Reader
Trang Đầu | Mục Lục | << CHƯƠNG 8 | CHƯƠNG 10 >>

CHƯƠNG 9

I TÊ-SA-LÔ-NI-CA

Dẫn Nhập

Tê-sa-lô-ni-ca là một trong các thị trấn trong xứ Ma-xê-đoan (miền Bắc nước Hi Lạp ngày nay) đã được Phao-lô và các đồng sự của ông là Si-la và Ti-mô-thê thăm viếng trong hành trình truyền giáo thứ hai (Công Vụ 16-18).  Thị trấn này là thủ phủ của tỉnh La Mã, một trung tâm thương mại nằm trên con đường lớn Via Egnatia, với dân cư hỗn hợp có cả người Do Thái.  Sau khi bị bắt buộc rời Phi-líp, Phao-lô ở đây một thời gian ngắn và kết quả là nhiều người trong số những người Do Thái và Hi Lạp nhóm tại nhà hội đã ăn năn tin nhận Chúa Giêxu và một Hội Thánh được thành lập ở đây.  Sự chống đối từ phía người Do Thái không đáp ứng với sứ điệp Phúc Âm đã buộc các nhà truyền giáo rời khỏi đó sớm hơn mong muốn (Công Vụ 17:1-9).  Phao-lô đi xuống phía Nam đến xứ A-chai, ở lại A-then một thời gian ngắn, rồi sau đó ở tại Cô-rinh-tô một thời gian dài hơn.  Từ A-then, ông sai Ti-mô-thê quay trở lại thăm Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca (I Tê-sa-lô-ni-ca 3:1-6) và rất có thể ông đã viết thư này cho họ từ Cô-rinh-tô.  Do đó, bức thư I Tê-sa-lô-ni-ca đã được viết trong vòng vài tháng kể từ khiù độc giả (tín đồ Tê-sa-lô-ni-ca) được nghe Phúc Âm lần đầu tiên, và nên xem nó là thư gởi cho các tân tín hữu.

Chúng ta không biết được gì về Hội Thánh trong khoảng thời gian ngắn ngủi từ lúc nó được thành lập cho đến khi bức thư này được viết ra, ngoài những ám chỉ bóng gió trong bức thư.  Ấn tượng trước tiên về nó là một Hội Thánh không bị ràng buộc bởi những nhóm người đang truyền giáo một kiểu Phúc Aâm khác biệt (trái với Ga-la-ti) và đang có tiến bộ trong việc phát triển đức tin và tình yêu thương.  Phao-lô quan tâm đến việc Hội Thánh có đứng nổi trước những cuộc tấn công từ bên ngoài hay không, vì Hội Thánh này vừa mới được thành lập, không phải vì bất kỳ một nhược điểm cơ bản nào.

Lãnh vực chủ yếu mà Phao-lô thấy cần phải dạy cho Hội Thánh này có liên quan đến sự tái lâm (sự hiện đến) của Chúa Giê-xu trong tương lai.  Không phải vì đã có một tà thuyết nào, mà đúng hơn vì các Cơ Đốc nhân tại Tê-sa-lô-ni-ca đã không đánh giá đúng ý nghĩa của lời Phao lô dạy về sự tái lâm của Chúa Giêxu và sự sống lại của những kẻ chết. 

Vì vậy, các vấn đề và nhu cầu đằng sau sau bức thư là các vấn đề và nhu cầu của một Hội Thánh trong thời kỳ non trẻ, bị chống đối từ bên ngoài và thiếu lời dạy chi tiết mà đáng lẽ Phao-lô sẽ dạy cho nếu ông có thể lưu lại đó lâu hơn với họ.  Bức thư cho thấy rằng sự trở lại của Chúa trong tương lai giữ một vai trò rất quan trọng trong lời truyền giảng của Phao-lô, nên chắc chắn ông sẽ thường đề cập nó trong thư (1:9-10; 2:19; 3:13; 4:13-5:11; 5:23).  Ngoài ra, bức thư phản ảnh nhiều đặc điểm tiêu biểu trong tư tưởng của Phao-lô, kể cả cách sử dụng một cách đặc biệt nhóm từ “trong Chúa Cứu Thế” (và những nhóm từ tương tự) để mô tả bản chất của đời sống Cơ Đốc.  Một số các ý niệm đặc biệt nhất của Phao-lô, đáng chú ý nhất là giáo lý về vấn đề được xưng công bình bởi đức tin, đã không thấy xuất hiện, nhưng có lẽ chỉ vì trong tình hình bấy giờ  không cần phải dùng đến lời truyền dạy đặc biệt kết hợp với cuộc bút chiến chống lại sự đặt nặng của Do Thái giáo trên các việc làm theo luật pháp.

Bức thư đã được mọi người thừa nhận là xác thực.  Đã từng có người lý luận rằng nó có một hình thức đặc biệt, và đã có nhiều cố gắng nhằm giải thích rằng nó là sự kết hợp giữa hai hay nhiều tài liệu hoặc một tài liệu đã có sự thêm thắt, nhưng các giả thuyết ấy chắc chắn cho thấy sự khôn khéo nhưng không mấy thuyết phục.  Bức thư đã có ý nghĩa rất tốt trong hình thức hiện tại của nó.

I Tê-sa-lô-ni-ca cũng bắt đầu bằng lời chào thăm giống như những thư khác của Phao lô(1:1) tiếp theo Phao lô cho biết ông luôn nhớ đến Hội thánh này trong những lúc cầu nguyện.  Ông tạ ơn Đức Chúa Trời vì những gì Hội Thánh đạt được trong đời sống Cơ Đốc và công tác chứng đạo, đây là bằng chứng cho thấy họ đã tích cực đáp ứng Phúc Âm mà ông đã rao giảng cho họ (1:2-10).  Viết lại những lời này, Phao lô muốn xác nhận rằng Hội Thánh đang phát triển một cách mạnh mẽ và nhờ đó giúp cho các độc giả được khích lệ để cứ tiếp tục phát huy những gì họ đang làm.  Rồi Phao-lô nhận xét về đặc điểm của công tác truyền giáo của ông tại thị trấn ấy, và khẳng định rằng ông và các bạn đồng sự đã hành động rất đúng đắn và đầy tình yêu thương trong mọi phương diện (2:1-12).  Điều này gợi ý rằng các kẻ thù của Hội Thánh đang cố gắng gièm pha các nhà truyền giáo.  Bất chấp sự chống đối ấy, Hội Thánh đã đáp lại Phúc Âm thật nồng hậu (2:13-16).  Kể từ lúc Phao lô ra đi, Hội Thánh lúc nào cũng gặp sự chống đối như vậy, Phao lô vô cùng lo lắng và rất mong trở lại đó xem xét sự tình; nhưng ông đã sai Ti-mô-thê đi thay, và giờ đây, Ti-mô-thê đã trở về với lòng đầy phấn khởi về tình trạng mạnh mẽ của Hội Thánh (2:17-3:13).  Như thế, phần đầu của bức thư nói đến sự tiến bộ khả quan của Hội Thánh bất chấp sự chống đối, và giúp thắt chặt thêm các mối dây liên hệ giữa trước giả vắng mặt với những độc giả của mình.

