Reader
Trang Đầu | Mục Lục | << CHƯƠNG 6

CHƯƠNG 7

CÔNG VỤ CÁC SỨ ĐỒ

Dẫn nhập

Sách Công Vụ được viết bằng một thể văn như thể văn các sách Phúc Âm, chủ yếu kể về các sự kiện, mặc dù trong đó cũng có chứa những sự dạy dỗ.  Nói cách khác, chủ đề của sách là về sinh hoạt và phát triển của Hội Thánh đầu tiên, một chủ đề có liên hệ gần với các thư tín hơn là các sách Phúc Âm.  Vì thế, vị trí của nó trong Kinh Thánh ngày nay nằm sau các sách Phúc Âm và trước các thư tín, là thích hợp.

Sách Công Vụ Các Sứ Đồ là tập hai của một bộ sách

Mấy câu đầu của sách Công Vụ đề cập đến “sách thứ nhất” của tác giả, đó là sách Phúc Âm Lu-ca.  Các tác phẩm cổ được chia thành “sách” cũng như thành “chương”, và rất có thể “sách” và “chương” này có nghĩa là một tác phẩm mà có hai phần.  Chúng ta không thể xem xét những vấn đề tổng quát về sách Công Vụ mà không xét đến sách Phúc Âm Lu-ca và đặc biệt là bốn câu đầu của sách ấy, là những câu được xem là “Lời mở đầu” cho toàn bộ tác phẩm hai tập này.

Về tác giả của tác phẩm, xin xem phần Dẫn nhập của sách Phúc Âm Lu-ca.  Như được nêu ở đó dường như tác giả là người đồng hành với Phao-lô, là Lu-ca (Cô-lô-se 4:14).  Trong các chương cuối của sách Công Vụ, câu chuyện thỉnh thoảng được thuật lại ở ngôi thứ nhất số nhiều: “Chúng ta tìm được các môn đồ rồi, bèn ở lại với họ bảy ngày” (21:4; xem 16:10-17; 20:5-21:18; 27:1-28:16).  Giải thích tự nhiên nhất về vấn đề này cho rằng sách Công Vụ được viết bởi một người nào đó có tham dự vào một số các sự kiện này.  Giả thuyết này đã bị phản đối, nhưng các phản đối này quan tâm đến các vấn đề về tính chính xác về mặt lịch sử của tác giả.  Nếu như tác giả được thể hiện để trình bày một hình ảnh sai lệch về Phao-lô chẳng hạn, thì người ta ít có khả năng phán đoán rằng tác giả thực sự là một bạn đồng hành của vị sứ đồ này.  Thật vậy, những lời phản đối này sẽ không đi ngược lại một sự nghiên cứu cẩn thận.

Về thời gian viết sách thì càng khó xác định hơn.  Một lần nữa, như nêu ra trong phần Dẫn nhập sách Lu-ca, có hai giả thuyết chính: sách Công Vụ được viết vào những năm 60 trong thời gian Phao-lô bị tù ở Rô-ma, hoặc những năm 80 sau khi Phao-lô qua đời.  Nhiều chi tiết trong các chương cuối sách Công Vụ gợi ý về giả thuyết thứ nhất.  Có một điều, sách kết thúc với sự kiện Phao-lô (và độc giả của sách) đang chờ đợi kết quả của cuộc xử án tại Rô-ma.  Sau một hơi dài mô tả về thỉnh cầu gởi đến Sê-sa và đó có vẻ hơi lạ, trừ phi ông thực sự đang đem đến cho độc giả sự “cập nhất”.  Người ta cũng thấy một “sự sinh động” hoặc “sự gần gũi” trong những chương cuối sách, mà cho thấy tác giả đã dựa trên những ký ức chưa bị phai mờ.  Nếu như những chi tiết này gợi ý thời gian viết sách là những năm 60, thì người ta cũng có thể dễ dàng giải thích chúng theo cách khác, và chúng ta buộc phải kết luận rằng cả hai giả thuyết về thời gian viết sách đều có thể có khả năng. 

Trong nhiều thế kỷ việc sách được xem là sách “lịch sử” và vì thế tác giả là một “nhà sử học” dường như là có chứng cứ hiển nhiên, cho đến khi các nhà nghiên cứu Thánh Kinh nhận ra rằng trong nhiều nghĩa, sách Công Vụ và bốn sách Phúc Âm có thể được phân loại là các sách “thần học’.  Không phải như lúc đầu được xem là đã viết những câu kể về sự kiện, các tác giả rõ ràng là đã có mục đích chia xẻ tin mừng và thuyết phục hoặc dạy dỗ người đọc các sách ấy.  Gần đây, người ta quan tâm nhiều đến kỹ năng mà các tác giả này thể hiện trong cách “kể chuyện” và các nhà nghiên cứu Tân Ước đang cố gắng tập trung vào sách Công Vụ như là một tác phẩm văn học được biên soạn công phu chứ không phải là một “sách lịch sử khách quan và khô khan” về một mặt hay “sách thần học” về một mặt khác.  Tất cả các phương pháp này nên được khẳng định, nhưng phải theo cách nhằm hỗ trợ lẫn nhau chứ không phải loại trừ lẫn nhau.  Trong sách Lu-ca – Công Vụ, và trong các sách khác tạo thành quyển Thánh Kinh, thần học được căn cứ trên sự thật lịch sử.

Công Vụ Các Sứ Đồ là một sách lịch sử

Trong thời hiện đại, người ta thường đặt nghi vấn về tính chính xác của sách Công Vụ Các Sứ Đồ, chủ yếu căn cứ trên sự hiểu sai sách này.  Các học giả thế kỷ 20 có một thời tin rằng sách Công Vụ Các Sứ Đồ được viết rất trễ trong lịch sử Hội Thánh và rằng nó có vẻ là một nỗ lực tuyên truyền để che đậy và lấp liếm sự chia rẽ tồn tại giữa Hội Thánh người Do Thái theo Phi-e-rơ và Hội Thánh người ngoại quốc theo Phao-lô.   Người ta tranh luận rằng đây là một hồi ức không hay cần được xoá bỏ.  Mong khi có một vài vấn đề gây ra bởi việc du nhập những người ngoại quốc trong cái mà bắt đầu như là một phong trào trong Do Thái giáo, thì ngày nay người ta thừa nhận rằng sách Công Vụ Các Sứ Đồ giải quyết những vấn đề này một cách thẳng thắn, và rằng tác giả không xấu hổ khi tường thuật sự chia rẽ và những khó khăn trong Hội Thánh (xem ví dụ trong 15:36-41).

Một cách hiểu sai khác là về chân dung của Phao-lô trong sách Công Vụ.  Chúng ta không thể mong sách Công Vụ đề cập đến mọi khía cạnh của tư tưởng Phao-lô như khi tìm thấy chúng trong các thư tín của ông; còn một hình ảnh đầy đủ về Phao-lô là điều chưa được thể hiện.  Nhưng phải chăng hình ảnh mà Lu-ca thể hiện là khác với một Phao-lô thật? Bài phát biểu tại A-thên (chương 17) thường được dùng trong một nỗ lực để chứng minh bức tranh của Lu-ca khác với “thực tế” như thế nào.  Trong thư ICô-rinh-tô, Phao-lô viết rằng ông không có tài hùng biện, thì ở đây tại A-thên, một thành phố văn hoá và học thuật ông lại được mô tả là một nhà diễn thuyết và nhà triết lý xuất sắc.  Hơn nữa, người ta cho rằng bài phát biểu biện hộ và hầu như tán thành việc thờ phượng thần tượng ngoại giáo, là điều mà một Phao-lô thật sẽ không bao giờ làm.  Những điểm này cũng không đứng nổi dưới một sự xem xét kỹ lưỡng.  Còn lâu mới được là một nhà diễn thuyết lý tưởng và thuyết phục, Phao-lô bị chế nhạo bởi những người A-thên đang nghe sứ điệp của ông, và Lu-ca ghi lại rằng chỉ có một nhúm người chịu nghe – khó lòng mà câu chuyện được kể để có ý gây ấn tượng trên độc giả của sách Công Vụ.  Trong một đoạn khác, Phao-lô được tả vẽ là đã nói dài đến nỗi một người khi nghe ông nói đã ngủ gục (20:7-12)! Đối với thái độ “thông cảm” với vấn đề thờ phượng thần tượng ở A-thên, yếu tố này của bài phát biểu thực tế là một sự tấn công ngấm ngầm đối với sự thờ phượng thần tượng, chứ không phải là sự đồng tình.  Điều này phù hợp với thái độ của Phao-lô khi ông đến thành phố này (xem 17:16; và bài tường thuật ở 17:16-34) cũng như thái độ của ông như được diễn tả trong các thư tín.

Cái mà chúng ta có thể gọi là “sự cố gắng rõ ràng” của tác phẩm của Lu-ca có khuynh hướng xác nhận chứ không phải phủ nhận niềm tin rằng sách Công Vụ có chứa lịch sử thật.  Các vấn đề lớn cũng vậy.  Có nhiều chi tiết lịch sử trong sách này, và việc sách này bao gồm những chi tiết lịch sử đã gợi ý một cách mạnh mẽ một nguồn thông tin đáng tin cậy.  Chẳng hạn như, các chi tiết về mặt địa lý và sự sử dụng những tên người và tước hiệu trong Công Vụ ngày càng được đưa ra ánh sáng khi các nhà khảo cổ và sử học phát hiện và công bố nhiều chứng cứ cổ học.  Danh sách dài có thể tìm thấy trong cuốn The Book of Acts in the Setting of Hellenistic History của C. Hemer (Mohr, 1989), chương 4 và 5.  Sách Công Vụ Các Sứ Đồ không phải hoàn toàn không có những rối rắm về lịch sử (xem tường thuật trong 5:33-39; và những vấn đề khó giải quyết xung quanh chương 15 và thư Ga-li-lê), nhưng xét về toàn thể, sách công vụ đến với chúng ta như là một nguồn đáng tin cậy đối với thời gian và các sự kiện bao gồm trong đó. 

Công Vụ Các Sứ Đồ là một sách thần học

Tuy nhiên, có thể Lu-ca không phải là một nhà sử học dưới cái nhìn của người hiện đại về khái niệm này.  Ông rõ ràng có một cảm xúc mạnh mẽ về chủ đề của mình, và mặc dù đây không phải là điều không mong đợi trong ý nghĩ xưa về những gì việc viết sử đòi hỏi, Lu-ca có thể được gọi là một nhà thần học cũng như một nhà sử học.  Lướt qua toàn bộ hai sách của ông người ta có thể thấy thần học của ông.  Các chủ đề mà có vẻ đặc biệt quan trọng khi nghiên cứu sách Công Vụ là công tác của Hội Thánh và sự phổ cập của việc giới thiệu sự cứu rỗi.  Đức Thánh Linh đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ, và tác giả đã chịu khó để tỏ ra rằng sự mở rộng Hội Thánh đến người Sa-ma-ri và các dân ngoại không diễn ra theo sự khởi xướng của chính các Cơ Đốc nhân mà là bởi sự khởi động và sau đó uỷ thác và chuẩn nhận một cách ngoạn mục bởi Đức Thánh Linh.

Tuy nhiên, cần thừa nhận rằng Lu-ca không viết một cuốn sách về Đức Thánh Linh.  Ông viết về sự lan tràn của Phúc âm, và ông mô tả vai trò trung tâm của Đức Thánh Linh trong công tác này.  Vì thế, chẳng hạn, có thể ông đã kể cho chúng ta rất nhiều về những gì thực sự đã xảy ra cho các môn đồ tại ngày lễ Ngũ Tuần.  Chúng ta rất tha thiết muốn có những câu chuyện về việc Đức Thánh Linh ngự vào lòng, có phải Ngài ngự thường xuyên hay không, việc Ngài ngự vào lòng người tín hữu đem lại thay đổi gì, v.v...  Nhưng ông đã không ghi lại những điều này bởi vì đây không thuộc loại sách mà ông đang viết.  Trọng tâm của ông không đặt vào việc thế nào sự đến của Đức Thánh Linh ảnh hưởng trên người tín đồ mà vào việc thế nào người ta có thể đến với những người hành hương Do Thái đến Giê-ru-sa-lem vào kỳ lễ vào thời ấy.

Lu-ca biết và trình bày các lẽ thật thần học về Đức Thánh Linh, vai trò của Chúa Giê-xu, sự ứng nghiệm các lời tiên tri Cựu Ước và khả năng chấp nhận tín hữu ngoại quốc ngoài qui định của luật pháp.  Nhưng dù ông là một nhà thần học, chúng ta không được cho rằng sách của ông là sách về thần học hệ thống, và chúng ta phải cố gắng giảm bớt sự thất vọng của mình nếu như ông không thoả mãn được những tò mò của chúng ta, những độc giả của thế kỷ 20.  Sự hiện diện của các tư tưởng và những mối quan tâm thần học không có nghĩa là chúng ta không thể tin cậy vào lịch sử được thể hiện trong sách.  (Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, xem Lu-ca: Nhà sử học và thần học của I. H. Marshall [Paternoster Press, 1988]).

Công Vụ Các sứ Đồ là một tác phẩm văn chương

Tính văn chương của sách Lu-ca – Công Vụ được thể hiện trong hình thức của nó.  Trong khi khó có hai nhà bình luận nhất trí hoàn toàn về bố cục của sách, thì tất cả đều nhìn nhận rằng nó đã được bố cục một cách có hiệu quả, ngay cả về mặt nghệ thuật.  Qua cả hai tập (hai sách Lu-ca và Công Vụ), thành phố Giê-ru-sa-lem đóng vai trò là một “điểm tiếp xúc” nơi mà câu chuyện tiếp tục trở lại.  Rõ ràng chúng ta thấy một phong trào đi từ dòng nước xoáy của Đế quốc La Mã tại Ga-li-lê đến xứ Giu-đê và thủ phủ Sê-sa-rê, và từ đó qua xứ Sa-ma-ri rồi từng bước tiến sang phần còn lại của Đế quốc La Mã cho đến khi Phúc âm đã được truyền ra đến tận chính thủ độ của đế quốc, là Rô-ma ở phần cuối sách Công Vụ.  Đây là sự tiến triển có tính chất lịch sử, nhưng Lu-ca đã chọn lựa những câu chuyện, thậm chí sự tập trung có chủ ý vào một nhóm nhân vật này sang nhóm nhân vật khác, để nhấn mạnh phong trào này.

Lu-ca tả vẽ Phao-lô là đã giảng cho người Do Thái và người ngoại quốc cũng như đã khích lệ nhiều cộng đồng tín hữu.  Tuy nhiên, chỉ thấy ghi lại có một bài giảng chính trong nhà hội (13:14-43), một cho một hội chúng người ngoại quốc (17:16-35 là bài giảng tương tự trong 14:14-17, nhưng không có quy mô lớn bằng) và một cho nhóm tín hữu (20:17-38).  Vì vậy, trang sách có mỗi bài giảng tiêu biểu cho mỗi loại thính giả.

Sự chọn lựa và sắp đặt có chủ ý này khiến chúng ta đặt ra câu hỏi: Mục đích của tác giả khi viết là gì? Đã thấy bố cục và tính phức tạp của sách, chúng ta không thể đơn giản nói rằng: “Ông muốn ghi lại những gì đã xảy ra”.  Sách Lu-ca và Công Vụ không đơn thuần là một sự miêu tả theo thứ tự thời gian và chắc chắn không phải là các tác phẩm hoàn chỉnh.  Có quá nhiều điều còn thiếu để có thể đạt đến mục đích của Lu-ca.

Trái lại, sách Công Vụ Các Sứ Đồ có thể được xem là đang trả lời cho một câu hỏi phức tạp về Cơ Đốc giáo.  Cơ Đốc giáo là gì? Nếu đó là một tôn giáo của người Do Thái thì tại sao tất cả những người Do Thái ra mặt chống đối và rất nhiều người ngoại quốc lại gia nhập nó? Nếu Cơ Đốc giáo là một tôn giáo hơn là một sự kiện xã hội, thì tại sao Giê-xu được gọi là “vua” và phong trào của Ngài được gọi là “vương quốc” – và tại sao có vẻ như nó làm dấy lên những cuộc rối loạn và bạo loạn?

Có lẽ những câu hỏi này nảy sinh như là kết quả trực tiếp của cuộc xử án Phao-lô tại Rô-ma, là vụ xử nêu lên những nét nổi bật trong phần ba của sách Công Vụ.  Sách có lẽ quá dài và có quá nhiều chi tiết của nó chỉ có liên quan quá sơ sài để có thể được xem là một phần vụ xử của sự tự bào chữa, nhưng có thể nó đã được viết để trả lời những câu hỏi nảy sinh từ vụ xử ấy.

Mục đích thuộc loại này đã làm cho các điểm nổi bật của sách Công Vụ trở nên có ý nghĩa: khởi đầu của Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem đến sứ mạng truyền giáo tại Rô-ma, sự nhấn mạnh các vị sứ đồ khác nhau và sự truyền bá Phúc Âm cũng như sự chống đối mà Phúc âm gặp phải.  Nó cũng làm cho có ý nghĩa câu phát biểu của Lu-ca trong chương 1 của sách Phúc Âm Lu-ca – ông viết để làm rõ và giải thích những  điều mà Thê-ô-phi-lơ đã nghe liên quan đến Chúa Cứu Thế Giê-xu và phong trào mà Ngài đã dấy lên.

Công Vụ Các Sứ Đồ dành cho ngày nay

Lu-ca viết với một mục đích đương thời cụ thể và điều đó có thể khiến chúng ta bi quan khi tìm một cái gì trong sách Công Vụ thích hợp cho những tình huống trong thời hiện đại của chúng ta.  Thận trọng vừa phải là một điều tốt.  Công Vụ là một bản sứ đồ chỉ dẫn cách thực hiện việc truyền giáo hay cách để thành lập một Hội Thánh chứ không phải để chỉ cách hành động khi bạn gặp đe dọa trong cơn đắm tàu.  Công Vụ thích hợp cho mọi người trong mọi hoàn cảnh và mọi nền văn hoá cho đến nay vì nó cung cấp những tấm gương thuộc linh và sự bảo đảm rằng dù sự việc có như thế nào thì Đức Chúa Trời cũng vẫn đang làm việc ở hậu trường, như Ngài đã ở với dân Ngài xưa kia.  Chúng ta có thể học được rất nhiều từ sách Công Vụ Các Sứ Đồ về cách sống một đời sống Cơ Đốc, nhưng chúng ta phải thực hiện lối sống ấy bằng cách nghiêm túc tiếp nhận sách này và nắm bắt ý định của tác giả – và trước tiên học tập cách hiểu rõ giá trí của câu chuyện mà sách kể lại.

Sách Công Vụ Các Sứ Đồ không có ý muốn dạy chúng ta rằng mọi Cơ Đốc nhân phải làm những gì mà các vị anh hùng trong sách đã làm.  Ngay cả Phao-lô, người mà quyền năng chữa lành trong phạm vi sách Công Vụ dường như rất lớn và không thể bị ngăn trở (19:11-12), cũng phải học biết rằng “quyền năng” ấy không phải là điều ông “có” hoặc có thể điều khiển (xem IICô-rinh-tô 12:1-10).  Nhưng sách không bảo chúng ta xem thường quyền năng ấy.  Đức Chúa Trời có thể sử dụng và đã sử dụng các tín hữu để hoàn thành những việc kỳ diệu.

Sách Công Vụ cũng cho chúng ta thấy rằng chúng ta đừng nghĩ bởi vì mình là Cơ Đốc nhân nên chúng ta có thể thoát khỏi những giới hạn con người như những bất đồng giữa vòng anh em (xem 15:2 và hội nghị sau đó, hay sự bất đồng giữa Ba-na-ba và Phao-lô và Giăng Mác trong 15:37-41).  Chúng ta cũng không được hoàn toàn miễn khỏi tội lỗi và thói đạo đức giả (xem A-na-nia và Sa-phi-ra; Công Vụ 5:1-11) cũng như sự đe dọa thực sự về việc đoán phạt.

Sách Công Vụ dạy chúng ta về chính mình và hoàn cảnh của chúng ta bằng gương của những nhân vật trong những hoàn cảnh của họ.  Đây không phải là một cuốn sách chỉ tập trung vào những cuộc đời lý tưởng và những cộng đồng lý tưởng; mà đó là một cuốn sách rất “thực tế” theo nghĩa đen của từ này.  Nhưng chủ nghĩa thực tế mà sách khuyến khích chúng ta là một thực tế của những sự kiện hàng ngày mà còn là nơi dân sự Đức Chúa Trời đang ở trên chiến tuyến của công tác mà họ được kêu gọi.

Đọc thêm

J. R. W. Stott, The Message of Acts, BST (IVP,1990).

D. Gooding, True to the Faith, A Fresh Approach to the Acts of the Apostles (Hodder and Stoughton, 1990).

I. H. Marchall, The Acts of the Apostles, TNTC (IVP/UK/Eerdmans, 1980).

F. F. Bruce, The Acts of the Apotles, NICNT (Eerdmans, 1988).

Bố cục

1:1-11          Dẫn nhập

                   1:1-3           Mở đầu

                   1:4-5           Sự ban Đức Thánh Linh

                   1:6-11          Chúa Giê-xu thăng thiên và công tác phải thực hiện trên đất

1:12-8:3       Thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ

                   1:12-26        Bổ sung đủ 12 sứ đồ tại Giê-ru-sa-lem

                   2:1-47          Lễ Ngũ Tuần tại Giê-ru-sa-lem

                   3:1-4:31       Việc xảy ra tại cửa đền thờ

                   4:32-5:11     Thói đạo đức giả trong Hội Thánh đầu tiên

                   5:12-42        Trước Toà Công Luận: lời bàn của Ga-ma-li-ên

                   6:1-8:3         Ê-tiên trước Toà Công Luận: Kết thúc một thời kỳ

8:4-12:25     Công tác truyền giáo cho người Do Thái được giám sát từ Giê-ru-sa-lem

                   8:4-25          Phi-líp tại xứ Sa-ma-ri

                   8:26-40        Phi-líp và hoạn quan Ê-thi-ô-bi

                   9:1-31          Phao-lô người thành Tạt-sơ trên đường Đa-mách

                   9:32-43        Phi-e-rơ tại Ly-đa Giốp-ba

                   10:1-11:18   Phi-e-rơ, Cọt-nây và vấn đề người ngoại quốc

                   11:19-30      Ba-na-ba, Sau-lơ và Hội Thánh ngoại quốc đầu tiên

                   12:1-25        Hê-rốt, Ạc-ríp-ba và Hội Thánh: Kết thúc một thời kỳ

13:1-20:38   Sự truyền giáo cho người ngoại quốc

                   13:1-14:28   Hành trình truyền giáo lần thứ nhất

                   15:1-16:5     Hội nghị tại Giê-ru-sa-lem và vấn đề người ngoại quốc được giải quyết

                   16:6-18:22   Hành trình lần thứ hai trở thành một hành trình truyền giáo

                   18:23-20:12  Hành trình lần thứ ba và quyết định đi Giê-ru-sa-lem

                   20:13-38      Phao-lô từ giã tại Mitilen: Kết thúc một thời kỳ

21:1-28:31   Giê-ru-sa-lem và Rôma: Phao-lô tại cuộc xử án

                   21:1-23:11   Trước người Do Thái: Giê-ru-sa-lem

                   23:12-26:32  Trước người Rô-ma: Sê-sa-rê

                   27:1-28:31   Đến tại Rô-ma

Chú giải

1:1-11  Dẫn nhập

Cuốn sách chúng ta được biết là Công Vụ Các Sứ Đồ thực ra là tập hai của một tác phẩm lớn hơn mà chúng ta có thể gọi là “Lu-ca – Công Vụ”.  Trong phần đầu của tập hai này, tác giả kể lại tóm tắt câu chuyện về sự thăng thiên và các sự kiện dẫn đến sự thăng thiên như có chép trong tập đầu bao gồm các chi tiết còn mới trong việc kể chuyện.

1:1-3  Mở đầu

1  Trong sách thứ nhất ta tác giả rõ ràng muốn nói đến sách Phúc Âm Lu-ca.  Các chi tiết về Thê-ô-phi-lơ, xem chú giải trong Lu-ca 1:3.  Nếu như tập một nói về mọi điều Đức Chúa Giê-xu đã làm và dạy từ ban đầu, thì điều tác giả muốn nói là trong sách này chúng ta sẽ học biết về những gì Ngài tiếp tục làm và dạy qua công tác của Hội Thánh và qua Đức Thánh Linh.

2  Hầu như Lu-ca luôn luôn dùng khái niệm các sứ đồ để nói về mười hai vị sứ đồ, và có lẽ chữ sứ đồ sử dụng ở đây cũng là nhóm người được nói đến trong lời phán của các vị thiên sứ trong 1:11.  3  Mặc dù câu này chỉ nói về một giai đoạn sau khi chịu đau đớn rồi, nhưng rõ ràng trong câu nói về chứng cớ mình là sống, sau đó, tác giả muốn nói đến sự đau đớn và sự chết.  Trong bốn mươi ngày không được đặc biệt đưa vào câu chuyện trong sách Lu-ca, nhưng nó chắc chắn là nó thống nhất với các sự kiện mô tả trong đó.  Đức Chúa Giê-xu nói về Nước Đức Chúa Trời, ngay cả dù dường như các môn đồ Ngài vẫn nghĩ về vương quốc Y-sơ-ra-ên (câu 6, đối chiếu Lu-ca 24:21).

1:4-5  Sự ban Đức Thánh Linh

4  Một trong những “chứng cớ” nêu ở câu 3 có lẽ là sự kiện Chúa Giê-xu đang ăn (bản tiếng Việt là ở với).  Ngay cả trong thời của Lu-ca, đã có một số người từ chối không chịu tin rằng Chúa Giê-xu bằng xương bằng thịt sống lại từ kẻ chết (theo nghĩa thuộc linh Ngài “vẫn sống”).  Những người chứng kiến tận mắt có thể đáp lại lời tranh cãi: ảo giác, khải tượng và thậm chí hồn lìa khỏi xác thì không ăn uống (xem Lu-ca 24:42-43; Công Vụ 10:41).  Tuy nhiên điểm nhấn mạnh trong đoạn Kinh Thánh này nằm trong sự gần gũi của mối thông công, ăn với họ (bản tiếng Việt là ở với các sứ đồ), hơn là quá trình ăn uống thuộc thể.

Điều Cha đã hứa, như thấy rõ trong các câu tiếp theo, là Đức Thánh Linh.  Ắt hẳn các môn đồ đã nghe Chúa Giê-xu phán về Thánh Linh trong chức vụ của Ngài, nhưng lời dạy trong Giăng 15:26-16:16 đặc biệt liên quan đến tình huống của họ.  Mệnh lệnh này được ghi ở Lu-ca 24:49 bằng cách viết khác.

5  So sánh phép báp-tem bằng nước của Giăng không có nghĩa là nhấn mạnh hai sự kiện riêng rẽ trong cuộc đời của tín hữu: phép báp-tem bằng nước, rồi sau đó là báp-tem bằng Đức Thánh Linh.  Các môn đồ được báo phải chờ đợi (trong ít ngày) bởi vì Đức Thánh Linh chỉ đến sau khi Chúa Giê-xu đã đi khỏi.  Việc họ phải chờ đợi không còn ràng buộc các Cơ Đốc nhân sau này hơn là Mệnh lệnh nhận Đức Thánh Linh tại Giê-ru-sa-lem.  Trái lại, lý do cho sự tương phản này là để so sánh một “dấu” với “quyền phép”.  Phép báp-tem của Giăng bằng nước chỉ là một dấu (như chính Giăng hiểu, Lu-ca 3:16) chỉ “quyền phép”, phép báp-tem bằng Đức Thánh Linh là điều sẽ đến.  Việc “quyền phép” này được sử dụng như thế nào cho chính xác chính là điều hiểu sai của các môn đồ trong câu chuyện xảy ra tiếp theo mà Lu-ca ghi lại.

1:6-11  Sự thăng thiên và công tác phải được thực hiện trên đất

       6  Các môn đồ mong Chúa Giê-xu lập lại nước Y-sơ-ra-ên bởi vì lời tiên tri đã nói trước về điều ấy.  Ngày nay một số Cơ Đốc nhân vẫn mong sự kiện ấy xảy ra.  7  Câu trả lời của Chúa Giê-xu rằng kỳ hạn và ngày giờ... là việc các ngươi chẳng nên biết có thể ám chỉ rằng sự mong đợi như thế là đúng, dù thời gian là điều chúng ta không biết.  Tinh thần làm môn đồ không phải là biết ngày và giờ mà là sẵn sàng.  Trong Công Vụ Các Sứ Đồ, điều này có nghĩa là nhận lấy quyền phép Đức Thánh Linh và làm chứng (8).  Trong một mức độ nào đó, thì nhóm chữ tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri cho đến cùng trái đất thể hiện rõ ràng trong những sự kiện được kể ra theo thứ tự thời gian trong phần còn lại của sách này.

9  Vì những chữ cùng trái đất là ngôn ngữ hình ảnh (bởi trái đất thật sự không có giới hạn), nên sự miêu tả Chúa Giê-xu chuyển động theo hướng đi lên chỉ đơn thuần là một nỗ lực để làm cho thích hợp với ngôn ngữ con người một kiểu chuyển động vượt ra ngoài giới hạn của kinh nghiệm và ngôn ngữ con người.  Ngài đang rời trái đất và chỉ có một cách duy nhất để rời khỏi đó là lên trời! Sau cùng, chúng ta không tưởng tượng rằng thiên đàng là “phía trên kia” là bên ngoài tầng khí quyển, như thể chúng ta có thể đến bằng một con tàu vũ trụ.  Chúng ta cũng không nên tưởng tượng rằng đám mây tiếp Ngài khuất đi là một đám mây bình thường trên bầu trời.  Đây là một loại mây tương tự như chúng ta thấy trong sự hoá hình (Lu-ca 9:34-35; xem Xuất Ê-díp-tô Ký 16:10; Thi Thiên 104:3) và là sự bày tỏ vinh quang thiên thượng.

Tuy nhiên, Công Vụ Các Sứ Đồ cho chúng ta biết có một sự kiện nhìn thấy được và việc ngước nhìn là một phản ứng tự nhiên trước sự kiện này, khi các người đó đương ngó chăm lên trời trong lúc Ngài ngự lên (10).  Có thể đoán rằng nếu Chúa Giê-xu chỉ biến đi thì các môn đồ ắt đ㠓nhìn quanh” hơn là ngước nhìn lên.  Hai người nam mặc áo trắng không nghi ngờ gì nữa là các thiên sứ (xem mô tả tương tự trong Lu-ca 24:4, 23).  11  Sứ điệp của họ khớp với sứ điệp của Chúa Giê-xu trong câu 7-8, làm môn đồ không phải là ngó chăm trên trời.  Sự trở lại của Chúa Giê-xu, cũng giống như sự lập lại nước Y-sơ-ra-ên, là điều chắc chắn như được nhấn mạnh trong những chữ Giê-xu này, sẽ trở lại như...  Họ không cần phải lo âu về việc trở lại của Ngài.  Họ có những việc khác phải làm, như Chúa Giê-xu đã lập kế hoạch cho họ.  John Stott viết: “Có một điều bất thường căn bản về việc họ nhìn chăm lên trời khi họ đã được giao sứ mạng truyền giảng Phúc Âm đến đầu cùng đất...  Họ được kêu gọi để làm chứng nhân chứ không phải làm những người ngắm sao” (The Message of Acts [IVP, 1990], p. 51).

1:12-8:3  Thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ

1:12-26  Bổ sung đủ Mười hai sứ đồ tại Giê-ru-sa-lem

12  Những chữ đi một ngày Sa-bát, chỉ về một quãng đường hơn là xác định ngày xảy ra sự kiện đó.  Những người Do Thái, dĩ nhiên là mong muốn gìn giữ cẩn thận không làm việc vào ngày Sa-bát, và đi bộ một quãng đường dài là cả một công việc.  Từ ngữ này vì vậy có nghĩa là một quãng đường đi bộ ngắn và có lẽ chưa đầy một dặm.

13  Danh sách các môn đồ ở đây giống với danh sách trong Lu-ca 6:13-16 rõ ràng đã lượt bỏ tên của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt.  14  Sự hiện diện của các người đàn baø và gia đình của Chúa là quan trọng đối với Lu-ca.  Mười một môn đồ và những người đàn bà đó là những người theo Chúa trong câu chuyện của sách Phúc Âm, nhưng gia đình của Chúa Giê-xu là ít nhiệt tình hơn (Mác 3:21-35; Lu-ca 8:1-21; cũng xem Lu-ca 23:49; 24:10).  Anh em của Chúa Giê-xu là Gia-cơ, là người mà theo Phao-lô đã thấy Chúa Giê-xu sau khi Ngài sống lại (ICô-rinh-tô 15:7) và là người sẽ trở thành một nhân vật quan trọng trong Hội Thánh trong thời Công Vụ Các Sứ Đồ.

15  Con số một trăm hai mươi người ở đây là không đơn giản chỉ là một con số làm tròn.  Đây là số lượng người ít nhất trong truyền thống Do Thái để có thể có “hội đồng” riêng.  Truyền thống trong qui định mỗi một thẩm phán cai trị hoặc đại diện ít nhất mười người.  Vì thế có lẽ Lu-ca đang gợi ý Hội Thánh non trẻ đã là một cộng đồng có quyền hạn riêng và cần phải có một “nhà lãnh đạo” thứ mười hai.

18-19  Bản NIV cùng với nhiều bản dịch khác những câu này trong ngoặc đơn để cho thấy có lẽ chúng không nên được hiểu là lời phát biểu của Phi-e-rơ mà đó là lời giải thích của Lu-ca.  Câu chuyện được trình bày thống nhất về cơ bản với lời ghi lại duy nhất trong sách Phúc Âm Ma-thi-ơ (Ma-thi-ơ 27:3-5).  Các chi tiết có vẻ khác nhau này có thể được thấy là hài hòa với nhau nếu chúng ta đọc hai câu chuyện với nhau: sau khi từ chối không lấy tiền; mấy thầy tế lễ mua đám ruộng nhân danh Giu-đa và thay mặt ông ta, và chính tại đó ông ta thắt cổ tự tử.  Khi người ta khám phá ra sự việc thì xác ông ta không còn treo nữa, nhưng đã rơi xuống đất nơi nó đã bị “nứt” ra.

20-22  Bài giảng tiếp tục với hai phần trích dẫn từ Thi Thiên 69:25 và 109:8.  Tuy nhiên, việc sử dụng hai câu Kinh Thánh này chỉ là một trong những lý do để thay thế Giu-đa.  Ngoài việc suy đoán như trong câu 15 trên đây, thì lý do có Mười hai vị sứ đồ trước tiên chắc chắn là vì có mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên (xem Lu-ca 22:30), sự làm chứng cho toàn Y-sơ-ra-ên là chủ đề lớn trong các chương đầu của sách Công Vụ.

Phẩm chất được đề ra ở đây là việc đi theo cùng các môn đồ trọn lúc Đức Chúa Giê-xu đi lại giữa chúng ta là hợp lý nếu nhiệm vụ này là nhiệm vụ làm chứng nhân.  Chính Phao-lô đã xem sự làm chứng của mình là trong một khía cạnh nào đó thấp hơn bởi vì ông tham gia vào phong trào này tương đối trễ (ICô-rinh-tô 15:5-8).  Thật là lý thú khi Phi-e-rơ xem trọn lúc với khởi điểm là từ Giăng Báp-tít, bởi vì mãi cho đến sau thời gian đó Chúa Giê-xu mới bắt đầu kêu gọi các môn đồ theo Ngài (về Giăng Báp-tít cũng xem Công Vụ 10:37; 13:16-25; 18:24-19:10).

26  Việc dùng “may rủi” để quyết định một việc quan trọng như vậy có vẻ kỳ quặc đối với chúng ta, nhưng có hai điều quan trọng cần phải ghi nhớ.  Thứ nhất, đây là lúc Đức Thánh Linh chưa được ban xuống, và vì những người Do Thái này theo Châm Ngôn 16:33; có vẻ như chấp thuận cách cầu nguyện dâng quá trình quyết định lên cho ý chỉ Đức Chúa Trời.  Thứ hai, việc bắt thăm chỉ được thực hiện sau khi các môn đồ đã làm hết sức mình để ấn định phẩm chất và nhận diện các ứng viên thích hợp nhất.  Nói cách khác, lá thăm không phải được dùng để quyết định trong cả 120 người nhưng chỉ giữa hai người đã vào danh sách “vòng trong” có phẩm chất ngang nhau.  Hội Thánh cũng đã quyết định những việc quan trọng bằng cách triệu tập các bên có liên quan và có một cuộc họp (xem chương 15).  Sau này người ta không nghe lại tên Ma-thia nữa.

2:1-47  Lễ Ngũ Tuần tại Giê-ru-sa-lem

      1  Ngày lễ Ngũ Tuần là lễ lớn trong tôn giáo của người Do Thái, còn được gọi là lễ các tuần.  Lễ này mừng mùa gặt lúa mì, và trong truyền thống Do Thái còn liên hệ với việc nhắc nhở luật pháp và nhắc lại lời giao ước.  Giê-ru-sa-lem có rất nhiều khách viếng thăm là người Do Thái từ nước ngoài trở về (xem 2:5).  Một số trong số đó sắp đón mừng một kiểu mùa gặt và tái lập giao ước mới!

2  Chữ gioù và “thần linh” trong tiếng Hi Lạp là một (cũng như trong tiếng Hi Bá Lai), hai khái niệm này có nghĩa rất gần (Giăng 3:8).  3  Trên núi Si-nai (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:18), ngọn lửa trên núi tiêu biểu cho sự hiện diện của Đức Chúa Trời tại đó, có lẽ lưỡi bằng lửa ở đây tương tự như vậy cũng tiêu biểu cho sự hiện diện ấy vì các môn đồ đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh.

4-13  Các thứ tiếng khác mà các môn đồ nói như Đức Thánh Linh cho họ nói có lẽ là các thứ tiếng loài người theo như nghĩa tự nhiên trong các câu 6, 8 và 11.  Điều khá lạ là làm sao trong một phòng đông người rì rầm với những tiếng nói bằng tiếng ngoại quốc mà người ta có thể nghe được ai đang nói bằng thứ tiếng mẹ đẻ của mình.  Mặc dù ICô-rinh-tô có vẻ như trước hết, bàn về một Hội Thánh mà các thành viên của nó nói bằng ngôn ngữ loài người (ICô-rinh-tô 12 và 14) nhưng Phao-lô biết cả hai loại ngôn ngữ (ICô-rinh-tô 13:1).  Ngay cả khi ân tứ này được diễn tả bằng ngôn ngữ loài người, thì điều được nói đến là ngợi khen hơn là làm chứng (nói những điều cao trọng của Đức Chúa Trời, câu 11).  Phi-e-rơ chuyển sang ngôn ngữ thông thường khi nói lên thông điệp chứng đạo.  Công Vụ 14:8-20 có liên hệ đến một câu chuyện mà trong đó những người chứng đạo phải vượt qua được hàng rào ngôn ngữ loài người mà không có sự can thiệp thần hựu.

