mỗi phái có những ích lợi đặc biệt. Khi sinh hoạt theo phải tính có những lợi ích riêng mà trong một nhóm cả nam lẫn nữ không có được. Tân ước nói đến một nhóm nhỏ phụ nữ, họp lại với lòng yêu mến Chúa (Mác 15:41) và nói đến một toán những người phụ nữ cầu nguyện nhọm họp bên bờ sông (Công vụ 16:13)

Những nhóm quí ông và quí bà nhằm mục đích:

1. Truyền  bá Phúc Âm cá nhân

Xét đến việc chia xẻ Phúc Âm một người cho một người,  thì đàn ông thường có thiện cảm hơn khi nghe một người đàn ông  thay vì nghe một người đàn bà. Điều này cũng đúng cho quí bà. Sinh hoạt của nhóm quí ông và quí bà có thể có nhiều hình thức. Thường thì những sinh hoạt này thân mật, ngoài nhà thờ, và được tổ chức để tạo nên tình bạn. Mục tiêu vẫn là đàn ông đem đàn ông và đàn bà đem đàn bà đến với Chúa Cứu Thế.

2. Lãnh đạo những trẻ em và thanh niên

Những nhóm quí ông và quí bà có thể bảo trợ những nhóm thanh niên nam và nữ. Khi hướng dẫn lãnh đạo cho những nhóm thiếu nhi và thanh niên, thì quí ông và quí bà là khuôn mẫu có giá trị để giúp tạo nên cuộc sống các bạn trẻ. Nhóm quí ông hoặc quí bà có thể giúp giám sát những sinh hoạt đặc biệt, những cuộc đi chơi giải trí cho các em thiếu nhi nam hoặc nữ...

3. Những đề án phục vụ đặc biệt

Một số những sinh hoạt gây quỹ nấu nướng, may vá thì thích hợp với những nhóm quí bà. Việc sửa soạn và bảo trì tài sản Hội Thánh thì do nhóm quí ông lo liệu. Công tác thăm viếng nhà tù, bệnh viện, và những nơi khác có thể cả hai nhóm quí ông và quí bà đảm trách tuỳ thuộc vào tính chất của công tác.

4. Gây dựng

Trong những nhóm dành riêng cho quí ông hoặc quí bà, một số đề tại được tự do để bộc lộ và thảo luận hơn là trong một nhóm cả nam lẫn nữ. Trong những buổi cầu nguyện và chia xẻ quí ông quí bà có thể tìm ra cơ hội để quen biết nhau hơn, để chia xẻ những gánh nặng của nhau, và để hiểu thêm việc sống đạo Cơ Đốc.

 

NGƯỜI LỚN VÀ VIỆC HỌC KINH THÁNH

I. Nhu cầu học Kinh Thánh

Đáng tiếc là có nhiều tín đồ lớn tuổi biết rất ít về nội dụng Kinh Thánh. Những gì họ biết được thường là những câu chuyện Kinh Thánh quen thuộc họ còn nhớ từ khi còn nhỏ. Một thực tế là khi thành người lớn họ thường ít học hỏi lời của Đức Chúa Trời. Sau đây là một số lý do tại sao người lớn cần học hỏi Kinh Thánh.

1. Người lớn cần học hỏi Kinh Thánh để tăng trưởng và nhận được sự hướng dẫn cho chính cá nhân họ.

Đức Chúa Trời  tạo dựng A-đam và Ê-và hoàn hảo theo nghĩa họ không có tội. Nhưng họ không hoàn hảo trong phương diện tăng trưởng thuộc linh. Mục đích của Đức Chúa Trời  cho nhân loại ngay từ lúc khởi đầu là sự tăng trưởng thuộc linh. Phao-lô cho thấy "Chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đầng Christ” (Ê-phê-sô 4:13). Kinh Thánh là sách chỉ dẫn của Đức Chúa Trời  giúp chúng ta tăng trưởng thuộc linh. Những ai đọc và áp dụng Lời Chúa sẽ trở nên người mà Đức Chúa Trời  mong muốn.

2. Người lớn cần học hỏi Kinh Thánh để có thể dạy con cái của họ.

Dù muốn hay không, cha mẹ phải dạy cho con cái một điều gì đó. Vì vậy, họ cần được học hỏi để dạy và huấn luyện con cái của mình (Ê-phê-sô 6:4) Chuyên cần học hỏi Lời Chúa của cha mẹ cũng nêu gương tốt cho con cái trong việc này.