Phần còn lại của bức thư là những lời dạy dỗ và khuyên răn thiết thực của Phao lô dành cho Hội Thánh mà đúng ra ông muốn đích thân chia sẻ với họ.  Thứ nhất, ông khuyên các độc giả phải sống một cuộc đời thánh khiết – đặc biệt đề cập việc tránh thói dâm ô – và tiếp tục tăng trưởng trong tình yêu thương (4:1-12).  Thứ hai, ông an ủi những người đang lo lắng về số phận của những người đã qua đời giữa vòng họ, bằng cách cho họ biết rằng khi Chúa tái lâm, những người chết sẽ được sống lại, nên những người “đã ngủ” trong Chúa Cứu Thế sẽ đến với Ngài và được đoàn tụ với những người còn sống.  Các tín đồ chẳng cần lo lắng bao giờ việc ấy sẽ xảy ra, nếu họ thật sự là những Cơ Đốc nhân “tỉnh thức” họ sẽ không bị bất ngờ giống như thế gian vô tín (4:13-5:11).  Cuối cùng, Phao-lô khuyến khích nếp sống cộng đồng của Hội Thánh bằng cách khen ngợi tình yêu thương anh em và việc sử dụng các ân tứ thuộc linh (5:12-24) rồi kết thúc bức thư bằng những lời chào thăm cá nhân (5:25-28).

Đọc Thêm

J.  R.  W.  Stott, The Massage of Thessalonians, BST (IVP, 1991).

L.  Morris, The Epistles of Paul to the Thessalonians, TNTC (IVP/UK/Eerdmans, 1977).

L.  Morris, The First and second Epistles to the Thessalonians, NICNT (Eerdmans, 1977).

F.  F.  Bruce, 1 and 2 Thessalonians, WBC (Word, 1982).

I.  H.  Marshall, 1 and 2 Thessalonians, NCB (Eerdmans, 1983).

Bố Cục

1:1          Lời chào thăm mở đầu

1:2-10      Lời cảm tạ mở đầu

2:1-16      Cách cư xử của các nhà truyền giáo tại Tê-sa-lô-ni-ca

2:17-3:13 Phao-lô liên tục quan tâm đến Hội Thánh

4:1-12      Khuyến khích sự tiến bộ về mặt đạo đức

4:13-5:11 Lời chỉ dạy và khích lệ về sự tái lâm của Chúa Giê-xu

5:12-24    Những lời chỉ dạy về nếp sinh hoạt trong Hội Thánh

5:25-28    Những yêu cầu và lời chào thăm kết thúc

Giải Nghĩa

1:1  Lời chào thăm mở đầu

Phao-lô nêu tên mình và tên hai người bạn thân đã cùng góp sức với ông trong việc thành lập Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca và hiện vẫn đang ở với ông.  Si-la hoặc Sin-vanh: (cách viết dài hơn của tên ấy) là một thành viên người Do Thái thuộc Hội Thánh Giê-ru-sa-lem và là một công dân La Mã (xem Công Vụ 15:22-31).  Ti-mô-thê đã tháp tùng Phao-lô và Si-la khi hai người đi ngang qua Lít-trơ vùng Tiểu Á vào thời kỳ đầu tiên của công tác truyền giáo của hai ông (Công Vụ 16:1-5).  Mặc dầu cách dùng đại từ “chúng tôi” xuyên suốt phần lớn bức thư (đối chiếu 2:18; 3:5; 5:27), nhiều người nghĩ rằng chính Phao-lô là trước giả thật sự, và thay mặt cả nhóm truyền giáo để viết bức thư này.

Hội Thánh là một nhóm nhỏ các tín hữu họp lại trong một nhà hoặc có thể trong một vài nhà.  Phao-lô thường nói rằng các Cơ Đốc nhân đang “ở trong Chúa Cứu Thế” hay “ở trong Chúa” hoặc đang làm những việc gì đó “trong Ngài”.  Nhóm từ này có nghĩa là họ đang sống trong mối liên hệ chặt chẽ với Chúa Giê-xu, và nếp sống của họ đều tuân theo sự quyết định Ngài, với cương vị là Chúa của họ, đã chịu đóng đinh và đã sống laiï.  Ở đây, Phao-lô thêm vào danh Đức Chúa Trời là Cha (tham khảo II Tê-sa-lô-ni-ca 1:1) và cho thấy các Cơ Đốc nhân cũng có liên hệ chặt chẽ với Đức Chúa Trời và đang sống dưới uy quyền của Ngài.  Cách nêu danh Đức Chúa Cha và Chúa Giê-xu chung với nhau một cách tự nhiên như vậy chứng tỏ Phao-lô nhận biết Chúa Giê-xu là Đức Chúa Con, Đấng đã cùng chia sẻ với Đức Chúa Cha như nguồn mạch của các phước hạnh thuộc linh.

Ân điển và sự bình an đều đến từ Đức Chúa Cha và Chúa Giê-xu (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:2) (cũng xem bài viết về Cách Đọc Các Thư Tín).