Người ta thường nói rằng khúc Kinh Thánh này là sự đảo ngược lại với câu chuyện tháp Ba-bên nhưng thật ra nó còn đáng chú ý hơn thế nữa.  Do Thái giáo đã ấn thành một sự đảo ngược lại với tháp Ba-bên.  Sự kiện những người kính sợ Đức Chúa Trời từ mọi nơi hội họp với nhau trong một chỗ để thờ phưtợng trong kỳ lễ đã là môt sự đảo ngược lại với sự tan lạc và hoang man.  Tuy nhiên, điều mới ở đây về sự đảo ngược trong Cơ Đốc giáo là người ta không cần phải trở về một trung tâm nào đó, nhưng trái lại lời Đức Chúa Trời sẽ đến với mọi ngõ ngách của thế giới.  Dĩ nhiên, điều có ý nghĩa trọng hơn ngôn ngữ đó là sự ban Đức Thánh Linh.  Điều cốt lõi là lễ Ngũ Tuần, giống như sự thành nhục thể của Chúa Giê-xu, nói về việc Đức Chúa Trời đến với chúng ta trong tình trạng sa ngã của chúng ta, hơn là về việc chúng ta cuối cùng đến được với Đức Chúa Trời.  Tháp Ba-bên và vườn Ê-đen không bị “bỏ dở” trong mức độ mà chúng được cứu chuộc và những ảnh hưởng tiêu cực của chúng bị vô hiệu hoá.

14  Đây là bài giảng đầu tiên trong nhiều bài giảng quan trọng trong Công Vụ Các Sứ Đồ.  Tuy nhiên đây không phải là những bài ghi lại theo đúng từng chữ như lúc đó chúng được nói ra.  Rõ ràng những bài giảng này quá ngắn so với sự kiện lúc đó, và theo như chúng ta có thể nói, thì từ ngữ và văn phong ra ở đây thường thường là từ ngữ của chính tác giả.  Đúng hơn, đây được xem là những bản tóm tắt của Lu-ca về những gì đã được nói ra.  Về mặt này, thì việc làm của Lu-ca có lẽ không khác mấy so với các nhà chép sử trần gian thời bấy giờ, là những người mà những bài phát biểu hình thành một phần quan trọng trong tác phẩm của họ.  Mục tiêu của họ dường như là cung cấp một sự tóm tắt nhằm trì các đặc tính của sự kiện và của diễn giả.  Lu-ca dường như đi theo hướng này khi viết lại bài giảng, mà người ta luận rằng đã giữ gìn các đặc điểm của những gì Phi-e-rơ nói vào dịp này, cũng như trong các bài giảng khác mà ông ghi lại (Bàn thêm về vấn đề này, xem Acts, I. H. Marshall [IVP, 1980], trang 39-42).

15-21  Ngay cả dù đám đông hiểu được các thứ tiếng được nói trong Thánh Linh, thì Phi-e-rơ cũng không xem đây là một công cụ truyền giảng Phúc Âm, mà ông xem đây là một dấu hiệu cần được giải thích (xem ICô-rinh-tô 14:22-23).  Câu Phi-e-rơ trích dẫn của đấng tiên tri Giô-ên là ở Giô-ên 2:28-32.  Giai đoạn được mô tả là trong những ngày sau rốt (số nhiều), bắt đầu với việc Đức Thánh Linh được ban xuống (nghĩa là ngày lễ Ngũ Tuần), và kéo dài không hạn định cho đến ngày của Chúa (số ít), là ngày mà chúng ta có thể gọi là ngày phán xét.  Câu 17 và 18 là một đơn vị, như được thể hiện ở những câu “cuối sách” Ta sẽ đổ thần ta, đề cập đến những ngày sau rốt/những ngày đó và nhóm từ sẽ nói tiên tri.  Sự lạ lùng ở trên trời và dấu lạ ở dưới đất vì thế trong bài giảng này, thuộc về ngày của Chúa vẫn chưa đến.  Phi-e-rơ đã sống, như chúng ta cũng phải sống, như thể rằng ngày đó và sự phán xét sắp sửa xảy ra.

22-24  Sau đó Phi-e-rơ chuyển sang quá khứ gần, là sự kiện về cuộc đời của Chúa Giê-xu, sự chết và sự sống lại của Ngài.  Với khái niệm Đức Chúa Trời, Phi-e-rơ và những người đang nghe ông giảng muốn nói về Đấng mà chúng ta gọi là “Cha”.  Mặc dù các môn đồ biết Chúa Giê-xu phải được người ta thờ phượng và đã áp dụng những từ ngữ trong Cựu Ước mô tả thần tánh cho Chúa Giê-xu (có lẽ như trong câu 21 trên đây, xem 2:36, 38-39) nhưng giáo lý về Ba Ngôi Đức Chúa Trời đã chưa được diễn đạt bằng lời.  Vì thế khi Phi-e-rơ nói rằng Đức Chúa Giê-xu ở Na-xa-rét, tức là người mà Đưc Chúa Trời đã dùng làm việc quyền phép, ông không có ý muốn khước từ rằng Ngài không chỉ đơn thuần là một con người bình thường.  Trái lại Phi-e-rơ đang trình bày theo sự hiểu biết của thính giả có chủ ý bày tỏ cho họ thấy Chúa Giê-xu không phải là một con người bình thường.  Tuy nhiên, ông bắt đầu với những sự kiện mà những người đang nghe ông ắt không thể chối cãi: việc quyền phép, sự lạ và dấu laï mà chính các ngươi đều biết được công nhận là không phải quyền năng của chính Chúa Giê-xu, nhưng là của Đức Chúa Trời qua Ngài.

Sự phản đối về cách giải thích về hành động của Chúa Giê-xu là hiển nhiên: “Chúa Giê-xu không thể là người được Đức Chúa Trời sai đến, bởi vì Ngài thất bại, còn kế hoạch của Đức Chúa Trời không thể thất bại”.  Câu trả lời của Phi-e-rơ là chính Đức Chúa Trời đã lập kế hoạch để đặt Đức Chúa Giê-xu vào tay con người.  Người ta không thể thấy tuyên bố của Đức Chúa Trời tại thập tự giá, nhưng ở sự sống lại.  Câu 23-24 dưới hình thức là “các ngươi giết nhưng Đức Chúa Trời làm cho sống lại”, tuyên bố của Đức Chúa Trời là để biện minh cho Chúa Giê-xu.

Nhóm chữ các ngươi đã mượn tay độc ác mà đóng đinh Ngài trên thập tự giá và giết đi dường như ám chỉ rằng những người Do Thái bình thường của Giê-ru-sa-lem là có can hệ nhưng không theo cách độc ác của một số khác.  Điều không rõ ràng là tay độc ác ám chỉ các nhà lãnh đạo Do Thái hay người La Mã, nhưng đám cử tọạ người Do Thái chắc có lẽ hiểu đó là người La Mã.

Phi-e-rơ không có ý nói rằng Chúa Giê-xu không cảm thấy đau đớn khi bị đóng đinh qua câu nói rằng Đức Chúa Trời giải thoát Ngài ra khỏi dây trói (sự đau đớn) của sự chết.  Trái lại, người Do Thái thông thường nghĩ rằng tình trạng chết, phân cách hồn và xác, chính là một sự đau đớn.  Chúng ta thấy điều này được phản ánh ở IICô-rinh-tô, nơi Phao-lô lập luận phản bác lại cách diễn giải rằng sự chết là “bị lột trần” (IICô-rinh-tô 5:1-8).

25-31  Phi-e-rơ minh họa hiểu biết về sự sống lại của Chúa Giê-xu bằng lý lẽ căn cứ trên một đoạn Thi Thiên 16:8-11.  Phần quan trọng trong đoạn trích là câu 27 Vì Chúa sẽ chẳng để linh hồn tôi nơi âm phủ, và chẳng cho Đấng Thánh của Ngài hư nát đâu.  Câu hỏi mà Phi-e-rơ nêu là, “Ai là Đấng Thánh?” Câu trả lời của đám cử toạ rất có thể là “Đó chính là Đa-vít” là câu trả lời mà Phi-e-rơ phản đối và không ai đáp lại được: Đa-vít...đã chết và chôn rồi, ngày nay mồ mả người còn ở giữa chúng ta.  Đúng hơn, Phi-e-rơ lập luận, Đa-vít đấng tiên tri, đang nói về Đấng Mết-si-a là người không còn trong mồ mả nhưng đã sống lại.

32-35  Trong phần này của bài giảng, Phi-e-rơ trở về với hiện tượng đã thu hút đám đông đến từ ban đầu.  Đó không phải là những người say, mà là những người làm chứng cho sự kiện rằng Đức Chúa Trời đã khiến Giê-xu này từ kẻ chết sống lại.  Vì vậy, Chúa Giê-xu là Đấng Mết-si-a mà Đa-vít báo trước.  Một đoạn trích khác từ Thi Thiên (110:1) làm rõ vị thế cao quý và tôn trọng hiện tại của Đấng Mết-si-a.

36  Đến đây, bài giảng của Phi-e-rơ được tóm tắt trong câu này.  Điểm nhấn mạnh trong khúc Kinh Thánh này có lẽ là dù có biểu hiện bên ngoài như thế nào, hoặc dù cho họ có hành động như thế nào, thì Đức Chúa Trời vẫn xem vấn đề một cách rất khác.  Đối với họ, Chúa Giê-xu là một kẻ tội phạm, nhưng cũng chính Ngài là Đấng được Đức Chúa Trời tôn lên làm Chúa và Đấng Christ, như các thiên sứ đã loan báo trong Lu-ca 2:11.

37-40  Phần cuối của bài giảng đáp ứng lại phản ứng của đám đông, diễn tả cách mà đám cử tọa muốn nói để áp dụng những gì họ đã nghe.  Câu 38 phản hồi một cách có cân nhắc câu 21: “Ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu”.  Tuy nhiên “danh Chúa” nay là danh Đức Chúa Giê-xu.  Sự “kêu cầu” được mở rộng thành hai phần: hối cảichịu phép báp-tem, tương tự, “sẽ được cứu” nay trở thành để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh.

41-43  Kết quả của bài giảng thật là đáng kinh ngạc.  Hội Thánh phát triển từ 120 lên đến trên 3.000 người.  Các sứ đồ tiếp tục công tác giảng dạynhiều sự kỳ phép lạ làm ra bởi các sứ đoà.  Những người mới trở lại đạo không phải đơn thuần là gắn thêm Cơ Đốc giáo vào cuộc sống vốn đã bận rộn của mình, nhưng bền lòng (chuyên tâm) trong kinh nghiệm Cơ Đốc của họ.  Câu 42 là một sự mô tả súc tích tinh thần môn đồ Cơ Đốc.

44-47  Những câu này mô tả cộng đồng Cơ Đốc trong những ngày sau bài giảng tại ngày lễ Ngũ Tuần.  Các tín hữu bày tỏ lòng rộng rãi về của cải tài sản (cũng xem 4:32-5:11).  Nhưng họ không mù quáng tự tống khứ đi tất cả tài sản của họ, như thể tài sản riêng là xấu, trái lại họ phân phát cho nhau tuỳ sự cần dùng.  Những nan đề về tài chính của tín hữu không phải mặc nhiên được giải quyết một cách lạ lùng bởi họ trở thành Cơ Đốc nhân.  Ngay cả trong “thời kỳ hoàng kim” này của Hội Thánh, cũng vẫn có những người thiếu thốn (mặc dù nói chung nhờ sự chia sẻ cho nhau họ không còn thiếu thốn nữa; 4:34; 6:1).

Các tín hữu ngày nào cũng vậy cứ chăm chỉ đến đền thờ, cũng như ở nhaø là nơi họ chia sẻ thông công ăn bữa với nhau.  Đây là một giai đoạn bình an ngắn ngủi, khi họ có thể gặp nhau công khai tại đền thờ mà không sợ hãi gì và thậm chí còn được đẹp lòng cả dân chúng nữa.  Tình hình này sắp phải thay đổi mãi mãi.  Trong ba chương tiếp theo, Lu-ca trình bày cả sự chống đối từ bên ngoài lẫn sự thiếu hiệp một ở bên trong.

3:1-4:31  Việc xảy ra tại cửa đền thờ

Hội Thánh bắt đầu bị các nhà lãnh đạo Giê-ru-sa-lem chống đối, giống như Chúa của họ vậy.  Trong câu chuyện dài một cách bất thường này, một sự việc không tránh khỏi kéo theo một sự việc khác.  Một sự mở đầu vui vẻ bằng việc chữa lành đã dễ hiểu thu hút đám đông mà Phi-e-rơ cảm thấy bắt buộc phải giải thích sự kiện ấy cho họ, và ông đã giải thích theo cách chứng đạo.  Bài giảng diễn ra tại đền thờ và đi ngược lại quan điểm của các nhà lãnh đạo đền thờ, không chỉ về đề tài Giê-xu mà còn về những vấn đề như sự sống lại.  Vì thế các giới chức không có thiện cảm với việc đang xảy ra và đưa Phi-e-rơ và Giăng đến trước những quan án rất đáng sợ nhưng chính họ cũng không chắc phải xét xử như thế nào.  Mặc dù các sứ đồ được thả ra, nhưng rõ ràng chúng ta có thể thấy qua lời cầu nguyện xin sự dạn dĩ kết thúc đoạn này rằng toàn thể Hội Thánh đã xem sự chống đối này là nặng nề nhất.

1  Các Cơ Đốc nhân cứ đến đền thờ, một ngày nọ Phi-e-rơ và Giăng tình cờ gặp một người què hàng ngày ngồi ăn xin tại cửa đền gọi là cửa Đẹp.  Đây là một nơi tốt để xin ăn, vì người ta khi đi lên thờ phượng khó có thể phớt lờ là anh ta.  Dù vậy, tại một chỗ đông đảo như thế, lời xin tiền chắc hẳn là một lời lặp đi lặp lại trống rỗng.  4-5  Đây có lẽ là lý do tại sao người kể chuyện đã ghi lại rằng Phi-e-rơ và Giăng ngó chăm người.  Đã xảy ra một cuộc gặp gỡ thật sự.  Marshall viết: “Việc lẽ ra đơn giản chỉ là một việc làm từ thiện máy móc đã biến thành một cuộc gặp gỡ có tính chất riêng tư” (Acts [IVP, 1980], trang 88).  Kết quả là những mong đợi của người què đã được nâng lên, nhưng chưa cao đủ.

6  Vừa đọc xong (2:44-47) về cách mà tín hữu bán tài sản mình để giúp đỡ những người thiếu thốn trong vòng họ, có lẽ mong đợi của người đọc cũng được nâng lên.  Nhưng thay vì bày tỏ lòng rộng rãi của Cơ Đốc nhân bằng tiền bạc, ở đây Lu-ca cho chúng ta thấy lý do tại sao tiền bạc vật chất bị xem là tầm thường tạm bợ.  Cơ Đốc nhân thậm chí có những điều tốt hơn để chia sẻ.  Điều mà Phi-e-rơ có (và ban cho) là sự trọn vẹn đến từ đức tin nhơn danh hoặc bởi quyền của Đức Chúa Giê-xu Christ.  7  Tiếp tục chủ đề tác động cá nhân, Lu-ca cho chúng ta biết Phi-e-rơ nắm lấy tay hữu ngườiđỡ dậy và bởi việc ấy bàn chơn và mắt cá người trở nên cứng vững.

8  Hình ảnh về người đàn ông này, là người trước đó đã phải khiên đi đặt vào chỗ, bây giờ không chỉ bước đi mà còn vừa nhảy vừa ngợi khen Đức Chúa Trời là một sự nổi bật trong một cảnh tượng không tương xứng, điều này chắc là ở trong Toà Công Luận.  9-10  Người ta có thể tưởng tượng sự ngạc nhiên và kinh ngạc của thiên hạ khi họ bắt đầu nhận ra anh ta.

11  Hiên cửa Sa-lô-môn là một cái cổng xây theo mặt phía đông của sân ngoài cửa đền thờ.  Phúc Âm Giăng cho chúng ta biết chính Chúa Giê-xu đã giảng dạy tại đó (Giăng 10:23) và hình như có một nơi nhóm họp ưa thích của các Cơ Đốc nhân tại đó (xem Công Vụ 5:12).  Người ăn xin cầm tay Phi-e-rơ và Giăng, và cả dân chúng chạy đến cùng các người đoù, như thể chính các sứ đồ là người thánh hay người chữa lành vậy.

12-16  Về cách viết lại các bài giảng của Lu-ca nói chung, xem ghi chú ở 2:14.  Phi-e-rơ bắt đầu bài giảng với dân chúng bằng cách cố ý hướng sự chú ý của họ ra khỏi bản thân ông, từ chối mọi quyền phép hay là nhơn đức đặc biệt.  Thay vào đó, ông tập trung sự chú ý của họ vào Đức Chúa Trời mà họ đã thờ phượng, vào sự tán thành của Ngài với Chúa Giê-xu cùng sự sống lại của Chúa Giê-xu.  Trong câu 16, Phi-e-rơ dường như ám chỉ rằng con người thậm chí không thể tuyên bố là tự mình có đức tin.  Đúng hơn, ông đang nói về danh Giê-xuđức tin bởi Ngài mà ra.

Như trong bài giảng trong ngày lễ Ngũ Tuần trên đây, câu 13-15 nói nhiều điều về sự chối bỏ Chúa Giê-xu của dân chúng mà ai cũng biết đến tương phản hoàn toàn với sự biện minh của Đức Chúa Trời về Ngài, mà các môn đồ là người làm chứng cho, cũng như dân chúng đang có mặt tại đó là người làm chứng cho quyền năng trong sự chữa lành.  Một lần nữa, trọng tâm của một câu như câu các ngươi đã giết Chúa của sự sống nhưng Đức Chúa Trời đã khiến từ kẻ chết sống lại nằm trong những chữ nhưng Đức Chúa Trời thể hiện sự chấp nhận của Đức Chúa Trời đối với Đấng bị chối bỏ (xem 4:11 dưới đây).

17-21  Phi-e-rơ không nói rằng những người chối bỏ Đức Chúa Giê-xu là gớm ghiếc như thế nào, ông chỉ nói vì lòng ngu dốt nên đã làm điều đó.  Lời kêu gọi trong câu 19 phải ăn năn và trở lại cùng Đức Chúa Trời là đối với tội lỗi nói chung của họ.  Sự ngu dốt (thiếu hiểu biết) của họ không đặt họ ra ngoài sự cần thiết phải ăn năn, cũng như sự dính líu trực tiếp của họ vào sự định tội của Chúa Giê-xu không đặt họ ra ngoài phạm vi của sự cứu chuộc tội.

Nhiều người Do Thái ngày nay mong đợi sự đến của Đấng Mết-si-a như là một thời hoà bình và thịnh vượng cho toàn thế giới.  Nếu như, mà dường như có thể là vậy, nhiều người Do Thái thế kỷ thứ nhất cũng có suy nghĩ tương tự, thì ắt là Phi-e-rơ cần phải làm rõ ràng rằng mặc dù Đấng Mết-si-a người Do Thái đã đến, nhưng thời đại của Ngài chỉ được trọn vẹn khi Ngài trở lại (20).  Những người đang nghe Phi-e-rơ nói dự phần ở trong kỳ thơ thái đến từ Chúa (20) khi kỳ muôn vật đổi mới (21) xoay quanh thái độ của họ đối với Chúa Giê-xu.

22-26  Suốt bài giảng Phi-e-rơ nói về “tổ phụ” (13) và “các đấng tiên tri” (18, 21, 24, 25).  Tiếp theo ông trích dẫn Môi-se (Phục Truyền 18:15, 18-19) để nói rõ mối nguy của việc tiếp tục chối bỏ Đấng được chọn của Đức Chúa Trời (23).

Bài giảng kết thúc với điều Phi-e-rơ nói rõ rằng ông xem người Do Thái là có địa vị có một không hai.  Ông bảo rằng họ là dòng dõi của các đấng tiên tri, và của giao ước, rằng Chúa Giê-xu được trước hết sai xuống ban phước cho các ngươi, và rằng các dân thiên hạ sẽ nhờ dòng dõi ngươi mà được phước (xem Sáng Thế Ký 12:3; 18:18; 22:18).

4:1-4  Công Vụ Các Sứ Đồ là câu chuyện về sự truyền bá đắc thắng tin mừng từ Do Thái đến các miền khác của thế giới, nhưng chúng ta không được quên rằng tin mừng bắt đầu với người Do Thái, là dân mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị qua suốt lịch sử của họ và qua lời Kinh Thánh.  Mặc dù về sau trong sách công vụ, Phúc Âm đến với một số nơi và một số người một cách thú vị, nhưng chúng ta không bao giờ có thể thấy lại sự đáp ứng tích cực đông đảo với sứ điệp như chúng ta thấy trong 2:41 và ở đây trong 4:4 khi số tín đồ lên đến độ năm ngàn.

Tuy nhiên, sự đáp ứng không phải tích cực giống nhau.  Một số người có chức quyền trong đền thờ tức giận không phải bởi sự kiện rằng những người này là môn đồ trước kia của Chúa Giê-xu mà bởi sự kiện rằng các sứ đồ dạy dân chúng và rao truyền, nhơn Đức Chúa Giê-xu, sự từ kẻ chết sống lại (Bản NIV dịch là sự sống lại của kẻ chết).  Hãy thử tưởng tượng bạn sẽ có cảm giác như thế nào nếu các thành viên các giáo phái khác bắt đầu sử dụng nhà thờ của bạn để giảng dạy giáo lý của họ.  Việc mà những người Ga-li-lê này đang giảng dạy không thôi thì có thể cũng còn chấp nhận được, nhưng các quan chức đền thờ người Sa-đu-sê ắt hẳn đã khó chịu đối với bất kỳ ai giảng dạy về sự sống lại, là điều họ không tin Kinh Thánh đã dạy (Lu-ca 20:27).

5-12  Sau khi đã trải qua một đêm ở trong tù, Phi-e-rơ và Giăng bị đưa đến trước những nhà lãnh đạo Do Thái giáo cấp quốc gia.  Câu hỏi mà họ đối diện: Bởi quyền phép nào hay là nhơn danh ai mà các ngươi làm điều này? có thể được diễn giải là “Bởi quyền của ai mà các ngươi làm điều này?” và chung qui là “Các ngươi tự cho mình là ai vậy? Phản ứng của các quan chức trong câu 13 dưới đây thể hiện rằng đó không phải là một câu hỏi mà họ mong có câu trả lời thấu đáo, đối với đền thờ và tôn giáo của người Do Thái, không có quan quyền trần gian nào lớn hơn thầy cả thượng phẩm, là người đang có mặt.

Câu hỏi được nêu ra có lẽ là về sự giảng dạy và rao truyền gây ra vấn đề trong 4:2 trên đây.  Tuy nhiên, sự mơ hồ về từ ngữ, cho phép Phi-e-rơ quay lui lại việc làm phước là sự chữa lành.  Suy cho cùng, tình tiết câu chuyện đến chỉ vì Phi-e-rơ giải thích cho đám đông đang say mê về việc chữa lành.

Trong câu 10-11 một lần nữa chúng ta lại thấy trở lại chủ đề nêu trong 2:23-24 và 3:15.  Cũng giống như trong những khúc Kinh Thánh ấy, sự nhấn mạnh không đặt trên tánh gian ác của hành động của dân chúng mà trên sự thể rằng quyết định tiêu cực ấy đã bị bãi bỏ và làm đảo ngược bởi quyền tối hậu, là Đức Chúa Trời.

Câu trả lời cho câu hỏi này thể hiện trong câu 12 – Phi-e-rơ tuyên bố một quyền lớn hơn quyền của tế lễ: vì ở dưới trời chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu.

13-17  Sự dạn dĩ của Phi-e-rơ và Giăng trong tình cảnh ấy thật đáng kinh ngạc.  Có lẽ còn đáng kinh ngạc hơn cho chúng ta là những người biết, còn hội đồng thì không biết, rằng lúc một số cũng trong những người này trước đó vài tuần kết tội Chúa Giê-xu thì Phi-e-rơ nhút nhát co ro ở bên ngoài.  Khi đó đừng nói gì đến việc đối diện với thầy tế lễ thượng phẩm, mà trước mặt những người tôi tớ ông đã sợ hãi chối không can hệ (Lu-ca 22:54-62).

Tại cuộc họp riêng của công luận, họ không bàn đến vấn đề sự thật của những lời tuyên bố của các sứ đồ, mà chỉ tìm cách làm sao cho việc khỏi đồn ra trong dân nữa.

18-22  Bị cấm chẳng cho nhơn danh Đức Chúa Giê-xu mà nói hay là dạy, Phi-e-rơ và Giăng can đảm trả lời chính các ông hãy suy xét, trước mặt Đức Chúa Trời có nên vâng lời các ông hơn là vâng lời Đức Chúa Trời chăng.  Tuyên bố rằng mình biết ý chỉ Đức Chúa Trời hơn thầy tế lễ thượng phẩm và hội đồng đang cầm quyền là một tuyên bố không nhỏ.  Điều được nhấn mạnh ở đây, cũng như trong suốt câu chuyện, là tính không thể tránh khỏi: Chúng tôi không có thể chẳng nói về những điều mình đã thấy và nghe.

Việc người đã nhờ phép lạ cho được chữa bệnh đó, là người đã hơn bốn mươi tuổi nhấn mạnh tính triệt để của việc chữa lành (vì anh ta đã bị què từ lúc sinh ra; 3:2) và cũng cho thấy rõ rằng đã có rất nhiều người chắc đã biết rõ anh ta.

23-31  Khi hai sứ đồ trở về với anh em mình kể lại những gì đã xảy ra, thì phản ứng đầu tiên của Hội Thánh là một lòng cất tiếng lên cầu Đức Chúa Trời.  Nhưng đó cơ bản không phải là một lời cầu nguyện chiến thắng vui mừng vì các môn đồ được thả ra, mà là lời cầu xin được lòng dạn dĩ và sức mạnh để đương đầu với sự chống đối đã được chờ đợi và tiên báo trước đó.  Đoạn trích một lần nữa lấy từ Thi Thiên (2:1-2).  Khi các tín hữu cầu nguyện về việc vua Hê-rốt người Do Thái gặp nhà cầm quyền Phi-lát người La Mã, và người ngoại lập mưu cùng với người Y-sơ-ra-ên (27), rõ ràng họ cảm giác rằng mọi người chống lại họ như mọi người đã chống lại Chúa Giê-xu vậy.  Tuy nhiên, lạ thay họ không cầu xin đánh bại các thế lực ác, hay cầu xin sự an toàn cho mình, trái lại, họ cầu xin cho được dạn dĩ và xin bàn tay của Đức Chúa Trời giơ ra chữa lành bệnh và thực hiện các dấu kỳ phép lạ.  Sự đáp lời đã đến khi nơi nhóm rúng động cách kinh sợ và họ được dạn dĩ giảng đạo như điều họ cầu xin. 

4:32-5:11  Đạo đức giả trong Hội Thánh đầu tiên

Đã mô tả Hội Thánh bắt đầu đối diện với khó khăn từ bên ngoài như thế nào, nay Lu-ca kể rằng mọi thứ không phải là hoàn hảo bên trong cộng đồng này.  Phần này bắt đầu bằng một bản tóm tắt ngắn rất giống 2:43-47; nhưng lần này dẫn đến một sự việc ít thơm tho hơn bên trong cộng đồng Cơ Đốc, đó là chuyện về A-na-nia và Sa-phi-ra.

32  Như trong chương 2, điều quan trọng ở đây không phải là tài sản thực sự thuộc về ai, mà là thái độ của tín hữu đối với tài sản.  Một lần nữa, điều rõ ràng là việc bán tài sản phải thực hiện theo sự cần dùng và đó không phải là một điều kiện chính thức để trở thành một thành viên (câu 34).

36-37  Một tấm gương cụ thể về thái độ này được nêu ra bởi Ba-na-ba người Chíp-rơ, là người sẽ trở thành một nhân vật rất quan trọng trong phần sau của sách này.

5:1  Gương thứ hai lấy làm đáng tiếc về việc bán tài sản là do vợ chồng A-na-nia và Sa-phi-ra nêu ra.  4  Tội của họ không phải là giữ lại tiền mà là nói dối, điều này được thể hiện rõ trong những câu hỏi của Phi-e-rơ.  8  Lại nữa, dường như từ thái độ của Sa-phi-ra mà chúng ta thấy sự nói dối đã được họ sắp đặt trước với nhau.

11  Sự nghiêm khắc trong việc đoán xét vợ chồng này khiến chúng ta nặng lòng cũng như những người thời đó (5).  Sự xét đoán này xem ra không phải là của Phi-e-rơ hay là của Hội Thánh ngay từ đầu, mà đúng hơn là sự xét đoán của Đưc Chúa Trời (khi Phi-e-rơ tuyên bố một sự phán quyết sau đó thì lời đề nghị ăn năn được đưa ra; xem 8:20-22).  Rất quan trọng để lưu ý rằng điều cốt yếu không phải Đức Chúa Trời yêu cầu tài khoản của chúng ta phải được thực hiện theo qui định, mà là Đức Chúa Trời ghét thói đạo đức giả dưới mọi hình thức, Ngài càng ghét hơn biết bao khi họ có cân nhắc kỹ càng và sắp đặt để thử Thánh Linh của Chúa (9).

Lu-ca không trình bày một sự tuyên truyền thuần tuý về một Hội Thánh lý tưởng.  Trong Hội Thánh có những nhu cầu (2:44-45) và mặc dù những nhu cầu này được đáp ứng qua việc chia sẻ của cộng đồng (4:34) thế nhưng ngay cả việc chia sẻ này cũng không tránh khỏi những vấn đề (6:1).

5:12-42  Trước Toà Công Luận một lần nữa: lời bàn của Ga-ma-li-ên

12  Lời cầu nguyện của các sứ đồ (4:29-30) đã được trả lời.  Họ làm nhiều phép lạ dấu kỳ và tiếp tục nhóm lại và giảng tại hiên cửa Sa-lô-môn trong đền thờ.  13  Không ai dám nghe một cách công khai trừ khi họ sẵn lòng bước một bước quan trọng hơn và thực sự gia nhập các tín hữu.  15  Người ta đem kẻ bệnh đến hi vọng bóng của Phi-e-rơ sẽ phủ lên để họ được chữa lành.  Phi-e-rơ hiển nhiên được hết sức tôn trọng, nhưng có phải bóng Phi-e-rơ thực sự chữa lành hay đó chỉ là sự mong chờ của người ta trước khi gặp Phi-e-rơ, là điều không rõ (xem chú thích dưới đây).  16  Dân chúng ở từ các thành gần đó cũng đem kẻ bệnh và người bị quỉ ám đến và hết thảy đều được chữa lành.

Chú thích.  Phép thuật và phép lạ.  Mác 6:56 và Công Vụ 19:12 kể những câu chuyện chữa lành mà đối với chúng ta dường như chúng có một chút gì đó “phép thuật”.  Tuy nhiên, rõ ràng trong các khúc Kinh Thánh khác, các tác giả Tân Ước phân biệt hành động Cơ Đốc với phép thuật và bói khoa đương thời (xem 8:9-25 về Si-môn làm nghề phù phép).  Điều dường như thích hợp nhất là Đức Chúa Trời sẵn sàng “nói thứ tiếng” mà người yêu cầu.  Ngài sẵn sàng đáp ứng sự mong chờ của họ để rồi đưa họ đi xa hơn nữa.  Trong cái nhìn này, người có lòng mong đợi mê tín nơi quyền năng của Đức Chúa Trời, như người phụ nữ đã chạm vào trôn áo của Chúa Giê-xu trong Lu-ca 8:43-48 nhận được điều họ chân thành ao ước và hơn thế nữa.  Tuy nhiên, những người tự xem mình có thể kiểm soát được quyền năng siêu nhiên hơn là đặt mình dưới sự sắp đặt của Đức Chúa Trời sẽ ít thành công (xem 8:9-25; 19:13-16).

17  Chính sự phổ biến của Cơ Đốc nhân là điều đã khiến cho các nhà lãnh đạo Do Thái giáo đầy lòng ghen tương và thúc đẩy họ đi đến hành động, chứ không phải chỉ đơn thuần là vì họ có liên hệ đến Chúa Giê-xu.  Trong giai đoạn này họ bị bắt bớ không phải vì họ là Cơ Đốc nhân nhưng vì họ thành công.

18  Như trong 4:3 các sứ đồ bị bắt và giam ngục để ngày sau đó bị tra hỏi.  19  Tuy nhiên, lần này Đức Chúa Trời can thiệp và đương ban đêm, có một thiên sứ của Chúa mở cửa khám.  Có thể đoán rằng vị thiên sứ ấy khoá cửa khám lại, vì sáng hôm sau những người coi đền thấy khám đóng kỹ, lính canh đứng ngoài trước cửa, nhưng chẳng thấy một người nào ở trong.

Tuy nhiên, các sứ đồ theo lệnh thiên sứ, nên người ta dễ dàng tìm thấy họ.  28  Chúng ta đã cấm nhặt các ngươi trở lại với chuyện trong 4:18.  Sự nhận thức về sự dạy dỗ của các Cơ Đốc nhân như là một nỗ lực để chứng tỏ cho các nhà lãnh đạo Do Thái giáo là họ phải chịu khiến máu người ấy đổ lại trên đầu họ là không nắm bắt được ý của những khúc Kinh Thánh như 3:14-17 hoặc 5:30-32 dưới đây.  Không phải các Cơ Đốc nhân đang kích động đám đông, như Toà Công Luận nghĩ.

29  Toà Công Luận lặp lại quyết định của họ, Phi-e-rơ lặp lại câu trả lời của mình ở 4:19-20.  30-32  Phi-e-rơ cũng lặp lại sứ điệp mà các nhà lãnh đạo hiểu chưa thấu đáo.  Một lần nữa trọng tâm không phải là ở sự định tội những kẻ xúi giục đóng đinh Chúa Giê-xu mà là ở việc tuyên bố Đức Chúa Trời làm đảo ngược sự xét xử của con người trong vụ xử Chúa Giê-xu.

Việc sự đóng đinh mô tả là bị treo trên cây gỗ không phải là điều thuận lợi đối với sứ điệp Cơ Đốc, vì nó làm cho liên tưởng sự chết của Chúa Giê-xu gần hơn với Phục Truyền 21:22-23.  Có lẽ đây là những chữ xuất xứ từ cách những kẻ chống đối Phúc Âm mô tả sự đóng đinh của Chúa Giê-xu.  Trong bất cứ trường hợp nào, nó cũng đặt hành động của Đức Chúa Trời nhân danh Chúa Giê-xu trong một sự tương phản rõ rệt.

33  Hầu hết Toà Công Luận (toà án Do Thái tối cao) có lẽ chỉ thấy điều ám chỉ rằng họ đang bị lên án bởi những người ít học tuyên bố mình có uy quyền thiên thượng, và vì thế họ “nghiến ngầm, giận hoảng, và bàn mưu giết các sứ đồ.  34  Ga-ma-li-ên là một cái tên được biết đến từ người Do Thái cũng như các Cơ Đốc nhân là một luật sư (thầy dạy luật) được dân sự tôn kính.  Điều có ý nghĩa là ông là một người Pha-ri-si, trong khi đó ở giai đoạn này trong lịch sử Hội Thánh dường như chính người Sa-đu-sê là người chống đối quyết định hơn (5:17; cũng xem 4:1).  Ga-ma-li-ên là một học trò của một trong những ra-bi lớn nhất của mọi thời đại, là Hillel, và ông ta là thầy của Phao-lô (22:3).  Con người vĩ đại này dường như đã nắm được điểm chính của những bài giảng “làm đảo ngược” của các sứ đồ, và ông ta ủng hộ các sứ đồ với những gì họ nói và cho phép các nguyên tắc tương tự để giải quyết sự tranh cãi hiện thời: các Cơ Đốc nhân này đã lập luận rằng sự tể trị của Đức Chúa Trời trong trường hợp Chúa Giê-xu đã lật đổ sự xét xử của con người.  Thế thì hãy cứ để Đức Chúa Trời định đoạt trường hợp này nữa.  Dĩ nhiên Ga-ma-li-ên tin tưởng rằng Đức Chúa Trời không đứng về phía các Cơ Đốc nhân và vì vậy ông tin rằng hành động của họ sẽ chẳng đem lại gì, cũng như hành động của hai kẻ nổi loạn mà ông đề cập đã chẳng đem lại gì.

Chú thích.  Sự mơ hồ trong bài phát biểu của Ga-ma-li-ên.  Chúng ta biết về những lãnh tụ nổi loạn mang tên mà Ga-ma-li-ên đề cập từ nguồn ngoài Cơ Đốc, đáng chú ý là từ nhà viết sử người Do Thái Josephus.  Tuy nhiên, về niên đại thì kỳ lạ.  Theo câu 37, hình như Giu-đa người Ga-li-lê dấy lên tiếp theo sau Thêu-đa, trong khi Josephus ghi lại thời gian của họ theo thứ tự ngược lại, càng khó hiểu hơn là Josephus liên kết cuộc nổi loạn của Thêu-đa với thời cai trị của tổng trấn Fadus người La Mã, là người nhậm chức 10 năm sau các cuộc nổi loạn xảy ra.  Cách giải thích hợp lý nhất là Thêu-đa của Ga-ma-li-ên là một Thêu-đa khác và trước Thêu-đa mà Josephus ghi.  Thật ra, có thể Thêu-đa của Josephus đã tiếp tục tên của Thêu-đa trước (xem thêm The Book of Acts in the Setting of Hellenistic History của C.Hemer [Mohr, 1989], trang 162-163, 223-224).

40  Việc các sứ đồ bị đánh đòn và bị cấm không được lấy danh Đức Chúa Giê-xu mà giảng dạy cho thấy rằng Toà Công Luận có thể đã chọn đường dễ dàng và tránh được nguy cơ chọc giận đám đông.  41 Được giải thoát khỏi khám tù một cách lạ lùng, để rồi ngày hôm sau lại bị đánh đập, dù sao các sứ đồ ít ra hẳn cũng đã bị cám dỗ phải bối rối.  Thế nhưng họ đã hớn hở vì mình đã được kể là xứng đáng chịu nhục vì danh Đức Chúa Giê-xu.  42  Họ không còn chú ý đến lệnh cấm giảng Phúc Âm hơn là chú ý đến những điều khác, và họ tiếp tục họp lại tại trong đền thờ hoặc từng nhà, nơi họ cứ dạy dỗ rao truyền mãi về Phúc Âm của Đức Chúa Giê-xu.

6:1-8:3  Ê-tiên trước Toà Công Luận (toà án Do Thái tối cao): kết thúc một thời kỳ.

Người ta nói chung sẽ ngạc nhiên khi biết rằng bài giảng dài nhất trong các bài giảng trong Công Vụ Các Sứ Đồ không phải là của Phao-lô, cũng không phải của Phi-e-rơ, mà là của Ê-tiên.  Các chương này thực sự là một bản lề trong chuyện kể về Hội Thánh đầu tiên.  Cho đến thời điểm này, mặc dù đã có sự chống đối đối với sự truyền bá Phúc Âm, nhưng sự truyền bá Phúc Âm được thúc đẩy bởi sự đố kỵ và bởi trật tự công cộng.  Lúc ấy người ta không nghĩ Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo là hai tôn giáo riêng biệt, mà là một – tín hữu Cơ Đốc vẫn đến đền thờ và họ không hề giảng rằng người ta phải bỏ Do Thái giáo ra đàng sau, nhưng đúng hơn họ phải nhận Chúa Giê-xu là Đấng làm ứng nghiệm tất cả những gì luật pháp và các nhà tiên tri đã nói trước.