3. Người lớn cần học hỏi Kinh Thánh để phát triển khả năng lãnh đạo  trong Hội Thánh địa phương.

Hội Thánh cần những người lãnh đạo, những giáo viên Trường Chúa Nhật, những người làm việc cho thanh niên, vv... Họ là những người trưởng thành biết Lời Đức Chúa Trời. Những Mục sư và những nhà Cơ Đốc Giáo Dục  phải giúp những người lớn trưởng thành thuộc linh và "có tài dạy dỗ kẻ khác” (IITim 2:2)

4. Người lớn cần học hỏi Kinh Thánh để có thể chia xẻ Phúc Âm với người khác.

Trong Công vụ 8:30-31 chúng ta thấy nói đến cuộc gặp gỡ giữa Phi-lip và một người Ê-thi-ô-pi. Phi líp hỏi anh có hiểu gì về phân đoạn Kinh Thánh anh ta đang đọc không, hoạn quan trả lời rằng: "Nếu chẳng ai dạy cho tôi, thể nào tôi hiểu được?” Chúng ta cần nhiều người biết Kinh Thánh như Phi-lip để có thể sẵn sàng chia xẻ Phúc Âm cho người khác.

II. PHƯƠNG PHÁP SOẠN BÀI HỌC KINH THÁNH

Khi soạn bài học Kinh Thánh thảo luận cho nhóm, người hướng dẫn cần:

1.     Xác định đề tài, đại ý, mục đích, phân đoạn Kinh Thánh, câu Kinh Thánh căn bản của bài học.

2.     Chia dàn bài (bố cục) hoặc nêu những ý chính

3.     Tìm hiểu ý nghĩa phân đoạn Kinh Thánh và viết ra những ý chính cho từng phần của bài học.

4.     Soạn câu hỏi thảo luận

Diễn tiến buổi học Kinh Thánh có thể phác hoạ như sau:

1.     Cầu nguyện

2.     Trình bày đề tài

3.     Khai triển bài học

4.     Aùp dụng

5.     Đúc kết

6.     Cầu nguyện

III. CÁCH SOẠN CÂU HỎI THẢO LUẬN CHO BUỔI HỌC KINH THÁNH

Công việc chính của người hướng dẫn nhóm học Kinh Thánh không phải là thuyết trình hay giảng dạy nhưng là hướng dẫn thảo luận. Vì thế người hướng dẫn nhóm học Kinh Thánh cần soạn trước những câu hỏi thích hợp để cùng học viên thảo luận bài học.

Có ba loại câu hỏi:

1. Câu hỏi về sự kiện (Fact questions) hay câu hỏi quan sát (observation questions):

Câu hỏi nhằm giúp học viên tìm hiểu tổng quát xem bản văn nói gì, vấn đề nào được nêu ra trong bản văn, bằng cách ghi nhận các sự kiện nổi bật được đề cập trong bản văn. Loại câu hỏi này cũng nhằm tìm ra những từ ngữ quan trọng, diễn tiến câu chuyện hoặc bố cục của bản văn. Câu hỏi sự kiện có thể dùng những chữ như: Ai? Việc gì? Ở đâu? Bao giờ? Bằng cách nào? Xin liệt kê...

2. Câu hỏi về ý nghĩa (meaning questions) hay câu hỏi giải thích (explanation questions) hay câu hỏi này tìm hiểu ý nghĩa của câu chuyện, câu nói, hay sự kiện nằm đàng sau các sự kiện. Loại câu hỏi này nhằm giải thích, khai triển, làm sáng tỏ ý nghĩa của những từ ngữ, câu nói, hay ý tưởng trong bản văn. Loại câu hỏi này có thể dùng những chữ : Tại sao? Thế nào? Có hàm ý gì? So sánh...? Tương quan nhau thế nào?

3. Câu hỏi áp dụng (Application questions):

-         Đối chiếu với hiện tại, trong cuộc sống xã hội, cá nhân Hội Thánh, gia đình.

-         Tìm ra những bài học áp dụng, chẳng hạn: Học được gì về Chúa? Gương nào nên theo? Gương nào nên tránh? Có lời hứa nào? ...