1:2-10  Lời cảm tạ mở đầu

Trong hầu hết các thư của Phao lô, phần mở đầu thương là lời tạ ơn Đức Chúa Trời về những gì Ngài đang làm trong đời sống của các độc giả của ông.  Tác giả thuật lại lời cầu nguyện của mình nhằm bày tỏ tình yêu và mối quan tâm của chính ông dành cho bạn bè, và khích lệ họ trong đời sống Cơ Đốc.  Chủ đề của nó là sự vững vàng và năng nổ nhờ đó mà các độc giả đã giữ vững đức tin ban đầu và trở nên chứng nhân cho nhiều người.  Ba đức tính căn bản của Cơ Đốc nhân là đức tin, tình yêu, và sự trông cậy (tham khảo 5:8; I Cô-rinh-tô 13:13; Cô-lô-se 1:4-5) đã sinh ra sự nổ lực và ï bền đỗ bất chấp nghịch cảnh.

4-5  Chứng cứ này xác nhận rằng Đức Chúa Trời đã lựa chọn những người đọc thư này.  Cụm từ này không chỉ cho thấy Đức Chúa Trời đã kêu gọi họ qua sự rao giảng Phúc Âm (2:12) mà còn cho thấy họ đã đáp ứng với Ngài bằng đức tin (2:13).  Lời lẽ của loài người diễn giải Phúc Âm sẽ chỉ là vô ích nếu không có quyền năng của Đức Thánh Linh hổ trợ và tiếp theo đó là niềm tin quyết của các nhà truyền đạo.  Các yếu tố này đã thuyết phục người nghe về chân lý của Phúc Âm và giúp họ tiếp nhận nó và sống theo nó, như nếp sống kết quả của họ đã chứng minh.

6-8  Các nhà truyền giáo, cũng như bản thân Chúa Giê-xu, đã từng bị công kích kịch liệt, nhưng tất cả đều đứng vững trước sự chống đối mà chẳng hề lùi bước.  Các độc giả cũng đã hoan nghênh sứ điệp, bất chấp nghịch cảnh, bằng một sự vui mừng chỉ có được nhờ sự tác động của Đức Thánh Linh trong đời sống họ (tham khảo Rô-ma 5:5; 14:17; Ga-la-ti 5:22).  Việc này khiến họ trở thành tấm gương cho nhiều Cơ Đốc nhân khác trong hai tỉnh của La Mã là xứ Ma-xê-đoan và xứ A-chai, bao phủ gần hết khu vực của nước Hi Lạp hiện đại.  Tin tức về sự quy đạo của họ đã sớm lan tràn ra khắp khu vực này, một phần là nhờ công tác truyền bá Phúc Âm của chính các độc giả và một phần là nhờ những người khác đã kể lại câu chuyện của họ.  Khắp mọi nơi là cụm từ có nghĩa rộng chỉ tất cả mọi nơi có mặt các Cơ Đốc nhân. Phao lô kể lai một cách rõ ràng cho nơi này nghe những gì đã xảy ra với các tín hữu tại những nơi khác (một phần trong việc xác nhận lẽ thật của Tin Lành [3:6] tức là kể lại cách Đức Chúa Trời đã làm thay đổi đời sống của nhiều người ở những nơi khác), nhưng trong trường hợp này thì ông đã chẳng cần phải làm như thế.

9-11  Sự đáp ứng của người Tê-sa-lô-ni-ca đối với Phúc Âm được tóm tắt trong ba nhóm từ, chắc chắn phản ảnh lời lẽ trong cách truyền giảng ban đầu.  Thứ nhất, họ đã từ bỏ hình tượng.  Lời kêu gọi từ bỏ thần tuợng là một phần rất cần thiết trong sứ điệp dành cho người ngoại quốc, với tư cách là những kẻ chống lại người Do Thái (tham khảo Công Vụ 14:15; 17:22-31).  Thứ hai, họ đã quay về với Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật để phục vụ Ngài.  Vì có một số người từ bỏ việc thờ lạy thần tượng chỉ vì tin rằng hoặc chẳng có một thần thánh nào, hoặc các thần thánh ấy chẳng quan tâm gì đến loài người , cho nên sứ điệp của Cơ Đốc giáo cần phải nhấn mạnh một sự lựa chọn tích cực.  Thứ ba, họ đặt lòng trông cậy nơi Chúa Giê-xu là Đấng duy nhất giải cứu họ khỏi sự phán xét trong tương lai.  Tuy nhiên, Chúa Giê-xu vốn không phải chỉ là một người đảm nhiệm vai trò ấy mà thôi.  Bởi quyền năng của Đức Chúa Trời, Ngài đã từ kẻ chết sống lại, và bởi đó mà Đức Chúa Trời đã tuyên bố Chúa Giê-xu là Con Ngài (tham khảo Công Vụ 17:31; Rô-ma 1:3-4).  Sự rao giảng của người Do Thái cho người ngoại quốc (mà các Cơ Đốc nhân đương nhiên đã kế tục) bao gồm hai luận điểm trên; đây là một nét đặc trưng của sứ điệp Cơ Đốc.

2:1-16  Cách ứng xử của các nhà truyền giáo tại Tê-sa-lô-ni-ca

Phần chính của bức thư này mở đầu bằng cách xét đến chủ đề đã được đề cập ở 1:5-6.  Các nhà truyền giáo và toàn thể các chứng nhân Cơ Đốc thật sự, đặc biệt dễ bị chỉ trích;  do đó, phải cố gắng sống như thế nào để người ta không thể công khai chê trách mình điều gì.  Dường như nếp sống của Phao-lô với tư cách một nhà truyền giáo tại Tê-sa-lô-ni-ca đã bị chỉ trích khi ông không có mặt ở đó, rõ ràng những kẻ ở ngoài Hội Thánh đã làm điều ấy, và giờ đây ông biện hộ cho mình trước những lời tố cáo có thể đã xuất hiện.

Đã có rất nhiều giáo sư giảng về tôn giáo và triết học đi khắp nơi trong thế giới La Mã để tìm đủ mọi cách lợi dụng những người nghe theo họ, nên các giáo sĩ Cơ Đốc cần phải nhấn mạnh các động cơ thúc đẩy và phương pháp truyền giảng của họ vốn khác hẳn với động cơ và phương pháp của đối thủ kém thận trọng so với họ.  Những lời chỉ trích và sự đáp ứng đối với họ được đưa ra ở đây có thể được so sánh với các văn phẩm của một số triết gia đời xưa, những người cũng cảm thấy chính mình bị tố cáo một cách bất công.  Về cơ bản, các giáo sĩ bị tố cáo là đã bóc lột những người nghe theo họ và sống bám vào những người ấy.  Tất cả những yêu cầu của họ đối với những người mới theo đạo bị xem là những cách lường gạt nhằm đạt được sự kính trọng cao nhất, và các khoản tiền thưởng hay quà tặng đắt giá khác.