Với câu chuyện về Ê-tiên, ở đây có một sự thay đổi tình huống sự việc quyết liệt.  Những người làm chứng dối tuyên bố rằng sứ điệp của Ê-tiên tấn công vào đền thờ và luật pháp Môi-se.  Bài giảng của Ê-tiên nói lên rằng những lời buộc tội này là vừa đúng vừa sai.  Câu chuyện dài và mới nghe qua có vẻ không thích hợp này về lịch sử thời kỳ đầu của người Y-sơ-ra-ên có chủ ý bày tỏ rằng Đức Chúa Trời có một mối quan hệ lâu dài và sống động với dân Ngài trước và tách rời khỏi luật pháp Môi-se và đền thờ.  Những người như Giô-sép và Môi-se mà Đức Chúa Trời có mối quan hệ mật thiết hơn, thì bị chính dân mình ghen ghét và chối bỏ.  Luật pháp và đền thờ là để diễn đạt mối quan hệ này, chứ không phải là cốt lõi của mối quan hệ ấy.  Nếu Do Thái giáo được hiểu theo cách này, nghĩa là một mối quan hệ luôn tiến triển của Đức Chúa Trời với dân Ngài, thì Cơ Đốc giáo sẽ đứng vào vị trí tiếp nối với nó.  Nhưng nếu Do Thái giáo được hiểu chỉ trong khái niệm đền thờ và luật pháp, thì Cơ Đốc giáo là mâu thuẫn với nó, bởi Cơ Đốc giáo tuyên bố rằng qua Đấng Mết-si-a, Đức Chúa Trời đã thắt chặt hơn mối quan hệ này.

Đầu câu chuyện, các tín hữu được hiểu là người Do Thái, và một số đông quần chúng ở Giê-ru-sa-lem, ngay cả các thầy tế lễ, cũng đã trở thành tín hữu (6:7).  Ở cuối câu chuyện, cac Cơ Đốc nhân bị chống đối bởi người Do Thái không phải chỉ khi họ thành công hay khi gây ra phiền nhiễu, mà bởi vì họ là các tín hữu Cơ Đốc (8:1-3).  Tuy nhiên, công bằng mà nói thì phải nói rằng khi Ê-tiên nói về sự chối bỏ Chúa Giê-xu, thì không phải như Phi-e-rơ, về cơ bản ông không có ý nhấn mạnh việc Đức Chúa Trời làm đảo ngược sự xét xử của con người đối với Chúa Giê-xu (2:23-24; 3:14-15; 4:10-11; 5:30-31).  Ê-tiên buộc tội giới lãnh đạo Do Thái bằng một cách trực tiếp hơn.  Bức tranh buồn này đánh dấu sự kết thúc của một giai đoạn.

1  Người (Do Thái) Hê-lê-nít và người (Do Thái) Hê-bơ-rơ là hai nhóm văn hoá trong xã hội Cơ Đốc (và Do Thái).  Chúng ta có thể cho rằng các môn đồ và người Do Thái bản xứ tại Palestine khác dùng tiếng A-ram (một thứ tiếng có quan hệ với tiêng Hi Bá Lai) làm ngôn ngữ chính, trong khi đó, nhiều người trong số họ trở lại đạo chẳng hạn trong ngày lễ Ngũ Tuần, có thể gọi là người Do Thái Hê-lê-nít hay người Do Thái Hi Lạp và ngôn ngữ chính của họ là tiếng Hi Lạp.  Cả hai nhóm đều là người Do Thái.

Sự tranh chấp nổi lên về việc cấp phát hàng ngày.  Mặc dù, Lu-ca trước đây đã đề cập đến cách các Cơ Đốc nhân chia sẻ với nhau giữa vòng họ (2:44-47 và 4:32-35), thì chính tại đây chúng ta có một cái nhìn lướt qua về phạm vi và sự đều đặn của công việc này.

2-4  Chúng ta không nên hiểu sự tương phản giữa sự cầu nguyện và chức vụ giảng đạo và sự giúp việc bàn tiệc có nghĩa là việc này thì thấp hơn việc kia.  Trong nhiều nền văn hoá hiện đại, nhóm chữ “giúp việc bàn tiệc” gợi ý ngay về người phục vụ hoặc người làm thuê giúp việc tại các nhà hàng.  Hình ảnh này là sai về nhiều mặt.  Về một mặt, chính chủ nhà là người cấp phát thực phẩm (như Chúa Giê-xu tại Bữa ăn tối cuối cùng lấy bánh, tạ ơn rồi bẻ ra và phân phát; Lu-ca 22:19; xem 9:16 và 24:30).  Hơn nữa, từ ngữ được dùng ở đây “bàn tiệc” có hai nghĩa đặc biệt: bàn ăn và cũng là bàn đổi tiền (Mác 11:15; từ ngữ tương tự được dùng với nghĩa “ngân hàng” trong Lu-ca 19:23).  Vì vậy, “ngồi tại bàn của người quản lý” có thể có nghĩa là “chờ đợi tại bàn”.  Mặc dù khúc Kinh Thánh này đề cập đến lương thực nhưng sự cấp phát có thể ở dưới dạng là tiền để mua lương thực, và chắc chắn trong 4:35-37 đó là tiền mà các sứ đồ nhận về việc trợ giúp này.  Sự giải thích như thế cũng sẽ thích hợp với những ân tứ đòi hỏi nơi bảy người: đầy dẫy Đức Thánh Linh họ còn cần phải có trí khôn trong vai trò quản lý của họ.

Dĩ nhiên, không phải là từ đây về sau mười hai sứ đồ không làm bất cứ việc gì về quản lý hoặc nhu cầu thuộc thể, cũng không phải Bảy người được chọn sẽ không cầu nguyện hoặc tham dự vào chức vụ giảng dạy lời Đức Chúa Trời.  Thật vậy, những câu chuyện mà Lu-ca kể về Ê-tiên và Phi-líp không liên quan đến lương thực cũng không liên quan đến tài chính, mà là sự truyền giảng Lời Đức Chúa Trời!

8-10  Ê-tiên, một trong bảy người, đã kích động sự cãi lẫy trong đám người Hê-lê-nít trong nhà hội của bọn được tự do bởi đã làm dấu kỳ phép lạ.  Si-li-si được đề cập như một trong các tỉnh có người đến với nhà hội.  Tạt-sơ, quê hương của Phao-lô thuộc tỉnh Si-li-si và có thể ông đã có liên quan đến với nhà hội và sự đối lập.  Sự chống đối của họ không đem lại kết quả cho đến khi họ xui xiểm (bí mật thuyết phục) một số người làm chứng dối chống lại Ê-tiên, là những người rõ ràng đã thổi phồng những lời Ê-tiên thực sự đã nói cho đến chừng mức có thể bị xem là phạm đến Môi-se và Đức Chúa Trời.  13-14  Lời chứng dối thì tương tự như trong phiên toà xử Chúa Giê-xu (Mác 14:58).  Lời buộc tội liên quan đến đền thờ và luật pháp.

7:1  Về việc Lu-ca sử dụng bài giảng nói chung, xem 2:14.  Câu trả lời của Ê-tiên cho câu hỏi Có phải thật như vậy chăng? không đơn thuần là “đúng” hay “không đúng”.  Câu hỏi về quan hệ giữa Cơ Đốc giáo với luật pháp và với đền thờ là một câu hỏi phức tạp, và Ê-tiên đã khôn ngoan trả lời từ lịch sử Cựu Ước.  Câu trả lời của ông căn bản là, Do Thái giáo là mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và dân Ngài trước cả đền thờ, luật pháp và thậm chí đất đai của Y-sơ-ra-ên nữa; tất cả những thứ này là thể hiện bên ngoài của Do Thái giáo, chứ không phải là cốt lõi của Do Thái giáo.  Phao-lô đã sử dụng chiến lược tương tự là quay trở về với Áp-ra-ham khi viết cho những người đang đối diện vơi các giáo sư tại Ga-li-lê, là những người giảng về sự coi luật pháp Môi-se là trung tâm (Ga-la-ti 3:15-19).  Phải chăng hạt giống gieo vào đầu óc Sau-lơ khi ông đứng tại đó chưa được thuyết phục (8:1)?

2-19  Phần đầu của bài giảng liên quan đến lịch sử Do Thái trước thời Môi-se, chủ yếu về Áp-ra-ham, và Giô-sép.  Điểm quan trọng trong phần đầu là tôn giáo của người Do Thái được xây dựng trên nền tảng sự kêu gọi và lời hứa của Đức Chúa Trời.  Những điều này bắt đầu thực hiện trong đời sống của Giô-sép, dù gia đình ông không thừa nhận chúng, ganh tị với ông và tìm cách chống lại ông bằng cách bán ông cho nước ngoài (như người cùng thời với Ê-tiên đã làm đối với Chúa Giê-xu).

20-43  Sự buộc tội chống Ê-tiên bao gồm lý lẽ rằng các phong tục mà Môi-se đã để lại sẽ bị thay đổi (6:14).  Tại đây và trong phần tiếp theo, trong số những điều khác, Ê-tiên đang nhắc nhở người nghe rằng những nét đặt trưng của Do Thái giáo mà họ hết sức quan tâm bảo vệ tự bản thân chúng xét về một điểm là những thay đổi trong truyền thống.  Vì thế khi Ê-tiên kể chuyện về Môi-se,  một lần nữa ông tập trung vào việc người ta chối bỏ ông và sứ điệp của ông mặc dù nó đã được Đức Chúa Trời chuẩn nhận.

44-50  Phần thứ ba của bài giảng liên quan đến đền thờ.  Nếu như ông bị lên án là đã nói lời chống lại đền thờ và truyền thống Môi-se, như thể đó là hai đặc trưng thường xuyên của Do Thái giáo, thì Ê-tiên nhắc nhở người nghe rằng đúng ra hai nét đặc trưng đó lại mâu thuẫn với nhau.  Chính đền thờ là một sự thay đổi đối với tập quán do Môi-se để lại (6:14) là điều liên quan đến đền thờ được dựng lên theo sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời.  Đây là một sự thay đổi chấp nhận được nhưng không phải đã được Đức Chúa Trời đề xướng.  Ê-tiên không còn chống lại Do Thái giáo mà chính Kinh Thánh của họ chống lại họ, như được diễn tả qua tiên tri Ê-sai mà Ê-tiên trích dẫn (Ê-sai 66).

51-53  Đúng hơn là chính đám cử tọa là những người chống lại các đấng tiên tri, Đức Thánh Linh là Đấng phán qua họ và Đấng Mết-si-a các đấng tiên tri dự báo sẽ đến.  Ê-tiên kết thúc bằng cuộc tấn công dữ dội: chính những người đang nghe ông nói mới là người phải bị kết án vì đã vi phạm tinh thần Do Thái giáo, chứ không phải ông.

54  Có lẽ Ê-tiên có ý muốn nói nữa, nhưng ông đã bị cắt ngang bởi sự điên tiết của những người nghe, những người nghiến răng với Ê-tiên gầm gừ trong giận dữ và bất mãn.  55-56  Ê-tiên được cho thấy một khải tượng, giống như từng trời mở ra và có tiếng nói của Đức Chúa Trời khi Chúa Giê-xu chịu phép báp-tem và hóa hình, không chỉ để cho ông đủ can đảm thực hiện nhiệm vụ phía trước, mà còn là sự tán thành của Đức Chúa Trời về thay đổi có tính quyết định đang diễn ra.  Khi Chúa Giê-xu hoá hình, tiếng nói tán thành quyết định của Chúa Giê-xu đi lên Giê-ru-sa-lem  và chịu chết, không phải vì Đức Chúa Trời thích như thế, nhưng là vì việc đó phải xảy ra.  Cũng như thế tại đây Đức Chúa Trời cũng nhận sự tách rời của cộng đồng mới của Đức Chúa Trời ra khỏi dân sự truyền thống của Ngài.  Có lẽ vẫn còn là quá mạnh nếu phát biểu rằng nay Cơ Đốc giáo đã hoàn toàn ly dị với Do Thái giáo; chiến lược tự bào chữa của Phao-lô trong các cuộc xử án ở cuối sách xoay quanh ý tưởng rằng sự buộc tội mà ông đối diện tại các toà án ngoài đời được tóm lại trong những vấn đề nội bộ của Do Thái giáo.  Cơ Đốc giáo, từ vụ ném đá Ê-tiên, đã trở thành một nhóm tách rời và riêng biệt trong vòng Do Thái giáo, hoặc có lẽ trở thành một cái nhìn thù địch về cái mà Do Thái giáo nay phải trở thành, hơn là một phong trào lập nên gồm tất cả các bên.

7:57-8:1a  Họ bịt lỗ tai lại và lớn tiếng kêu để không nghe thấy những lời mà họ cho là phạm thượng.  Đám đông không thể chờ đợi những chi tiết phán quyết của cuộc xét xử, và không một tuyên bố chính thức không một lời tuyên án họ xông vào kéo người ra ngoài thành, rồi ném đá người.

Với sự kiện các kẻ làm chứng lấy áo xống mình để nơi chơn một người trẻ tuổi kia tên là Sau-lơ, người đọc không chỉ biết rằng Phao-lô đang hiện diện mà còn biết rằng ông không phải là một trong những người làm chứng chống lại Ê-tiên.  Tương tự, trong 8:1 việc bản văn đề cập rõ ràng ông vốn ưng thuận có lẽ có nghĩa rằng ông không tham dự trực tiếp vào việc ném đá.  Điều lý thú là nó cũng kể Sau-lơ thuộc trong bọn mà Ê-tiên cầu nguyện xin đừng đổ tội này cho họ nhắc lại lời của Chúa Giê-xu trong Lu-ca 23:34, 46.

1b  Cơn bắt bớ dữ tợn (đây là lần đầu tiên sách Công Vụ Các Sứ Đồ sử dụng từ ngữ này) và việc chạy tan lạc trong các miền Giu-đê và xứ Sa-ma-ri do cơn bắt bớ này gây ra là bối cảnh cho các chương tiếp theo.  3  Hành động của Sau-lơ trong cuộc bắt bớ này được xác nhận trong các thư tín của ông (ICô-rinh-tô 15:9; Ga-la-ti 1:13, 23; Phi-líp 3:6; ITi-mô-thê 1:13).  Việc Sau-lơ đi từ nhà này sang nhà khác tìm kiếm các Cơ Đốc nhân cho thấy họ không còn gặp nhau công khai tại đền thờ nữa (Công Vụ 5:42)

8:4-12:25  Công tác truyền giáo ngoài phạm vi người Do Thái được giám sát từ Giê-ru-sa-lem

8:4-25  Phi-líp tại Sa-ma-ri

4  Cơn bắt bớ, chớ không phải là chính sách có cân nhắc kỹ, là lý do của chiến dịch truyền giáo thật sự đầu tiên trong Hội Thánh: Những kẻ đã bị tan lạc đi từ nơi này đến nơi khác, truyền giảng đạo Tin Lành.  5  Phi-líp xuống trong thành Sa-ma-ri mà giảng, đây là nơi ông tình cờ đi đến.  Như Phúc Âm Giăng cho chúng ta biết thêm, người Do Thái không giao thiệp gì với người Sa-ma-ri (Giăng 4:9).  Bị người Giu-đê và người Ga-li-lê xem là người Do Thái dị giáo mang dòng máu ngoại lai, cư dân của vùng phía Bắc xứ Giu-đê tin Ngũ Kinh của Môi-se, nhưng không tin các sách khác trong Thánh Kinh của người Do Thái, và họ tin rằng Đức Chúa Trời phải được thờ phượng trên núi Gerizim hơn là tại Giê-ru-sa-lem.

6-13  Phi-líp được giới thiệu với độc giả bằng việc đề cập các phép lạ người làm, bao gồm việc đuổi tà machữa bệnh.  Kết quả của những việc này là người ta đồng lòng lắng tai nghe người nói.  Về mặt này, ông giống như Si-môn một người bói khoa, và mọi người từ lớn đến nhỏ đều tôn trọng vì sự phù phép của ông ta.

Chúng ta không được biết làm thế nào công tác và sứ điệp của Phi-líp thắng thế hơn của Si-môn, nhưng sự khác biệt ắt hẳn là rất đáng kể, bởi vì mọi người, kể cả Si-môn, đều tinchịu phép báp-tem.  “Người làm phép lạ” này thấy những dấu lạ phép kỳ người làm ra, thì lấy làm lạ lắm (xem 5:12-16 trên đây).

14  Có lẽ vì công tác truyền giáo giữa vòng người Sa-ma-ri đã không được lập kế hoạch trước cho nên tin tức về nó dường như đã khiến cho các sứ đồ vẫn ở tại thành Giê-ru-sa-lem ngạc nhiên, họ sai Phi-e-rơ và Giăng đến để kiểm tra.  Tương tự, Ba-na-ba được phái đến tìm hiểu về những người ngoại quốc trở lại đạo tại thành An-ti-ốt (11:22) và ngay trước đó, Phi-e-rơ được hỏi về trường hợp trở lại đạo của gia đình người ngoại quốc Cọt-nây (11:1-18).  15-17  Có lẽ đoạn sau giúp giải thích vì sao ân tứ của Đức Thánh Linh đến rất lâu sau khi người Sa-ma-ri chịu phép báp-tem.  Trong ánh sáng của 2:38; 10:48 và 19:5 thật không chắc rằng phép báp-tem nhân danh Đức Chúa Giê-xu đã được xem là thấp hơn phép báp-tem trong danh đầy đủ của cả Ba Ngôi Đức Chúa Trời.  Cũng không chắc rằng việc đặt tay của các sứ đồ là cần thiết cho việc nhận lãnh Đức Thánh Linh (xem 10:44-48; 16:30-34; 13:3, nơi cho thấy chính Hội Thánh đã đặt tay trên các sứ đồ để bày tỏ sự hiệp một mà Đức Thánh Linh đã đem lại).

Tuy nhiên trong 11:15-17 Phi-e-rơ hiểu việc ban Đức Thánh Linh cho Cọt-nây và người của ông như là dấu hiệu của Đức Chúa Trời rằng người ngoại quốc phải được chấp nhận làm các thành viên đầy đủ của cộng đồng Cơ Đốc (xem 11:1-18).  Tương tự, việc đổ Đức Thánh Linh xuống trên những người Sa-ma-ri đầu tiên trở lại đạo là bằng chứng chứng minh sự bình đẳng của họ với các tín hữu tại Giê-ru-sa-lem; là bằng chứng, chúng ta có thể thêm vào, đối với các sứ đồ tại Giê-ru-sa-lem cũng như đối với người Sa-ma-ri.  Dĩ nhiên, thật là vui khi Giăng, người một thời muốn lửa từ trời xuống thiêu đốt một ngôi làng Sa-ma-ri (Lu-ca 9:54) nay cũng là một trong những người đang mời gọi Đức Thánh Linh xuống!

18-19  Si-môn nghĩ Cơ Đốc giáo về căn bản là tương tự với phép thuật của ông, cho dù nó có quyền năng hơn đi chăng nữa.  20-23  Câu trả lời của Phi-e-rơ hàm chứa ông thấu hiểu thái độ của Si-môn.  Sự định tội gay gắt của vị sứ đồ này được làm dịu đi bởi lời kêu gọi ăn năn để được Chúa tha thứ.  24  Cho dù Si-môn đã đề nghị hết sức thành thật với Phi-e-rơ để cầu xin cho việc ấy đừng xảy ra, thì về sau ông trở nên có tiếng trong truyền thống Cơ Đốc như là một kẻ dị giáo điển hình và là kẻ thù của Cơ Đốc giáo.

8:26-40  Phi-líp và viên hoạn quan Ê-thi-ô-pi

Sự tương phản giữa hai câu chuyện về Phi-líp là rất đáng chú ý.  Câu chuyện thứ nhất xảy ra tại xứ Sa-ma-ri về phía Bắc, còn câu chuyện này ở phía Nam.  Chuyện thứ nhất nói về sự trở lại đạo đông đúc phát xuất từ sự tan lạc của các tín hữu còn chuyện này về sự trở lại đạo của chỉ một người bởi sứ điệp trực tiếp từ Đức Chúa Trời.  Chuyện thứ nhất xảy ra giữa vòng một dân tộc chỉ có Ngũ Kinh của Môi-se của người Do Thái, chuyện thứ hai liên quan đến một người đọc các sách tiên tri.  Tuy nhiên, hai câu chuyện có liên quan không phải chỉ do sự có mặt của Phi-líp mà còn bởi chúng liên quan đến những người không thuộc về Do Thái giáo.

27-28  Vương quốc cổ Ê-thi-ô-pi có lẽ nằm ở vùng Su-đăng ngày nay, nhưng với Lu-ca điều này ít quan trọng bằng ấn tượng về “người nước ngoài”.  Người ta khó có thể tưởng tượng một người nào khác mang đặc điểm ngoại quốc hơn! Không chỉ đến từ một trong những vùng đất xa xôi nhất của thế giới, ông ta còn là một viên chức quan trọng ở đó và cũng là một hoạn quan.  Can-đác không phải là tên người, mà là một tước hiệu của người mẹ trong nền quân chủ đang cầm quyền.  Người Ê-thi-ô-pi này đang trên đường về nhà từ Giê-ru-sa-lem nơi ông ta đã thờ phượng và ông đang đọc sách tiên tri Ê-sai.

30-31  Trong thời Tân Ước, đọc lớn tiếng là điều bình thường, thậm chí khi đọc cho một mình mình nghe.  Việc Phi-líp cắt ngang viên chức quan trọng này đã được đón nhận bằng một thái độ khiêm nhường và ban ơn hết sức đặc biệt.  Đi lại về đặc trưng là việc bụi bặm, còn Phi-líp thì không ngang bằng về xã hội với nhân vật này, thế nhưng ông ta đã mời Phi-líp lên xe ngồi kề bên để cắt nghĩa về những gì ông đang đọc.

32-35  Viên hoạn quan bối rối không hiểu Ê-sai 53 mô tả về ai, nhưng Phi-líp chẳng mấy khó khăn dùng chỗ Kinh Thánh đoù làm điểm bật để giảng về Chúa Giê-xu.

36  Vì viên hoạn quan chủ động nói về báp-tem của mình nên chúng ta có thể cho rằng Phi-líp noi theo câu chuyện về Chúa Giê-xu bằng lời kêu gọi tương tự như của Phi-e-rơ trong 2:37-39.  Câu hỏi của viên hoạn quan, có sự gì ngăn cấm tôi chịu phép báp-tem chăng? cho thấy ông nghĩ sẽ có sự chống đối.  Có lẽ trước đó ông đã bị khước từ không được làm phép báp-tem gia nhập Do Thái giáo (một bước bình thường trong việc chính thức gia nhập Do Thái giáo) do tình trạng “bị cắt xẻo” của ông (xem chú thích dưới đây về “Người ngoại quốc đầu tiên trở lại đạo?”).

Mặc khác, chúng ta cũng thấy cách ghi chép tương tự trong những câu chuyện khác về phép báp-tem (Ma-thi-ơ 3:13; Công Vụ 10:47), vì thế người ta lập luận rằng đây là sự phản ánh vấn đề nghi lễ báp-tem thời kỳ đầu tiên và cách đáp lại vấn đề ấy.  Tuy nhiên, trong ánh sáng của Mác 9:39 và 10:14 đúng hơn chúng ta nên nói rằng cách diễn tả này được ghi trong những câu chuyện liên quan đến việc tiếp nhận người vào trong cộng đồng, trong những trường hợp mà sự bình đẳng trong mối thông công có thể bị nghi vấn vì một lý do nào đó.

38  Câu 37 không thấy có trong bản cổ nhất và đáng tin cậy nhất của sách Công Vụ Các Sứ Đồ, và bản Kinh Thánh NIV cùng với những bản dịch hiện đại nhất chỉ có ghi câu này ở dạng chú thích.  Sự trả lời của Phi-líp không phải bằng lời mà bằng hành động; họ xuống nước và viên hoạn quan được làm báp-tem tại nơi đó.

39-40  Việc Thánh Linh của Chúa đem Phi-líp đi và làm thế nào sau đó ông được người ta thấy ở trong thành A-xốt (ở phía Bắc Ga-xa, chứ không phải ở Giê-ru-sa-lem đến đường Ga-xa) hàm ý nhiều hơn là chỉ sự dẫn đắt thuộc linh.  Tuy nhiên, sự nhấn mạnh không phải đặt trên tính chất của sự di chuyển, mà là ở tính chất đột ngột và sự trọn vẹn của sự khởi hành.  Từ câu chuyện trước đây tại Sa-ma-ri (8:14) tình tiết về Cọt-nây trong chương 10-11, và chuyện về sự bắt đầu của Hội Thánh An-ti-ốt trong 11:20-22 chúng ta có thể chắc rằng Hội Thánh Giê-ru-sa-lem có lẽ cũng đã muốn theo dõi sự trở lại đạo nếu như họ đã được nghe đến việc này vào lúc đó.  Nhưng viên hoạn quan ở ngoài tầm tay của Phi-líp và cũng như của Hội Thánh Giê-ru-sa-lem.  Lâu về sau chúng ta lại gặp Phi-líp tại Sê-sa-rê (21:8-9).

Tuy nhiên, viên hoạn quan tiếp tục hớn hở đi đường.  Người ta không thể không tự hỏi ông ta có tiếp tục đọc sách tiên tri Ê-sai chỗ ông dừng lại không.  Nếu có, chắc có lẽ ông sẽ sớm đọc đến đoạn “Người dân ngoại liên hiệp cùng Đức Giê-hô-va chớ nên nói rằng: ‘Đức Giê-hô-va chắc sẽ biệt ta ra khỏi dân Ngài’.  Kẻ hoạn cũng chớ nên nói rằng: ‘Này, ta là cây khô?’ Vì Đức Giê-hô-va phán như vầy: ‘...Ta lại sẽ ban cho họ một danh đời đời chẳng hề dứt đi’” (Ê-sai 56:3-5).

Chú thích.  Người ngoại quốc đầu tiên trở lại đạo?  Mặc dù thuật ngữ được dịch “hoạn quan” được sử dụng đơn thuần với nghĩa là một “viên quan” nhưng ở đây rất có khả năng Lu-ca có ý định dùng theo nghĩa đen, nếu không thì nhóm từ làm quan hầu đi theo sau đó sẽ trở nên thừa.  Dưới ánh sáng của các qui tắc trong Kinh Thánh (xem Phục Truyền 23:1), không chắc là người này đã nhập đạo Do Thái giáo một cách đầy đủ.  Nhưng vì mục đích của chuyến đi là để thờ phượng, và vì rõ ràng ông thật sự có ít nhất một phần Kinh Thánh (Cựu Ước), cho nên, rất có thể ông đã có mối liên hệ trong thời gian dài hoặc có mối quan hệ sâu sắc với Do Thái giáo – Nếu ông là một người ngoại quốc kính sợ Đức Chúa Trời (xem 10:2 về cách sử dụng khái niệm này cho một hạng người cụ thể), thì chính hoạn quan này, chứ không phải đội trưởng Cọt-nây, là người ngoại quốc (không phải người Do Thái) đầu tiên trở lại Cơ Đốc giáo mà chúng ta được biết.  Vì vậy chính Phi-líp, chứ không phải Phi-e-rơ và Phao-lô, là cha đẻ của công cuộc truyền giáo cho người ngoại quốc có sự dẫn dắt thiên thượng một cách rõ ràng.

9:1-31  Phao-lô người thành Tạt-sơ trên đường Đa-mách

Mặc dù cho đến thời điểm này trong sách Công Vụ chúng ta được biết rất ít về Phao-lô, nhưng chính ông, Phao-lô (hay Sau-lơ) là người có thể nói là nhân vật quan trọng nhất trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ.  Từ giữa chương 12 cho đến cuối sách tại chương 28, người kể hầu như tập trung vào duy chỉ Phao-lô và các cuộc hành trình truyền giáo của ông.  Câu chuyện về việc như thế nào người này bắt đầu gia nhập các tín hữu Cơ Đốc được kể với một số chi tiết không dưới ba lần (chương 9, 22 và 26).  Trong chương này, câu chuyện này được người viết kể ra.  Trong các chương sau, chuyện được nêu ra với độc giả bởi chính Phao-lô trong bối cảnh các bài giảng mặc dù tác giả đã có thể dễ dàng nói “sau đó Phao-lô kể cho họ nghe về những kinh nghiệm của ông trên đường Đa-mách” hơn là đi suốt lặp lại từ đầu đến cuối.  Câu chuyện được lặp lại có lẽ bởi vì tầm quan trọng mà Lu-ca đã gắn vào sự kiện này.  Tuy nhiên, mỗi lần kể lại như thế có thêm một ít vào bức tranh hoàn thiện ấy.

Người ta đôi khi lập luận rằng “sự trở lại đạo” ám chỉ việc từ bỏ toàn bộ một hệ thống tín ngưỡng này để nhận một hệ thống tín ngưỡng khác.  Sau-lơ đã không hẳn là được kêu gọi để từ bỏ Do Thái giáo ở đằng sau bằng là được kêu gọi để nhận Chúa Giê-xu như là một sự hoàn tất của tất cả những gì ông vẫn tin tưởng.  Người ta phải nói rằng câu chuyện có nhiều điểm tương đồng như với “sự kêu gọi” một tiên tri vào một sứ mạng cụ thể.  Được dùng không theo nghĩa chuyên môn, thì không thể có sự phản đối thật sự nào đối với thuật ngữ “trở lại đạo” khi dùng để chỉ một sự thay đổi căn bản tận gốc như thế của tâm trí, tấm lòng và hành động như kinh nghiệm mà con người này đã trải qua.  Nhưng chúng ta phải nhớ ý nghĩa tích cực của “lời kêu gọi” trong biến cố này trong cuộc đời của Phao-lô.

1  Sau-lơ (là tên bằng tiếng Hi Bá Lai của Phao-lô, 13:9) và thái độ của ông đối với Cơ Đốc nhân đã được đề cập trước ở 7:58-8:3.  2  Những bức thư để gởi cho các nhà hội thành Đa-mách có lẽ là các bức thư giới thiệu và là cái mà chúng ta có thể gọi là “trao trả” (hay “dẫn độ”, xem phần song song 22:5; 26:12).  Một bức thư có mục đích tương tự đã được cất giữ trong sách Ngụy Kinh: “Nếu có kẻ du thủ du thực nào đã trốn khỏi xứ  họ mà đến cùng ngươi, thì hãy giao họ cho thầy tế lễ cả Si-môn, để người phạt chúng theo luật pháp của họ (1 Macc. 15:21).  Nhiều cộng đồng người Do Thái có lẽ đã không hoàn toàn có cái nhìn tiêu cực về các tín hữu Cơ Đốc, và những bức thư từ thầy tế lễ thượng phẩm này có thể đã mách nước cho người Do Thái chống đối Cơ Đốc giáo cũng như ban cho Phao-lô quyền hành để trói giải những “kẻ tội phạm” này.  (xem 28:21-22; chỗ mà các nhà lãnh đạo Do Thái tại Rô-ma biết rằng họ cần phải có thái độ không thiện cảm với người Cơ Đốc nhưng không có “thơ từ xứ Giu-đê” cho họ biết tại sao).  Chính là sau sự kiện Ê-tiên bị giết mà các nhà lãnh đạo Do Thái mới bắt đầu ra tay chống lại các Cơ Đốc nhân chỉ vì họ là Cơ Đốc nhân.  Đạo là tên gọi đầu tiên của cộng đồng Cơ Đốc.

3-9  Phao-lô kinh nghiệm một ánh sáng từ trời chói lọi và một tiếng phán.  Các tác giả Tân Ước không từ chối việc ghi lại những giấc chiêm bao hay khải tượng, là những sự hiện thấy chỉ có tính chất cá nhân, nhưng Lu-ca có chủ ý cho độc giả của ông hiểu đây với tư cách là một sự kiện nhìn thấy được.  Sự kiện này ít nhiều nhằm riêng cho Phao-lô, nhưng những người bạn đồng hành của ông cũng nghe tiếng nói dù họ chẳng thấy ai hết.  Việc kể lại câu chuyện này trong 26:12-14 hàm ý rằng những người cùng đi với Phao-lô cũng có thể thấy ánh sáng ấy loé lên.  Tuy nhiên, chỉ có một mình Phao-lô bị mù, và tình trạng này không phải là một sự chói mắt tạm thời do một thứ ánh sáng chói bình thường, vì ông bị mù trong ba ngày và chúng ta được kể trong câu 18 rằng khi được chữa lành, một cái gì như “cái vảy” rớt xuống khỏi mắt ông (cũng xem 22:11-13).

10-16  Chỉ có câu chuyện về sự trở lại đạo trong chương này đề cập đến sự miễn cưỡng ban đầu có thể hiểu được của A-na-nia, mặc dù ông cũng được đề cập ở 22:12-16.  Ngay từ lúc bắt đầu sứ mạng truyền giáo của Phao-lô, nhiệm vụ trước mặt các dân ngoại đã được nêu rõ ràng cho ông và cho A-na-nia bằng một số cách (cũng xem 22:21; 26:17) cũng như ông phải chịu đau đớn vì danh ta là bao naû.

17-19  Việc A-na-nia đặt tay trên mình Sau-lơ là một cử chỉ bày tỏ sự thừa nhận và xác nhận của việc chấp nhận của Đức Chúa Trời và sự hiệp một Cơ Đốc, cũng như lời chào: Hỡi anh Sau-lơ.  Trong trường hợp của Sau-lơ, việc đặt tay và sự chấp nhận của Đức Chúa Trời gắn liền với việc ông được chữa lành, sự nhận lãnh Đức Thánh Linh và báp-tem, và thậm chí là việc ông chấm dứt kiêng ăn.  Tất cả những việc này xảy ra cùng lúc.  Có lẽ điều cũng có ý nghĩa nữa là chúng xảy ra một cách độc lập với các sứ đồ tại Giê-ru-sa-lem (xem 9:26-27).

20-25  Điều lý thú là dù câu 15 trên đây nêu ra thứ tự các dân ngoại, các vua, và con cái Y-sơ-ra-ên, nhưng Phao-lô trước tiên bắt đầu giảng dạy trong các nhà hội.  Đây sẽ là kiểu mẫu xuyên suốt sự nghiệp truyền giáo của ông: trước hết cho người Do Thái, rồi mới cho người ngoại quốc (xem 13:46).  Dù sự giảng dạy của Phao-lô lần lần càng thêm vững chí nhưng nó bắt bẻ những người Giu-đa (Do Thái) hơn là thuyết phục họ và cách lâu ngày họ mưu với nhau để giết Sau-lơ.  Sự trốn thoát của ông trong một cái thúng có vẻ như là một điều mà ông nhớ lại là đáng hổ thẹn và hèn nhát hơn là một cuộc phiêu lưu kỳ thú và đẹp đẽ (IICô-rinh-tô 11:30-33).

26-30  Mặc dù cho đến khi Phao-lô đến thành Giê-ru-sa-lem ông đã là một người Cơ Đốc trong một thời gian, nhưng các sứ đồ, giống như A-na-nia trước kia, cảm thấy khó mà tin được.  Mãi cho đến khi Ba-na-ba (“con trai của sự yên ủi”), người mà đầu tiên chúng ta đã gặp trong 4:36 nhận lấy trách nhiệm đối với Phao-lô thì các môn đồ mới sẵn sàng để nhận người mà trước đây đã từng bắt bớ Hội Thánh.  Sau đó, Phao-lô tới lui với các môn đồ tại thành Giê-ru-sa-lem trong mười lăm ngày (xem Ga-la-ti 1:18-19).  Mặc dù ông ở với Phi-e-rơ, nhưng ông không gặp nhiều môn đồ khác mà dành phần lớn thời gian với người Hê-lê-nít (xem 6:1 ở trên) là những người mà Ba-na-ba, người Chíp-rơ có thể cũng đã làm việc với, và có lẽ cùng một nhà hội của những người tự do được đề cập có liên quan đến Ê-tiên (6:9).  Như đã xảy ra tại Đa-mách, những kẻ chống đối Phao-lô chẳng bao lâu đã tìm thế để hại mạng người, và để bảo vệ ông, các anh em đã đưa ông đi về quê ông và từ nơi đó mà Ba-na-ba đến tìm ông một lần nữa trong 11:25.

31  Với sự tạm ngưng trong cuộc bắt bớ này, Lu-ca cũng tạm ngưng để kết thúc câu chuyện này bằng một bản tóm tắt tổng quát.  Dĩ nhiên, đó là kết quả của tất cả những gì ông đã mô tả cho đến đây, rằng nhóm các tín hữu đã phát triển từ một nhóm nhỏ tại một phòng cao cho đến Hội Thánh trong cả xứ Giu-đê, xứ Ga-li-lê và xứ Sa-ma-ri.

9:32-43  Phi-e-rơ tại thành Ly-đa và thành Giốp-bê

Hai câu chuyện ngắn ngủi này làm sứ đồ Phi-e-rơ nổi bật trở lại và làm bước đệm cho câu chuyện quan trọng về Cọt-nây trong chương 10.

32-35  Ly-đa nằm ở Tây Bắc Giê-ru-sa-lem.  Phi-e-rơ đến cùng các thánh đồ có nghĩa là tại đó có một cộng đồng các tín hữu.  Có lẽ người ta đã được nghe chứng đạo trong thời gian các môn đồ tan lạc sau khi Ê-tiên bị ném đá, nhưng chúng ta không được biết ai đã chứng đạo tại Ly-đa hoặc Giốp-bê, là nơi đã có tín hữu (9:38).  Khi Ê-nê được chữa lành, Phi-e-rơ gán việc chữa lành cho Đức Chúa Giê-xu Christ, còn ông, chẳng qua chỉ là kênh dẫn mà thôi (xem 3:12, 16).  Hết thảy dân ở Ly-đa không có nghĩa là mọi người, mà đúng hơn có nghĩa là việc chữa lành được làm không phải ở nơi kín đáo mà là ở nơi công cộng, và một số đông người đứng bên ngoài vòng các Cơ Đốc nhân đã thấy và tin.

36-43  Không những đã có một cộng đồng các Cơ Đốc nhân ở Giốp-bê trước khi Phi-e-rơ đến, mà họ còn biết ông đang có mặt tại Ly-đa, cả chục dặm trong đất liền.  Với nhiều chuyện về sự chữa lành và trở lại đạo này, tác giả cảm thấy việc cho độc giả biết về vai trò của con người trong cộng đồng là điều quan trọng, cho dù đó là người nhận sự giúp đỡ từ thiện (3:2, 10) hay là người làm việc từ thiện (10:2).  Ta-bi-tha là một người làm nhiều việc lành và hay bố thí và là người đã thực hiện việc đó bằng cách làm áo xống và áo ngoài cho những người đàn bà góa là những người thường được đề cập đến như là những người nghèo thiếu (xem 6:1).

Thân thể người đàn bà đã chết được tắm rửa theo nghi lễ liên quan với sự làm sạch người chết.  Nhưng lý do tại sao người ta được biểu ra ngoài trước khi cầu nguyện thì không rõ, nhưng đó là điều mà Chúa Giê-xu cũng đã làm khi đỡ con gái Giai-ru sống dậy (Mác 5:40).  F. F. Bruce chỉ ra rằng lời Chúa Giê-xu phán bằng tiếng A-ram là Ta-li-tha qum (“Hỡi con gái nhỏ, ta truyền cho mầy, hãy chờ dậy”), và lời mà Phi-e-rơ nói chỉ khác có một chữ nếu ông cũng dùng thứ tiếng đó Ta-bi-tha qum (Book of Acts [Eerdmans, 1988], trang 199).