-         Dẫn học viên đến chỗ đáp ứng với Lời Chúa bằng sự cam kết, hứa nguyện, quyết định...

Các câu hỏi áp dụng có thể dùng những chữ: Làm thế nào để ...? Bí quyết nào giúp chúng ta...? Bạn học được điều gì qua...? Bạn có quyết định gì...

Những điều cần lưu ý khi đặt câu hỏi thảo luận:

1.     Nên chia phân đoạn Kinh Thánh thành từng phần (bố cục) hoặc ý chính sau đó đặt câu hỏi cho từng phần hoặc từng ý chính.

2.     Cần giữ quân bình ba loại câu hỏi trên. Những sự kiện dễ thấy không cần đặt câu hỏi, nếu có chỉ nhằm dẫn đến câu hỏi ý nghĩa.

3.     Câu hỏi nhằm để học viên thảo luận và tìm hiểu, không phải để trắc nghiệm hay thử tài.

4.     Câu hỏi cần khúc chiết, sáng sủa, dễ hiểu để tránh hiểu lầm.

5.     Những câu hỏi đặt liên tục nhau cần mạch lạc, có ý tưởng liên tục, hợp lý.

6.     Mỗi câu hỏi đều có mục đích rõ ràng, không phải hỏi bâng quơ và không ra ngoài phạm vi bài học.

7.     Tránh những câu hỏi quá dễ không ai muốn trả lời.

8.     Tránh những câu hỏi chỉ cần trả lời "có” "không” mà thôi. Những câu hỏi này nên đi kèm câu hỏi "tại sao” hoặc "xin giải thích”...

9.     Nên đặt những câu hỏi phụ để làm sáng tỏ vấn đề hoặc trước khi đưa ra câu hỏi khó.

10.                 Các loại câu hỏi (sự kiện, ý nghĩa, áp dụng) có thể đặt xen kẻ nhau, không nhất thiết phải xong tất cả câu hỏi sự kiện hay ý nghĩa rồi mới đặt câu hỏi áp dụng.

Bài mẫu:     VÂNG PHỤC ĐỂ CHIẾN THẮNG

Gio-suê 6:1-20

Mục đích: Khuyến khích chúng ta đồng tâm nhứt trí vâng lời Chúa để chiến thắng mọi trở lực và thực hiện chương trình của Đức Chúa Trời.

Câu căn bản:        Giô-suê 6:16

CÂU HỎI THẢO LUẬN:

1.     Thành Giê-ri-cô được phòng thủ ra sao? Chúa hứa điều gì cho dây y-sơ-ra-ên? Để nhận được điều Chúa hứa họ phải thi hành mạng lệnh nào? Chiến thuật tấn công Giê-ri-cô mà Chúa ra lệnh có hợp lý không? Dân chúng đã bày tỏ được những phẩm tính nào khi thực hiện một chiến thuật như thế?

2.     Những "tường thành Giê-ni-cô” trong Hội Thánh và trong đời sống cá nhân chúng ta là gì? Bài học hôm nay dạy chúng ta phương pháp nào để triệt hạ những tường thành đó? Trong kinh nghiệm, bạn thấy Chúa đã dùng những cách "bất thường” nào để giúp bạn (chúng ta) chiến thắng những trở lực? Kinh nghiệm đó giúp bạn thế nào trong hiện tại?

CÂU HỎI

1.     Cho  biết người lớn tuổi nói chung có những đặc điểm và nhu cầu nào? Có những đặc điểm và nhu cầu khác biệt nào giữa lứa tuổi tráng niên, trung niên, và cao niên? Theo bạn công tác Cơ Đốc Giáo Dục  cho những lứa tuổi này cần nhấn mạnh đến những điểm nào?

2.     Sự thành lập các ban phụ nữ và nam giới trong Hội Thánh nhằm mục đích và ích lợi như thế nào, đặc biệt trong công tác Cơ Đốc Giáo Dục?

3.     Việc học Kinh Thánh quan trọng thế nào đối với người lớn tuổi? Theo bạn phương pháp học Kinh Thánh nào là thích hợp và hiệu quả cho lứa tuổi tráng niên, trung niên và cao niên?

4.     Xin bạn chọn một phân đoạn Kinh Thánh và soạn câu hỏi thảo luận (xem bài mẫu) cho một buổi học Kinh Thánh tráng niên.

 

<%Response.Clear%>
Top