1-2  Phao-lô kêu gọi các độc giả hãy nhớ lại sự thăm viếng của các nhà truyền giáo (“anh em biết” hay “anh em nhớ” là những câu then chốt 1-2, 5, 9, 11).  Chính họ có thể thấy được rằng công tác truyền giáo này vốn không phải là một sự vô ích (nguyên văn là “rỗng tuếch”), với nghĩa là chúng rỗng không, chẳng có nội dung gì hay chẳng đem đến kết quả gì sâu sắc.  Đúng hơn, đó là một hành động can đảm trước sự chống đối tại Phi-líp (Công Vụ 16:19-40) và tại chính Tê-sa-lô-ni-ca nữa (tham khảo 1:6; 2:14-16; 3:3-4).

3-6  Một chứng minh khác cho tính đúng đắn của công tác truyền bá Phúc Âm là việc nó không đặt nền tảng trên sự sai lầm đối với Phúc Âm.  Nó cũng không nảy sinh từ ý không thanh sạch như tham vọng hay lòng tham lam (hay đúng hơn là sự đồi bại tình dục, nhưng không loại trừ nó) hoặc cố ý lừa dối để người nghe phải chấp nhận sứ điệp của mình (tham khảo các nhà truyền giáo đáng nghi ngờ trong II Cô-rinh-tô 11:13).  Trái lại, các nhà truyền giáo vốn luôn luôn được Đức Chúa Trời thử nghiệm trước khi được chọn làm người cọâng tác của Ngài, còn các động cơ của họ thì luôn luôn chịu sự tra xét của Ngài.  Do đó, họ biết rất rõ việc tuân giữ các chuẩn mực của Đức Chúa Trời là cần thiết như thế nào nên họ đã phải khước từ các phương pháp thuyết phục không đáng tin cậy (thí dụ như sửa đổi Phúc Âm khiến nó dễ chấp nhận hơn).

Mục tiêu của họ là làm đẹp lòng Đức Chúa Trời chớ không phải làm đẹp lòng thính giả của họ, không phải vì họ dửng dưng đối với người nghe hay các nhu cầu của người nghe, mà đúng hơn vì tiêu chuẩn của họ, không phải vì họ có thành công ở mức độ loài người hay không.  Cho nên họ đã không lạm dụng việc dua nịnh hay đặt ra các động cơ thúc đẩy giả dối để che đậy phần động cơ thật sự, muốn chiếm tiền bạc của những người cải đạo.  Một lời buộc tội khác đó làø họ muốn nhận được sự khen ngợi từ những người ở bên trong và bên ngoài Hội Thánh.  Thật ra các sứ đồ hay giáo sĩ có thể đòi hỏi những đặc quyền nào đó, như có quyền bảo những người mà nhờ họ đã quy đạo phải vâng lời, và được các Hội Thánh cung cấp các nhu cầu vật chất.  Ở đây có lẽ người ta chỉ nghĩ đến quyền đầu tiên trong các quyền lợi này (việc Phao-lô từ chối quyền lợi sau, xin xem II Tê-sa-lô-ni-ca 3:9; I Cô-rinh-tô 9:4-14; II Cô-rinh-tô 11:7-12).  Các giáo sĩ cũng có thể dùng uy quyền của họ (mặc dù làm như vậy có vẻ như trái với nguyên tắc mà Chúa Giê-xu từng đề ra, Lu-ca 22:24-27), nhưng các vị đã không làm như vậy.

7  Thật ra, các vị đã tỏ ra nhu mì (Hi văn çpioi, cổ bản tốt nhất ghi nçpioi, có nghĩa là con đỏ [babes] nhưng do muốn tránh hai mẫu tự n gặp nhau – nên từ ngữ ít thích hợp hơn này đã được đưa vào).  Các giáo sĩ hay mục sư phải giống như một người cha trong việc chăm lo cho những người nhờ họ mà quy đạo (11), nhưng ở đây, hình ảnh của người mẹ (Hi văn “vú nuôi”, nhưng thật ra ngụ ý là mẹ) nhấn mạnh hơn đến sự chăm sóc dịu dàng cần có trong thái độ của người làm cha mẹ.

8  Thái độ này được mô tả bằng các từ ngữ chỉ về một cảm xúc, bộc lộ trong ước muốn ban tặng.  Món quà tặng lớn nhất theo quan điểm Cơ Đốc giáo là Phúc Âm của Đức Chúa Trời, nhưng theo quan điểm của loài người là chia sẻ suy nghĩ sâu kín nhất của mình với một ai đó, như hai người yêu nhau mong được chia sẻ với nhau.

9  Phải nhìn vào những công việc cực nhọc của các giáo sĩ để thấy được rằng họ mong muốn bày tỏ tình yêu thương thay vì tạo gánh nặng cho những người quy đạo.  Họ không những lao động gian khổ vào ban ngày, mà cả ban đêm nữa (như nghề may trại hay thuộc da, Công Vụ 18:3) để có tiền tự mưu sinh trong khi vẫn truyền đạo.  Phần trợ cấp từ Phi-líp (Phi-líp 4:16) tự nó vốn không đủ.  Phao-lô kể lại cách tự tay mình lao động (tham khảo 4:11; II Tê-sa-lô-ni-ca 3:7-10; Công Vụ 18:3; 20:34) ra đây trước hết vì ông không muốn lệ thuộc vào các tín đồ hay làm tiền họ, chớ không nhằm tạo cơ hội để gặp những người trong xưởng thợ, hay chứng tỏ mình không xấu hổ vì phải hành nghề lương thiện (xin xem II Tê-sa-lô-ni-ca 3:8).

10-12  Phao-lô tóm tắt luận cứ của mình bằng cách viện dẫn đến kinh nghiệm của chính các độc giả, rằng các giáo sĩ đã sống ngay lành và đối xử với họ như một người cha vậy.  Mối quan tâm chính của họ là khuyến khích một nếp sống phù hợp với những người đã được Đức Chúa Trời gọi vào Nước Ngài và với niềm hy vọng được dự phần trong sự vinh hiển Ngài.