Việc Phi-e-rơ lưu lại nhà một người làm nghề thuộc da có lẽ rất có ý nghĩa bởi vì người ta chắc đã xem ông là không sạch về mặt nghi lễ trong phần lớn thời gian làm công việc tiếp xúc với da của động vật chết.

10:1-11:18  Phi-e-rơ, Cọt-nây và vấn đề dân ngoại

Câu chuyện này rõ ràng rất quan trọng đối với Lu-ca.  Như với chuyện về việc Phao-lô trở lại đạo, câu chuyện này được kể chi tiết và được lặp lại trong chương 10 và 11 và nó cũng được nói đến trong chương 15.  Tình tiết câu chuyện trình bày một sự chuyển biến khác trong chiều hướng và trọng tâm của Hội Thánh.  Tuy có thể hoạn quan Ê-thi-ô-bi là người ngoại quốc đầu tiên trở lại đạo (8:25-40), nhưng chính việc Cọt-nây trở lại đạo đã khuấy lên một sự tranh luận về sự trở lại đạo của người ngoại quốc trong vòng các Cơ Đốc nhân người Do Thái là những người có lẽ chưa nghe tin về Phi-líp và hoạn quan Ê-thi-ô-bi.  Câu chuyện ở đây gợi ý rằng cộng đồng các Cơ Đốc nhân nói chung và Phi-e-rơ nói riêng, chưa được chuẩn bị để trực tiếp chấp nhận những người ngoại quốc trở lại đạo và họ phải chịu thuyết phục về vấn đề đó.  Lu-ca muốn chúng ta thấy sự chấp nhận của Hội Thánh ở chương 11 khi dọn đường cho quyết định sau này trong chương 15.

Toàn bộ câu chuyện có thể dễ dàng được chia ra những phần như sau:  10:1-8 Cọt-nây tại Sê-sa-rê;  câu 9-23a Phi-e-rơ tại Giốp-bê;  câu 23b-48 cuộc gặp gỡ của Phi-e-rơ và Cọt-nây tại Sê-sa-rê;  11:1-18 kết quả: các nhà lãnh đạo Hội Thánh giải quyết vấn đề người ngoại quốc.

1-8  Phần thứ nhất trong câu chuyện nhiều phần này bắt đầu bằng sự giới thiệu về Cọt-nây, làm đội trưởng.  Đây là một vị trí có một quyền hạn nhất định.  Ông phục vụ trong đội binh gọi là Y-ta-li mà chúng ta ít được biết đến.  Một đội binh hay “đội quân” khoảng 600 lính được chia thành sáu nhóm một trăm người, mỗi nhóm một trăm người này có một đội trưởng.

Tuy ông ta là một người lính La Mã nhưng người vẫn là đạo đức cùng cả nhà mình đều kính sợ Đức Chúa Trời.  Khái niệm “kính sợ Đức Chúa Trời” có vẻ như thường được sử dụng cho một hạng người đã tin và theo Do Thái giáo nhưng trong một chừng mực nào đó, chưa trở thành tín đồ trọn vẹn của Do Thái giáo (xem 13:16, 26; 17:4, 17 về nghĩa này; nhóm từ “người thờ phượng Đức Chúa Trời” cũng có ý nghĩa tương tự 16:14; 18:17).  “Kính sợ Đức Chúa Trời” cũng có thể được sử dụng để mô tả một người thuần tuý mộ đạo (2:5), nhưng có lẽ hơi thừa trong câu này nếu nó dừng lại tại đó.  Tóm lại, người đàn ông này và gia đình của ông ta không phải là người Do Thái cũng không phải người nước ngoài theo đạo Do Thái, mà cũng không còn là người thờ lạy thần tượng ngoại giáo nữa.

Như với Ta-bi-tha trong chương trước, việc thiện của Cọt-nây được đề cập ở đây.  Đó là bằng chứng của đức tin cũng như việc thiện của ông: Người hay bố thí... và cầu nguyện... luôn không thôi.  Đó là đức tin kỉnh kiền và năng động của ông, không chỉ đơn thuần là lời mà lời cầu nguyện cùng sự bố thí được sự khen ngợi của vị thiên sứ đến thăm.  Thật lý thú khi vị thiên sứ bảo Cọt-nây sai người đến thành Giốp-bê, mời Si-môn nào đó, cũng gọi là Phi-e-rơ chứ khi đó không nói cho ông biết tin mừng về Giê-xu tại nơi đó.  Đức Chúa Trời đã có kế hoạch sẵn cho Phi-e-rơ và Hội Thánh cũng như cho Cọt-nây và gia đình ông.

9-23a  Đang khi ở tại Giốp-bê Phi-e-rơ leo lên mái nhà để cầu nguyện.  Chắc chắn mái nhà bằng và là nơi thích hợp để ở một mình mà cầu nguyện.  Lu-ca bảo chúng ta rằng người bị ngất trí đi để nói rõ rằng không giống như ánh sáng và tiếng nói mà Phao-lô đầu tiên đã thấy và nghe, đây là một “khải tượng” mà người nào khác cạnh bên ông trên mái nhà chắc chắn không thấy được.

Khải tượng bản thân nó là một điều lạ.  Một tấm khăn lớn được đưa xuống trên đó có tất cả các loài vật sống: thú bốn cẳng....côn trùng bò trên đất, chim trên trời hợp thành ba loài động vật (xem câu chuyện Nô-ê, Sáng Thế Ký 6:20).  Vì vậy, ở đó có các loài thú mà người Do Thái không thể ăn được, vì luật về đồ ăn (xem Lê-vi Ký 11; 20:25).  Vì thế, mệnh lệnh hãy làm thịt và ăn đã khiến cho Phi-e-rơ lớn tiếng cam đoan là mình vô tội (tham khảo Ê-xê-chi-ên 4:14).  Tiếng nói đáp lại Phàm vật chi Đức Chúa Trời đã làm cho sạch, thì chớ cầm bằng dơ dáy.  Toàn bộ cuộc đối thoại được lặp lại hai lần nữa, Phi-e-rơ cũng đã quen với kiểu lặp lại ba lần (Giăng 13:38; 21:15-17).

Phi-e-rơ tự hỏi về ý nghĩa của sự hiện thấy.  Mặc dù Mác 7:19 nói Chúa Giê-xu tuyên bố mọi vật đều “sạch”, nhưng các bản dịch Kinh Thánh thông thường đặt ý này trong dấu ngoặc đơn.  Ý nghĩa này của câu nói ngay lúc đó không được hiểu, nó nhưng chỉ về sau này các môn đồ mới có thể nhận thức được ngụ ý của Chúa Giê-xu lúc đó, do đó mà có sự phản đối của Phi-e-rơ trong câu chuyện này nhiều năm sau đó.

Chính lúc Phi-e-rơ đương ngẫm nghĩ về sự hiện thấy đó thì các sứ giả của Cọt-nây đến.  Thánh Linh chỉ dẫn rõ ràng cho Phi-e-rơ rằng ông hãy đi với họ, chớ hồ nghi.  Bằng sự liên hệ Cọt-nây với khải tượng ngay tức thì, chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời đã dạy Phi-e-rơ nhiều hơn chứ không phải chỉ là vấn đề thức ăn (quan trọng như chính vấn đề đó).  Mối quan hệ người ngoại quốc – người Do Thái chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi sự thay đổi trong cái mà các tín hữu Cơ Đốc người Do Thái xem là đồ ăn sạch. Từ việc thừa nhận đồ ăn của người ngoại quốc là sạch đến việc thừa nhận người ngoại quốc cũng là sạch chỉ có một bước ngắn (I. H. Marshall, Acts [IVP, 1980], trang186; xem 10:28).  Chúa không bày tỏ điều này trong khải tượng của Phi-e-rơ, bởi vì Ngài dự định một dấu kỳ ngoạn mục hơn nhiều trong 10:44 dưới đây.

23b-43  Việc Cọt-nây phục xuống dưới chơn người mà lạy không có nghĩa là Cọt-nây “thờ lạy” Phi-e-rơ (không giống như tình huống mà Phao-lô và Ba-na-ba gặp với người ngoại đạo trong 14:11-15) mà chỉ là để tỏ lòng tôn kính.  Điều này càng khiến cho Phi-e-rơ khăng khăng đề nghị được đối xử như một người ngang hàng (xem 3:12).  Phi-e-rơ (và Si-môn là thợ thuộc da) đã bày tỏ lòng hiếu khách với người của Cọt-nây tại Giốp-bê và điều đó không có gì lạ hay bị cấm bởi luật pháp Do Thái.  Tuy nhiên một người Do Thái mà nhận sự hiếu khách từ một người ngoại quốc lại là một việc hoàn toàn khác.  Nhưng Phi-e-rơ đã làm một mối liên kết và bảo những người nhóm lại trong nhà Cọt-nây rằng Đức Chúa Trời đã tỏ cho ta biết chẳng nên coi một người nào là ô uế hay chẳng tinh sạch (câu 28).  Ý tưởng này được Phi-e-rơ nhắc lại sau khi Cọt-nây lặp lại câu chuyện về cuộc viếng thăm đã đưa đến việc Cọt-nây sai người mời ông đến (Quả thật, ta biết Đức Chúa Trời chẳng hề vị nể ai) và về sau một lần nữa trong bài giảng (Đức Chúa Giê-xu Christ, tức là Chúa của loài người).  Điều này mới mẻ như thế nào đối với Phi-e-rơ và đối với các Cơ Đốc nhân người Do Thái thì có thể đo được bởi những việc mà Đức Chúa Trời đã làm để truyền dạy họ điều này và bởi mức độ nghiêm túc của cuộc bàn luận xảy ra sau đó trong chương 11.  Chúa Giê-xu đã bảo môn đồ Ngài rằng họ sẽ môn đồ hóa muôn dân (Ma-thi-ơ 28:19), nhưng chắc hẳn họ đã nghĩ rằng điều này bao gồm việc làm cho những người ấy trước tiên phải trở thành người Do Thái.

Khi Phi-e-rơ nói, Ấy là lời Ngài đã phán cùng con cái Y-sơ-ra-ên, khi rao giảng Tin Lành về sự bình an bởi Đức Chúa Giê-xu Christ, thì nó không nhất thiết ám chỉ một sự hiểu biết chi tiết hay quen thuộc (câu 36; đối chiếu 2:22).  Thì các ngươi biết rồi trong 10:36-37 nên đọc là “anh em đã nghe về”, và những chữ này muốn làm tương phản với sự kiện rằng Phi-e-rơ đã có mặt ở đó: chúng ta từng chứng kiến về mọi điều Ngài đã làm (câu 39).  Thật vậy, có nhiều chi tiết về “cuộc đời và chức vụ của Chúa Giê-xu được thể hiện trong bài giảng này hơn bất kỳ bài giảng nào khác trong sách Công Vụ.

Điều được nhấn mạnh trong những chữ mà giết (Người) đi không phải là ở lỗi của người Do Thái mà là ở việc  Đức Chúa Trời đã đảo ngược sự hình phạt của con người trong trường hợp Chúa Giê-xu: mà giết đi... nhưng Đức Chúa Trời đã khiến sống lại (cũng như trong 2:23-24).  Sự đóng đinh một lần nữa được mô tả là treo... trên cây goã (xem 5:30).  Việc Chúa Giê-xu ăn uống... sau khi Ngài từ trong kẻ chết sống lại được xem là bằng cứ chứng minh Ngài đã thật sự sống lại (mà không phải chỉ là thần linh).  Tuy nhiên như trong 1:4 nó cũng bày tỏ một mối thông công bàn tiệc thân mật.  Nay Phi-e-rơ đang chấp nhận điều một thời từng bị cấm kỵ đó là cùng thông công bàn tiệc với người ngoại quốc.  Chắc chắn chúng ta khi đọc Ngài đã biểu chúng ta khá giảng dạy cho dân chúng và mọi người hễ tin Ngài (câu 42, 43) chúng ta phải nhớ đến tình huống người ngoại quốc (về cách sử dụng bài giảng của Lu-ca nói chung, xem 2:14).

44-48  Phi-e-rơ thậm chí chưa nói xong khi sự đáp ứng của người ngoại quốc được xác nhận bởi việc ban Đức Thánh Linh xuống, được chứng minh bởi việc họ nói tiếng ngoại quốc và khen ngợi Đức Chúa Trời.  Điều này được ghi nhận bởi các tín đồ đã chịu phép cắt bì có mặt ở đó cũng như sau này bởi những người tín đồ tại Giê-ru-sa-lem (11:15-18) như một dấu chỉ rằng những người này phải được nhận vào thân thể Chúa Cứu Thế – và rõ ràng là một dấu hiệu mạnh mẽ như thế là rất cần thiết, các tín hữu đang có mặt vẫn lấy làm laï rằng Đức Thánh Linh cũng có thể đến trên người ngoại nữa.  Như trong câu chuyện về viên hoạn quan (8:36), có một câu hỏi tiêu cực một cách kỳ lạ về phép báp-tem của họ, người ta có thể từ chối nước về phép báp-tem cho những kẻ đã nhận lấy Đức Thánh Linh cũng như chúng ta chăng? (Người ta có thể không để những người này được làm phép báp-tem bằng nước chăng?).  Điều này cho thấy rằng dường như có thể đã có một sự phản đối nào đó: những người được nhận phép báp-tem chưa phải là người Do Thái trọn vẹn (xem 11:18; “không còn phản đối”).

11:1-18  Cảnh cuối cùng trong câu chuyện này xảy ra sau đó, tại Giê-ru-sa-lem.  Đã nghe tin người ngoại cũng đã nhận lấy đạo của Đức Chúa Trời... có người tín đồ vốn chịu phép cắt bì trách móc Phi-e-rơ vì đã viếng thăm và ăn uống với người ngoại (không phải là người Do Thái).  Lời bào chữa của Phi-e-rơ và sự đáp lại của họ cho thấy rõ họ cũng không chắc lắm rằng có phải người ngoại quốc có thể trở thành tín hữu Cơ Đốc mà không cần trước hết phải trở thành người Do Thái hay không.  Phi-e-rơ kể cho họ nghe mọi điều đã xảy ra, và việc Lu-ca ghi lại đầy đủ những phần lặp lại của 10:9-48 là thước đo tầm quan trọng của việc ấy dưới cái nhìn của ông.

Phi-e-rơ xem ân tứ của Đức Thánh Linh trên Cọt-nây là cũng một ơn như cho các sứ đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần (17).  Lập luận ở đây là nếu như Đức Chúa Tròi đã làm báp-tem cho những người này bằng sự ban Đức Thánh Linh, thì việc bày tỏ sự chấp nhận thiên thượng cho họ vào trong hội của những người được chuộc ai thì ai có thể ngăn họ không được chịu phép báp-tem bằng nước và từ chối với họ sự thông công thuộc thể được (8:36; 10:45)?  Làm việc ấy chắc hẳn đã là ngăn trở Đức Chúa Trời.  Với những lời lẽ ấy, các tín hữu chịu cắt bì đã tin và đều thoả thuận (không còn phản đối nữa).  Một lần nữa những chữ cũng đã... cho người ngoại xuất hiện – đó vẫn còn là một điều ngạc nhiên đối với họ.  Ai có thể nghĩ được Đức Chúa Trời cũng đã ban sự ăn năn cho người ngoại để họ được sự sống!.

11:19-30  Ba-na-ba, Sau-lơ và Hội Thánh ngoại quốc đầu tiên

19-21  Đoạn này quay về với những sự kiện của chương 8, sự bắt bớ xảy đến về dịp Ê-tiên ít nhất cũng có trách nhiệm gián tiếp cho việc truyền bá Phúc Âm cho người Sa-ma-ri trong chương ấy.  Đầu tiên, những người bị tan lạc chỉ giảng đạo cho người Giu-đa.  Tuy nhiên, có những người khác bắt đầu giảng dạy cho người Gờ-réc và họ gặt hái được thành công.  Người Gờ-réc trong văn cảnh này có lẽ có nghĩa là những người ngoại quốc thậm chí không phải là người “kính sợ Đức Chúa Trời”.

22-24  Bất kỳ sự việc có xảy ra như thế nào, cũng như với người Sa-ma-ri (8:14), khi nghe tin về trường hợp này, Hội Thánh Giê-ru-sa-lem liền sai người đến tận nơi.  Lần này Ba-na-ba được sai đi thay vì là một trong mười hai sứ đồ.  Khi Ba-na-ba đến nơi, ông nhận thấy ơn Đức Chúa Trời.  Phán đoán từ trường hợp chấp nhận dễ dàng này, nếu những người trở lại đạo đang bàn đến là người ngoại quốc, thì câu chuyện này chắc phải xảy ra sau khi Hội Thánh đã có quyết định về vụ Cọt-nây.

25-26  Tạt-sơ cách An-ti-ốt vài ngày đi bộ.  Lý do tại sao Ba-na-ba đi đến thành Tạt-sơ để tìm Sau-lơ và... đưa đến thành An-ti-ốt là điều không rõ.  Chúng ta cũng không biết Phao-lô đang làm gì tại thành Tạt-sơ (Ga-la-ti 1:21 không đủ để biết).  Có thể Ba-na-ba đi tìm Phao-lô chính xác là vì Hội Thánh An-ti-ốt gồm có những người ngoại quốc mà đó là một phần mà Phao-lô được kêu gọi (26:12-19), như Ba-na-ba có lẽ đã biết (9:27).  Sự đồng công tại An-ti-ốt xem chừng như đã thành công lớn và họ đã dạy dỗ nhiều người.  Lu-ca bổ sung một chi tiết lý thú rằng chính tại An-ti-ốt mà các tín hữu bắt đầu được gọi là “Cơ Đốc nhân”, và lúc đầu đó có lẽ là một kiểu chế nhạo của những người ngoại quốc chưa tin.  Người Do Thái chưa tin không tin Chúa Giê-xu là Chúa Cứu Thế còn các tín hữu thì chưa hề được mô tả là sử dụng thuật ngữ này cho mình, mà họ thích dùng chữ “môn đồ” hay “thánh đồ” hoặc “anh em” hơn (26:28; IPhi-e-rơ 4:16 là cách dùng trong Tân Ước về thuật ngữ này).  Trong văn cảnh ngoài Do Thái chữ “Christos” hẳn đã không ám chỉ là “Đấng được xức dầu” mà có lẽ là “kẻ bị ướt dầu”!

27-30  Người ta thường nghĩ vai trò của mấy người tiên tri trong Kinh Thánh (Cựu Ước) là vai trò tiên báo, nhưng vai trò chính của họ là chuẩn bị cho dân chúng hành động.  Thường thường trong Cựu Ước, các nhà tiên tri hoạt động cho công lý xã hội và ở đây vai trò quan trọng của công tác của A-ga-bút trong việc dự báo đúng tương lai là không quan trọng bằng vai trò khích lệ và làm cho các tín hữu có thể giúp đỡ nhau.  (A-ga-bút xuất hiện trong 21:10-11 và công tác của các nhà tiên tri Cơ Đốc được mô tả trong 15:32.  Cũng xem ICô-rinh-tô).  Đời Cơ-lốt trị vì là từ năm 41-54, và sử gia La Mã Suctonius xác nhận rằng đã xảy ra những cơn hạn hán trong giai đoạn này.  Tiền gởi qua Ba-na-ba và Sau-lơ có lẽ được giao trong chuyến viếng thăm trong Ga-la-ti 2.  Món quà không được đề cập rõ ràng ở đó nhưng Phao-lô đã nói để đáp lại lời đề nghị của Phi-e-rơ và Giăng phải nhớ đến những người nghèo rằng đó chính là vấn đề ông đã quan tâm rồi, xem thêm chú thích về niên đại có liên quan với chương 15.

12:1-25  Hê-rốt Ạc-ríp-ba và Hội Thánh: Kết thúc một thời kỳ

1-3  Vua Hê-rốt được nói ở đây là Hê-rốt Ạc-ríp-ba I, cháu nội của Hê-rốt Đại đế.  Một lần nữa, chúng ta thấy tính cách hiện thực của Lu-ca về buổi đầu của Hội Thánh Đấng Christ.  Ông kể cho chúng ta không những về sự giải thoát lạ lùng khỏi ngục thất mà còn về những trở lực và sự tuận đạo, như Gia-cơ bị gươm giết.  Điều này chắc đã làm vừa ý người Giu-đa tại Giê-ru-sa-lem, là những người sau khi nghe bài giảng của Ê-tiên đã không còn đứng ngoài cuộc nữa.

4-11  Bốn ngũ binh được chỉ định canh giữ – mỗi ngũ binh gác mỗi canh trong bốn canh của một đêm, vì thế lúc nào cũng có bốn người lính canh giữ.  Phi-e-rơ ngủ giữa hai tên línhtrước cửa có thêm hai tên lính nữa giữ ngục.  Sự cẩn trọng này có lẽ bởi vì trước đây các quan chức đã gặp rắc rối với Phi-e-rơ (5:22-24).

Thiên sứ của Chúa đếncó ánh sáng soi trong ngục, nhưng ánh sáng này không đủ để đánh thức vị sứ đồ đang ngủ, vì vậy thiên sứ đập vào sườn Phi-e-rơ và cuối cùng đã đánh thức được ông.  Tuy nhiên, dù bị đập dậy, được tháo xiềng và nịt lưng mang dép vào nhưng Phi-e-rơ chẳng biết những điều này là thật, nhưng tưởng mình thấy sự hiện thấy.  Chỉ đến khi thiên sứ rời khỏi, nhận ra rằng mình đã được giải cứu và đang ở trên đường Giê-ru-sa-lem thì ông mới hay rằng mình thật đang tỉnh táo.

12-17  Nhưng ngay cả khi Phi-e-rơ tin điều này là thật, ông cũng khó thuyết phục nổi bất kỳ người nào khác! Ông đi đến nhà Ma-ri, là người được nhận diện bằng cách đề cập đến con trai bà có lẽ người con trai này mà về sau trong câu chuyện này cũng như trong Hội Thánh đầu tiên có một vai trò quan trọng (cũng xem 12:25; 13:5, 13; 15:36-40 ông là anh em họ của Ba-na-ba; Cô-lô-se 4:10).  Đó là Giăng Mác mà thường được xem là tác giả của sách Phúc Âm Mác.  Rô-đơ, người tôi tớ nghe gõ cửa, nhận biết tiếng Phi-e-rơ nhưng mừng rỡ lắm, đến nỗi chẳng mở cửa, nhưng chạy trở vào.  Điều mỉa mai của tình huống này thật là thú vị.  Nhiều người đang nhóm lại cầu nguyện, và hoàn toàn có thể nói rằng một trong những vấn đề mà họ đang cầu nguyện cho cảnh ngộ của Phi-e-rơ (câu 5), thế nhưng ông vẫn cứ bị để đứng ngoài đường trong khi những người nhóm họp bảo Rô-đơ rằng cô ta bị sảng hoặc là đã thấy thần linh hoặc thiên sứ của ông (người ta tin rằng thần linh hoặc thiên sứ của một người có thể đi lang thang đây đó và có thể bị hiểu nhầm là người ấy, xem Ma-thi-ơ 14:26 để thấy một trường hợp khác khi người ta thấy một người trong một tình huống khác thường mà tưởng là thần linh, xem Ma-thi-ơ 18:10 và Hê-bơ-rơ 1:14 về ý tưởng “thiên sứ”).

Cuối cùng, khi họ để cho Phi-e-rơ vào, ông yêu cầu họ cho Gia-cơ và anh em biết điều này.  Gia-cơ anh em của Chúa Giê-xu đang ở vị trí lãnh đạo Hội Thánh (15:13; cũng xem 21:18).  Người bước ra sang nơi khác, có lẽ là Phi-e-rơ đi ẩn mình.  Tại lúc này, Phi-e-rơ không trở lại để giảng một cách mạnh mẽ như ông đã làm sau khi được giải thoát bằng phép lạ trong 5:21.  Ông không được chỉ thị làm như thế trong giai đoạn này, và tình hình Giê-ru-sa-lem lúc này là rất khác.

18-19  Hê-rốt đã không quá độc ác khi ông cho tra hỏi bọn lính và truyền lịnh dẫn chúng nó đi giết.  Việc các quân lính để tù chạy trốn phải chịu hình phạt đúng mức với trách nhiệm của mình không phải là điều bất thường (xem 16:27; 27:42) và Hê-rốt hẳn đã không vừa lòng chút nào để mất một cơ hội làm gia tăng sự ưa chuộng của quần chúng đối với mình (12:3-4).

19b-23  Câu chuyện về cái chết của Hê-rốt Ạc-ríp-ba dường như chỉ liên hệ gián tiếp đến mối quan tâm chính của tác giả, đó là sự mở mang và phát triển của Hội Thánh.  Sự tương phản giữa hành động và thái độ của Hê-rốt với hành động và thái độ của các sứ đồ là rất nổi bật.  Lúc này, Hê-rốt được mô tả là đang chiến thắng: những người trước đây bất hoà với ông ta đã đến xin hòa và ông ta xuất hiện mặc áo chầungồi trên ngai truyền phán giữa công chúng và được dân chúng nghe một cách nhiệt tình.  Sự hoan hô của họ, ấy là tiếng của một thần, chẳng phải tiếng người ta đâu, tương phản với tiếng hoan hô dành cho các sứ đồ, những người luôn luôn nhanh chóng xác nhận rằng họ chỉ là người (3:12; 10:26; 14:15) rao giảng Lời của Đức Chúa Trời.

Chi tiết về cái chết của Hê-rốt được Josephus ghi lại hơi khác một chút, nhưng sự miêu tả là có tính chất bổ sung.  Việc Lu-ca đề cập thiên sứ của Chúa không nhất thiết có nghĩa là một cái chết siêu nhiên nhanh chóng và rõ ràng, mà là Đức Chúa Trời có trách nhiệm tối hậu về những gì trông có vẻ như là một cái chết tự nhiên.  Việc Lu-ca mô tả Hê-rốt là bị trùng đục có lẽ liên quan trực tiếp đến những cơn đau ở bụng mà câu chuyện của Josephus đề cập đến.

24-25  Tương phản với Hê-rốt, được người ta hoan hô là có “tiếng của một vị thần”, thì đạo thật của Đức Chúa Trời... càng ngày càng thêm ra.  Ba-na-ba, Sau-lơ và Giăng Mác (xem 12:12-17) từ Giê-ru-sa-lem trở về An-ti-ốt.

13:1-20:38  Sự truyền giáo có sắp đặt kỹ lưỡng cho người ngoại quốc

13:1-14:28  Hành trình truyền giáo lần thứ nhất

13:1-3  Sự uỷ thác.  Cho đến lúc này trong sách Công Vụ, mỗi khi Hội Thánh uỷ nhiệm cho một người trong một sứ mạng, thì dường như sứ mạng ấy không phải để truyền giáo mà là để kiểm tra xem xét việc truyền giáo (8:14; 11:22).  Bản thân việc truyền giáo cũng dường như đã diễn ra một cách tự phát, thường thường là trong nhà hội địa phương, hoặc trong những hoàn cảnh cụ thể nào đó theo sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh (qua việc “tan lạc” như trong 8:4-5 hoặc trực tiếp từ sứ giả thiên thượng như trong 8:26).  1  Thậm chí lúc bấy giờ, thì đó cũng không phải là một trường hợp mà Hội Thánh có thừa thãi các nhà tiên trigiáo sư để gởi một số đi ra để làm công tác truyền giáo.  2  Trái lại, Hội Thánh đã được kêu gọi bởi Đức Thánh Linh, đã thừa nhận và xác nhận yêu cầu của Đức Chúa Trời trước đó trên Ba-na-ba và Sau-lơ: Hãy để riêng Ba-na-ba và Sau-lơ đặng làm công việc ta đã gọi làm.  Không phải Hội Thánh chủ động làm việc đó, mà là Đức Chúa Trời.  3  Ở đây sự thừa nhận của cộng đồng các tín hữu về mối thông công và mục đích trong Đức Thánh Linh được bày tỏ bằng việc hội chúng đặt tay trên các vị sứ đồ.

13:4-12  Ba-na-ba và Sau-lơ tại Chíp-rơ.  4  Đảo Chíp-rơ nằm ở “góc” Đông Bắc của Địa Trung Hải và trước đó đã được truyền giáo rồi (11:19-20).  Vì vậy một phần của hành trình lần này có thể đã được dự định như là một chuyến viếng thăm tiếp theo (xem 8:14; 11:22; cũng xem 15:36 và 18:23).  5  Giảng đạo Đức Chúa Trời trong các nhà hội của người Giu-đa có lẽ nên hiểu trong giai đoạn này trong sách, là công tác truyền giáo cho những người Do Thái chưa tiếp nhận Chúa Giê-xu.  Mô hình truyền giáo của Phao-lô là bắt đầu với người Do Thái, nhưng chuyển sang người ngoại quốc trong mỗi cộng đồng (xem 13:46).  Ba-na-ba gốc người Chíp-rơ (4:36) và Giăng Mác, anh em họ của ông (xem trong 12:12-17) đồng đi với họ.

Sa-la-min là thành phố càng ở phía Đông, là nơi họ đổ bộ, và thời gian lưu hành trên đảo này có vẻ như không xảy ra chuyện gì đáng chú ý cho đến khi họ đi đến đầu bên kia, tại Ba-phô.  Tên gọi Ba-Giê-xu (“con của Giê-xu hoặc Giô-suê”) không có liên hệ gì đến Giê-xu người Na-xa-rét, Giê-xu thời bấy giờ là một cái tên quen thuộc.  Những chữ người Giu-đa kia, là tay thuật sĩ (6) có vẻ như là tương phản về mặt chữ nghĩa bởi luật pháp Do Thái không cho phép bói khoa và phép thuật, nhưng Ba-Giê-xu không phải là một người Do Thái vâng giữ luật pháp mà là một tiên tri giả, một người bày tỏ chính mình, có lẽ cùng một kiểu với Sceva.  Dường như cả hai sử dụng danh hiệu “thầy cả thượng phẩm” mà không có uỷ nhiệm thư xác nhận quyền kiểm soát của họ trên các hữu thể ma thuật thuộc linh (xem 19:13-14; cũng xem chuyện của Phi-líp và Phi-e-rơ với Si-môn làm nghề phù phép người Sa-ma-ri, 8:9-24).  7  Giống như hoạn quan Ê-thi-ô-bi (chương 8) và đội trưởng Cọt-nây (chương 10), hình như quan trấn thủ Sê-giút Phau-lút có tôn trọng và ít nhiều có liên hệ với Do Thái giáo bằng một hình thức nào đó, vì ông sử dụng một người Do Thái (dù là người Do Thái dị giáo) làm cố vấn cho mình, và bày tỏ mối quan tâm đến Ba-na-ba và Sau-lơ.  Quan trấn thủ là một thống đốc của một tỉnh thuộc cấp viện nguyên tắc như tỉnh Chíp-rơ, được người La Mã chỉ định.

8  Ba-Giê-xu cũng tự dùng tên Xê-mít cho mình là Ê-ly-ma, Lu-ca cho biết rằng từ này có nghĩa là thuật sĩ.  Khi Sê-giút Phau-lút lắng nghe lời Đức Chúa Trời, thì Ê-ly-ma dùng ảnh hưởng của mình để chống lại và ráng sức tìm phương làm cho quan trấn thủ không tin.  9  Kể từ đây, sách dùng tên “Phao-lô”, còn tên “Sau-lơ” thì không được sử dụng nữa trừ khi kể lại sự việc diễn ra trên con đường Đa-mách trong chương 22 và 26.  Việc đổi từ tên gọi bằng tiếng Hi Bá Lai sang tên gọi bằng tiếng Hi Lạp có lẽ phản ánh sự kiện rằng môi trường công tác của Phao-lô tập trung chủ yếu hơn giữa vòng những người ngoại quốc tại các lãnh thổ ngoại quốc.  Trong cuộc tranh luận trước Sê-giút Phau-lút, Đức Chúa Trời đã can thiệp và Đức Thánh Linh cảm động Phao-lô công bố sự trừng phạt của Đức Chúa Trời chứ không phải là “khiến… xuống”,  tay Chúa giá trên ngươi, ngươi sẽ bị mù... trong ít lâu.  Dĩ nhiên, hình thức trừng phạt này tương tự một cách nổi bật với kinh nghiệm của chính Phao-lô khi ông cũng đã cần tìm kẻ để dắt mình.  Những gì Chúa Giê-xu đã làm với Phao-lô Ngài sẽ tiếp tục làm qua Phao-lô.  12  Quan trấn thủ đã chuyển từ quan tâm đến tin vào đạo Chúa như là kết quả của việc chứng kiến sự trừng phạt.

13:13-52  Phao-lô và Ba-na-ba tại thành An-ti-ốt xứ Bi-si-đi.  Phần này của chương 13 lần đầu tiên ghi lại bài giảng của sứ đồ Phao-lô (xem 2:14 về cách sử dụng các bài giảng trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ).  Tuy nhiên, đây không phải là bài giảng đầu tiên mà Phao-lô đã giảng ra.  Lý do khiến tác giả nêu ra một bảng tóm tắt nội dung chứ không phải đơn thuần ghi lại toàn bộ những câu nói của bài giảng như trong 9:20-21 cho chúng ta thấy rất nhiều kinh nghiệm truyền giáo sau này của Phao-lô.  Khi đến với một cộng đồng, các Cơ Đốc nhân trước hết giảng trong nhà hội, và chỉ sau khi rắc rối xảy ra tại đó thì họ mới bắt đầu công tác giữa vòng người ngoại quốc (xem 14:1-6; 18:4-17; 19:8-9) cho đến khi sự chống đối (thường thường, nhưng không chỉ riêng từ người Do Thái) buộc họ phải hoàn toàn rời khỏi đó.

13  Người kể chuyện ở đây đề cập đến những người cùng đi là Phao-lô với đồng bạn mình trong khi trước đó, thậm chí trong thông điệp sai đến Hội Thánh An-ti-ốt của Đức Thánh Linh (13:2), dường như Ba-na-ba được coi như là trưởng nhóm còn Phao-lô là người cùng đi.  Việc Giăng lìa hai người được ghi lại ở đây một cách rất đơn giản, là để dẫn đến sự bất đồng sau này (15:36-41).  Việc hai bên giảng hoà lại được ghi rõ trong Cô-lô-se 4:10-11 và IITi-mô-thê 4:11 cả hai được viết sau khi những sự việc này được ghi lại.

14  Một trong các thành phố cổ có tên là An-ti-ốt, An-ti-ốt xứ Bi-xi-đi được gọi như thế là bởi vì nó nằm gần xứ Bi-xi-đi hơn thành An-ti-ốt trong xứ Ga-la-ti.  15  Việc chủ nhà hội mời một ra-bi đến giảng là điều hoàn toàn tự nhiên.  Tuy nhiên, người ta sẽ cảm thấy rất tiếc cho những người chủ coi nhà hội này là người không rõ điều gì sẽ xảy ra do lời đề nghị không hề ngờ vực của họ.

Bản thân bài giảng có thể được hiểu như là xoay quanh những luận điểm về sự thay thế con người và sự lựa chọn.  Nó cũng thường được nghĩ là đã được giảng ra căn cứ trên đoạn văn IISa-mu-ên 7:6-16 mặc dù ngữ cảnh không yêu cầu.

16-25  Bài giảng không những chỉ dành cho người Do Thái mà còn cho những người ngoại quốc thờ phượng Đức Chúa Trời (các người kính sợ Đức Chúa Trời), là những người rõ ràng cũng có mặt trong buổi nhóm tại nhà hội (xem 10:1-8 để rõ về khái niệm “người kính sợ Đức Chúa Trời”).  Phần đầu và là phần dài nhất của bài giảng nhắc lại những sự kiện đưa đến sự ra đời của Đấng Mết-si-a.  Đoạn đầu liên quan đến việc Đức Chúa Trời chọn lựa dân Y-sơ-ra-ên và việc dân được chọn của Đức Chúa Trời thay thế các dân trong xứ Ca-na-an (ngay cả dù họ hưởng được nó không phải bằng cách ăn nết ở mà Đức Chúa Trời chịu đựng).  Phần thứ hai là việc Sau-lơ thay thế bởi Đa-vít, nhà vua được chọn của Đức Chúa Trời.  Phần thứ ba, về bối cảnh đương thời, là về Giăng Báp-tít, được giới thiệu có đề cập đến Chúa Giê-xu.  Bạn đọc thời nay có thể không nhận thấy sự kiện cách mạng khi Giăng đã giảng dạy phép báp-tem về sự ăn năn cho cả dân Y-sơ-ra-ên.  Ăn năn là một việc, nhưng người Do Thái thời của ông ắt hẳn đã xem phép báp-tem là một phần của việc gia nhập Do Thái giáo – bài giảng hàm ý rằng những người tự coi mình đã là người Do Thái cũng đang đứng trước nhu cầu phải “trở lại đạo”.  Vì vậy, “tuyển dân” nay phải tự mình chọn nếu không có lẽ sẽ bị thay thế.  Giăng được người Do Thái tôn kính, và tên tuổi của ông được biết đến rộng rãi (xem Lu-ca 20:5-7 trong đó người Pha-ri-si không sợ phải chống đối Chúa Giê-xu nhưng lại tránh né không phát biểu một lời nào chống lại Giăng, và Công Vụ 19:1-7 nơi mà Phao-lô tình cờ gặp các môn đồ của Giăng tại Ê-phê-sô, rất xa xứ Palestine).  Vì lý do này, những lời giảng của Giăng về việc bị “thay thế” đấng lớn hơn mang một ý nghĩa lớn lao.  Rất có khả năng rằng những người đang nghe Phao-lô giảng biết về Giăng nhiều hơn biết về Chúa Giê-xu.

26-31  Sau khi đã lướt qua lịch sử, Phao-lô nhấn mạnh rằng lời rao truyền này đã phán cho chúng ta.  Sự thất bại rõ ràng của Chúa Giê-xu tại Giê-ru-sa-lem được đối diện một cách thẳng thắn, và sự đảo ngược làm nên nét đặc trưng trong các bài giảng của Phi-e-rơ (xem 2:23-24; 3:15; 4:10-11) cũng xuất hiện tại đây.  Vâng, Phao-lô nói quyết định của con người về Chúa Giê-xu là một chuyện, còn quyết định của Đức Chúa Trời về Ngài là một chuyện khác.  Kẻ thù của Ngài đã hành hình Ngài, Đức Chúa Trời đã làm cho Ngài từ kẻ chết sống lại.

32-37  Đây là Tin LànhTin Lành ấy có liên quan đến các lời hứa đã dành cho Đa-vít.  Như trong bài giảng của Phi-e-rơ trong 2:25-32 lập luận ở đây xoay quanh lời hứa trong Thi Thiên 16:10 mà Đức Chúa Trời không để cho người thánh của Ngài hư nát.  Thật sự là Đa-vít có “hư nát”, điều này có nghĩa là ông đang nói trong Thi Thiên về một người nào khác không bị sự chết đánh bại.  Nhưng dù cho Phi-e-rơ có sử dụng một lập luận tương tự (mà có thể đã được sử dụng cách rộng rãi bởi những nhà truyền giáo đầu tiên) thì sự khác biệt trong phong cách lập luận là điều nổi bật.  Ở đây Phao-lô thể hiện tính cách của một người được huấn luyện theo kiểu ra-bi bằng việc sử dụng một loạt những câu trích dẫn, đồng thời bằng sự đa dạng trong suốt bài giảng.  Một lần nữa, luận đề là sự thay thế: lời hứa của Đa-vít được hoàn thành chỉ trong Chúa Giê-xu.

38-41  Tất cả những điều này có thể là tin mừng đối với người nghe (vì vậy Phao-lô nói với người nghe: Vậy, hỡi anh em, khá biết rằng nhờ Đấng đó mà sự tha tội được rao truyền cho anh em) nhưng đó cũng là một cơ hội cho một lời cảnh cáo nghiêm khắc: hãy giữ lấy cho khỏi mắc điều đã chép trong sách tiên tri (bản NIV dịch là hãy cẩn thận kẻo những điều các Đấng tiên tri đã nói không xảy ra với các ngươi).  Luận đề về sự chọn lựa và thay thế vì vậy đưa đến yêu cầu rõ ràng đối với người nghe phải chọn Chúa Giê-xu để tránh bị mất đi tư cách là dân sự của Đức Chúa Trời.  Điều này dễ dàng được “người ngoại quốc thờ phượng Đức Chúa Trời” và những người tìm kiếm con đường đến với lời hứa của Đức Chúa Trời và cộng đồng của Ngài xem là tin mừng, hơn là những người sinh ra đã là người Do Thái và nay thấy mình bị đe dọa phải bị loại trừ không nhận được điều mà họ luôn luôn xem là mình được ban cho và có quyền nhận lãnh.  Lời cảnh cáo được trích dẫn từ bản Kinh Thánh tiếng Hi Lạp của câu Kinh Thánh trong Ha-ba-cúc 1:5, chữ “scoffers” thay thế những chữ “trong các nước” trong bản văn tiếng Hi Bá Lai.  Dù người ta có sử dụng bản dịch nào đi nữa, thì có lẽ không có sự trùng khớp ngẫu nhiên rằng bản văn tiên tri này liên quan không chỉ đến sự đoán phạt tuyển dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời mà còn đến cách thức Đức Chúa Trời có thể làm và sẽ làm qua người ngoại quốc.

42  Dù giọng điệu của Phao-lô vào cuối bài giảng là rất gay gắt, nhưng phản ứng của người nghe là vô cùng thuận lợi: Chúng xin đến ngày Sa-bát sau cũng giảng luận các lời đó... có nhiều người Giu-đa và người mới theo đạo Giu-đa đi theo Phao-lô và Ba-na-ba.  Các sứ đồ khuyên họ cứ vững lòng.

Tuy nhiên, nếu như đây là phản ứng của dân chúng, thì phản ứng của các nhà lãnh đạo lại ít nồng nhiệt hơn.

45  Như tại Giê-ru-sa-lem những người Giu-đa (bằng cách dùng từ này, Lu-ca muốn nói đến những người có nhiều ảnh hưởng trong cộng đồng người Do Thái, xét câu 43 trên đây) đầy lòng ghen ghét khi thấy đám đông mà Phao-lô và Ba-na-ba đang thu hút.

Những lời lăng mạ và sự chống đối của họ được đáp lại (46-48) theo trình tự mà bài giảng nêu ra: sự chọn lựa của những người này dẫn đến việc họ bị tước mất tư cách là dân sự của Đức Chúa Trời: vì các ngươi đã từ chối, nên... chúng ta mới xây qua người ngoại, là những người vui lòng nhận.  Việc “xây qua” này thực hiện đối với nhóm người cụ thể này chứ không phải với toàn bộ chủng tộc Do Thái.  Trong 14:1 (như trong từng thành phố sau này) Phao-lô trước hết đến cùng người Do Thái trong cộng đồng ấy nếu họ có nhà hội (xem 9:20-25; 13:5, 14; 14:1; 17:1-2, 10; 17:17; 18:4, 19; 19:8).  Câu của Lu-ca những kẻ đã được định sẵn cho sự sống đời đời, đều tin theo là để khôi phục lại thế cân bằng.  Vì không phải bởi sự lựa chọn của một người mà họ được cứu, nhưng luôn luôn bởi tình yêu và sự nhơn từ của Đức Chúa Trời.  Với tất cả các đoạn sách bàn đến sự trở lại đạo của người ngoại quốc, Lu-ca cố gắng tỏ ra rằng những gì xảy ra là do bởi tay Đức Chúa Trời và được sự cho phép của Ngài.  Việc người ngoại quốc chấp nhận Đấng Mết-si-a của người Do Thái có khi là một sự ngạc nhiên và có khi là một sự gây bất bình đối với các tín hữu Cơ Đốc đầu tiên, nhưng đó không phải là sự ngạc nhiên đối với Đức Chúa Trời, Ngài đã luôn luôn hoạch định điều đó theo cách này, như được thể hiện trong lời trích trong câu 47.

49  Đạo Chúa tràn ra khắp trong xứ đó có lẽ cũng nên xem là một phần của chiến dịch truyền giáo của Phao-lô.  Dường như ông đã thực hiện công tác của mình chủ yếu tại những khu vực đô thị và để cho người địa phương đem sứ điệp đến cho các thành phố và làng mạc xung quanh (có lẽ vì địa điểm của các nhà hội, có lẽ một phần bởi vì những trở ngại về ngôn ngữ, xem 14:11, 18).  50  Một lần nữa, dù rằng có rất nhiều người Do Thái đã theo các sứ đồ, còn những kẻ chống đối được gọi một cách đơn giản là “người Do Thái”, gợi ý rằng đây là những người có ảnh hưởng, mà trong một nghĩa nào đó là những người “nói thay mặt cộng đồng”.  Những người này sử dụng tất cả ảnh hưởng của họ tại những nơi cao để khuấy lên sự bắt bớ nghịch cùng hai người và cuối cùng đuổi họ đi.  Một ví dụ về một người đàn bà sang trọng là Đơ-ru-si, người Do Thái, vợ của tổng đốc Phê-lít người La Mã (24:24).  51  phủi bụi nơi chân mình là một cách nhục mạ.  Trong nghĩa mạnh nhất, nó ám chỉ rằng những người họ để lại đằng sau là “bẩn thỉu” theo một cách nào đó, nhưng không mạnh bằng câu nói người ta dùng ngày nay “Thật là thoát nợ!”  52  Sự khước từ này không làm ảnh hưởng đến tinh thần của họ cũng không ảnh hưởng đến Đức Thánh Linh, họ vẫn tiếp tục đầy dẫy sự vui vẻ và Đức Thánh Linh vậy.

14:1-7  Phao-lô và Ba-na-ba tại thành Y-cô-ni.  Phương thức truyền giáo diễn ra tại thành An-ti-ốt xứ Bi-xi-đi trên đây được lập lại tại thành Y-cô-ni, và Lu-ca chỉ kể lại dưới hình thức tóm tắt (cũng xem 17:1-11; 18:4-17; 19:8-10; 28:17-32).  1  Dù chỉ đọc 13:46, rõ ràng là Phao-lô và Ba-na-ba không xây lưng khỏi tất cả những người Do Thái để trực tiếp đi đến người ngoại quốc nhưng họ để cho mỗi Hội Thánh địa phương Do Thái quyết định trước khi đi đến với người ngoại quốc tại đó.  Vì vậy các sứ đồ cùng vào nhà hội của người Giu-đa.  Phao-lô và Ba-na-ba giảng Phúc Âm, và giảng một cách có kết quả lớn lao, nhưng bài giảng của họ không được ghi lại.  3  Thêm một lần nữa, những người Do Thái không tin nổi lên chống đối (xem 13:50).  Những phép lạ dấu kyø xác nhận sứ điệp của họ với người dân tại thành Y-cô-ni, nhưng cư dân tại đó chia rẽ nhau vì các sứ đồ (ở đây và trong câu 14 là hai nơi duy nhất Lu-ca sử dụng một cách rõ ràng thuật ngữ “sứ đồ” cho Phao-lô hoặc Ba-na-ba), và cuối cùng Phao-lô và Ba-na-ba bị buộc phải trốn sang thành Lít-trơ và thành Đẹt-bơ.

14:8-20a  Phao-lô và Ba-na-ba tại thành Lít-trơ.  Câu chuyện đáng chú ý này là một trong hai câu chuyện cho thấy các sứ đồ xử trí với đám cử tọa ngoại quốc thờ thần tượng như thế nào (ở đây với dân làng bình dân giản dị, và trong 17:16-34 với người A-thên khôn ngoan học thức), và có lẽ điều có ý nghĩa là trong cả hai trường hợp, Phúc Âm lúc đầu bị hiểu sai.  Chúng ta có thể đoán từ câu 8-11 rằng bài giảng ban đầu của Phao-lô (không được ghi lại chi tiết) được giảng ra ở ngoài trời, có lẽ gần cổng thành (câu 13).  Căn cứ điều này và từ sự kiện rằng sự chống đối của người Do Thái là từ thành An-ti-ốt và thành Y-cô-ni chứ không phải từ người địa phương, chúng ta có thể đoán thêm rằng không có nhà hội để mà các sứ đồ có thể bắt đầu giảng dạy.

8-10  Tại thành Lít-trơ có một người què từ lúc mới sanh.  Sự nghiêm trọng của nỗi khổ của anh ta, việc vị sứ đồ chăm mắt trên người và cách mà anh ta nhảy có lẽ được sắp đặt để nhắc người đọc nhớ lại cách mà Phi-e-rơ và Giăng chữa lành người bại tại thành Giê-ru-sa-lem (3:4-8).  Tuy nhiên, trong câu chuyện này, chúng ta được bảo rằng khi vị sứ đồ nhìn chăm người đàn ông, ông có thể nói rằng anh ta có đức tin để chữa lành được.

11-13  Việc giảng, và đặc biệt là việc chữa lành, đã gây ấn tượng trên đám đông, nhưng họ đã hiểu sai và lầm tưởng các môn đồ là những vị thần.  Có một câu chuyện cổ kể về hai vị thần tương tự viếng thăm một thành trong xứ.  Họ không được chấp nhận và được tiếp đón một cách lạnh nhạt.  Trong cơn giận dữ, họ huỷ diệt thành phố thiếu lòng hiếu khách đó.  Với câu chuyện dân gian đang lưu truyền trong miền như thế, cũng không phải ngạc nhiên mấy khhi với phản ứng của đám đông khi họ đem bò đực và tràng hoa đến và muốn dâng lên cho Phao-lô và Ba-na-ba một của tế lễ sau khi xảy ra một sự chữa lành đơn giản.  Truyền thuyết còn giúp giải thích tại sao họ xem những vị khách là những vị thần cụ thể đó chớ không phải là một thần chữa bệnh nào đó, như có thể đã được mong đợi từ chính sự kiện chữa lành này.  Đám đông, khi đã phấn khích, đã nói bằng tiếng Li-cao-ni bản xứ.  Trở ngại về ngôn ngữ có thể giải thích một phần lý do tại sao dân chúng lại dễ dàng hiểu sai sứ điệp của các sứ đồ đến thế và tại sao các sứ đồ gặp nhiều khó khăn đến thế để can ngăn việc dâng tế lễ (câu 18).

14  Những khó khăn về mặt ngôn ngữ cũng có thể là lý do khiến Ba-na-ba và Phao-lô chậm hiểu những gì đang diễn ra.  Khi hiểu ra họ bèn xé áo mình, một hành động mà xuyên suốt thế giới cổ được hiểu là thái độ đau buồn hay tự sỉ nhục.  15  Họ kêu lên phản đối chúng ta chỉ là loài người, giống như các ngươi (xem 3:12).  Đức Chúa Trời hằng sống, là Đấng dựng nên trời, đất, biển và muôn vật trong đó cũng là cách Phao-lô mô tả và dùng lý lẽ để nói về Đức Chúa Trời chi tiết hơn tại thành A-thên (17:16-34) nơi mà việc Ngài để cho mọi dân theo đường riêng mình được mô tả là “thời kỳ ám muội”.

19-20a  Một nhóm mấy người Giu-đa từ thành An-ti-ốt và thành Y-cô-ni sách động đám đông chống lại Phao-lô và Ba-na-ba.  Không khó để mà tưởng tượng đám đông vỡ mộng đang bối rối bởi sự ngu muội của mình và chuyển sang chống lại các sứ đồ vô tội.  Việc họ tưởng Phao-lô đã chết dĩ nhiên không có nghĩa là Phao-lô bị chết thật.  Nếu đây là một sự sống lại, thì chúng ta có thể chắc Lu-ca đã viết thêm về nó (xem 9:40-43; cũng xem 20:9-12).

14:20b-28  Phao-lô và Ba-na-ba đến thành Đẹt-bơ và thực hiện chuyến du hành ngược trở lại thành An-ti-ốt. 

20b-21  Công tác truyền giáo tại thành Đẹt-bơ được kể lại thậm chí còn ngắn gọn hơn câu chuyện tại thành Y-cô-ni, mặc dù Phao-lô và Ba-na-ba đã làm cho khá nhiều người trở nên môn đồ.  Việc thực hiện những chuyến thăm viếng ngắn trở lại những nơi mà trước đó họ đã bị trục xuất không phải là không thể làm được đối với họ, nhưng không nghi ngờ gì nữa, sự phản đối này là một phần trong suy nghĩ của họ khi nói chúng ta phải trải qua nhiều nỗi khó khăn mới vào được nước Đức Chúa Trời (Phao-lô cũng cảnh cáo tương tự trong những bức thư của mình, xem IITê-sa-lô-ni-ca 1:5).  Tại mỗi Hội Thánh mà họ trở lại viếng thăm, Phao-lô và Ba-na-ba khiến lựa chọn những trưởng lão (xem ITi-mô-thê 3:1-13 và Tít 1:5-9 để biết các phẩm chất mà họ tìm kiếm) và cầu nguyện và kiêng ăn để giao nhiệm vụ cho họ, cũng như chính các vị đã được Hội Thánh tại An-ti-ốt biệt riêng ra để làm nhiệm vụ (13:1-3).

26-28  Sau khi đã trở lại thành An-ti-ốt xứ Si-ri, thì việc họ hồi tưởng sự ra đi của mình và việc tuyên bố công việc đã được làm xong cho thấy một sự hoàn thành thực sự.  Hai người nhóm họp Hội Thánh lại để thuật lại mọi việc Đức Chúa Trời đã cậy mình làm, kể cả việc Ngài mở cửa đức tin cho người ngoại là thể nào.

15:1-16:5  Hội nghị Giê-ru-sa-lem và vấn đề người ngoại được giải quyết

Một lần nữa, tình tiết quan trọng này cho thấy Lu-ca sẵn sàng không những ghi lại thành công của Hội Thánh mà còn ghi lại cả những tranh đấu và xung đột của nó nữa.  Thật vậy, chính thành công của sứ mạng truyền giáo giữa vòng người ngoại quốc đã dẫn đến cuộc khủng hoảng được bàn đến ở đây.  1  Những người từ xứ Giu-đê đến An-ti-ốt và sự khác ý và cuộc cãi lẽ dữ dội rất có thể cũng giống như cuộc cãi lẽ được đề cập ở Ga-la-ti 2:12 (xem chú thích dưới đây).

2-6  Bạn đọc ngày nay chỉ có thể tán đồng một cách hết sức khó khăn thể nào lập luận: Nếu các ngươi chẳng chịu phép cắt bì theo lễ Môi-se, thì không được cứu rỗi là có tính chất bắt buộc đối với các tín hữu Cơ Đốc đầu tiên.  Nhiều thế kỷ đọc những cách giải thích của các tác giả Tân Ước đã làm cùn đi sự dữ dội của vấn đề này đối với chúng ta.  Đây là những người tin rằng Đức Chúa Trời của Kinh Thánh (lẽ dĩ nhiên chưa có Tân Ước) cũng là Đức Chúa Trời sai Chúa Giê-xu đến.  Chúa Giê-xu là Đấng Mết-si-a của người Do Thái, là câu trả lời cho các vấn đề Do Thái, là sự hoàn thành luật pháp và lời tiên tri Do Thái, là Đấng được sai đến bởi cùng một Đức Chúa Trời ban luật pháp và lời tiên tri.  Làm thế nào một người có thể tuyên bố là nhận Chúa Giê-xu và Cha là Đấng sai Ngài đến, trong khi lại từ chối không chịu nghe những điều khác mà Đức Chúa Trời đã phán và dạy phải làm? Ắt hẳn đối với các Cơ Đốc nhân người Do Thái này, những người được chuẩn bị để chứng kiến “người ngoại nữa” (10:45; 11:18) cũng được trở thành một phần của dân được chọn, thì họ phải làm điều đó một cách đầy đủ để trở thành người Do Thái trước khi nghĩ mình có thể trở thành những tín hữu người Do Thái trọn vẹn.  Ngay cả Phao-lô khi viết thư gởi cho người Rô-ma ít lâu sau cuộc tranh cãi cũng đã viết về người ngoại quốc là “người Do Thái danh dự” được ghép vào Do Thái giáo (Rô-ma 11:17-21).  Thế nhưng, cơn thuỷ triều rõ ràng là đang thay đổi, vì khi Phao-lô và Ba-na-ba kể cho mọi người nghe trong những cuộc hành trình của họ sự người ngoại trở về đạo, và như vậy làm cho anh em thay thảy được vui mừng lắm thái độ này dường như lành mạnh hơn là thái độ mà Phi-e-rơ đối diện trong 11:1-3.

7  Cuộc bàn luận dài về vấn đề này đã diễn ra và Phi-e-rơ phát biểu cùng các sứ đồ và các trưởng lão, nhắc nhở họ về những kinh nghiệm của mình với Cọt-nây.  Chắc ông đã nhấn mạnh rằng những điều Phao-lô và Ba-na-ba đang làm thực sự không phải mới so với những gì Đức Chúa Trời khi ấy đã làm qua Phi-e-rơ: Đức Chúa Trời đã chọn tôi trong các anh em, để cho người ngoại được nghe Tin Lành bởi miệng tôi và tin theo.  8-9  Như trong chương 10 và 11, rõ ràng ít ra một phần lý do của việc ban Đức Thánh Linh một cách ngoạn mục bất thường cho Cọt-nây và người nhà của ông là để các tín hữu khác không nghi ngờ gì về việc Đức Chúa Trời xem họ bình đẳng với nhau: Ngài chẳng phân biệt chúng ta với người ngoại đâu và ban Đức Thánh Linh cho họ cũng như cho chúng ta.  10-11  Tương tự, Phi-e-rơ nói nhờ ơn Đức Chúa Giê-xu, chúng ta được cứu cũng như người ngoại vậy chứ không phải bởi nhận mang ách vâng giữ luật pháp.  Phần lập luận này của Phi-e-rơ nghe rất giống với những điều Phao-lô viết trong những bức thư của ông mà giúp chúng ta có căn cứ để tự hỏi có phải nó phản ánh một sự khiển trách mà ông đã nhận được và chấp nhận (Ga-la-ti 2:11-21).

12  Chỉ sau khi Phi-e-rơ phát biểu thì chính các nhà truyền giáo ở thành An-ti-ốt mới thuật lại kinh nghiệm của họ giữa người ngoại.  Một lần nữa tên của Ba-na-ba được đề cập trước.  Chính ông là người đầu tiên giới thiệu Phao-lô với các tín hữu tại Giê-ru-sa-lem (9:26-27).

13-21  Lời đáp lại của Gia-cơ hình như gợi ý rằng ông đang ở một vị trí có quyền hạn, mặc dù Lu-ca không nêu rõ chi tiết (xem 12:17 và 21:18).  Điều lý thú là trước một vấn đề quan trọng như thế mà Hội Thánh đã hành động bằng cách tổ chức một cuộc hội nghị và quyết định chứ không cố tìm hiểu ý chỉ của Đức Chúa Trời bằng cách rút thăm (như trong chương 1) hoặc bằng cách trực tiếp sử dụng các tiên tri mà có thể đoán là đang hiện diện và hiển nhiên là được tôn trọng (15:22, 32).  Lời các đấng tiên tri là sự diễn đạt lại theo ý của Giê-rê-mi 12:15; A-mốt 9:11-12; Ê-sai 45:21.  Quyết định của Gia-cơ là họ chẳng nên khuấy rối những người ngoại chính là nhờ ân điển mà họ được cứu, và Đức Chúa Trời không đặt ra giới hạn nào thêm nữa.  Tuy nhiên, Gia-cơ muốn người ngoại tuân giữ một số bước thực tế.  Lý do mà Gia-cơ đưa ra lời khuyên này là luật pháp Do Thái về cách ăn ở là phổ biến đến nỗi các tín hữu Do Thái (mà có lẽ ngay cả những người ngoại quốc kính sợ Đức Chúa Trời) chắc hẳn đã mong một sự nhượng bộ đối với những gì họ tin là những ưu tiên của Đức Chúa Trời về các vấn đề này.

22-29  Bức thư được gởi đến An-ti-ốt trước, vì tại đó có sự chống đối đối với các việc làm của Phao-lô và Ba-na-ba.  Nó được gởi đến không chỉ bởi các nhà truyền giáo liên quan, mà còn bởi Giu-đa và Si-la, Si-la trở thành một nhà truyền giáo đồng hành với Phao-lô (câu 40, cũng xem ITê-sa-lô-ni-ca 1:1; IITê-sa-lô-ni-ca 1:1).  Những người này được sai đến để nói miệng, bởi vì lời viết, dù bền lâu hơn, nhưng vẫn thường được xem là yếu thế hơn “lời chứng sống”.  Những người làm chứng này chắc là đã hữu ích đặc biệt tại An-ti-ốt nếu những người chống đối trong Công Vụ 15:1 cũng là những người chống đối trong Ga-la-ti 2 và chắc họ đã tuyên bố mình có quyền hạn của Gia-cơ (xem chú thích bên dưới về mối quan hệ tình tiết này, với người Ga-la-ti).  Bức thư nêu rõ rằng những kẻ chống đối ban đầu đã đi ra mà chẳng lãnh mạng lịnh nào nơi chúng ta.

Chúng ta đã thấy trong những chương trước của sách Công Vụ Các Sứ Đồ rằng khi người Do Thái trở thành Cơ Đốc nhân, họ tuy vậy vẫn còn là người Do Thái và được gọi là các tín hữu người Do Thái.  Vấn đề ở đây là người ngoại quốc có cần chịu phép cắt bì và như thế cũng trở thành “tín hữu người Do Thái” hay không (15:1).  Câu trả lời của hội nghị rõ ràng là không cần.  Vì vậy bài phát biểu của Gia-cơ cũng như trong bức thư không đề cập rằng phép cắt bì là cần thiết.  Nhưng thắc mắc đầu tiên ấy dễ dàng có liên quan đến thắc mắc khác: Nếu phục vụ Đức Chúa Trời chân thật bao hàm ý thực hành luân lý đạo đức nào đó (như mọi người thời bấy giờ đều biết; 15:21) thì các tín hữu mới người ngoại quốc có thể bỏ qua những thứ này hay không? Câu trả lời mà hội nghị đưa ra vì thế có hai mặt: tín hữu người ngoại quốc không cần trở thành người Do Thái, nhưng họ không thể tiếp tục sống như những người ngoại điển hình nữa.

Đối với người đọc ngày nay, điều khó hiểu trong những gì Gia-cơ liệt kê không những chỉ là tại sao một số điều được nêu ra mà còn là tại sao những mệnh lệnh đạo đức quan trọng khác không được nêu ra.  Chẳng hạn, tín hữu người ngoại quốc chắc chắn là không nên không ăn cắp.  Chính cách ăn ở điển hình của người ngoại được thấy giải thích nội dung của những điều Gia-cơ liệt kê – tất cả mọi tín hữu phải ăn ở càng giống như những tôi tớ của một Đức Chúa Trời chân thật chứ không phải giống như những người dân ngoại bình thường thời bấy giờ.

Những điều thuộc về qui định văn hoá của người Do Thái là không cần thiết cho sự cứu rỗi đối với người ngoại quốc, nhưng việc tuân giữ chúng sẽ khiến dễ hơn nhiều cho các loại tín hữu để tham gia, thờ phượng và ăn uống với nhau.  Ngoài ra, điều này cũng sẽ giúp làm chứng cho người chưa tin rằng người ấy đã thay đổi và nay đang theo Đức Chúa Trời hằng sống.  Gia-cơ và hội đồng nói đi nói lại về gánh nặng đặt trên các tín hữu người ngoại quốc (15:19, 24, 28) nhưng đó là một gánh nặng không lớn.  Bức thư kết luận, ấy là mọi điều mà anh em khá kiêng giữ lấy vậy.  Phao-lô mở rộng vấn đề này trong ICô-rinh-tô, ông giải thích rằng trong khi mọi sự đều “có phép làm”, nhưng không phải mọi sự đều có ích (ICô-rinh-tô 10:23).

31  Quyết định này được đón nhận nồng nhiệt tại An-ti-ốt, cũng như chính Giu-đe và Si-la cũng được đón nhận nồng nhiệt vậy.  35  Sau một thời gian ở tại An-ti-ốt, Phao-lô và Ba-na-ba quyết định trở lại thăm những nơi mà lúc trước họ đã đến để xem những nơi ấy hoạt động như thế nào.  37-41  Tiếc thay, việc này đưa đến một sự bất đồng giữa những người bạn cũ Ba-na-ba và Phao-lô, sự cãi lẫy nhau dữ dội đến nổi họ phân rẽ nhau vì vấn đề ấy.  Nó liên quan đến Giăng cũng gọi là Mác là người mà Phao-lô xem là đã bỏ trốn (xem 13:13 và phần bên trên 12:5).  Lu-ca không tránh né ghi lại chi tiết này và không nói gì về sự giảng hòa mà chúng ta được biết trong các bức thư của Phao-lô được viết sau này, Cô-lô-se 4:10; IITi-mô-thê 4:11; Phi-lê-môn 24 cả ba bức thư cũng có đề cập đến Lu-ca trong vài câu! Si-la, người thỉnh thoảng được gọi là Sin-vanh, ra đi cùng Phao-lô (16:47; ITê-sa-lô-ni-ca 1:1; IITê-sa-lô-ni-ca 1:1).

16:1-5  Một người giúp đỡ khác của Phao-lô tham gia công tác lúc bấy giờ là Ti-mô-thê.  Vì là người đa chủng, Ti-mô-thê không được phép cắt bì lúc sơ sinh vì một lý do nào đó.  Nhưng người Do Thái xét tư cách Do Thái của một người qua dòng dõi mẹ chứ không phải dòng dõi cha, cho nên Ti-mô-thê trở nên được cắt bì để không phải bị xem là một người Do Thái chối bỏ giao ước của Đức Chúa Trời.  Nếu dòng dõi bố mẹ ông đảo ngược lại thì Ti-mô-thê ắt hẳn đã không được xem là một người Do Thái và sự việc có thể đã rất khác.  Đối với Phao-lô, phép cắt bì bản thân nó là một vấn đề vô thưởng vô phạt chừng nào người ta không bảo người ngoại quốc rằng sự cứu rỗi của họ phụ thuộc vào nó (xem Ga-la-ti 5:6; 6:15).  Sự nhất trí đạt được tại Giê-ru-sa-lem không phải là một sự nhất trí dễ dàng, và việc cãi lẽ có thể đã dễ dàng nổi lên lại.  Nói rằng người ngoại quốc không cần phải trở thành người Do Thái là một việc, nhưng nếu Phao-lô được xem là đang dạy người Do Thái không nên ăn ở xử sự giống như người Do Thái nữa, thì chắc đã xảy ra rắc rối rồi (xem chú thích dưới đây trong 21:20-25, nơi thấy rõ rằng dù Phao-lô đã thận trọng như thế, nhưng nhiều người Do Thái tin rằng ông đang chống lại luật pháp ngay cả đối với người Do Thái).  Như đã xảy ra, các Hội Thánh được vững vàng trong đức tin, và số người càng ngày càng thêm lên.

Chú thích.  Hội nghị Giê-ru-sa-lem và bức thư gởi cho người Ga-la-ti.  Lập một bản ghi trật tự thời gian về cuộc đời Phao-lô căn cứ vào các thư tín và sách Công Vụ thì không đơn giản như người ta vẫn tưởng.  Công việc còn trở nên phức tạp hơn do các học giả thế kỷ mười chín và hai mươi, những người đã sinh ra nghi ngờ độ tin cậy của Lu-ca, và vì vậy cố gắng xây dựng một bộ khung đơn thuần căn cứ trên các thư tín (là những sách dĩ nhiên không hề có ý định cung cấp một bản tiểu sử về Phao-lô).  Thông tin từ sách Công Vụ sau đó được làm cho khớp với bộ khung đã xây dựng trước đó.  Thế nên, Công Vụ 15 thường xuyên được xem là một sự soạn thảo chi tiết đầy sáng tạo của Ga-la-ti 2:1-10 những dị biệt quan trọng giữa những bản tường thuật được giải thích là do kết hợp giữa sự thiếu hiểu biết của Lu-ca về các sự kiện thực tế và ước muốn của ông để tả vẽ Hội Thánh là thống nhất về vấn đề đó.

Giải pháp thoả đáng nhất là làm đồng nhất Ga-la-ti 2:1-10 với chuyến viếng thăm đề cập ở Công Vụ 11:30 và tình tiết trong Ga-la-ti 2:11-14 là một phần lý do cho hội nghị được ghi lại ở Công Vụ 15.  Dĩ nhiên, hội nghị đã diễn ra khi Phao-lô viết thư Ga-la-ti (và vì vậy ông không thể giải quyết vấn đề của Hội Thánh này bằng cách nêu cho họ xem bức thư và quyết định của hội nghị).  Giải pháp này không phải không có những khó khăn của nó, nhưng chúng có thể được giải thích một cách dễ dàng hơn mà không cần đổ lỗi cho Phao-lô hay Lu-ca là sai lầm.  Để hiểu thêm về vấn đề này, xin xem I. H. Marshall, Acts, tr. 244-247, và C. Hemer, The Book of Acts in the Setting of Hellenistic History (Mohr, 1989) chương 6, 7.

16:6-18:22  Cuộc hành trình lần thứ hai trở thành một cuộc hành trình truyền giáo

16:6-10  Hướng dẫn thiên thượng.  Có một vài nơi dọc đường, chuyến đi để củng cố các Hội Thánh này đã trở thành một cuộc hành trình truyền giáo nhưng là một cuộc hành trình có một vài lần khởi hành sai.  6  Họ trải qua xứ Phi-ri-gi và đất Ga-la-ti hay “miền Phi-ri-gi trong tỉnh Ga-la-ti” (cũng xem 18:23).  Họ dự định giảng đạo trong cõi A-si (ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ) nhưng Đức Thánh Linh không cho phép.  7  Một lần nữa, khi họ tìm cách vào Bi-thi-ni, Thánh Linh của Đức Chúa Giê-xu không cho phép, vì vậy họ xuống thành Trô-ách.  Câu duy nhất Thánh Linh của Đức Chúa Giê-xu có thể hàm ý một khải tượng của Chúa.  Mặt khác, Phao-lô đang đi với Si-la, một người được biết đến như là tiên tri (15:32), và có thể những chỉ dẫn đã đến từ ông ta.  9  Chính Phao-lô là người nhận được nhiều sự hướng dẫn tích cực hơn tại Trô-ách khi đương ban đêm ông thấy sự hiện thấy, có một người Ma-xê-đoan xin được giúp đỡ.  10  Sau khi đi đến kết luận rằng đây không phải đơn thuần là một giấc mơ, hai người chuẩn bị rời đi.  Chính tác giả có vẻ đã gia nhập với nhóm tại Trô-ách, như có thể thấy được qua việc sử dụng đại danh từ chúng ta lần đầu tiên trong sách.  Cái gọi là “những phân đoạn chúng ta” là ở 16:10-17; 20:5-21:18; 27:1-28:16.

16:11-40  Phao-lô và Si-la tại thành Phi-líp.  11-12  Phần ghi lộ trình chi tiết này là điển hình cho phần cuối của sách Công Vụ.  Phi-líp mặc dù không phải thủ phủ của tỉnh Ma-xê-đoan, là một thuộc địa của La Mã và dân thành ấy được hưởng các đặc quyền giống như chính công dân La Mã.

13  Câu nơi chúng ta tưởng rằng người ta nhóm lại để cầu nguyện, thường là đề cập đến nhà hội, nhưng nó thường gợi ý rằng nếu không có đủ mười người theo như qui định, thì không thể thành lập một cộng đoàn thích hợp được.  Tuy vậy Phao-lô và những người đồng hành vẫn giữ thói quen của mình trước tiên giảng cho người Do Thái và những người đàn bà đã nhóm lại để cầu nguyện với Đức Chúa Trời hằng sống (cũng xem 16:16).  14-15  Một trong những người đàn bà ấy tên là Ly-đi quê ở thành Thi-a-ti-rơ làm nghề buôn hàng sắc tía”.  Tên bà biểu thị một lai lịch thuộc từng lớp tôi tớ hoặc nô lệ, nhưng việc bà có người nhaø và có thể mời người khác đến nhaø bà gợi ý rằng bà là một phụ nữ tự do độc thân và có tiền của.  Vẫn kính sợ Đức Chúa Trời có lẽ nghĩa là bà là một người ngoại quốc đã xu hướng về Đức Chúa Trời của người Do Thái (xem 10:2).  Trong cuộc hành trình này Phao-lô có những người phụ nữ kính sợ Đức Chúa Trời và có ảnh hưởng đứng về phía mình, không như một vài trường hợp trong cuộc hành trình truyền giáo trước đây (13:50; cũng xem 17:4, 12, 34).

Câu Lu-ca viết Chúa mở lòng cho người, đặng chăm chỉ nghe lời Phao-lô nói (cũng xem Lu-ca 24:45) là một cách hay, để quy vinh hiển Chúa về thành tựu của công cuộc truyền giáo.  Phao-lô không phải là “nhà diễn thuyết lôi cuốn” cũng như Phi-e-rơ không phải là một “người chữa lành thuộc linh”.  Việc Chúa có trách nhiệm trong sự thành công không làm giảm đi trách nhiệm giảng Phúc Âm của Phao-lô (hoặc của chúng ta), và càng không làm giảm trách nhiệm của người nghe phải ăn năn và trở lại cùng Đức Chúa Trời chân thật.  Mặc dù Lu-ca chỉ đề cập rằng lòng Ly-đi mở ra, ông tiếp tục bảo chúng ta rằng người đã chịu phép báp-tem với người nhà mình.  Ngữ cảnh “người nhà” thường được xem là ngụ ý về phép báp-tem cho trẻ con, nhưng không thấy đề cập đến trẻ con ở đây.  Tính chất hợp lệ của phép báp-tem cho trẻ con được bàn kỹ trên cơ sở của những khúc Kinh Thánh khác (xem 16:31-34).  Sự tha thiết trong lời mời của Ly-đi ắt là do có sự cấm kỵ đối với người Do Thái nào nhận sự hiếu khách của người ngoại quốc, huống chi ở đây họ lại sẽ đi đến nhà của một người phụ nữ độc thân! Việc họ bị ép mời cho thấy Phao-lô sẵn lòng thực hành điều ông giảng: “Tại đây không còn chia ra người Giu-đa hoặc người Gờ-réc, không còn người tôi mọi hoặc người tự chủ; không còn đàn ông hoặc đàn bà, vì trong Đức Chúa Giê-xu Christ anh em thảy đều làm một” (Ga-la-ti 3:28).  Có lẽ Hội Thánh đã tiếp tục nhóm lại tại nhà bà (Công Vụ 16:40).

16  Ngay cả khi giờ đây đã có một căn cứ tại nhà bà Ly-đi, các Cơ Đốc nhân tiếp tục đi cầu nguyện, nghĩa là đến nơi những người Do Thái tại thành Phi-líp gặp nhau để thờ phượng (16:13).  Đứa đầy tớ gái mà họ gặp trên đường một ngày nọ bị quỉ Phi-tôn ám vào, hay bói khoa.  17  Như thường xảy ra trong các sách Phúc Âm, tà linh nhận dạng đúng các lực lượng thuộc linh đằng sau công tác của Chúa (đối chiếu Lu-ca 4:34, 41; 8:28).  Trong thế giới thời xưa nói chung, người ta cho rằng một người sẽ có quyền trên một thứ gì đó nếu người đó biết tên thật của nó, vì vậy người ta thường lập luận rằng các tà linh cố tìm cách dành sự kiểm soát trên Chúa Giê-xu và các môn đồ theo kiểu này.  Tuy nhiên, ở đây cũng như những chỗ khác, dường như những lời bình phẩm của chúng là nhằm vào công chúng và vì vậy nên được xem là những nỗ lực của chúng để “thổi cái vỏ” trên những gì chúng xem là công tác ngầm của Đức Chúa Trời, hoặc như một sự thừa nhận vô thức về quyền của Chúa Giê-xu trên chúng (về toàn bộ vấn đề này, xin xem tình tiết khá kỳ lạ ở Công Vụ 19:15).  Một số người đã lập luận rằng cách diễn đạt của câu 17 có lẽ là do sự hiểu sai của những người ngoại giáo, nhưng điều đó cũng đúng về mặt bản chất với sự tóm tắt về sứ điệp Cơ Đốc, thậm chí với những bài giảng và hành động của chính các nhà truyền giáo (14:11; 17:18b).  18  Trong nhiều ngày Phao-lô hẳn đã có một cơ hội để thấy rằng điều mà người ta có thể đã cho là tuyên xưng đức tin không đem đến bằng chứng thật của sự trở lại đạo.  Rồi Phao-lô nói trực tiếp cùng quỉ: Ta nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ mà truyền mầy ra khỏi người đàn bà này.

19  Các chủ nàng hẳn đã bối rối và giận dữ biết bao! Cuối cùng, họ đã không làm gì với Phao-lô và Si-la.  Nếu có, người ta có thể hiểu rằng lời nói của cô gái đã giúp.  Nhưng họ thấy hi vọng được lợi lộc đã ra đi cùng với con quỉ! (Lu-ca có lẽ đã cố ý sử dụng cùng một động từ trong câu 18 và 19).  Nhiều người tự do, quan trọng đang kiếm sống qua việc khai thác một người nô lệ tầm thường như thế.  Nhưng trong ý nghĩ của Phao-lô, ngay cả việc tự do công bố Phúc Âm từ một nguồn được hoan hô rộng rãi cũng không đủ để bù đắp cho sự thống trị của tà linh, thậm chí trên một người ít quan trọng như thế đối với xã hội, như một cô gái nô lệ!

20-24  Tuy nhiên, lời tố cáo của những người chủ của người nô lệ trước các quan không đề cập đến việc họ mất nguồn lợi tài chính mà trái lại nhấn mạnh vào yếu tố chống Do Thái với luận điệu chung chung là những hành động “không phải của người La M㔠và gây rối.  Khi đoàn dân cũng nổi lên nghịch thì có lẽ không thể tránh khỏi một quyết định phải chống lại những người nước ngoài, và họ bị xé áo, đánh nhiều đònbỏ vào ngục, nơi họ bị canh giữ nghiêm nhặt và cùm lại.