13  Qua cách người nghe tiếp nhận sứ điệp, chúng ta thấy được cuộc viếng thăm của các nhà truyền giáo không phải là vô ích (1).  Sứ điệp của Phao-lô thường bị lên án là của riêng ông, là ý của con người, do đó, ông rất biết ơn khi có người thừa nhận rằng ông thực sự đang truyền giảng một sứ điệp đến từ chính Đức Chúa Trời (tham khảo Ga-la-ti 1:11-12).  Sứ điệp này vốn có quyền năng để thay đổi đời sống của những người nghe nó.

14-16  Bằng chứng của việc này được nhìn thấy trong cách mà các người quy đạo đã tỏ ra có cùng một tinh thần với các Cơ Đốc nhân đầu tiên trong xứ Giu-đê, những người đã từng nhận chịu những sự công kích dữ dội của đồng bào họ, là người Do Thái.  Cũng như vậy, các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca đã chịu khổ dưới tay đồng bào họ, người ngoại quốc lẫn người Do Thái (Công Vụ 17:5).  Bản thân Phao-lô là người Do Thái, do đó, ông cảm thấy mình có một sự ràng buộc đặc biệt với dân tộc ông, và mong sao họ chịu từ bỏ sự đui mù của họ để tin nhận Chúa Giê-xu là Đấng Mê-si-a.  Nhưng ông cũng biết quá rõ rằng ai chối bỏ Chúa Giêxu sẽ bị Đức Chúa Trời chối bỏ, do đó, ông nói rằng cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời cuối cùng sẽ giáng xuống trọn vẹn trên người Do Thái, vì những tội lỗi cuối cùng và tệ hại nhất của họ trong suốt cả một lịch sử lâu dài đó là đã chối bỏ các sứ giả của Đức Chúa Trời.  Xin lưu ý ở đây, Phao-lô chỉ viết về một nhóm người Do Thái cụ thể, chớ ông không mâu thuẫn với niềm hy vọng đã được diễn tả trong Rô-ma 9-11  rằng dân Do Thái sẽ quay trở về với Đức Chúa Trời; sự đáp ứng lại Phúc Âm cứu con người khỏi cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời.

2:17-3:13  Phao-lô tiếp tục quan tâm đến Hội Thánh

Sau khi phải rời Tê-sa-lô-ni-ca sớm hơn mong muốn, Phao-lô muốn quay trở lại đó ngay khi có thể, nhưng ông đã bị ngăn trở bởi điều mà ông gọi là sự chống đối của Sa-tan (tham khảo II Cô-rinh-tô 12:7).  Có một khả năng, đó là vì chuyện rắc rối với các nhà cầm quyền của thị trấn đó, cho nên Phao-lô bị cấm trở lại, và đã không có điều gì xảy ra để thay đổi tình hình ấy cả.  Dường như người ta nghe nhiều lời chỉ trích bất công về Phao-lô ở đó, cho nên ông nhấn mạnh rằng ông rất mong ước trở lại thăm họ để khích lệ họ.  Ông mô tả mình đang ứng hầu trước mặt Chúa Cứu Thế trong ngày phán xét, mang theo Hội Thánh này như một bằng chứng cho thấy ông đã trung tín trong chức vụ truyền giáo mà ông được kêu gọi, Hội Thánh sẽ như chiếc mão triều thiên tượng trưng cho công tác truyền giáo thành công của ông, và do đó sự tồn tại liên tục của nó là tối quan trọng.  Cũng vậy, vì sự ích lợi của chính những người quy đạo mà ông nhận được sự vui mừng – như một giáo sư thật sự vui mừng trong sự thành công của học trò mình, không phải chỉ vì mình có góp phần đem lại sự thành công đó, mà trên hết là vì ý nghĩa của sự thành công đó đối với người học trò ấy.

3:1-2  Mọi nỗ lực để ông đích thân đến Tê-sa-lô-ni-ca đều thất bại, nên Phao-lô đồng ý với lời đề nghị rằng ông nên ở lại A-thên (cách Tê-sa-lô-ni-ca khoảng 500 km hay 300 dặm) và phái một trong các bạn đồng liêu đi thay.  (Tôi thà đành ở lại một mình có lẽ hàm ý lúc ấy Si-la đã rời ông).  Vì vậy, Ti-mô-thê đã được sai đi thay cho Phao-lô – như vẫn thường được sai đến với những Hội Thánh khác.  Phao-lô – một lần nữa có lẽ nhằm tự bảo vệ mình trước bất kỳ những kẻ gièm pha nào – nhấn mạnh rằng Ti-mô-thê là người anh em hay bạn đồng sự với ông về mọi phương diện, một người thật sự đáng tin cậy.  Phần mô tả ông là bạn đồng công của Đức Chúa Trời nghĩa là một “bạn đồng sự với Đức Chúa Trời” trong công tác rao giảng Phúc Âm (tham khảo I Cô-rinh-tô 3:9) đã gây rắc rối cho những người chép sách, nên một số người đã đổi nguyên bản thành ra “tôi tớ của Đức Chúa Trời” (Về bản NIV cũng vậy).  Phao-lô ngụ ý rằng chính Đức Chúa Trời được xem như đang cộng tác với các cộng sự Cơ Đốc trong việc truyền bá Phúc Âm của Chúa Cứu Thế, một nhóm từ bao gồm cả việc truyền giảng Phúc Âm ngay từ ban đầu, lẫn việc nuôi dưỡng Hội Thánh.  Cuộc viếng thăm của Ti-mô-thê chắc đã giúp cho Hội Thánh mạnh mẽ lên nhiều để họ có thể sẵn sàng chống lại sự cám dỗ và áp lực thù địch một cách kiên quyết hơn (xin lưu ý cách gán cho chính Chúa kết quả ấy trong câu 13). Chữ giục lòng mang hai nghĩa, vừa thôi thúc người ta hành động (các bản dịch Thánh Kinh xưa hơn dịch là khuyến giục) vừa an ủi họ.

3-4  Nhận biết trước mặt mình là hoàn cảnh khó khăn, chúng ta có thể đối diện với nó bằng một nghị lực mạnh mẽ hơn.  Các độc giả biết rằng áp lực từ bên ngoài là số phận đang chờ đợi họ vì Phao-lô đã từng nhắc đi nhắc lại điều này, chắc bằng cách đề cập từng trải của chính ông cũng như của các Hội Thánh trong xứ Giu-đê (2:14).