25  Hình ảnh về một Phao-lô và Si-la đương cầu nguyện và hát ngợi khen Đức Chúa Trời trong khi bị kẹp trong cùm trong một xà lim tối tăm ẩm thấp là một hình ảnh của sự chịu đựng kiên nhẫn.  Không ngạc nhiên gì những tù phạm đều nghe không biết họ bị xem là những người thánh hay chỉ là những kẻ mất trí, không ai có thể buộc tội họ là ngu đần!  26  Rất có thể Phao-lô và Ba-na-ba không cầu xin được giải thoát, bởi vì họ đã không tận dụng cơ hội ấy khi sự giải thoát đến (xem câu 28 và nhất là câu 37 dưới đây), nhưng những tù phạm khác khó có thể không xem cơn động đất rất lớn khiến các cửa mở raxiềng tù phạm thảy đều tháo ra là sự đáp lời siêu nhiên cho phiên cầu nguyện ca hát nửa đêm của Phao-lô và Si-la.  27  Việc người đề lao rút gươm, toan giết mình khi nghĩ rằng tất cả các tù phạm đã trốn thoát hết là không có gì ngạc nhiên (xem 12:18-19; 27:42).  28  Phao-lô có lẽ đã kiểm soát có chủ ý trên số phạm nhân khác (như trong chương 27 ông dường như đã giữ vai trò là người lãnh đạo với tư cách là một tù nhân trên tàu), hoặc có lẽ họ chỉ do quá sợ hãi đến nỗi không thể bỏ trốn khi ông và Si-la còn ở lại.  Dù là cách nào đi nữa, thì Phao-lô cũng đã ngăn được một sự tự sát và tuyên bố rằng tất cả tù phạm đều vẫn còn đó.

29-34  Câu chuyện về sự cứu người đề lao là một câu chuyện đầy mỉa mai: ông ta nhận toàn bộ từ tay những tù phạm của mình; ông ta lấy nước và rửa vết thương của họ và đến lượt mình họ sẽ dùng nước ấy để làm phép báp-tem cho ông ta, và lẽ dĩ nhiên hình ảnh về một người cai ngục mời hai tù phạm lên nhà mình, đặt bàn tiệc trước mặt họ là hình ảnh thật ngạc nhiên.  Ở đây cần chú ý rằng các thành viên khác trong gia đình, hoặc người nhà được kể là đã nghe sứ điệp và đã tin Đức Chúa Trời (câu 34; cũng xem 11:14; 18:8; ICô-rinh-tô 1:16).  Vì việc này và vì không có đề cập cụ thể trẻ em, nên những đoạn văn này không có tính quyết định trong sự tranh luận về phép báp-tem cho trẻ con.

35-36  Không rõ các quan ra lệnh tha Phao-lô và Si-la vì họ thấy đánh đập và giam một đêm trong tù như thế là đã đủ hình phạt rồi hay là họ cũng có ấn tượng bởi trận động đất vào buổi tối trước đó.  37  Dù là trường hợp nào, trong sự ngạc nhiên của mọi người, Phao-lô, người đã được Đức Chúa Trời giải thoát qua cơn động đất, vẫn ở lại trong tù, bây giờ được các quan tòa tha ra, lại từ chối ra tù!  38-39  Tuy nhiên, các quan không thấy khôi hài trong tình huống này.  Việc Phao-lô và Si-la bày tỏ mình là công dân La Mã khiến họ sợ hãi vì họ đã vi phạm luật pháp La Mã khi đánh đòn và tống giam các công dân La Mã, và với một vụ xử sơ sài họ không có cơ hội phát hiện ra các công dân La Mã.  Một lần nữa, sự khôi hài là khá rõ ràng: không phải Phao-lô hoặc Si-la mà chính người Phi-líp hành động một cách “thiếu La M㔠đối với các công dân La Mã (xem 16:21).  Tư cách công dân của Phao-lô sẽ tạo nên một bước xoay chuyển nữa trong 25:1-12.  40  Sau khi trở lại thăm Ly-đi và Hội Thánh non trẻ trong nhà bà, Phao-lô và Si-la đồng ý với yêu cầu của các quan toà và lìa khỏi thành.

17:1-9  Phao-lô và Si-la tại thành Tê-sa-lô-ni-ca.  1  Chu du dọc theo xa lộ xuyên La Mã trong vùng này, Phao-lô và Si-la trải qua nhiều thành phố quan trọng khác trong tỉnh Ma-xê-đoan và đến thủ phủ của tỉnh này, nơi không giống thành Phi-líp, người Giu-đa có một nhà hội.  2-3  Theo thói quen mình Phao-lô trước tiên đi đến nhà hội, bất chấp lúc đầu ông bị khước từ trong các nhà hội trong các cộng đồng khác (xem 13:33-48).  Lời tuyên bố của Lu-ca rằng ông biện luận với họ hơn là chỉ truyền giảng cho họ được khẳng định bởi lý lẽ gồm hai bước: thứ nhất, theo Lời Kinh Thánh, Đấng Mết-si-a (hay “Christ” trong tiếng Hi Lạp) sẽ phải chịu thương khó, rồi từ kẻ chết sống lại, và thứ hai Đức Chúa Giê-xu người Na-xa-rét thực sự là Đấng Christ.  4  Một số người Do Thái cũng như một số người kính sợ Đức Chúa Trời (xem chú giải 10:2) và một số người đàn bà sang trọng, bị thu phục, nhưng các thành viên có ảnh hưởng nhiều hơn của cộng đồng Do Thái (người Giu-đa tương phản với một vài người (Giu-đa) trong câu trước, xem 13:43, 45) lại trở nên đầy lòng ghen ghét với thành công của họ.  Âm mưu của họ là bí mật xui giục một cuộc nổi loạn nhỏ với một số kẻ hoang đàng mà họ nhóm lại để thực hiện mục đích ấy, để họ có thể buộc tội các Cơ Đốc nhân, kể cả Gia-sôn, người mà Phao-lô và Si-la đang ở với, là gây nên náo động thiên hạ.  Cho đến giờ, sự hiểu biết của những kẻ chống đối về câu chuyện, mà họ xuyên tạc một chút trong lời cáo buộc của họ (câu 6-7), có lẽ xuất phát từ những cuộc đàm luận của họ với Phao-lô và Si-la trong nhà hội.  9  Kết quả của cuộc họp không dễ chịu như người đọc ngày nay vẫn nghĩ.  Việc Gia-sôn và những người khác bảo lãnh nghĩa là các Cơ Đốc nhân địa phương này bị buộc phải bảo đảm và cam kết Phao-lô và Si-la phải ra đi, nếu không họ sẽ chịu hình phạt nặng nề.  Có lẽ đây chính là quyết định mà ông đề cập đến như là công việc của Sa-tan trong ITê-sa-lô-ni-ca 2:17-18 “Hỡi anh em, về phần chúng tôi, đã xa cách anh em,...  tìm phương để thoả lòng ao ước lại thấy mặt anh em... chúng tôi... muốn đi đến cùng anh em, nhưng quỉ Sa-tan đã ngăn trở chúng tôi”.

17:10-15  Phao-lô và Si-la tại thành Bê-rê.  Cách thức hành động trong 17:1-7 được lặp lại tại Bê-rê chỉ khác là những người (Bê-rê) này có ý hẳn hoi hơn người Tê-sa-lô-ni-ca, không phải vì tất cả đều đồng ý với Phao-lô và Si-la, mà vì những người không đồng ý không hành động xuất phát từ càng ghen ghét nhưng tra xem Kinh Thánh, để xét lời giảng (của Phao-lô) có thật chăng.  Cũng như trước đây, lời Chúa được gieo ra và kết quả.  13  Tuy nhiên, sự chống đối của người Tê-sa-lô-ni-ca lan đến thành Bê-rê, và họ rải sự xao xuyến rối loạn trong dân chúng đưa đến việc các Cơ Đốc nhân phải đưa “kẻ cầm đầu gây rối”, là Phao-lô đi.  Si-la và Ti-mô-thê ở lại thành Bê-rê một thời gian nữa.

17:16-35  Phao-lô tại thành A-thên.  Câu chuyện này, đặc biệt là bài giảng lớn trên đồi A-rê-ô-ba (cũng gọi là Đồi Mars), thường được kể là một ví dụ sáng chói của chiến lược truyền giáo.  Phao-lô, người sử dụng Kinh Thánh Cựu Ước một cách rất thành thục trong các bài giảng cho người Do Thái (xem 13:16-41; 17:2), nay trích dẫn trong thơ văn ngoại giáo để chứng minh cho một số vấn đề của mình  (28).  Thật vậy, một số người sợ rằng ông có vẻ như đang lập luận rằng Đức Chúa Trời hằng sống bị đồng nghĩa với một trong các vị thần đang được thờ phượng tại A-thên và được kỷ niệm bằng một hình tượng (23).  Người ta thậm chí lập luận rằng Lu-ca muốn tỏ ra rằng nỗ lực này của Phao-lô sử dụng các chiến lược trần gian và sự khôn ngoan trần gian là sai lầm, và rằng Phao-lô thay đổi phong cách của mình tại thành phố kế tiếp, là thành Cô-rinh-tô.  Điều này sẽ nhấn mạnh cụ thể trên tính chất mới mẻ của quyết định được đề cập trong ICô-rinh-tô 2:2 “Vì tôi đã đoán định rằng ở giữa anh em, tôi chẳng biết sự gì khác ngoài Đức Chúa Giê-xu Christ, và Đức Chúa Giê-xu Christ bị đóng đinh trên cây thập tự”.  Nhưng, không hề có việc chấp nhận ngoại giáo, bài giảng này thực sự là một sự tấn công rất mạnh mẽ có tính chất Do Thái đối với tính tự mãn thiển cận của người A-thên và nền văn hoá của nó không phải để đồng ý với họ, mà để chỉ ra sự sai lầm của họ một cách rõ ràng nhất.

16-17  Phao-lô bỏ cách làm thông thường của mình là trước tiên đi đến nhà hội (9:20-25; 13:5, 14, 46; 14:1; 17:1-2, 10; 18:4, 19; 19:8) bởi vì ông động lòng tức giận, vì thấy thành đều đầy những thần tượng.  Vì vậy ông theo đuổi một tiến trình song song: biện luận trong nhà hội cũng như tại nơi chơï (nơi tụ tập tự nhiên cho những người thảo luận những vấn đề như triết học hoặc nghe tranh luận).  18  Thế nên chính Phao-lô cũng bị các nhà triết học phái Epicuriensphái Stociens cãi lẽ.  Các phái này có những cách nhìn nhận cuộc đời thực rất khác nhau.  Người Epicuriens cho rằng con người phải tìm kiếm sự hoàn thiện và tích cực tránh những điều cực lòng.  Các thần không có vai trò gì trong đời sống của một người.  Người Scotiens cho rằng con người đạt được sự hoàn thiện bằng cách chấp nhận quá trình diễn biến các sự kiện, bao gồm sự đau đớn và khổ cực.  Người ta phải cam chịu những thứ này một cách yên lặng, vui vẻ là đằng khác, vì họ là một phần của thiên nhiên và chịu sự chi phối của một quy luật tất yếu thiêng liêng và khách quan hay còn gọi là “định mệnh”.  Không trường phái nào bị ràng buộc với nhiều thần và hình tượng, và độc thần giáo (mặc dù không phải là Do Thái giáo đang phát triển mạnh) hẳn đã được tính đến trong lý thuyết của cả hai triết lý.

Cuộc cãi lẽ tại nơi chợ đưa đến hiểu lầm hơn là làm sáng tỏ thêm.  Nhẹ nhất thì Phao-lô được xem là người già mép hay theo nghĩa đen là “người góp nhặt những mảnh vụn”, vì họ hẳn đã thấy có phản ánh một chút gì đó thuộc hệ thống triết lý của họ trong niềm tin của ông.  Còn lúc tệ nhất thì Phao-lô bị tố cáo là một tội phạm nghiêm trọng: giảng về các thần ngoại quốc (tuy nhiên, xem chú thích ở câu 21).  Đây cũng chính là tội mà trước đó khoảng 450 năm cũng tại A-thên, triết gia vĩ đại Socrates đã bị tố cáo và dẫn đến cái chết của ông ta.  Ngưới A-thên tại nơi chợ hiểu lầm một cách căn bản sứ điệp của Phao-lô: họ cho rằng “Chúa Giê-xu” và “sự sống lại” đề cập đến hai vị thần, có lẽ đã hiểu những thuật ngữ này là “chữa lành” và “khôi phục”.  19-20  chúng bắt người được dịch rất sát với nguyên bản, là chữ gợi ý đến sức mạnh – từ ngữ lịch sự của câu hỏi tiếp theo đó là nói ngược lại với việc ông xuất hiện tại nơi A-rê-ô-ba là sự xuất hiện không có tính chất của một lời mời mà là một lệnh đòi.  A-rê-ô-ba tiếng Hi Lạp nghĩa là “Đồi Mars”.  Ban đầu đó là một địa danh, nhưng sau này cũng là chữ dùng để nói về hội đồng nhóm họp tại đó.  Cũng vậy chúng ta nói đến phản ứng của Washington đối với những cuộc khủng hoảng và sử dụng địa danh để chỉ cơ quan đặt trụ sở tại đó.  Có lẽ Phao-lô đã không xuất hiện khi hội đồng nhóm lại chính thức và có tính chất nghi thức, vì đám quần chúng (bao gồm phụ nữ) đã có mặt (câu 33-34).  21  Bất chấp sự nghiêm túc của lời tố cáo “giảng về các thần ngoại quốc” (18), người A-thên càng thấy thích thú việc mình bị kích động bởi sự giảng dạy kỳ lạ, hơn là ngăn cản sự lan tràn của nó.  Chính họ mới là “người góp nhặt những mảnh vụn” (đối chiếu câu 18).

22-23  Bài giảng của Phao-lô đúng ra phải được xem là một sự đáp lại lời tố cáo “giảng về các thần ngoại quốc” (18) chứ không phải là một sự chủ động trình bày Phúc Âm (là việc đã xảy ra rồi, câu 17-18).  Một sự bào chữa như thế hẳn đã bắt đầu bình thường bằng một câu phát biểu tích cực, với ý đồ đặt người nghe vào một thái độ thân thiện (xem lời mở đầu của Tẹt-tu-lu, một người nói chuyên nghiệp, 24:2-4), nhưng Phao-lô sử dụng những từ ngữ thận trọng và mơ hồ nước đôi, và sau khi nghiệm ra thậm chí lời giới thiệu cũng trở thành một cuộc tấn công kín đáo.  Quan sát thấy câu phàm việc gì ta cũng thấy các ngươi sốt sắng quá chừng bản thân nó là một câu trung tính, nó có thể có nghĩa là “mộ đạo” theo nghĩa tích cực, hoặc là “mê tín” nếu hiểu theo nghĩa tiêu cực.

Bàn thờ có chạm chữ THỜ CHÚA KHÔNG BIẾT và truyền thuyết về việc lập ra nó cung cấp bối cảnh cho toàn bộ bài giảng.  Truyền thuyết kể rằng có lần xảy ra một cơn dịch khủng khiếp tại thành A-thên, mọi nỗ lực nhằm làm nguôi các thần và ngăn chận nạn dịch đều không có kết quả.  Một người khôn ngoan thời bấy giờ đem một bầy cừu lên đỉnh Đồi Mars và thả chúng ra.  Bất cứ nơi nào những con cừu này dừng lại, người lập nên một bàn thờ cho một vị thần vô danh và con vật bị dâng lên làm sinh tế.  Cách làm này được xem là có kết quả và thành phố trở lại được lành mạnh.

Khi Lu-ca ghi lại rằng Phao-lô nói Đấng các ngươi thờ mà không biết đó, là Đấng ta đương rao truyền cho, đối với một số người đọc thì ông đang nói rằng những người ngoại giáo này đang làm đúng và đang thờ phượng một Đức Chúa Trời đúng đắn, mà không biết, do sự thiếu hiểu biết của họ.  Tuy nhiên, ở đây không hề có ý định đó chút nào, và chúng ta nên ghi nhớ ba điểm sau đây.  Thứ nhất, đây là lời biện hộ đầu tiên của Phao-lô đối với lời tố cáo ông, bởi lẽ làm thế nào họ có thể lên án ông là giảng về các thần ngoại quốc trái nghịch với các tôn giáo của họ, nếu bản thân tôn giáo của họ khiến họ thờ lạy những vị thần mà họ không biết? Thứ hai, việc diễn dịch đã làm cho hiểu sai.  Trọng tâm của câu không phải là ở sự nhận diện “thần không biết” mà là ở sự thiếu hiểu biết của sự thờ phượng.  Phao-lô, trong thành phố của những người “ưa thích sự khôn ngoan” đã tập trung vào sự thiếu hiểu biết mà họ thừa nhận về việc nhận biết Đức Chúa Trời.  Thứ ba, mặc dù đoạn đầu của bài giảng này có vẻ như có một sự công kích tích cực, nhưng phải xem xét trong ngữ cảnh của phần còn lại của bài giảng, thực tế, Phao-lô đã nói “Đúng rồi, nhưng...”.

24-29  Phần thứ hai của bài giảng chuyển sang tấn công vào sự thờ phượng các thần tượng một cách rõ ràng hơn, sử dụng lý lẽ tìm ra những điểm tương đương có trong tư tưởng và sách vở của người Do Thái về vấn đề.  Phao-lô tiếp tục tiến lên từ việc họ thừa nhận sự thiếu hiểu biết của mình trong việc nhận ra Đức Chúa Trời chân thật, để lập luận rằng họ cũng không biết gì về nơi ngự của Đức Chúa Trời (24), họ sai lầm trong cách thờ phượng mà Ngài muốn nơi họ (25-27), và họ sai lầm trong cách hiểu về Đức Chúa Trời hoặc cách mô tả Ngài (28-29).  Tóm lại, mọi điều về sự “sốt sắng” của họ đều là sai trật cả chỉ trừ việc họ thừa nhận sự thiếu hiểu biết của mình.

Lời tuyên bố của Phao-lô rằng ý định của Đức Chúa Trời là người ta tìm kiếm Đức Chúa Trời, và hết sức rờ tìm cho được, dẫu Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta một lần nữa lại có vẻ như là người ngoại giáo chỉ cần hết sức rờ tìm cho được Đức Chúa Trời.  Thật vậy, bi kịch ở đây nằm ở ngôn ngữ.  Văn phạm trong câu làm mạnh thêm ý cho rằng đây là ý muốn của Đức Chúa Trời hơn là những gì xảy ra.  Từ ngữ dùng cho ý “tìm kiếm” là từ ngữ rất sinh động, thường được dịch là “mò mẫm” trong nghĩa “sờ soạng tìm kiếm một cách mù quáng”.  Kết quả tiêu cực được thấy rõ ràng trong mệnh đề cuối cùng “dẫu Ngài chẳng ở xa” chứ không phải là “vì Ngài chẳng ở xa”.  Điểm đang được nhấn mạnh không phải là “Ngài đang ở gần, vì thế người ta có thể tìm thấy Ngài” mà là “người ta không tìm thấy Ngài, nhưng không phải vì Ngài ở xa”.  Vì vậy, khúc Kinh Thánh này có thể được dịch sát nghĩa đen hơn như sau: “Họ phải tìm kiếm Đức Chúa Trời, như thể họ có thể mò mẫm để tìm thấy Ngài, dẫu Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta”.

Dù bản NIV đặt câu vì tại trong Ngài, chúng ta được sống, động và có trong ngoặc kép, nó có thể là một câu có nguồn gốc ngoại giáo hơn là một câu trích nguyên văn vì từ ngữ với ý nghĩa này được tìm thấy trong các tác phẩm của nhiều tác giả ngoại giáo.  Câu chúng ta cũng là dòng dõi của Ngài dường như rất có thể là trích từ một bài thơ của nhà thiên văn Aratus viết cho thần Zeus, mặc dù có thể Phao-lô đã trích lại câu này trong tác phẩm của một nhà biện giải Do Thái.  Ý chính của Phao-lô không phải là các nhà thơ ngoại giáo biết nhiều về cái đúng, mà là tư tưởng và hành động của họ không nhất quán và tự mâu thuẫn.

30-31  Phần cuối bài giảng chỉ có thể hiểu đúng trong ngữ ảnh của toàn bộ cuộc tranh cãi.  Bài giảng trước hết không có ý định như là một sự giải quyết nhanh về thần học đối với vấn đề khó giải đáp về tư cách của những người chưa hề được nghe Phúc Âm.  Nội dung của bài giảng là quan tâm trước hết đến bàn thờ “Chúa không biết” (22-23).  Bàn thờ này được sử dụng như một kiểu thờ phượng phòng ngừa; lễ được dâng lên cho vị thần vô danh này là để thành phố có thể thoát khỏi tai ương.  Đối diện với một người lý luận rằng tất cả những hành động phòng ngừa này đều là sai và vì vậy cầm chắc là không hiệu quả, bất kỳ một người ngoại quốc sùng tín nào cũng có thể hỏi, “nếu chúng tôi sai, thì tại sao không có tai ương, không có dịch bệnh?”.  Chính vì câu hỏi này mà có bài giảng.  Việc không có tai ương, như họ nghĩ, không phải là do kết quả của sự thờ lạy thần tượng, mà là bởi lòng nhân từ của Đức Chúa Trời bỏ qua sự thiếu hiểu biết của họ (chú ý sự trở lại với chủ đề về sự thiếu hiểu biết của họ).  Đức Chúa Trời nay muốn hết thảy các người trong mọi nơi đều phải ăn năn; tai ương sẽ không bị giữ lại mãi mãi: Ngài đã chỉ định một ngày khi Ngài...sẽ đoán xét thế gian.  Sự mô tả Chúa Giê-xu hơi hạn chế là Người (mà) Ngài đã lập có lẽ là một nỗ lực nhằm tránh cái ấn tượng rằng Chúa Giê-xu chỉ là một vị thần khác (xem ở câu 18).  Vì thế cũng vậy, thay vì sử dụng danh từ trừu tượng, sự sống lại, Phao-lô giải thích rõ ràng những gì ông muốn nói bởi từ đó – tất cả đều dường như quá rõ ràng.

32  Vừa khi người A-thên hiểu ra ý Phao-lô muốn nói với chữ “sự sống lại”, thì những kẻ đang chất vấn ông bất chợt cắt ngang bài nói chuyện của Phao-lô.  Việc tin vào sự bất tử của thần linh là một chuyện, nhưng chuyện một xác chết tỉnh lại thì dường như là ngây ngô và buồn cười đối với đa số người Hi Lạp, và vì thế mà, kẻ thì nhạo báng.  Lúc khác chúng ta sẽ nghe ngươi nói về việc đó có thể là câu nói thật hay cũng có thể là một lời châm chọc, nhưng đã xảy ra một sự kiện nổi tiếng mà trong đó hội đồng A-rê-ô-pa tránh nó không muốn đưa ra một quyết định cho một vụ giết người bằng cách tạm hoãn phiên toà xét xử trong 100 năm!  34  Tuy nhiên vài người cũng đã hưởng ứng tích cực và trong số đó là một thành viên của hội đồng là người mang tên Đê-ni.

18:1-17  Phao-lô tại thành Cô-rinh-tô.  1-3  Tại Cô-rinh-tô, Phao-lô gặp một số người mà sau này sẽ trở thành những người bạn suốt đời của ông, đó là A-qui-laBê-rít-sin (xem Rô-ma 16:3; IITi-mô-thê 4:19; chỗ mà như trong Công Vụ 18:18-19 dưới đây, Bê-rít-sin có vị trí nổi bật hơn).  Họ có nhiều điểm chung với Phao-lô: họ là những vị khách của thành Cô-rinh-tô; có dòng dõi Do Thái, làm nghề may trại, và có lẽ lúc gặp Phao-lô, họ đã là Cơ Đốc nhân.  4-8  Theo thói quen (xem ở 13:46), Phao-lô trước tiên giảng cho dân chúng trong nhà hội, cả cho người Do Thái lẫn cho những người Hi Lạp có quan tâm.  Tuy có một số người Do Thái tin (trong trường hợp này là Cơ-rít-bu, chủ nhà hội, với cả nhà mình), nhưng khi toàn thể cộng đoàn hiệp nhau khước từ sứ điệp thì Phao-lô giũ áo mình (tương tự với “phủi bụi nơi chân”, xem 13:51) và quay lưng khỏi họ với những lời từ đây, ta sẽ đi đến cùng người ngoại (nhưng xem 18:19).  Ti-ti-u Giút-tu có lẽ là một trong những người Hi Lạp có quan tâm đến tôn giáo của người Do Thái và có gặp Phao-lô và có gặp Phao-lô trong nhà hội (xem ở 10:2).

9-11  Dù có sự hiện diện của các bạn trong thành phố, nhưng việc lưu lại tại thành Cô-rinh-tô là một thời gian rất thử thách đối với Phao-lô, và Chúa đã phán với ông trong sự hiện thấy để khích lệ ông.  12  Khi sự nghịch cùng nổi lên, thì sự nghịch cùng ấy là ở tại toà án của Ga-li-ôn.  Tuy nhiên như Chúa đã hứa, kết cuộc Phao-lô không bị làm hại gì.  13-15  Lời tố cáo và quyết định này cho thấy tình trạng bấp bênh mà các Cơ Đốc nhân đang có trước luật pháp La Mã.  Do Thái giáo là một tôn giáo được cho phép, và nếu Cơ Đốc giáo là một hệ phái của Do Thái giáo như Ga-li-ôn dường như ám chỉ, thì nó được phép và thậm chí được bảo vệ theo luật pháp La Mã.  Tuy nhiên, nếu nó là một tôn giáo hoàn toàn độc lập, nó có thể bị xem xét lại và các thành viên của nó sẽ không có được sự tự do tôn giáo như thế.  Mặc dù sự việc bản thân nó chẳng dẫn đến đâu cả, nhưng nó cung cấp một tiền lệ rất thuận lợi cho Phao-lô và các Cơ Đốc nhân.  Họ chẳng có gì phải sợ sự phân xử công bằng trước toà án La Mã.  17  Sự khởi tố không có căn cứ là một vấn đề nghiêm trọng trong thế giới La Mã thời bấy giờ, và trong suốt cuộc đời của Phao-lô luật pháp được thông qua để giảm bớt hành động kết án kẻ thù hầu cho có thể giam giữ họ trong thời gian khi người ta không có vụ thưa kiện thật sự nào chống lại họ.

18:18-22  Phao-lô đến thăm thành Ê-phê-sô rồi trở lại An-ti-ốt.  Kết thúc cuộc hành trình truyền giáo thứ hai của Phao-lô là một chuyến viếng thăm ngắn ngủi đến thành Ê-phê-sô, là nơi sẽ trở thành một trung tâm truyền giáo quan trọng trong cuộc hành trình kế tiếp của Phao-lô (19:1-41).  18  Việc Phao-lô cạo đầu như là một phần của lời mà ông đã thề nguyện, có lẽ liên quan đến hình thức thề nguyền của người Na-xi-rê (xem Dân Số Ký 6:1-21), vì được biết các tín hữu đầu tiên đã thực hành cách này (Công Vụ 21:23-26).  Việc cạo đầu là để bày tỏ lòng biết ơn vì được giải thoát khỏi hiểm nguy (9-10).  Đó có lẽ là sự bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Chúa Trời bằng một cách thức hợp với ông về mặt văn hóa.

19  Khi đến thành Ê-phê-sô, theo cách đặc trưng của mình, Phao-lô vào nhà hội, nói chuyện với những người Giu-đa (mặc dù 18:6).  Về cách thức truyền giáo của Phao-lô xem 13:5, 46.  20  Tuy nhiên, trong dịp này, Phao-lô không dành nhiều thời gian tại đó đủ để tạo nên sự quan tâm.  21  Lời hứa của ông ví Đức Chúa Trời khứng, thì chuyến khác ta sẽ đến nơi các ngươi được thực hiện trong chương kế tiếp.  22  Vậy, Phao-lô đi trở lại An-ti-ốt và kết thúc những chuyến viếng thăm truyền giáo lần thứ hai của ông.

18:23 - 20:12  Hành trình lần thứ ba và quyết định đi lên thành Giê-ru-sa-lem

18:23-28 Bê-rít-sin, A-qui-la và A-bô-lô.  Chuyện về cuộc hành trình lần thứ ba của Phao-lô được bắt đầu bằng một phần giới thiệu ngắn về Bê-rít-sin và A-qui-la, những người đã ở lại Ê-phê-sô khi Phao-lô trở lại An-ti-ốt (19-22).  23  Bằng một cách tương tự với chuyến du hành lần thứ hai, cuộc hành trình lần này bắt đầu bằng một chuyến đi qua xứ Ga-la-ti và xứ Phi-ri-gi (không đồng nhất với nhóm chữ trong 16:6).  Và cũng như trước đây, mục đích của chuyến đi lúc đầu là để chăm sóc chứ không phải để truyền giáo: Phao-lô làm cho hết thảy môn đồ đều vững lòng.

24  A-lếch-xan-đơ ở Ai-cập là một trong các thành phố quan trọng nhất trong đế quốc La Mã.  Số dân Do Thái đông đảo tại đó có tiếng là mưu cầu sự học thức uyên thâm, đã cho ra đời cả bản dịch tiếng Hi Lạp của Thánh Kinh Cựu Ước có ảnh hưởng lớn được gọi là Bản Bảy mươi (Septuagint) và nhà triết học lớn Philo.  A-bô-lô, một tay khéo nói (một học giả) và hiểu Kinh Thánh, có lẽ đã lớn lên trong truyền thống này.  25  A-bô-lô lấy lòng sốt sắng mà giảng và dạy kỹ càng những điều về Đức Chúa Giê-xu, nhưng dù ông đã học đạo Chúa nhưng ông chỉ biết phép báp-tem của Giăng mà thôi.  Các “môn đồ” mà Phao-lô đã gặp sau này tại Ê-phê-sô (19:1-7) cũng vậy, chỉ nhận phép báp-tem của Giăng mà thôi.  Tuy nhiên, A-bô-lô biết và dạy về Chúa Giê-xu, trong khi ấn tượng mà người ta có khi đọc 19:4-5 là các môn đồ này chưa hề nghe về sự hoàn thành hy vọng của Giăng trong Đấng sẽ đến sau ông.  26  Giống như Phao-lô, A-bô-lô hình như trước tiên đến tại các nhà hội.  Việc Bê-rít-sin và A-qui-la, khi nghe A-bô-lô giảng, đã giải bày đạo Đức Chúa Trời cho càng kỹ lưỡng hơn nữa hàm ý rằng mặc dù sự dạy dỗ của ông ta là chính xác (25) nhưng nó căn cứ trên một sự hiểu biết chưa đầy đủ.  27-28  Các bức thư giới thiệu thường được sử dụng vào thời gian này để bảo đảm cho người mang nó được tiếp đón (xem Rô-ma 16:1-2).  A-bô-lô tỏ ra rất được ngưỡng mộ đối với các tín hữu tại Cô-rinh-tô, cả tín hữu người Do Thái lẫn ngoại quốc (xem ICô-rinh-tô 1:12; 3:4-5, 22; 16:12).

19:1-22  Chức vụ của Phao-lô tại Ê-phê-sô.  Chi tiết đầu tiên trong chuyến lưu lại tại Ê-phê-sô trong một thời gian dài (gần ba năm) của Phao-lô là sự gặp gỡ một vài người môn đồ của Giăng Báp-tít.  Tên tuổi của Giăng rõ ràng đã được truyền ra ngoài xứ Palestine (về tầm quan trọng của ông, xin xem 1:21-22; 13:16-25; 18:23-28; Lu-ca 20:5-7).  Thuật ngữ một vài người môn đồ là nói về các Cơ Đốc nhân, nhưng vì những người này chưa nhận được Đức Thánh Linh nên đúng hơn họ có thể được xem là môn đồ của Giăng Báp-tít, mới “theo đạo” nhưng chưa đi xa lắm.  2  Vì Đức Thánh Linh có vai trò quan trọng trong chính sự dạy dỗ của Giăng, nên câu trả lời của những người này rằng họ chưa nghe có Đức Thánh Linh nào có lẽ có nghĩa là họ đã nghe một sứ điệp hiểu như sứ điệp của Giăng chứ không phải là chính Giăng, và những bài giảng mà họ đã nghe tập trung vào sự dạy dỗ về mặt luân lý đạo đức hơn là về vai trò dọn đường của ông (xem một ví dụ về sự giảng dạy của ông trong Lu-ca 3:7-14).  3  Những người này đã nhận một phép báp-tem ăn năn, là một việc làm tốt, nhưng không giống như A-bô-lô (18-25), dường như họ không biết gì về Chúa Giê-xu.  Chúng ta không được biết rằng A-bô-lô cần được làm phép báp-tem lại (Bê-rít-sin và A-qui-la chắc chắn đã có thể làm phép báp-tem cho ông ta, nếu như A-na-nia đã làm cho Phao-lô, Công Vụ 9:17-19).  Sự khác nhau có lẽ là ở chỗ A-bô-lô thì biết rõ và tin nơi Đấng Mết-si-a (hiểu biết chính xác nhưng không đầy đủ về Ngài, 18:25-26) và xem phép báp-tem mình là có liên hệ với đức tin ấy, trong khi đối với những người môn đồ này, phép báp-tem chỉ đơn thuần là một bằng chứng của đời sống ăn ở tốt đẹp.  Họ vẫn cần được làm phép báp-tem nhân danh Đức Chúa Giê-xu.

6  Như một dấu cho tất cả những người có liên quan về việc tin nhận của họ, đã xảy ra một sự nhận lãnh Đức Thánh Linh hết sức công khai (xem 8:15-17; 10:44-46), cho nói tiếng ngoại quốc và lời tiên tri.  Những dấu hiệu bày tỏ như thế này nên được xem là điển hình hay là bình thường không phải là một câu hỏi dễ trả lời.  Chắc chắn Lu-ca không đề cập đến những ân tứ như thế trong tất cả những cuộc cải đạo mà ông ghi lại, nhưng ông cũng không một lần nào nói rằng “người này hay người kia không bày tỏ ân tứ nào”.  Dù chúng ta có tin sự trở lại đạo “bình thường” là như thế nào đi nữa, thì Lu-ca hình như đã trước hết nhấn mạnh các ân tứ và sự nhận lãnh Đức Thánh Linh trong câu chuyện của ông chủ yếu tại nơi mà ông cảm thấy rằng Hội Thánh và người đọc cần được bảo đảm rằng những người trở lại đạo này được Chúa thực sự chấp nhận, ví dụ như người Sa-ma-ri (Công Vụ 8), người ngoại quốc (Công Vụ 10) và những môn đồ của Giăng ở đây.  Như được nói đến trong phần chú giải của những đoạn khác, cách thức mà Lu-ca ghi lại những sự kiện này gợi ý rằng đối với ông, các ân tứ này có ý nghĩa như là một dấu cho các nhà truyền giáo cũng ngang bằng như cho chính những người trở lại đạo.

8-10  Cách thức truyền giáo thường lệ của Phao-lô (xem 13:46) cũng được sử dụng tại Ê-phê-sô: giảng trong nhà hội trước, rồi sau đó giảng cho những người ngoại quốc.  Tại Ê-phê-sô, ông dạy dỗ hàng ngày trong trường học Ti-ra-nu có lẽ ngoài những giờ học bình thường của trường.  Sau ba tháng họp tại nhà hội, có lẽ các tín hữu đã có chỗ riêng để nhóm lại thờ phượng, nhưng trường học chắc đã được sử dụng, cũng như nhà hội, để làm nơi truyền giảng Phúc Âm.

11-12  Một vài câu chuyện tiếp theo mô tả sự đối đầu của quyền năng của Đức Chúa Trời hằng sống với một thành phố quan tâm một cách sâu sắc đến phép thuật và điều huyền bí.  Chính trong khung cảnh này Lu-ca ghi lại cái mà ông gọi là các phép lạ khác thường, và người ta có thể sẵn sàng tha thứ cho ông điều ông ám chỉ rằng, nếu đem so sánh, các phép lạ khác là “thường”.  Việc Đức Chúa Trời chữa lành qua Phao-lô không phải là điều đáng ngạc nhiên, việc Ngài chữa lành trong một khoảng cách xa không làm chúng ta ngạc nhiên, điều làm chúng ta ngạc nhiên là Ngài dùng những thứ như khăn và áo đã bận mà Phao-lô đã chạm vào.  Nhưng những thứ này có lẽ được sử dụng vì cớ lòng mong mỏi của quần chúng, hơn là những thứ cần thiết hoặc phần hiệu quả cho việc chữa lành.  Tương tự, Chúa Giê-xu cho phép một người phụ nữ được chữa lành khi rờ vào áo Ngài đang mặc (Lu-ca 8:43-48).  Sự hiện thân luôn luôn là về Đức Chúa Trời tự giới hạn Ngài trong những cách gây ấn tượng sâu sắc, gần như ngớ ngẩn, để giao tiếp với những con người sa ngã và ngớ ngẩn.  Cũng xem 5:12-16 về hiệu quả chữa lành của bóng Phi-e-rơ và chú thích đoạn đó.

13-16  Như thể tương phản với câu chuyện trước, vốn có thể được hiểu là “phép thuật”, Lu-ca trình bày nỗ lực của những người Do Thái chưa tin khai thác quyền năng của Đức Chúa Trời (cũng xem Lu-ca 11:19, 24-26) qua việc sử dụng tên của Chúa Giê-xu (xem Công Vụ 8:18).  Sê-va có lẽ thuộc về gia đình thầy tế lễ thượng phẩm, nhưng có lẽ đã dùng danh hiệu thầy tế lễ cả để tự quảng cáo.  Những gì đi liên quan với tôn giáo của người Do Thái “ngoại lai” cổ có một sức quyến rũ nào đó đối với nhiều người ngoại quốc, tên và từ ngữ bằng tiếng Hi Bá Lai có thể thấy trong sách vở phép thuật của người ngoại giáo.  Công thức nhân (danh) Đức Chúa Giê-xu này, là Đấng mà Phao-lô giảng có lẽ là một nỗ lực để cho các quỉ dữ phân biệt Chúa Giê-xu mà họ đang khấn, vì Giê-xu là một cái tên mà nhiều người Do Thái có.  Tuy nhiên con quỉ dữ cụ thể này không cần thông tin ấy; nó đã nghe đến danh Giê-xu và Phao-lô, nhưng chẳng hề biết bảy con trai của Sê-va! và để chứng minh rằng bọn họ chẳng hề có quyền gì trên nó, nó hành hạ dữ lắm đến nỗi họ phải trốn ra khỏi nhà.  Ngoài ngụ ý khôi hài của câu chuyện, đối với Lu-ca ở đây còn có một điểm quyết định trái với niềm tin thông thường (là cái có lẽ được phản ảnh một cách vô thức ngay cả trong những câu nói của các tín hữu về sự đuổi quỷù), không phải danh Chúa Giê-xu được dùng một cách máy móc mà có hiệu trên các thế lực.  Danh ấy không phải là một loại chìa khoá.  Nếu như chúng ta là ống dẫn của quyền năng Ngài, thì không phải là vì chúng ta biết danh Ngài (điều này các quỉ này cũng biết và run sợ) mà vì chúng ta biết Ngài và quan trọng hơn, vì Ngài biết chúng ta (cũng xem chú thích ở 5:12-16).

17-20  Với những sự kiện như thế đang diễn ra tại Ê-phê-sô, thì không ngạc nhiên gì dân chúng sợ hãi và danh Đức Chúa Giê-xu được tôn trọng.  Việc đốt sách vở phù phép và việc công khai tuyên xưng đức tin của những người trước theo nghề phù phép đối với người ngoại quốc là tương đương với “rất nhiều thầy tế lễ vâng theo đạo” tại Giê-ru-sa-lem (6:7).  Năm muôn (năm mươi ngàn) đồng bạc là một con số rất lớn, rõ ràng cho thấy người Ê-phê-sô mê những thứ ấy đến mức nào.  Một đồng bạc (Đrac-ma, tiền Hi Lạp) là một đồng tiền làm bằng bạc, bằng khoảng một ngày lương trung bình, vì vậy con số này tương đương với tiền lương của một người làm việc trên 135 năm.