5  Sau khi đã sai Ti-mô-thê đến với họ, Phao-lô rất muốn biết họ có giữ được đức tin hay không.  Rất có thể Sa-tan đã cám dỗ họ đến mức Hội Thánh đã bị diệt vong rồi, và mọi sự lao khổ từng đổ ra tại đó đều vô ích.  Tuy chẳng có cám dỗ nào lớn đến mức không thể chống lại được (I Cô-rinh-tô 10:13), các tín hữu không phải luôn thành công trong việc chống lại nó.  Dù tin rằng quyền năng của Đức Chúa Trời có thể gìn giữ dân sự Ngài, Phao-lô vẫn không khỏi bận tâm và cầu nguyện cho họ.

6-8  Tin tốt (ở những chỗ khác từ này được dùng chỉ việc truyền giảng Phúc Âm) của Ti-mô-thê đã cất đi mọi lo lắng của Phao-lô.  Ông quá đỗi vui mừng nên đã viết bức thư này ngay, có thể là sau khi Ti-mô-thê trở về.  Hai đặc điểm cơ bản của Cơ Đốc nhân là đức tintình yêu vẫn còn tồn tại và tốt đẹp tại Tê-sa-lô-ni-ca (và vẫn đang tiếp tục phát triển: II Tê-sa-lô-ni-ca 1:3).  Hội Thánh rất mong muốn được gặp Phao-lô.  Điều này cho thấy rằng các độc giả đã không xây bỏ Phúc Âm và dĩ nhiên đã thuộc về những người được chọn của Đức Chúa Trời (1:4).  Họ đang đứng vững trong sự nhờ cậy Chúa nên có thể đương đầu với mọi sự chống đối (xem Ê-phê-sô 6:10).  Báo cáo của Ti-mô-thê về đến ngay trong thời điểm chính bản thân Phao-lô cũng cảm thấy bị áp lực vì những hoàn cảnh khó khăn của chính ông và những gánh nặng trên ông, do đó ông không cảm thấy mình đang “sống” một cách trọn vẹn.  Nhà truyền giáo có nhiệm vụ giục lòng người khác (2) đã được giục lòng và được phấn khởi bởi tin tức về Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca này.

9  Phao-lô viết về lòng vui vẻ mà ông bộc lộ trước mặt Đức Chúa Trời, như khi dân Y-sơ-ra-ên ăn mừng các ngày lễ trọng đại của họ trước sự hiện diện của Đức Giê-hô-va vậy (Phục Truyền 12:12, 18).  Đối với chúng ta, vui mừng có thể chỉ là một cách bộc lộ cảm giác hạnh phúc của mình; với Phao-lô thì đây là một cơ hội để cảm tạ Đức Chúa Trời, Đấng vốn là cội nguồn của sự vui mừng.

10  Phao-lô còn cố sức nài xin (một từ ngữ Hi văn đặc biệt có ý nghĩa nhấn mạnh) để ông có thể thăm lại Hội Thánh.  Ông có một ước muốn đơn giản và rất con người là được ở với họ, và ông mong sẽ có thể giúp họ thắng hơn mọi sự yếu đuối nào còn tồn tại trong đức tin của họ.  Tuy họ đã đứng vững, họ vẫn chưa được hoàn thiện,  trong sự thông biết Cơ Đốc hay trong cách cư xử.  Bức thư này là nỗ lực của Phao-lô nhằm cung cấp qua chữ viết những gì ông không thể đích thân ban phát cho họ.  Lẽ dĩ nhiên là gởi một bức thư chỉ giải quyết được lý do thứ hai trong số những lý do khiến cho Phao-lô muốn đến thăm Hội Thánh.  Do đó, trong lúc viết thư, ông vẫn mong ước và cầu nguyện để có cơ hội đến thăm Hội Thánh.  Cuối cùng thì lời cầu nguyện của ông đã được nhậm (Công Vụ 20:1).

11-12  Từ chỗ nói cho các độc giả biết về những lời cầu nguyện của mình, Phao-lô quay sang cầu nguyện thật sự.  Thay vì trực tiếp nói với Đức Chúa Trời bằng ngôi thứ hai, ví dụ, “Đức Chúa Trời ôi, xin dẫn chúng tôi đến Tê-sa-lô-ni-ca”, Phao-lô dâng lên lời cầu nguyện của mình ở ngôi thứ ba “Nguyền xin Đức Chúa Trời dẫn chúng tôi đến cùng anh em” (tham khảo Dân Số Ký 6:24-26; Thi Thiên 20:1-5).  Lời cầu nguyện kết chặt Đức Chúa Trời là Cha với Chúa Cứu Thế Giê-xu (tham khảo câu 1 và theo thứ tự đảo ngược, II Tê-sa-lô-ni-ca 2:16).  Lời cầu xin đầu tiên nói lên ước vọng của Phao-lô muốn thăm lại Hội Thánh, còn lời cầu xin thứ hai cho thấy Phao lô luôn mong muốn họ được tăng trưởng trong tình yêu thương và sự thánh khiết – là chủ đề được phát triển từ lời dạy dỗ tiếp ngay sau lời cầu nguyện (4:1-12).  Tình yêu thương của họ phải vượt ra ngoài Hội Thánh để đến với mọi người (tham khảo Ga-la-ti 6:10 theo thứ tự đảo ngược).  Phao-lô dẫn chứng chính ông như một tấm gương (tham khảo 1:6; II Tê-sa-lô-ni-ca 3:7-9; Công Vụ 20:35) – không phải để thông báo tin tức cho Chúa, nhưng vì bài cầu nguyện này cũng có chức năng như một phương tiện để dạy các độc giả cách cầu nguyện và cách sống mà họ phải noi theo.