21-22  Thành công của Hội Thánh cùng với ước muốn kèm theo những của bố thí của các Hội Thánh ngoại quốc (xem 24:17; ICô-rinh-tô 16:1-4; IICô-rinh-tô 8-9) giúp Phao-lô bắt đầu chuẩn bị cho chuyến đi về Giê-ru-sa-lem, mà ông dự định sẽ đi tiếp sang Rô-ma.  Bản Kinh Thánh tiếng Hi Lạp câu 21 có từ “linh”, nhưng không rõ đó có nghĩa là linh của chính Phao-lô hay là “Đức Thánh Linh”.  Tuy nhiên, trong ánh sáng của Công Vụ 20:22 rất có thể câu viết được dịch đơn giản là Phao-lô toan thực sự nên hiểu là “Phao-lô dự định trong Đức Thánh Linh”.

19:23-45  Cuộc dấy loạn tại Ê-phê-sô.  Số tiền liên quan đến việc đốt sách vở (19) bản thân nó hẳn gây nên một sự náo động trong dân chúng.  Những người sống nhờ vào việc bán các vật dụng tôn giáo hẳn đã suy nghĩ qua những gì liên quan mật thiết với một Hội Thánh Cơ Đốc đang phát triển thành công.  Nếu Lu-ca tả vẽ các nhà lãnh đạo Do Thái giáo là trở nên thù địch với Cơ Đốc giáo vì các lý do vụn vặt như tị hiềm cá nhân, thì ông cũng tả vẽ những kẻ chống đối là người ngoại giáo với một màu sắc tương xứng.  Những lý do tài chính tương tự ở đằng sau cách đối xử với Cơ Đốc nhân được ghi lại trong 16:19 và 24:26 vốn ám chỉ rằng chỉ có một sự hối lộ đứng giữa Phao-lô và tự do.

23-27  Sự loạn lớn nổi lên qua bài phát biểu của Đê-mê-triu.  Sự xúi giục của ông ta rõ ràng là có nguyên nhân về tiền bạc: sự thạnh lợi chúng ta sanh bởi nghề này.  Phao-lô hẳn đã giảng dạy tại Ê-phê-sô với những phương pháp chống sự thờ lạy thần tượng có ghi trong bài giảng tại A-thên (xem 17:16-35): Phao-lô này... nói rằng các thần bởi tay người ta làm ra chẳng phải là Chúa (cũng xem ICô-rinh-tô 8:4-6).  Tuy nhiên, phần có hiệu quả nhất của bài phát biểu của Đê-mê-triu là chiến thuật hợp lý hoá và chuyển những điều thật sự làm ông ta lo lắng, mối đe dọa về mặt tiền bạc, sang những mối quan tâm “cao quí hơn” dễ được chấp nhận về mặt xã hội như sự hãnh diện nghề nghiệp, thậm chí niềm tự hào công dân và lòng trung thành tôn giáo (vốn có lẽ là mối quan tâm hàng đầu).

28-34  Tính hiện thực của câu chuyện của Lu-ca là rất nổi bật.  Nếu ông chỉ đơn thuần tuyên truyền cho Cơ Đốc giáo thì nhất định ông đã không bỏ qua cơ hội này để cho người anh hùng Phao-lô của mình ghi một bàn thắng về tài hùng biện ở đây như ở A-thên.  Trái lại, Gai-út và A-ri-tạt bị bắt đi, còn Phao-lô thì không được để cho đi.  Việc mô tả có mấy quan lớn xứ A-si, là bạn hữu người rất hấp dẫn.  Từ lối viết của Lu-ca, dường như không chắc lắm những người này là tín hữu, nhưng có thể họ đã là những người có quan tâm, như Sê-giút Phao-lút lúc đầu vậy (13:6-8).  Việc mô tả thái độ của đám đông trong câu 32 là một sự mô tả hoàn hảo.  Có lẽ người Do Thái kéo A-léc-xan-đơ...để binh vực (33) là để tách bọn họ với các tín hữu.  Mặc khác, đám quần chúng ngoại giáo này có thể đã không phân biệt được hai nhóm “vô thần này”, như cách họ gọi người Do Thái và các tín hữu Cơ Đốc, là những người đều từ chối sự tồn tại của các thần.

35-41  Rất giống như Ga-ma-li-ên trong 5:33-40 viên thư ký thành phố không “đứng về phía các Cơ Đốc nhân”, thế nhưng trong cả hai trường hợp đức tin mà họ tin tưởng có tác động làm dịu đi những kẻ chống đối.  Cả hai, về bản chất đều lập luận rằng các sự kiện sẽ tự chúng dàn xếp.  Chỗ mà kẻ gây rối Đê-mê-triu đã đưa ra những lý do ích kỷ là cao quí, viên thư ký bày tỏ trong bài phát biểu của mình cho đám đông thấy rằng những hành động không cần thiết của họ là hấp tấp và nguy hiểm.  Ông trước hết khéo léo phát biểu và đồng ý với lòng tự hào tôn giáo và tự hào công dân và hàm ý rằng những kẻ không chấp nhận các sự kiện chối cãi chẳng nổi về thần Đi-anh chỉ là những kẻ ngu dốt hơn là những kẻ nguy hiểm, trừ phi họ đã phạm đến (cướp) của thánh hay là lộng ngôn (có những trường hợp mà các đền thờ trong thế giới cổ có cất tượng thần … từ trên trời giáng xuống hay cái mà chúng ta ngày nay gọi là thiên thạch).  Viên thư ký sau đó cắt ngang lớp vỏ che đậy bằng niềm tự hào công dân và tôn giáo mà trực tiếp nhằm vào mối quan tâm thực sự của Đê-mê-triu, sự bất bình về chuyện tiền bạc.  Ông không phủ nhận rằng mối quan tâm này là hợp pháp nhưng chỉ ra rằng đã có ngày xử đoán nếu ông ta hay bất kỳ kẻ nào khác muốn kiện cáo ai.  Với tất cả những vấn đề đã nêu, viên thư ký tiếp tục nói với đám đông rằng cuộc họp, vốn không ích lợi gì với họ nữa, đặt họ (và cả ông cũng đứng chung với họ) sẽ bị hạch về sự dấy loạn xảy ra.  Với bài phát biểu thành công cũng như xuất sắc của mình, ông đã có thể chấm dứt vụ việc và giải tán sự nhóm họp.

20:1-6  Phao-lô chu du qua xứ Ma-xê-đoan và Hi Lạp.  Chỉ sau sự rối loạn này Phao-lô mới đi đến xứ Ma-xê-đoan và Hi Lạp.  Các chuyến đi của ông được đánh dấu bởi nhiều lời khuyên bảo và sự chống đối.  Bản thân tác giả hình như đã cùng đi với Phao-lô tại thành Phi-líp, như thể hiện trong việc sử dụng chữ chúng ta trong câu 6 (xem 16:10-17; 20:5-21:18; 27:1-28:16).  Chúng ta có thể tìm thấy nhiều tên người trong danh sách những người đồng hành trong “lời chào thăm” trong các bức thư của Phao-lô (xem Rô-ma 16:21-23).

20:7-12  Phao-lô và vụ Ơ-tích tại thành Trô-ách.  Đây là một trong những cái nhìn thoáng qua về sinh hoạt của Hội Thánh đầu tiên mà Lu-ca cung cấp cho chúng ta. 7  Đây là lần đầu tiên chúng ta nghe rằng các tín hữu Cơ Đốc nhóm nhau vào ngày thứ nhất trong tuần lễ để bẻ bánh với nhau (xem 2:42).  Vì Phao-lô dự định ra đi vào ngày hôm sau nên ông đã nói chuyện cho đến nửa đêm.  8-9  Việc đề cập đến nhiều đèn gợi ý rằng khói đèn có thể đã là một nguyên nhân khiến Ơ-tích ngủ gà ngủ gật.  Tuy nhiên, không nghi ngờ gì nữa lý do chính khiến anh ta ngủ gật là do Phao-lô giảng rất dài.  Vì ngã xuống từ lầu cao, Ơ-tích lúc đỡ dậy đã thấy chết rồi.  Ngôn ngữ ở đây không có gì mơ hồ (như trong 14:19-20 nơi người ta tưởng Phao-lô đã chết mà kéo ra ngoài), và không chắc lắm rằng Lu-ca muốn nói điều gì khác ngoài phép lạ làm sống lại đã xảy ra (cũng như câu chuyện trong 9:36-43).  10  Sự tỉnh lại này có một hình thức khá có ấn tượng, tương tự như phép lạ của Ê-li và Ê-li-sê (ICác Vua 17:21; IICác Vua 4:32-33), và khi sự chữa lành được hoàn thành, Phao-lô tuyên bố một cách vui mừng, linh hồn còn ở trong người (Anh ta còn sống!).  11  Không bị bối rối, họ bây giờ bẻ bánh, nghĩa là thông công, và Phao-lô tiếp bài giảng chỗ ông đã bỏ nửa chừng, giảng luận lâu cho đến sáng.  Sau mọi việc ấy, người ta có thể tưởng tượng được, rằng mọi người đều tỉnh hẳn!

20:13-38  Phao-lô từ giã tại thành Mi-lê: kết thúc một giai đoạn

Đây là một bản ghi lại bài giảng của Phao-lô cho những người đã là tín hữu mà chúng ta có được trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ.  Nhưng đây là một bài giảng bất thường, một “lời chia tay” dưới một hình thức khá rập khuôn, hoàn toàn với những câu phát biểu, tự bênh vực quen thuộc, mặc dù không cần thiết (xem trường hợp tương tự trong ISa-mu-ên 12:2-5 không chắc là Sa-mu-ên đã từng bị buộc tội là ăn cắp lừa!).  Về bài giảng nói chung, xem ở 2:14.

13-17  Trong chuyến đi từ thành Trô-ách đến thành Mi-lê được ghi bố cục trong một khúc Kinh Thánh khác dùng chữ “chúng ta” (xem phần giới thiệu và bình giải trong 16:10) gồm có những thông tin chi tiết điển hình về các chặng đường và những lần dừng chân.  Có một sự mâu thuẫn rõ ràng giữa quyết định của Phao-lô đi qua trước thành Ê-phê-soâ vì ông đang vội với việc ông sau đó dành thời gian để sai người đi tới thành Ê-phê-sô, mời các trưởng lão trong Hội Thánh.  Ở đây có lẽ có một cái gì đó không ổn hoặc là với những chuyến đi thuyền đã được định giờ giấc hoặc là với ý muốn tránh rắc rối biết trước là sẽ có tại Ê-phê-sô hoặc tại Châu Á, vốn có thể đã làm cho ông chậm trễ hơn nữa.

18-21  Bài giảng chung quy lại là tóm tắt thời gian gần ba năm Phao-lô đã ở tại Ê-phê-sô.  Ông chưa hề trễ nãi rao truyền mọi điều ích lợi, và đã làm việc ấy hoặc giữa công chúng, hoặc từ nhà này sang nhà kia… cho người Giu-đa (Do thái) như cho người Gờ-réc (Hi Lạp).

22-27  Hoặc là quyết định đi Giê-ru-sa-lem (19:21) không phải là của riêng Phao-lô, hoặc là Đức Thánh Linh đã xác nhận quyết định này với Phao-lô bằng cách nào đó, vì với các trưởng lão, ông sử dụng ngôn từ mạnh mẽ: Kìa, nay bị Đức Thánh Linh ràng buộc tôi đi đến thành Giê-ru-sa-lem, dù Đức Thánh Linh đã cảnh báo ông về dây xích và hoạn nạn, có lẽ qua các nhà tiên tri từ thành này sang thành khác (xem 21:4, 11).  Những lời cảnh báo này bản thân chúng có vẻ mơ hồ, vì tuy Phao-lô nói ông biết không một ai đang nghe ông nói sẽ được gặp lại ông, nhưng ông cũng nói rằng ông sẽ đi Giê-ru-sa-lem mà không biết điều gì sẽ xảy ra cho mình tại đó.  Sự hướng dẫn thiên thượng không phải là một vấn đề rõ ràng để có thể thấy, ngay cả đối với sứ đồ Phao-lô.  Dù cho có điều gì đang chờ đón ông đi nữa, thì ở đây không bao gồm công tác tại vùng đất này nữa (Rô-ma 15:23, 31-32).  Tới đây bài giảng kết thúc với những lời biện bạch hơn nữa, điển hình của bài nói từ giã: Tôi tinh sạch về huyết anh em hết thảy.

28-31  Từ quá khứ và tương lai của chính mình, Phao-lô chuyển sang nói đến vai trò của những người lãnh đạo Hội Thánh, mặc dù ông tiếp tục sử dụng cách ăn ở của chính ông để làm ví dụ.  Trước hết ông đối phó với vấn đề các giáo sư giả.  Nếu như Hội Thánh là bầy và người lãnh đạo là người chăn, thì các giáo sư giả giống như muông sói dữ tợn.  Phao-lô cảnh báo rằng các giáo sư giả này sẽ đến trong Hội Thánh, nhưng một số sẽ dấy lên từ giữa anh em.  Mặc dù Phao-lô nói rằng ông biết điều này sẽ xảy ra sau khi ông đi, điều đó cũng đã xảy ra trong suốt cuộc đời ông, và có lẽ ngay cả tại Ê-phê-sô.  Vì thế, trong ba năm (tính luôn một phần của năm thứ ba ở tại đó).  Ông hằng chảy nước mắt ra mà khuyên bảo họ.

Chữ kẻ coi sóc (có khi dịch là “giám mục”) có lẽ không nên xem là một thuật ngữ về chuyên môn công việc, vì ở chỗ khác thì những người này được gọi là “trưởng lão”.  Vào lúc Phao-lô giảng bài giảng này, những chữ này có thể dùng thay đổi cho nhau được.

32-35  Chúa đã nói rõ rằng những người làm chứng của Ngài được phép nhận lấy phần thu nhập (Lu-ca 10:7; cũng xem ICô-rinh-tô 9:4-14).  Tuy vậy, Phao-lô thường không sử dụng “quyền” này, không muốn trở thành một gánh nặng cho các Hội Thánh.  Xen lẫn vào trong bài giảng từ giã điển hình quả quyết mình vô tư (Tôi chẳng ham bạc) là sự ám chỉ rõ ràng rằng ông muốn các trưởng lão tại Ê-phê-sô cũng phải có thái độ tương tự đối với sự giúp đỡ tài chính, có lẽ bởi vì các thành viên khác của Hội Thánh không được giàu có: phải chịu khó làm việc như vậy, để giúp đỡ người yếu đuối.

Những lời chính Đức Chúa Giê-xu có phán cụ thể không được ghi trong chính các sách Phúc Âm, nhưng như một trong các tác giả của các sách Phúc Âm đã nói, tất cả các sách trên thế gian cũng không thể chứa hết tất cả những điều Chúa Giê-xu nói và làm (Giăng 21:25).  Lẽ dĩ nhiên điều đó không có nghĩa rằng việc nhận của biếu hoặc thậm chí nhận hành động từ thiện là sai – nhưng chính có nghĩa rằng vì nếu như của ấy là phước, theo như chúng ta có thể thấy được, thì hành động ban cho bản thân nó cũng là phước vậy.

36-38  Câu chuyện về chuyến thăm của các trưởng lão kết thúc bằng một cảnh rất xúc động, cầu nguyện rồi khóc và ôm hôn nhau.  Ngay cả khi có hi vọng gặp lại trong cõi đời đời, thì rõ ràng là việc từ giã nhau trên đất này cũng không phải là dễ dàng.

21:1-28:31  Giê-ru-sa-lem và Rô-ma: Phao-lô tại cuộc xử án

21:1-23:11  Trước mặt người Do Thái: Giê-ru-sa-lem

21:1-16  Những lời cảnh báo trên đường đi đến Giê-ru-sa-lem.  Những tuần cuối cùng của cuộc hành trình trở về xứ Giu-đê đầy ắp những cuộc gặp gỡ với bạn bè cũ và mới, nhưng cũng đầy những lời cảnh cáo thuyết phục Phao-lô đừng đến Giê-ru-sa-lem.  Toàn bộ phần này được kể lại với ngôi thứ nhất số nhiều (chúng ta), cho thấy Lu-ca cũng có ở đó.  4  Các môn đồ mà Phao-lô gặp ở Ty-rơ có lẽ có liên hệ với các tín hữu tan lạc sang Phê-ni-xi sau vụ Ê-tiên bị ném đá (11:19).  Điều lý thú là ở đây, cũng như ở Sê-sa-rê (10-12), các tín hữu chịu Đức Thánh Linh cảm động đã nhận được cảnh báo về những gì sẽ xảy ra với Phao-lô.  Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, cách diễn giải của con người về sự linh cảm thiên thượng này, dù là có thể hiểu được, là sai: họ dặn Phao-lô chớ lên thành Giê-ru-sa-lem.  Phao-lô nương cậy một cách đúng đắn trên sự linh cảm được ban cho ông, và các tín hữu khác phải hiểu lại những linh cảm của họ để cho phù hợp với linh cảm của Phao-lô.  Khi Đức Thánh Linh cảnh báo rằng có một điều gì trục trặc sẽ xảy đến, thì không nhất thiết rằng Ngài đang bảo chúng ta không nên nỗ lực gì cả.  5-6  Như ở cuối chương trước tại thành Mi-lê, các Cơ Đốc nhân quì xuống… cùng nhau cầu nguyện trước khi từ giã nhau.

8-9  Phi-líp là một nhân vật quen thuộc trong chương 6 và chương 8.  Sau câu chuyện về hoạn quan Ê-thi-ô-bi, ông bắt đầu cuộc hành trình của mình đến Sê-sa-rê (8:40), nhưng chúng ta không rõ ông có ở tại thành phố khi Phi-e-rơ thực hiện chuyến viếng thăm lịch sử của mình đến nhà Cọt-nây hay không (10:24-48).  Vì Lu-ca tuyên bố (qua việc dùng chữ chúng ta) rằng mình thuộc trong những người ở lại nhà Phi-líp, nên rất có thể chính trong chuyến viếng thăm này mà Phi-líp thuật lại cho Lu-ca nghe về những tin tức ghi lại trong chương 8 sách Công Vụ.  Ghi nhận rằng hai mươi năm đã trôi qua hầu như không ảnh hưởng gì đến việc thấy một gia đình có con cái đã đến tuổi lập gia đình!  Việc Lu-ca đề cập rằng bốn con gái đồng trinh của Phi-líp là các nữ tiên tri có lẽ đã để cho thấy từ những ngày đầu tiên bị tan lạc (8:1) đến nay là bao nhiêu lâu.  Nhưng nó cũng cho chúng ta biết trong số các vị trí nổi bật trong Hội Thánh có bảy người “có thân phận thấp” (không những là nữ giới mà còn là độc thân nữa!).

10-11  Tiên tri A-ga-bút, người mà chúng ta biết đến từ đầu sách (11:27-28), xuất hiện lại khá đột ngột.  Theo cách thức của một số tiên tri Cựu Ước, sứ điệp của ông là sứ điệp bằng hành động, minh họa cách mà người Do Thái tại Giê-ru-sa-lem sẽ trói Phao-lô.  Câu nói nộp trong tay người ngoại đạo được Chúa Giê-xu dùng để nói về điều tất yếu sẽ xảy ra cho Ngài (Lu-ca 18:32).  12  Mặc dù sứ điệp của nhà tiên tri kết thúc bằng một lời báo trước, nhưng tất cả mọi người (không đúng lắm, đối chiếu câu 4) hiểu lời cảnh báo của Đức Thánh Linh về điều sẽ xảy ra như thể có ý nói rằng Phao-lô không nên đi, và họ xin Phao-lô đừng lên thành Giê-ru-sa-lem.  Đây phải là một lời cảnh cáo rằng ngay cả khi chúng ta thấy “cửa sẽ đóng”, thì không nhất thiết có nghĩa là chúng ta không nên nỗ lực đi qua đó.  13-14  Một vài người người hẳn sẽ cho rằng Phao-lô đang đi ngược lại sự hướng dẫn rõ ràng của Đức Thánh Linh, nhưng Phao-lô có sự can đảm để đứng vững và chẳng khứng chịu khuyên dỗ.  Cuối cùng, mọi người đã có thể đồng ý với cách thức là xin cho ý muốn của Chúa được nên, và vì vậy, họ ra đi.

15-16  Địa điểm của nhà Ma-na-sôn trong bản văn là không rõ ràng; nó nằm hoặc là ở tại Giê-ru-sa-lem hoặc là giữa Sê-sa-rê và Giê-ru-sa-lem.  Cũng như Ma-na-sôn, nhiều môn đồ lâu nay dường như quê ở Chíp-rơ, trong số đó có Ba-na-ba và có lẽ cả Giăng Mác, người anh em họ của ông.  Phao-lô đã trải qua chặng đầu của hành trình truyền giáo lần thứ nhất của mình tại đó (4:36-37; 11:19-21; 13:4-13).

21:17-26  Phao-lô đến thành Giê-ru-sa-lem.  Mặc dù sau này Phao-lô bị bắt vì gây náo loạn tại đền thờ, nhưng ông đã hết sức cố gắng không làm khó chịu người Do Thái hay Cơ Đốc nhân người Do Thái.  17-18  Sau khi được anh em tiếp đón thân mật, nhóm này đến thăm những người lãnh đạo Hội Thánh, có Gia-cơ một lần nữa xuất hiện với tư cách là người đứng đầu (xem ở 12:12-17 và 15:13-21).  19-20  Mặc dù những bản tường trình của Phao-lô về công tác trong người ngoại được đón chào với lời ngợi khen Đức Chúa Trời, nhưng những người lãnh đạo thấy trước một vấn đề giữa mấy vạn người Giu-đa đã tin, những người vẫn còn sốt sắng về luật pháp.  So sánh về dân số của Giê-ru-sa-lem, rất có thể rằng mấy vạn người này, giống như nhiều người trở lại đạo vào ngày lễ Ngũ Tuần (chương 2), không cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem.  21  Bằng cách này hay cách khác, nhiều người Do Thái, ngay cả các tín hữu người Do Thái, đã nghe và tin những lời báo cáo hết sức phóng đại về sứ điệp của Phao-lô: ấy là ông đang bảo người Do Thái rằng họ phải từ bỏ Môi-se.  Dĩ nhiên, không phải như vậy.  Phao-lô dạy người ngoại quốc rằng họ không cần phải trở thành người Do Thái, một việc khác xa với việc dạy người Do Thái rằng họ không được là người Do Thái nữa (xem 21:28-29 và 16:1-5).

22-24  Gia-cơ đề nghị Phao-lô nên công khai xác nhận và ủng hộ một điều gì đó mang tính chất Do Thái, là lời thề Na-xi-rê của một số người.  Chính Phao-lô đã có lời thề tương tự (xem 18:18 và Dân Số Ký 6:1-21), nên ông đó không ủng hộ một điều gì đó thuần tuý vì lý do chính trị.  Gia-cơ hi vọng bằng cách đó, mọi người sẽ biết mọi tin đồn về anh (Phao-lô) đều chẳng thật.  25  Nhưng Gia-cơ vẫn ủng hộ thoả thuận trong chương 15 hạn chế bớt “gánh nặng” mà tín hữu ngoại quốc bị đòi hỏi phải mang về một vài cách ăn ở mà người Do Thái xem là “điển hình ngoại quốc” và lấy làm khó chịu.  26  Phao-lô làm theo gợi ý của Gia-cơ.  Việc ở khắp mọi nơi Đức Thánh Linh cảnh báo ông về sự chống đối và ngay cả sự bắt giam tại Giê-ru-sa-lem (xem 20:22-23; 21:11-12) đã không ngăn ông thực hiện hành động này.  Mặc dù lý do và ý định chính của những hành động của ông về những lời thề là đã rõ ràng, nhưng tình huống diễn tiến sau hành động đó cụ thể ra sao thì không được biết rõ.

21:27-36  Phao-lô bị bắt tại đền thờ.  Tuy nhiên, như diễn tiến tiếp đó đã không có thời gian để kế hoạch này bày tỏ hết hiệu lực của nó.  27  Rắc rối xảy ra không phải đến từ phía các tín hữu người Do Thái mà là từ các người Giu-đa (Do Thái), quê A-si, những người có lẽ đã đến trong một cuộc hành hương.  Trên đường đến Giê-ru-sa-lem, Phao-lô cố tình tránh tỉnh A-si, có lẽ vì ông đã thấy trước những vấn đề như thế từ người dân tại đó (xem ở 20:16-17).  28-29  Như Gia-cơ và những nhà lãnh đạo của Hội Thánh đã lo ngại, những người Do Thái này loan tin giả dối trong đền thờ rằng Phao-lô giảng dạy khắp thiên hạ, nghịch cùng dân, nghịch cùng luật pháp, và nghịch cùng chốn này nữa.  Để minh họa cho điểm nghịch cùng chốn này, họ tố cáo nhầm rằng Phao-lô đã dẫn Trô-phim, người Ê-phê-sô vào đền thờ, và vượt qua giới hạn trong đền thờ mà người ngoại quốc được phép bước chân đến, mà điều đó là một sự xúc phạm nghiêm trọng.  30  Những lời tố cáo gây nên một sự khuấy động trong dân chúng thành phố, nơi các Cơ Đốc nhân có lẽ đã bị có ác cảm kể từ sau vụ Ê-tiên (8:1).  Các cửa đều đóng lại để cách ly cuộc bạo động ra khỏi khu sân trong đền thờ, đám đông tìm cách giết Phao-lô.  Tiếng ồn náo nhiệt đã thu hút sự chú ý của các giới chức La Mã, vốn rất cảnh giác về người Do Thái vào những lúc lễ hội trong bất kỳ trường hợp nào.  Luật pháp của Phê-lít, quan tổng đốc đương nhiệm ở xứ Giu-đê (23:24, 26), nổi tiếng về sự đàn áp nghiêm khắc các cuộc nổi dậy (xem câu 37-38).  33  Mặc dù viên quan quản cơ cố gắng tìm ra danh tánh của Phao-lô, nhưng có thể ông ta không tự mình hỏi Phao-lô hoặc ông ta không nghe được câu trả lời, vì câu 37 dưới đây cho thấy viên quản cơ ngạc nhiên rằng Phao-lô nói được tiếng Hi Lạp (Gờ-réc).  34  Sự la hét điên rồ của đám người Do Thái này làm ta nhớ lại đám đông ngoại giáo tương tự tại Ê-phê-sô, khi kẻ reo lên thể này, người la lên thể khác (xem 19:32).  Nhưng, trong khi cuộc bạo loạn của đám đông được khích động bởi lòng tham cá nhân, thì cơn giận dữ này của công chúng dường như là một lòng nhiệt thành tôn giáo chân chính của người Do Thái, mặc dù bị dẫn sai lạc.

21:37-22:22  Phao-lô trước đám đông.  Bài giảng này là bài giảng đầu tiên của cái mà đôi khi được gọi là “bài phát biểu tự bênh vực”.  Sự bào chữa của Phao-lô cho hành động của mình đơn giản là: ông là một người Do Thái tốt và vì thế khi đối diện với những khải tượng và lời của Chúa thì ông không thể làm điều gì khác ngoài việc phải vâng lời.

37-38  Quan quản cơ ngạc nhiên về khả năng nói tiếng Hi Lạp của Phao-lô và đoán rằng Phao-lô là kẻ cầm đầu một cuộc nổi loạn, một người Ê-díp-toâ mà những kẻ đi theo bị đàn áp dưới tay Phê-lít và là người mà sử gia Do Thái Josephus có ghi lại.  Không thiếu những cuộc bạo động dễ trở thành cuộc nổi loạn của người Do Thái vào thời gian này (đối chiếu hai cuộc nổi loạn được Ga-ma-li-ên dẫn ra trong 5:36-37).  39  Tuy nhiên, Phao-lô đính chính cho viên quản cơ và tự xác nhận mình là một công dân thành Tạt-sơ, thành có danh tiếng.  Đây là một việc khác so với việc tuyên bố là công dân La Mã, là quyền chẳng bao lâu sau đó sẽ bắt đầu có hiệu lực (22:25).

40  Việc đám đông bất kham lẽ ra đã trở nên yên lặng theo sự ra dấu của Phao-lô có vẻ như không thực tế, và toàn bộ tính lịch sử của bài giảng đã bị nghi vấn trên cơ sở rằng một người vừa mới được giải cứu ra khỏi trận đánh đòn của một đám đông đằng đằng sát khí không chắc là đã ở trong tình trạng tốt đủ để có thể nói trước đám đông.  Nhưng thật ra có thể đám đông đang chờ đợi để nghe nếu kẻ dị giáo bị ngược đãi này (như họ đã xem ông như thế) này sẽ công khai rút lui và từ bỏ.

22:2  Khi Phao-lô nói với họ bằng tiếng A-ram, họ tiếp tục yên lặng lắng nghe.  Vào thời ấy, người Do Thái lưu vong không phải ai cũng biết nói tiếng Hi Bá Lai và tiếng A-ram, vì thế nếu những người gây rối ở tỉnh A-si (21:27) đã nói tiếng Hi Lạp khi họ tố cáo Phao-lô chống lại người Do Thái, thì việc Phao-lô  đáp lại họ bằng tiếng A-ram hay tiếng Hi Bá Lai bản thân nó cũng là phần mở đầu của lới phản bác sự tố cáo đó.  3-4  Bài giảng tiếng tục bằng việc trình bày gốc gác và thành tích của Phao-lô, chứng minh mình mang đặc điểm Do Thái nhiều hơn và mình có liên hệ gần gũi với Giê-ru-sa-lem hơn là các khách hành hương từ A-si đến.  Phong cách lập luận dĩ nhiên gợi ta nhớ đến cách Phao-lô lập luận trong các bức thư của ông (đăïc biệt trong Phi-líp 3:4-6).  Việc Phao-lô được nuôi tại đây, trong thành này ám chỉ rằng ông từ Tạt-sơ đến Giê-ru-sa-lem lúc còn nhỏ tuổi (muốn có một bản tiểu sử hợp lý về đoạn đời đầu tiên của Phao-lô, xin xem Martin Hengel, The Pre-Christian Paul [SCM 1991]).  Ga-ma-li-ên là một ra-bi hàng đầu người Do Thái thời bấy giờ, theo trường phái “Hillel” tự do Pha-ri-si (xem ở 5:34).  5  Thành tích bắt bớ của Phao-lô, vốn đã gây cho ông một số khó khăn với các tín hữu Cơ Đốc (xem ở 9:26) và một sự bối rối thậm chí trong các bức thư của ông (xem ICô-rinh-tô 15:9), đã cung cấp một bối cảnh hoàn hảo cho việc tự bênh vực mình lúc này.  Ông giải thích thế nào ông đã trở thành một tín đồ Đấng Christ ngược với ý chí của mình và lập luận rằng bất kỳ người Do Thái nào đã nhận sứ điệp từ Đức Chúa Trời mà ông đã nhận thì không thể không làm điều tương tự.

6-13  Câu chuyện về sự gặp gỡ của Phao-lô trên đường Đa-mách chỉ khác chút ít so với sự mô tả trong 9:1-31.  14-16  Phần của A-na-nia trong câu chuyện được kể một cách đầy đủ nhất trong lời tường thuật này về các sự kiện (đối chiếu 9:17).

17-21  Phần này của cuộc đời Phao-lô chỉ thấy ghi lại ở đây.  Đáp lại câu nói của Đức Chúa Trời trong dị tượng rằng về sự hiện thấy này.  Đáp lại câu nói của Đức Chúa Trời trong dị tượng rằng người Do Thái ở Giê-ru-sa-lem sẽ không chấp nhận lời chứng của Phao-lô, hình như ông đã lý luận với Chúa rằng bởi vì người Do Thái biết về thành tích về lòng nhiệt thành của ông chống lại các tín đồ Đấng Christ, nên ông sẽ là một nhân chứng có hiệu quả đối với người Do Thái.  Ngược lại Đức Chúa Trời trả lời: Hãy đi, vì ta toan sai ngươi đi đến cùng dân ngoại ở nơi xa.  22  Đến đây, đám đông không chịu đựng nổi nữa, họ giận dữ cắt ngang trước khi Phao-lô có thể bác bỏ lời tố cáo về Trô-phim và đền thờ.

22:23-29  Phao-lô, công dân La Mã.  23  Quan quản cơ có lẽ không vui lắm khi đã thuận để cho Phao-lô nói, đám đông lại trở nên điên cuồng, kêu la, cổi áo, hất bụi hay lên giữa khoảng không.  24-26  Họ hẳn đã hạch hỏi Phao-lô bằng cách đánh đòn ông, nhưng áp dụng cách tra tấn này với một công dân La Mã là việc làm không hợp pháp.  Khi Phao-lô bày tỏ ý này với người lính canh giữ mình, cách đáp ứng của họ là rất đúng theo ý Phao-lô, và quan quản cơ một lần nữa lại sững sờ.  27-29  Cuộc trao đổi sau đó giữa quan quản cơ và vị sứ đồ đã để lại ấn tượng sâu sắc cho quan quản cơ nhiều hơn trước.  Trong thời đại mà tư cách công dân La Mã đã bị làm giảm giá trị bởi việc người ta có thể mua bán nó bằng tiền, thì Phao-lô là một công dân La Mã từ lúc sanh ra (không giống như quan quản cơ).  29  Như trong trường hợp trước khi Phao-lô đề cập tư cách công dân La Mã của mình, các nhà cầm quyền trở nên lo lắng (đối chiếu 16:37-40).

22:30-23:11  Phao-lô trước Toà Công Luận.  30  Chỉ là một công dân La Mã thôi thì không đủ để thả tự do cho Phao-lô, quan quản cơ vẫn muốn xác định vì cớ gì mà sự rối loạn nổi lên.  Vì thế Tòa Công Luận nhóm lại và Phao-lô phải trả lời họ.  Mặc dù chúng ta không biết có phải quan quản cơ La Mã có quyền hợp pháp để ra lệnh Tòa Công Luận nhóm họp lại hay không, nhưng trong trường hợp này, chính vì họ quan tâm, và muốn kết án Phao-lô và cần có sự chấp thuận của người La Mã.

23:1-2  Thật là lạ khi Phao-lô quả quyết mình vô tội trước bất kỳ lời tố cáo nào được đưa ra.  Có lẽ Lu-ca đã lược bỏ bớt những lời cáo buộc, nếu những cáo buộc ấy giống như được ghi trong 21:28 (cũng xem 24:5-6).  Sự quả quyết của Phao-lô rằng mình vô tội đã được đáp lại bằng một cái vả vào mặt, có lẽ vì việc đề cập đến Đức Chúa Trời.  3  Ông phản ứng lại hành động này một cách nhanh chóng và giận dữ.  Những chữ bức tường tô trắng làm ta nhớ đến lời định tội của Chúa Giê-xu đối với kẻ giả hình trong Ma-thi-ơ 23:27 nhưng thậm chí gần hơn với hình ảnh trong Ê-xê-chi-ên 13:10-12.  Câu trả lời của Phao-lô rõ ràng có vẻ đi ngược lại mệnh lệnh “đưa má bên kia cho họ” (Ma-thi-ơ 5:39) và đi ngược lời mô tả của chính ông về hành động của mình khi đối mặt với sự bắt bớ trong ICô-rinh-tô 4:12.  4-5  Cuộc trao đổi diễn ra sau đó đã được Phao-lô dùng như một lời xin lỗi, hay ít nhất cũng là một sự bào chữa.  Có phải thật sự Phao-lô không biết A-na-nia là thầy tế lễ thượng phẩm không? Có lẽ thầy tế lễ thượng phẩm không mặc áo lộng lẫy, nhưng sự kính trọng mà người ta dành cho ông ta là đủ để nhận ra ông ta, ngay cả trong một cuộc họp mặt không chính thức.  Mặt khác, việc cho rằng câu nói phải được hiểu là một lời chế nhạo, “Tôi không thấy một người nào hành động theo kiểu này lại có thể là một thầy tế lễ thượng phẩm được”, là không có cơ sở mạnh mẽ dựa trên bản văn và không phù hợp lắm với sự diễn giải câu trích trong Ê-xê-chi-ên 22:28.  Có lẽ tốt nhất nên xem đoạn văn như nó vốn có và chấp nhận điều khó giải quyết là rõ ràng Phao-lô không biết.

5-8  Sự xoay chuyển đáng chú ý các sự kiện tiếp theo sau là rất dễ bị hiểu lầm, Phao-lô biết rõ bọn họ phần thì người Sa-đu-sê, phần thì người Pha-ri-si và đã tận dụng kẽ hở này bằng cách đề cập với tất cả những người này sự sống lại của những kẻ chết, một lẽ đạo mà ông biết họ bất đồng với nhau.  Nhưng Phao-lô lập tức khéo léo hơn và thật thà hơn là người ta vẫn thường khen ngợi.  “Khéo léo hơn” là bởi vì đây còn hơn cái chiến thuật trì hoãn để làm họ rối trí trong khi ông chuồn ra ngoài cửa.  Ông làm cho việc tố cáo của họ bị mất uy tín trước quan quản cơ người La Mã.  Không có người La Mã nào có thể vui vẻ liên kết với những quyết định của một cơ quan như Toà Công Luận vốn tỏ ra sẽ có tranh cãi sau đó.  “Thật thà hơn” là bởi vì vấn đề sống lại còn hơn một lẽ đạo Cơ Đốc rất mang lại lợi điểm cho ông trong giai đoạn này (xem 4:1-2;  chỗ cho thấy điểm này chính là điều mà các quan chức đền thờ phản đối).  Việc Giê-xu sống lại hiện ra với Phao-lô trên đường đến Đa-mách là luận cứ chính trong bài tự binh vực của Phao-lô: chỉ có sự chứng minh thiên thượng của Chúa Giê-xu phục sinh mới có thể làm Phao-lô xây bỏ lòng nhiệt thành trước đây của mình.  Nếu Đức Chúa Trời đã khiến Chúa Giê-xu sống lại, thì Phao-lô phải làm điều mà ông đang làm.  Nếu Đức Chúa Trời không khiến Chúa Giê-xu sống lại thì ông sai lầm.  Đơn giản chỉ là như thế (xem ICô-rinh-tô 15:12-15).

9  Trong tiếng kêu la lớn ít nhất cũng có vài người Pha-ri-si sẵn lòng thừa nhận rằng điều đã xảy ra với Phao-lô thật ra có thể đã có cơ sở nào đó.  10  Quan quản cơ người La Mã một lần nữa phải giải cứu Phao-lô ra khỏi một cuộc tranh chấp bằng bạo lực.  Ông hẳn đã tin hai điều.  Thứ nhất, người Do Thái sẽ không thể đi đến một quyết định phải lẽ về vấn đề này, và thứ hai cuộc tranh chấp này thực chất là một cuộc tranh chấp tôn giáo.  Nhưng, một người đã gây ra nhiều rắc rối như thế thì không thể dễ dàng tha ra được.  11  Đêm hôm sau, Chúa hiện ra như lần trước (18:9-10) để khích lệ Phao-lô và xác nhận mục đích của Ngài.  Ngay cả trong những cuộc đối đầu có vẻ không có kết quả này, Phao-lô vẫn phải tiếp tục làm chứng cho Chúa.

23:12-26:32  Trước mặt người La Mã: Sê-sa-rê.

23:12-35  Việc giao nộp vì một âm mưu.  Có một sự mỉa mai trong sứ điệp của Đức Thánh Linh qua A-ga-bút trong 21:10-11, “dân Giu-đa (Do Thái) sẽ trói người có dây lưng này như vậy, mà nộp trong tay người ngoại đạo”.  Thật sự chính người ngoại đã cứu Phao-lô ra khỏi hai cuộc bạo hành và tiếp tục ngăn cản những người Do Thái muốn giết ông.  12-14  Có hơn bốn mươi người đã lập mưu đó và việc họ đã thề với nhau cho thấy họ hành động nghiêm túc đến mức nào.  15  Nhiều thành viên Tòa Công Luận, tuy không phải là tất cả, tham gia vào âm mưu này.  Số còn lại sẽ bị lừa dối cùng với viên quản cơ La Mã với lý cớ là họ muốn tra xét việc nó cho kỹ càng hơn nữa.  Án phạt sẽ được thông qua và được thi hành trong khi Phao-lô trên đường đến phiên toà.

16-22  Người ta đôi khi ngạc nhiên khi Lu-ca cung cấp cho chúng ta một thông tin ít ỏi như thế về Phao-lô; chúng ta thậm chí không biết được tên đầy đủ có ba phần bằng tiếng La Mã của ông! Ở đây chúng ta chỉ biết ông có những người bà con tại Giê-ru-sa-lem.  Việc suy đoán làm thế nào cháu của Phao-lô nghe được thông tin về ông cũng không mang lại kết quả mấy.

23-24  Quy mô của nhóm lính hộ tống Phao-lô có vẻ hơi thừa, ước chừng chiếm gần nửa số quân đồn trú tại Giê-ru-sa-lem.  Quy mô của đội vệ binh có lẽ được qui định bởi mối đe dọa thực tế từ khả năng công khai nổi loạn của quần chúng, rõ ràng theo sự lưu ý của nhà cầm quyền ngay từ lúc đầu (xem ở 21:30-32, 37-38).  Mối quan tâm của quan quản cơ trước hết là trật tự ở thành phố Giê-ru-sa-lem, phần sức mạnh lớn hơn đã xoay sang đó một cách nhanh chóng.

25-30  Không phải Lu-ca cũng không phải Phao-lô đọc được bức thư gửi quan tổng đốc, và lời giới thiệu: Người lại viết cho quan đó một bức thư như sau có lẽ nghĩa là Lu-ca đang cung cấp cho chúng ta ý chính của cái mà ông đoán là có viết trong thư.  Mặt khác, cũng có thể bức thư sau này trở thành một phần của hồ sơ liên quan đến vụ xử Phao-lô và thậm chí có thể đã được đọc ra giữa tòa án.  Bức thư chúng ta có mang đúng âm sắc mà chúng ta mong đợi trong hoàn cảnh ấy, hoàn hảo với tất cả những âm trầm phảng phất màu sắc chính trị, nhấn mạnh các hành động mang tính chủ động và có trách nhiệm của chính quan quản cơ, bao gồm việc “nghiêng về” sự thật tôi đã đem quân lính đến thình lình mà cướp người ra khỏi, vì đã nghe người là quốc dân Rô-ma (đối chiếu 21:33; 22:29).

31-35  Chi tiết cho rằng Phao-lô là người quê ở tỉnh Si-li-si thu hút Phê-lít trong một nỗ lực xác định ai sẽ xét xử vụ kiện sắp tới.  Trong trường hợp này, Phê-lít đồng ý nhận trách nhiệm xử.

24:1-26  Phao-lô trước mặt Phê-lít.  Đây là lần thứ nhất trong ba phiên toà xét xử trước những quan chức quan trọng, cả ba, mặc dù không đi đến kết luận, đều cho người đọc thấy rõ ràng là chỉ có vì lý do thành kiến và chuyên môn nên Phao-lô mới tiếp tục bị cầm giữ.  1-9  Vụ xử này là không bình thường vì đây là lần duy nhất trong sách Công Vụ mà trong đó bên nguyên cáo có sử dụng luật sư.  Người ta thường nghĩ Tẹt-tu-lu là một nhà diễn thuyết “hạng hai” và mang tội nịnh bợ trong bài phát biểu yếu ớt của mình, nhưng việc bắt đầu bài phát biểu bằng một sự thừa nhận uy quyền của quan án về vấn đề, được diễn giải để tranh thủ sự ủng hộ và thiện chí, là có thể chấp nhận được và phần tóm lược nội dung bài phát biểu của Lu-ca kể trên một vài điểm khéo léo trong bài phát biểu của Tẹt-tu-lu.  Chẳng hạn, khi Tẹt-tu-lu tuyên bố nhờ ơn quan mà chúng tôi được hưởng sự bình an trọn vẹn (3), thì đây có thể được xem là vô nghĩa, bởi vì trước đó đã có những cuộc náo loạn và nổi dậy có mưu ý mà quan tổng đốc đã giải quyết một cách tàn khốc (xem 21:31, 37-38; 23:23-24).  Tuy nhiên, đây là nỗ lực của Tẹt-tu-lu nhằm nhắc Phê-tít rằng sự ổn định đã được trả giá bằng hành động nghiêm khắc chống lại những kẻ làm loạn, mà trong đó, ông ta trình bày tiếp, có Phao-lô, là một kẻ gây loạn… trên cả thế giới (5).  Đây là một lời luận tội khôn khéo, có lẽ căn cứ trên sự hiểu biết do người Do Thái quê A-si cung cấp (21:27-28) về cuộc rối loạn tại Ê-phê-sô (19:23-41), mà Phao-lô có thể liên quan mà không thể khước từ.

10  Sau một vài lời nhận xét mở đầu khá đơn giản, vốn đã được xem là yêu cầu lịch sự tối thiểu, Phao-lô đã bác bỏ lại một cách vô cùng hiệu quả những lời tố cáo của Tẹt-tu-lu.  Lẽ dĩ nhiên, Lu-ca chỉ ghi lại tóm tắt các bài phát biểu (xem ở 2:14) và dường như đã cố ý cắt gọt hai bài phát biểu này bằng một cách như là để nhấn mạnh bài nói của Tẹt-tu-lu có hình thức đúng, thậm chí có thể là mẫu mực, nhưng không chắc chắn, trong khi Phao-lô, người thực sự không thể bì kịp về mặt hùng biện thì tại có lẽ phải về mình (xem lời mở đầu dễ chấp nhận hơn nói với vua Ạc-ríp-ba trong 26:2-3).  11-13  Phao-lô bắt đầu tự bào chữa thích hợp hơn bằng cách bác bỏ lời cáo buộc cho rằng ông cố tình gây rối tại Giê-ru-sa-lem.  Lời cáo buộc về việc cố ý gây rối không thể có bằng chứng xác minh.  14-16  Ông thừa nhận mình là một tín đồ Đấng Christ, một tín đồ của đạo mà họ gọi là một phe đảng (xem câu 5).  Có lẽ câu này dịch là “mà họ cũng nhận là một phe”, bởi lẽ từ này cũng có thể dùng trong câu như “phe Pha-ri-si”.  Đòn tấn công này là niềm tin của nhóm tín hữu Cơ Đốc người Do Thái không phải ít mang tính Do Thái hơn các nhóm Pha-ri-si và Sa-đu-sê: Tôi có sự trông cậy này nơi Đức Chúa Trời, như chính họ cũng có vậy.  17-18  Sau khi nhấn mạnh rằng mình không cố ý gây rối, Phao-lô nói rõ ràng ông cũng không cố tình làm ô uế đền thờ: ông bố thí cho bổn quốcdâng của leã, thậm chí được tinh sạch tại thời điểm ấy.

19  Có một sự thay đổi về sách lược trong phần cuối của bài phát biểu.  Phao-lô đề cập rằng mấy người Giu-đa (Do Thái) quê ở cõi A-si lẽ ra phải là người ra cáo trước mặt quan.  Lập luận này là một vấn đề có thể gây ra dư luận xôn xao, vì nó bao hàm hai ý.  Thứ nhất, việc buộc tội một người mà lại không trình diện trước toà án là hoàn toàn không được ủng hộ (xem ở 17:17).  Thứ hai, bất kỳ sự vi phạm hay sự buộc tội nào chủ yếu liên quan đến tỉnh A-si (như trong trường hợp này Tẹt-tu-lu muốn nói khi dùng những chữ “trên cả thế giới” trong câu 5 trên đây) đều không thuộc phạm vi quyền hạn của Phê-lít.  20  Những người có mặt chỉ có thể nói về những sự kiện tại Giê-ru-sa-lem, và việc nhắc đến sự rối loạn của một phiên họp do Toà Công Luận điều khiển (22:30-23:10) cho thấy rằng đã không có lời buộc tội nào được đưa ra và vấn đề đưa ra liên quan đến sự khác biệt niềm tin giữa các phe nhóm hơn là hành vi cá nhân của Phao-lô (đối chiếu câu 14-16).

22-25  Có lẽ Phê-lít biết rõ ràng về Đạo qua sự quan tâm của vợ mình là Đơ-ru-si, người cùng dự với ông ta khi ông ta nghe Phao-lô nói về đức tin trong Đức Chúa Giê-xu Christ.  Sự tương phản giữa lời giảng cấp tốc thực tiễn mà Phao-lô nói về sự công bình, sự tiết độ và sự phán xét ngày sau với thái độ lạnh lùng đáp lại được nhấn mạnh trong câu nói của Phê-lít: Bây giờ ngươi hãy lui, đợi khi nào ta rảnh, sẽ gọi lại.

Phê-lít hoãn cuộc xét xử lấy cớ chờ đến khi quan quản cơ La Mã Ly-sia đến làm chứng, nhưng thực tế ông ta mong Phao-lô hoặc bạn bè lót bạc cho mình.  Việc ông ta không quan tâm gì đến Phao-lô hoặc vụ kiện theo lẽ phải trái của chính vụ kiện ấy được xác nhận khi ông được Bốt-tiu Phê-tu đến thay, cho đến lúc đó ông ta giam Phao-lô trong ngục vì muốn làm cho dân Giu-đa bằng lòng.  Người Do Thái ở Sê-sa-rê ghét Phê-lít đến nổi họ gởi đại biểu đến Rô-ma để chống lại “hành động sai lầm” của ông ta.

25:1-12  Phao-lô trước mặt Phê-tu.  Lần thứ hai trong ba lần xét xử trước các quan tại Sê-sa-rê được trình bày ngắn gọn hơn chỉ tập trung vào ý muốn của người Do Thái phải chuyển Phao-lô về Giê-ru-sa-lem và vào lời kêu nài của Phao-lô đến Rô-ma.  Hành động này quyết định các sự kiện tiếp theo được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ.

1-5  Tại Giê-ru-sa-lem, sự phàn nàn của các nhà lãnh đạo Do Thái về Phao-lô không đủ để chuyển ông về đó, như thế cũng là phải lẽ, vì họ lại đang chuẩn bị một cuộc phục kích nữa.  Người Do Thái đã thể hiện sức mạnh và quyền lực bằng cách gởi đại biểu đi nói chống lại Phê-lít (dù việc đó không hoàn toàn thành công), họ có lẽ đã hy vọng Phê-tu sẽ làm ơn cho họ để được hài lòng họ.  Phê-tu đồng ý (9) và sẵn lòng mở lại vụ xét xử, nhưng theo cách của mình, chứ không theo cách của họ (xem chuyện của ông về vấn đề này trong 25:15-17).

6-8  Lu-ca đơn giản tường thuật rằng những lời buộc tội là không có bằng chứng và Phao-lô có một lương tâm trong sạch (nhưng xem 25:17-19).  9  Phê-tu vẫn còn sẵn lòng nhượng bộ người Do Thái, nhưng không sẵn lòng ra một quyết định về một vấn đề đụng chạm đến tín ngưỡng tôn giáo của chính họ (xem 25:20).  Ông ta có lẽ cũng không sẵn lòng tuyên bố Phao-lô vô tội trong thời điểm còn chưa ổn định này trong sự nghiệp chính trị của mình.  10-11  Tuy nhiên, lời đề nghị của ông ta sẽ triệu tập lại cuộc xử tại Giê-ru-sa-lem là không thể chấp nhận được đối với Phao-lô, người phản đối rằng chẳng ai được nộp tôi cho hoï, người Do Thái (quyền công dân của Phao-lô cũng đã quy định cách đối xử với ông trong 16:37-39 và 22:25-29).  Đây là điểm châm biếm trong lời tiên tri của A-ga-bút rằng người Do Thái sẽ giao nộp Phao-lô trong tay dân ngoại (21:11), vì nhiều lần chính người Do Thái là người đã tìm mọi cách giựt Phao-lô khỏi tay dân ngoại!  12  Rõ ràng là mọi công dân La Mã đều có quyền khiếu nại lên Sê-sa trong những tình huống nào đó, nhưng chi tiết luật lệ chính xác trong thế kỷ thứ nhất vẫn là đề tài tranh cãi.  Phê-tu có lẽ đã được giải toả rất nhiều khi tránh được trách nhiệm cuối cùng trong vấn đề này.

25:13-26:32  Phao-lô trước mặt Phê-tu và vua Ạc-ríp-ba.  Phiên xử cuối cùng tại Sê-sa-rê cũng gần như chỉ là một ý chợt xảy ra của Hê-rốt Ạc-ríp-ba.  Nói diễn ra không có bên nguyên cáo và không có quyền hạn đưa ra quyết định, nhưng không kém phần nghi thức.  13  Vua và vợ ông ta là Bê-rê-nít đã đến thăm nghi thức Phê-tu vừa mới được bổ nhiệm.  14-22  Đó là điều tự nhiên khi việc này, vốn xem ra là quan trọng trong quan hệ của Phê-tu với người Do Thái, phải được đặt ra trong cuộc đối thoại với vua Ạc-ríp-ba, là người quen thuộc với Do Thái giáo, và bởi chức vụ mà ông ta đang đảm nhiệm, ông cũng là người có quyền chỉ định thầy tế lễ thượng phẩm Do Thái (xem 26:3 dưới đây).  Phê-tu hẳn đã quan tâm đặc biệt đến ý kiến của Ạc-ríp-ba về vấn đề bởi vì ông ta phải viết một bản báo cáo về người tù này, và ông ta thừa nhận trong sự cãi lẫy đó, tôi không biết theo bên nào (20).  Sau khi đã thấy ác cảm quá đáng của người Do Thái với Phao-lô (24), Phê-tu nghĩ Phao-lô chắc đã làm điều gì đó thật kinh khiếp.  Sự mô tả của ông ta về điểm tranh cãi thật sự là hoàn toàn khôi hài vì sự bối rối của ông ta.  (Điểm tranh cãi là về) một tên Giê-xu đã chết kia, mà Phao-lô quyết rằng còn sống.

23  Nghi thức của vụ xử là đáng chú ý.  Với quan quản cơ và các người tôn trưởng trong thành có mặt, cùng với vua và hoàng hậu, nó cung cấp cho vị tân tổng đốc cái mà chúng ta ngày nay gọi là một “cơ hội cho phóng viên ảnh”.  24-27  Bài phát biểu giới thiệu của Phê-tu không bổ sung gì khác với câu chuyện trong chương trước, nhưng rõ ràng xác nhận tính chất bị kích động trong lời khiếu nại của các nhà lãnh đạo Do Thái chống lại Phao-lô (kêu lên rằng chẳng khá để cho nó sống nữa) và ấn tượng của Phê-tu rằng Phao-lô là vô tội.  Tuy nhiên, ông ta cần phải viết một bản báo cáo gởi đến Rô-ma về việc Phao-lô (cũng giống như Ly-si-a đã viết cho người tiền nhiệm của mình là Phê-lít; 23:26-30) và hy vọng một sự hiểu biết thấu đáo từ việc giám định của Ạc-ríp-ba.

26:1-3  Như trong các bài phát biểu của cả hai bên trước mặt Phê-lít (24:2-4, 10), bài phát biểu này bắt đầu bằng một câu nói mở đầu biết ơn (và ca ngợi) uy quyền của người phán xử. 

4-8  Bài phát biểu tiếp tục đi theo chiều hướng như bài giảng tự bênh vực trong chương 22.  Như trong lời tự bênh vực trước Toà Công Luận, Phao-lô vẫn bảo vệ rằng hiện nay tôi bị đoán xét vì trông cậy lời Đức Chúa Trời đã hứa cùng tổ phụ chúng tôi ấy là hy vọng và niềm tin rằng Đức Chúa Trời khiến những kẻ chết sống lại.

9-14  Phần đầu của câu chuyện về kinh nghiệm của Phao-lô trên đường đi Đa-mách là khớp với những lời kể lại khác trong chương 9 và chương 22 (đặc biệt là xem ở 9:1-9), trừ một điều rằng lần này câu chuyện được kể thêm rằng Chúa cũng phán với Phao-lô ngươi đá đến ghim nhọn thì là khó chịu cho ngươi vậy.  Bức tranh là về một con bò hoặc con súc vật thồ chống lại cây roi sắc bén dùng để điều khiển nó, và đây là một hình ảnh diễn dịch mang tính châm ngôn trong các tác phẩm ngoài đời và thậm chí trong các tác phẩm Do Thái.  Đó là một bức tranh chính xác về kinh nghiệm của Phao-lô, những hành động của ông trước kinh nghiệm trên đường Đa-mách chứng minh rằng ông thật sự đã luôn luôn cảm thấy Chúa Giê-xu là một cái gai và sau đó Đức Chúa Trời tỏ cho ông chính xác cái gai đó là gì.  15-18  Hoặc là Lu-ca hoặc là chính Phao-lô đã rút gọn phần còn lại của câu chuyện.  Điểm nhấn mạnh trong câu chuyện này nằm trong lời của Chúa và ước muốn vâng phục Ngài của Phao-lô.  19-21  Chính sự vâng theo điều hiện thấy về Giê-xu mà đã được Đức Chúa Trời khiến sống lại, là lý do người Giu-đa đã bắt tôi trong đền thờ và toan giết tôi.  22-23  Mối quan hệ của Phúc Âm với các đấng tiên tri và Môi-se cũng có thể đã được viết rút gọn lại rất nhiều (xem ở 2:14).  Nếu bài giảng gốc của Phao-lô bao gồm những đoạn trích từ Kinh Thánh (xem bài giảng trong 13:16-41; đặc biệt là những câu 33-41; 17:3) và sử dụng một vài kỹ thuật diễn giải của các ra-bi mà chúng ta biết Phao-lô có thể làm (xem Ga-la-ti 4:21-31) thì sự cắt ngang của Phê-tu: ngươi học biết nhiều quá đến nỗi ra điên cuồng (24) là có nghĩa hơn nhiều, cũng như câu trả lời của Phao-lô rằng vua biết rõ các sự này và câu hỏi chơi chữ của ông: vua có tin các đấng tiên tri chăng? Tôi biết thật vua tin đó! (câu 25-27).

28-29  Câu hỏi của Ạc-ríp-ba là một nỗ lực để tránh câu hỏi của Phao-lô đặt ra cho ông ta.  Ông vua khéo léo tránh né không khước từ niềm tin của mình nơi các đấng tiên tri, cũng không chấp nhận điều Phao-lô hiểu về họ.  Phao-lô trả lời rằng ông thực sự hi vọng mọi người chẳng chóng thì chầy đều trở nên như mình, chỉ trừ (bỏ) xiềng này thôi.  Không cầu xin được thả tự do như mọi người khác ở đó, ông mong muốn mọi người có thể trở nên như mình! Những người có mặt hôm đó không thể không bị ấn tượng với sự can trường và trí thông minh của Phao-lô trong việc thu hút sự chú ý của một ông vua trong một cuộc đối thoại sinh động như thế!  30-32  Thật vậy, sau cuộc thẩm vấn, những nhân vật quan trọng đều nhận thấy rõ ràng sự vô tội của Phao-lô.  Mỉa mai thay, chính vì lời kêu nài của Phao-lô gởi đến Sê-sa mà ông vẫn còn bị trong vòng xiềng xích, bởi vì thả tự do cho ông lúc này ắt sẽ chiếm đoạt quyền của hoàng đế để xử vụ kiện này.  Phao-lô đã muốn đi đến Rô-ma dù bất kỳ trường hợp nào và Phê-tu vui lòng khi mình không chịu trách nhiệm dưới mắt các nhà lãnh đạo Do Thái khi thả ông đi.

27:1-28:31  Đến Rô-ma

27:1-12  Phao-lô xuống thuyền đi Rô-ma.  Nếu muốn có toàn bộ vấn đề về các cuộc hải hành trong thế giới cổ và về các thuật ngữ và các địa danh trong chương này nói riêng, xin xem C. Hemer, The Book of Acts in the Setting of Hellenistic History (Mohr, 1989) trang 132-152.  1-2  Tác giả một lần nữa dùng chữ chúng ta (xem ở 16:10; 21:8) để cho biết sự hiện diện của ông trong cuộc hành trình này.  Các nhân vật đáng chú ý khác trong câu chuyện còn có một thầy đội (trưởng một đội binh một trăm người) tên là Giu-lơ, một vài tù nhân khác cũng do ông ta phụ trách, và A-ri-tạc, một Cơ Đốc nhân.  Tuy nhiên, Công Vụ không kể thêm điều gì nữa về A-ri-tạc (nhưng xem Cô-lô-se 4:10 và Phi-lê-môn 24 có lẽ được viết trong thời gian Phao-lô bị cầm giữ tại Rô-ma).

3-8  Ngay từ đầu cuộc hành trình trên biển, thuyền phải đi ngược gió, làm cho tàu chạy chậm lắm, chịu khó đi dọc theo nơi đoù.  Cuộc hành trình vẫn tiếp tục cho đến cuối mùa hè (kỳ kiêng ăn chỉ về ngày lễ chuộc tội vào tháng Chín hoặc tháng Mười).  Chính vào thời gian này người ta ngừng các cuộc đi biển cho đến mùa xuân, và tàu bè “trú đông” tại một hải cảng an toàn nào đó.  10-12  Từ các bức thư của Phao-lô chúng ta biết rằng ông trước đó đã có một số kinh nghiệm về đi tàu và thậm chí đã từng bị đắm tàu (xem IICô-rinh-tô 11:25).  Ngay cả như vậy đi nữa, cũng không ngạc nhiên gì, như Lu-ca có vẻ như ngạc nhiên, rằng thầy đội tin lời người lái tàu và chủ tàu hơn là tin lời một tù nhân của mình.  Vì vậy quyết định được đưa ra chính là để lìa khỏi đoù đi khoảng 40 dặm nữa để đến một cảng có chỗ thích hợp để trú tàu tránh gió mùa đông.

27:13-44  Bão và chìm tàu.  Diễn biến của cuộc hành trình cuối này đến Rô-ma bản thân nó có thể được xem là một cảnh xét xử: Cuộc xét xử bởi thiên nhiên.  Có nhiều chuyện kể khác nhau trong thế giới cổ xưa về những kẻ tội phạm dù thoát được tòa  án con người nhưng các thần, đặc biệt là thần biển Poseidon sẽ tìm thấy chúng và trừng phạt chúng.  Lẽ dĩ nhiên, việc biển “miễn cho” Phao-lô qua cơn đắm tàu sẽ không có ý nghĩa siêu nhiên tương tự như thế đối với Lu-ca và các Cơ Đốc nhân, nhưng đối với những người ngoại vào thời Lu-ca thì việc thoát khỏi biển này ắt đã được xem là rất có ý nghĩa (xem 28:4 dưới đây).

Sự hiểu biết về các sự kiện này dường như là trực tiếp, và ngôn ngữ Lu-ca sử dụng là thích hợp với một người không có kiến thức chi tiết về hàng hải đang tường thuật chính xác những gì các thủy  thủ trong tình huống khủng hoảng đang làm.

13-20  Một ngọn gió nam non (13) nhanh chóng chuyển sang trận gió dữ tợn (14) khi con tàu tiếp tục đi.  Trận gió này buộc thủy thủ đoàn phải bỏ mặc việc kiểm soát con tàu.  Các biện pháp đề phòng khác nhau như lấy dây ràng phía dưới con tàu, hạ buồm xuống, quăng một số hàng hóa trên tàu xuống biển, và sau đó thậm chí vứt bỏ một phần hàng hoá trên tàu là những biện pháp đúng đắn, và họ thực hiện những biện pháp này theo đúng trình tự diễn tiến cần thiết vì tình hình trở nên ngày này tuyệt vọng cho đến đỉnh điểm khi chúng ta chẳng còn trông cậy được cứu nữa (20).

21-26  Lời phát biểu của Phao-lô mới nghe có vẻ như có ý nói: “tôi đã bảo các ông rồi mà”, nhưng thực tế lời khuyên trước đây của ông được nêu bật để cho thủy thủ đoàn của tàu sẽ có cớ tin tưởng nhiều hơn vào lời “dự báo” mới nhất từ Đức Chúa Trời đến với Phao-lô qua một thiên sứ.  Không phải mọi việc đều sẽ được hoàn toàn, sẽ có nguy hiểm và thiệt hại, nhưng mọi người sẽ sống sót.  Sự giục giã chính trong lời phát biểu của Phao-lô được tìm thấy hai lần trong năm câu: Vậy, hỡi các ông, hãy vững lòng.

Lời phát biểu cũng cho chúng ta biết đôi điều về bản chất của các tai nạn và bi kịch.  Rõ ràng Phao-lô không xem trận bão và cuộc đắm tàu là sự trừng phạt thiên thượng trên những kẻ bắt ông, nhưng đúng hơn đó là kết quả của các tình huống.  Không phải Đức Chúa Trời đang rượt đuổi họ bằng những trận bão và họ không thể trốn khỏi.  Không phải họ lẽ ra đã có thể tránh được trận bão nếu họ đã có một thái độ khác hơn đối với các Cơ Đốc nhân.  Chỉ có một cách duy nhất họ có thể đã tránh được tất cả những điều này là ngay từ đầu đã không quyết định dại dột đi đến Phê-nít.  Những người phê bình lập luận rằng Lu-ca đã bịa ra toàn bộ tình tiết này để làm gia tăng sự hấp dẫn cho câu chuyện của mình và để nhấn mạnh quyền điều khiển của Phao-lô trên hoàn cảnh, chính họ mới là người phải hoàn toàn thất bại do cách trình bày không mấy gì mê tín dị đoan trong bài phát biểu này.  Chắc chắn bất kỳ người nào khâm phục sự làm chủ của Phao-lô trên hoàn cảnh mà không sáng tác một câu chuyện như thế từ chỗ không có gì chắc chắn sẽ sử dụng cơ hội này để khắc họa người anh hùng của mình, là người lúc ấy đã chữa lành như chủ của mình đã làm, cũng làm biển yên gió lặng như chủ của mình đã làm (Lu-ca 8:22-25).

27-29  Khi tuần sau khi rời Mỹ cảng qua một đoạn đường lẽ ra phải đi chỉ một ngày, các thuỷ thủ ngờ đang đến gần một đất nào (27) và độ sâu báo cho biết xác nhận điều này.  Không còn sợ bị mắc cạn nữa, họ thả thêm neo xuống và ước ao đến sáng (29), hy vọng khi trời sáng họ sẽ có thể lái tàu về phía một bờ biển hơn là mắc cạn trên đá ở ngoài xa.  30-32  Nếu trời đã sáng và nếu con tàu tiếp tục gắn chắc với nhau đủ hợp lý, thì chắc chắn sẽ an toàn nếu cứ ở lại trên tàu hơn là ra đi bằng chiếc tam bản nhỏ hơn trong điều kiện bão tố như thế này.  Nỗ lực của một số thuỷ thủ trốn thoát bằng cách này cho thấy nỗi tuyệt vọng của họ, và có lẽ cũng cho thấy con tàu đã bị hư hại như thế nào.  Không có sự bổ sung đầy đủ thuỷ thủ đoàn để lái tàu, sự an toàn của những người còn lại hiển nhiên sẽ lâm nguy, và những người lính La Mã bảo đảm sự hợp tác của thuỷ thủ đoàn bằng cách cắt bỏ dây xuồng tam bản.

33-38  Lời khuyên của Phao-lô cho mọi người hãy ăn là rất có ý nghĩa trong bối cảnh một sự thử thách căng thẳng mà họ biết là họ sẽ đối diện cho đến sáng.  Mặc dù có một sự tương tự đáng chú ý trong cách dùng từ khi đề cập đến bữa ăn này với hành động của Chúa Giê-xu khi làm chủ tiệc trong Bữa ăn tối cuối cùng của Chúa (lấy bánh… tạ ơn… bẻ ra, và phân phát; xem Lu-ca 9:16; 22:19; 24:30), nhưng không thấy nói đến sự “thông công” ở đây, và một nhóm tổng hợp gồm các tín hữu và người không phải là tín hữu nói lên rằng không có điều đó.

Dù một số hàng hoá đã bị quăng xuống biển (18), nhưng lương thực (gạo thóc) dường như đã được giữ lại để làm đồ dằn tàu.  Bởi vì mục tiêu là đưa tàu vào bờ, nên con tàu càng nổi cao hơn để lướt trên mặt nước bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu.  Có thể chính vì quyết định ném bớt gạo thóc xuống biển đã khiến Phao-lô kêu gọi mọi người trước hết hãy ăn đã.

39-40  Ngay từ những tia nắng đầu tiên, họ đã có thể thấy được đất liền.  Với cái ø trong tầm mắt, hiển nhiên có một mục tiêu để đỗ tàu đó mà núp.  41  Tuy nhiên, con tàu đã không bao giờ đến được bờ, trái lại nó chạy nhằm chỗ hai ngọn nước biển xáp nhau và vỡ ra.

42  Thái độ của những người lính giết các tù nhân hơn là dẫn đến rủi ro của việc họ trốn thoát phản ánh thái độ cũng thấy trong 12:18-19 và 16:27 khi mà những người lính gác phải bị hình phạt vì đã để cho tù nhân trốn thoát.  43  Thầy đội ngăn việc này lại.  Như là kết quả của những chặng đường cùng đi với Phao-lô cho đến nay, ông đã trở nên tôn trọng Phao-lô là điều có thể hiểu được.  Như lời Phao-lô nói trước, ai nấy đều được lên bờ vô sưï.

28:1-10  Phao-lô tại cù lao Man-tơ.  1-2  Chính khi lên bờ rồi họ mới biết mình đang ở đâu (xem 27:39-40).  Từ mà Lu-ca dùng cho chữ thổ nhân là từ văn học “dân dã man” (dùng để nói về tất cả những người không nói tiếng Hi Lạp, chứ không ám chỉ về trình độ văn hoá hay trình độ văn minh của họ).  3-6  Việc xảy ra về con rắn có lẽ không nên xem là một câu chuyện về việc Phao-lô được miễn khỏi rắn độc, mà đúng hơn là một ví dụ khác (đọc tham khảo 14:8-13) về việc các Cơ Đốc nhân bị những người ngoại quốc mê tín hiểu nhầm là các thần.  Có một loài rắn thậm chí ngày nay tìm thấy trên đảo Man-tơ mà có thể đã được phân loại là rắn lục (3) vào thời cổ vì hình dạng tương tự nhau.  Loài rắn này, mặc dù không độc, thường quấn vào nạn nhân như con rắn tấn công Phao-lô đã làm.  Bức tranh Lu-ca thể hiện về việc Phao-lô rảy con rắn vào lửa (5) không phải là hình ảnh về một người biểu diễn một quyền điều khiển bí siêu tự nhiên trên một con thú nguy hiểm.  Chính là sau khi chờ một lúc lâu mới thấy Phao-lô rõ ràng không bị nguy hiểm gì, và chỉ khi ấy người dân địa phương mới thôi không nghĩ Phao-lô là một tay giết người bị một vị thần công lý nào đó tìm kiếm để báo thú không buông tha, trái lại họ xem ông là một vì thần.

7-10  Cuối cùng nhóm người đã liên lạc với quan tổng đốc người La Mã (bản dịch tiếng Việt là “tù trưởng”, bản diễn ý dịch là “chúa đảo”) của đảo, là Búp-liu.  Người ta thường cho rằng căn bệnh của cha ông ta và đã được Phao-lô chữa lành là một căn bệnh địa phương gây ra bởi sữa dê bị nhiễm bệnh (được biết đến một cách rộng rãi là “sốt Man-tơ”).  Sự chữa lành đến qua sự cầu nguyện và đặt tay, và địa vị nổi bật của người được chữa lành đã khiến cho việc chữa lành này được biết đến rộng rãi.  Chúng ta có thể thừa nhận rằng Phao-lô và các Cơ Đốc nhân khác trong đoàn đã giảng tin mừng và ít nhất đã gặt hái được một số thành công, mặc dù bản văn Kinh Thánh đã im lặng một cách kỳ lạ không nói đến vấn đề này, mà chỉ nói rằng người dân bản xứ tôn trọng chúng ta lắm.  Thiện chí của người dân đảo sẵn sàng giúp đỡ toàn đoàn, và lúc chúng ta ra đi, thì sửa soạn mọi đồ cần dùng cho chúng ta (10).

28:11-31  Phao-lô tại Rô-ma.  Trong sự tương phản rõ rệt với cuộc đi biển trước đó, chặng cuối của cuộc hành trình diễn ra êm ả và không có sự kiện nào trừ cuộc tiếp rước thú vị của anh em (15) từ Rô-ma, những người đi đã đi gần 50 cây số để gặp Phao-lô và những anh em đồng hành với ông.  16  Khi đến chính Rô-ma, sự tự do mà Phao-lô được hưởng là tương đối.  Lu-ca chỉ nhấn mạnh rằng ông không chính thức bị giam giữ (cũng xem 28:30-31).  Chắc ông vẫn bị xích tay vào người lính canh gác ông tại đó (xem câu 20, …tôi mang lấy xiềng này).

17-20  Chúng ta có thể thấy một hạn chế khác đối với sự tự do của Phao-lô qua việc các nhà lãnh đao Do Thái đến với ông hơn là ông đến nhà hội.  Lời tuyên bố của Phao-lô rằng người La Mã muốn thaû ông ra (18) là đã được đơn giản hoá, dù rằng sự thực là nếu không vì hy vọng được hối lộ một số tiền (24:25) và không vì ý muốn làm vừa lòng các nhà lãnh đạo Do Thái tại Giê-ru-sa-lem (24:26) thì chắc Phao-lô đã được trả tự do rồi Ạc-ríp-ba cũng cảm thấy rằng Phao-lô lẽ ra đã được thả nếu như ông không kêu nài đến Rô-ma (xem 26:32).  Ước muốn của Phao-lô muốn giảng cho người Do Thái tại Rôma liên quan đến sự lòng tin quyết của ông rằng Chúa Giê-xu là sự trông cậy của dân Y-sơ-ra-ên.  Bất kể sự thật rằng từ thành phố này đến thành phố khác, việc truyền giảng Tin Lành cho các cộng đồng Do Thái có đem một số người trở lại với Cơ Đốc giáo đồng thời dẫn đến nhiều sự chống đối, nhưng Phao-lô ý thức rằng sứ điệp của ông trước hết là một sứ điệp Do Thái, và mọi cộng đồng Do Thái mới đều có một cơ hội mới để đáp ứng.

21  Một số người ngạc nhiên rằng người Do Thái tại Rô-ma hẳn đã chưa nghe tin từ Giê-ru-sa-lem về kẻ gây rối này.  Nhưng có thể người Do Thái tại Giê-ru-sa-lem đã quyết định không kiện tại Rô-ma.  Vụ kiện Phao-lô có thể đã rất mạnh tại Palestine trước các nhà chức trách cảm thấy mình phải làm nguôi lòng người Do Thái, nhưng tại Rô-ma, những lời tố cáo mang tánh chất tôn giáo của một đám viên chức tỉnh lẻ chống lại một công dân La Mã quốc tế thì thất bại là điều chắc chắn.  22  Tuy nhiên, việc những người Do Thái tuyên bố không hề biết gì về quan điểm của Phao-lô thì thật là khó hiểu.  Điều hàm ý là dù cho có sự hiện diện của một cộngđồng các tín hữu tại Rô-ma (như có chứng cứ ở trong thư của Phao-lô và 28:14-15), nhưng những người này cũng chỉ đã nghe những tin đồn.  Nhưng cộng đồng Do Thái đã bị Cơ-lốt trục xuất khỏi thành Rô-ma trong một thời gian (xem 18:2).  Trong lúc đó, người ngoại quốc hẳn đã chiếm đa số trong thành phần Hội Thánh, và cộng đồng Do Thái mới trở lại này cóthể đã không liên lạc gì với họ trong thành phố lớn này.

23-24  Phao-lô và các nhà lãnh đạo Do Thái sắp xếp thời gian để gặp nhau, mà tại đó những nỗ lực của Phao-lô truyền giáo cho họ gặt hái được thành công lẫn lộn.  25-27  Phao-lô bày tỏ sự thất vọng của mình bằng cách trích từ sách Ê-sai 6:9-10 (đối chiếu Mác 4:12 và những câu song song), mà ông đã đề cập một phần trước đó trong thư gởi các tín hữu tại Rô-ma (Rô-ma 11:8).  28  Câu kết của ông: Hãy biết sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời này đã sai đến cho người ngoại, những người đó sẽ nghe theo vậy! do nằm gần cuối sách nên dễ bị hiểu sai là kết thúc khả năng của một cuộc truyền giáo tiếp theo cho người Do Thái.  Nhưng khúc Kinh Thánh này phải được hiểu trong một tinh thần tương tự như lời tuyên bố tương tự trong Công Vụ 13:46.  Xuyên suốt sách Công Vụ Các Sứ Đồ, có thể Phao-lô quay lưng với một cộng đoàn Do Thái cụ thể nào đó, nhưng không quay lưng khỏi toàn bộ dân tộc Do Thái (cũng xem Rô-ma 11:25-32).

30-31  Tình hình vẫn như trong 28:16, Phao-lô bị “quản thúc tại gia” nhưng tự do làm chứng cho bất cứ ai đến nghe.  Những chữ trọn hai năm gợi cho độc giả tự hỏi không rõ điều gì nữa xảy ra sau đó.  Rất có thể Phao-lô cuối cùng bị hành hình bởi người La Mã, nhưng không phải tại thời điểm này.  Điều dường như có khả năng nhất là vụ kiện Phao-lô đã bị thất bại, ông được trả tự do và đã đi đây đó và viết thêm một vài bức thư nữa (I và II Ti-mô-thê và Tít) trước khi bị bắt trở lại và hành hình vào năm 64 S.C..  Thế thì tại sao Lu-ca kết thúc câu chuyện tại đây? Có thể chúng ta không bao giờ biết được câu trả lời, nhưng câu trả lời đơn giản nhất rất có thể là giải pháp chính xác.  Lu-ca kết thúc bức thư theo cách này bởi vì ông đã tường thuật cho độc giả đến thời điểm hiện tại của sách Công Vụ.  Ông viết sách này trong thời gian Phao-lô bị giam giữ và không viết về cuộc xét xử Phao-lô hay những cuộc phiêu lưu tiếp sau đó của Phao-lô bởi vì những điều đó chưa xảy ra.  Đoạn đường dài xuyên suốt hai cuốn sách của Lu-ca đã ghi lại câu chuyện Cơ Đốc ngay từ buổi đầu tiên tại thủ đô Đông phương huyền bí Giê-ru-sa-lem, đến thời điểm mà đối với ông là độc giả của ông là “thời hiện đại” tại trung tâm đế quốc của thế giới là Rô-ma.

Conrad Gempf

<%Response.Clear%>
Top