13  Phao-lô muốn cho những người đọc thư ông được thánh sạch không chỗ trách được để gặp Chúa khi Ngài đến trong sự phán xét.  Ông không cầu nguyện cho họ tăng trưởng và phát triển để trở nên không chỗ trách được ở một thời điểm nào đó trong tương lai khi Chúa đến.  Trái lại, ông tin rằng Chúa có thể đến thật sớm (nhưng chắc chắn không phải là ngay tức khắc, như II Tê-sa-lô-ni-ca 2 cho thấy), do đó ông cầu nguyện xin Chúa khiến cho lòng họ vững vàng với các đức tính hiện có, và cứ tiếp tục trong tình trạng ấy cho đến ngày Chúa đến.  Sự phán xét sẽ diễn ra khi Chúa Cứu Thế đến (2:19; tham khảo 1:10),và lúc đó họ chẳng cần phải sợ cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời (1:10), nhưng dù sao thì đó cũng là lúc để đánh giá và ban thưởng hoặc xử phạt.  Tính nghiêm trọng của thời điểm ấy được nhấn mạnh qua phần mô tả sự tái lâm của Chúa Giêxu với hết thảy thánh đồ Ngài.  Họ hoặc là các tín hữu đã qua đời và cùng với các tín hữu hãy còn sống để gặp Chúa (4:16-17) hoặc là các thiên sứ tháp tùng trong lần giáng lâm cuối cùng của Đức Chúa Trời (Xa-cha-ri 14:5) hay của Con Người (Mác 8:38) để làm tăng thêm sự vinh hiển của Ngài (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:7 ủng hộ cách lý giải thứ hai này).

4:1-12  Khuyến khích sự tiến bộ về mặt đạo đức

Trong đoạn đầu của ba đoạn giáo huấn này, Phao-lô bàn về nếp sống đạo đức, đặc biệt nói về sự thánh sạch (4:1-8) và tình yêu thương giữa các anh em trong Chúa (4:9-12).

1-2  Động cơ thúc đẩy đời sống Cơ Đốc là làm đẹp ý Đức Chúa Trời (tham khảo 2:4) bằng cách vâng theo ý muốn Ngài.  Các độc giả đã vâng theo điều này, nên chủ đích của Phao-lô ở đây chỉ là khích lệ họ hãy làm càng tốt hơn điều họ đã làm .  Về câu nhơn Đức Chúa Giê-xu xin xem ở phần chú thích 1:1.  Những điều răn mang hơi hướng quân sự: phải có một nếp sống rõ ràng được kết hợp với Phúc Âm, và các Cơ Đốc nhân được lệnh phải theo đó mà sống.

3  Bên cạnh những việc khác, làm theo ý muốn Đức Chúa Trời còn có việc phải nên thánh.  Từ ngữ Cơ Đốc đặc biệt này ngụ ý đến một tiến trình liên tục để ngày càng được tự do hơn trước tội lỗi và được đầy đẫy tình yêu thương.  Nên thánh có nghĩa là thuộc về Đức Chúa Trời và chứng tỏ mình có bản tánh giống như Ngài.  Trái với nó là bất khiết (7), tức là cách ăn ở vô đạo đức và ô uế.

Cần phải nhấn mạnh một phương diện của sự thánh khiết (còn nhiều phương diện khác nữa cũng quan trọng không kém), đó là tuyệt đối tránh xa tội tà dâm.  Nhóm từ này nói đến mọi mối quan hệ tình dục ngoài quan hệ vợ chồng.

4-5  Bản NIV lý giải câu 4 bằng những từ chỉ về sự tự chủ về mặt tình dục.  Nó là một từ mượn từ tiếng Hi văn, skeuos, nghĩa đen là một “vật chứa đựng” – container – là một ẩn dụ về thân thể con người, ở đây trong khía cạnh tình dục của nó (có thể là phép nói trại để chỉ cơ quan sinh dục), còn động từ ktasthai là “chiếm quyền làm chủ” (một cách dùng rất ít gặp nhưng được thừa nhận).  Nhiều bản dịch khác lý giải động từ này là “lấy”, còn “vật chứa đựng” là một phụ nữ, để rồi lời giáo huấn này có nghĩa là “ giáo dục tiền hôn nhân (?)” (chú thích bên lề bản NIV cũng như bản RSV).  Tuy “vật chứa đựng” được dùng chỉ con người (cả nam lẫn nữ) trong I Phi-e-rơ 3:7, khó có thể cho rằng nghĩa này bị áp đặt ở đây, và trong mọi trường hợp, nó gần như xem người nữ chỉ là một đối tượng tình dục.  Trong cả hai cách dịch, sinh hoạt tình dục phải được thực hiện trong sự tôn trọng.  Sự thánh khiết không loại trừ hoạt động tình dục, nhưng kiểm soát bản tính của nó.  Cách sống trái với điều đó có đặc điểm là tham dục (lust), sự ham muốn của thể xác không xem con người với tư cách là con người, nên có cách cư xử tuỳ thích, thiếu tự chủ.

6  Tà dâm tiếp tục được xem là một tội vì nó có thể lợi dụng người khác.  Ngoại tình (tà dâm) là cố tìm cách cắt đứt mối liên hệ và sự ràng buộc hiện hữu trong hôn nhân, và có thể được mô tả một cách thẳng thắn là làm điều sai trật với một anh em.  Một quan điểm khác, ít sắc sảo hơn, về câu này cho rằng Phao-lô giới thiệu một chủ đề mới về việc lợi dụng một anh em trong công việc kinh doanh (một cách dịch khác câu “bất kỳ việc gì”; tham khảo chú thích bên lề bản RSV).

Sự tàn nhẫn trong cách cư xử như thế được cho thấy rõ qua lời nhắc nhở của Phao-lô rằng Chúa sẽ phán xét (nghĩa là Chúa Giê-xu, sự làm trọn vai trò của Đức Chúa Trời trong Thi Thiên 94:1) các tội nhân.

7-8  Nhưng sự phán xét không phải là động cơ thúc đẩy duy nhất để chúng ta sống ngay lành.  Đức Chúa Trời đã không kêu gọi chúng ta trên cơ sở của sự ô uế, như thể đó là một tình trạng vẫn còn mãi, nhưng Ngài đã gọi chúng ta để khiến chúng ta nên thánh.  Do đó, bỏ qua lời giáo huấn đặc biệt này tức là coi thường chính Đức Chúa Trời là Đấng đã ban Thánh Linh Ngài cho chúng ta để thánh hoá chúng ta.

9-10  Đến đây, Phao lô bắt đầu dạy một điều khác, đó là họ cần phải yêu thương nhau hơn (tham khảo 3:12) bằng tình thương của anh em trong Chúa (Hi văn: philadenphia), như chính Đức Chúa Trời đã dạy bảo họ.  Tình yêu thương của họ thật ra đã vượt ra khỏi Hội Thánh để đến với những Cơ Đốc nhân ở các nơi khác, có lẽ trong việc tiếp đãi ân cần và giúp đỡ về vật chất cho người khác.

11-12  Một số người trong Hội Thánh đang lợi dụng tình anh em đó để sống bám vào quỹ từ thiện mà không chịu tự mình lao động (tham khảo II Tê-sa-lô-ni-ca 3:6-15).  Có lẽ những người ăn không ngồi rồi này đã bị ảnh hưởng bởi niềm tin rằng ngày Chúa Giê-xu tái lâm đã gần, họ lý luận rằng nếu quả thật là như vậy, thì tại sao còn phải làm việc? Phao-lô dạy họ phải làm cho sự lao động trở thành một vấn đề danh dự để tránh làm kẻ xen vào việc người khác, để tự lo lấy công việc của riêng mình một cách có trách nhiệm, và phải sẵn sàng làm công việc lương thiện hằng ngày.  Có như vậy người khác mới không thể xem thường họ.

4:13-5:11  Lời chỉ dạy và khích lệ về sự tái lâm của Chúa Giê-xu

Sự tái lâm của Chúa Giê-xu là một phần quan trọng trong sự dạy dỗ của Phao-lô trong suốt chuyến thăm viếng của ông, nhưng nó đã đưa đến hiểu lầm.  Ti-mô-thê đưa ra cho Phao-lô hai vấn đề.  Vấn đề thứ nhất liên quan đến số phận của các Cơ đốc nhân đã qua đời trước khi Chúa trở lại (4:13-18) và vấn đề thứ hai là về nguy cơ của người còn sống bất ngờ được Chúa cất đi, và bằng cách nào đó không thể dự phần vào sự kiện ấy (5:1-11).

4:13  Rõ ràng là các độc giả tưởng rằng những người đã nguû rồi (tức những người trong số họ đã chết, và bất kỳ những người nào khác có thể sẽ chết) trước khi Chúa tái lâm đều cứ ở trong mồ mả của họ và không được dự phần vào biến cố ấy.  Điều này cho thấy hoặc họ vẫn chưa được nghe về sự sống lại của kẻ chết (khó có thể như vậy, vì sự phục sinh của Chúa Giê-xu là một phần của Phúc Âm ban đầu), hoặc họ vẫn chưa hiểu đúng điều họ đã được dạy.  Do không hiểu biết đầy đủ về sự trông cậy của Cơ Đốc nhân, họ cũng giống như những người chưa tin nhận Chúa “không có sự trông cậy và không có Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 2:12).

14  Câu trả lời căn bản cho vấn đề này là phần cơ bản trong sự dạy dỗ Cơ Đốc, đó là Chúa Giê-xu đã chết và sống lại.  Và hệ quả, chính Đức Chúa Trời, Đấng đã khiến Chúa Giê-xu từ cõi chết sống lại, cũng sẽ đem theo với Ngài những người mà Ngài đã chịu chết thay cho, và những người đã chết trong Ngài.  Phao-lô vẫn chưa nói gì về người chết sẽ được sống lại để dự phần vào biến cố này, nhưng rõ ràng là nếu họ sẽ được dự phần vào đó, thì họ phải được khiến sống lại trước khi điều đó xảy ra.  Thật vậy, không chỉ được dự phần trong các biến cố quang vinh trong sự tái lâm của Chúa, họ được đi trước những người còn sống (Phao-lô đề cập chúng ta là kẻ sống, cách dùng chữ này cho thấy ông đã nghĩ đến khả năng Chúa sẽ đến trong thời của ông, nhưng không nhất thiết xem đó như một câu kết luận trước).

15-18  Xác nhận cho câu phát biểu này là sự nhắc đến chính lời Chúa, đúng nhất nên hiểu đây là lời dạy của Chúa Giê-xu giống như Ma-thi-ơ 24:30-31 chớ không phải là một măïc khải của Chúa sau khi phục sinh cho một nhà tiên tri hay cho chính Phao-lô (ông cũng nhắc đến điều này trong I Cô-rinh-tô 15:52).  Tiếng phán, tiếng của thiên sứ và tiếng kèn được giải thích là những phương tiện để đánh thức những người đang ngủ trong sự chết, khiến họ sống lại để ở với Chúa (Giăng 5:25-29).  Họ sẽ sống lại trước hết, nghĩa là trước khi các Cơ Đốc nhân còn sống được cất lên cùng với Chúa và gặp Chúa tại nơi không trung.  Hình ảnh này mô tả một nhóm người ra khỏi một thành phố để đón một nhân vật quyền quý đến thăm và cùng người ấy trở về.  Điều này ngụ ý rằng Chúa cùng với dân sự Ngài trở lại đất này (Chắc chắn họ sẽ không mãi trên các đám mây để chơi đàn!).  Cách nói này không nhằm để người ta hiểu theo nghĩa đen tuyệt đối, nó đang mô tả những việc mà lời nói không thể mô tả hết.  Điều quan trọng là các tín hữu, dù đã chếât hay còn sống, đều sẽ ở cùng Chúa luôn luôn kể từ đó trở về sau.

5:1-5  Một vấn đề khác về Chúa tái lâm đã làm độc giả lo lắng, đó là họ có thể không được chuẩn bị cho biến cố ấy khi nó xảy ra: phải chăng họ sẽ bị bất ngờ? Vậy thì Phao lô cho biết gì về thời điểm sự tái lâm và những biến cố liên quan xảy đến? Phao-lô trả lời rằng ông không cần viết thêm gì cho họ ngoài những gì ông đã dạy cho họ rồi, tức là ngày của Chúa (tham khảo “ngày của Con Người”, Lu-ca 17:24, 30) sẽ giống như sự xuất hiện của kẻ trộm, sẽ bất ngờ và không được hoan nghênh, y như Chúa Giê-xu từng dạy (Ma-thi-ơ 24:43; Lu-ca 12:39-40).  Loài người có lẽ vẫn tưởng họ đang sống an toàn, chẳng có gì quấy rầy đến cuộc sống trên thế gian này của họ, nhưng rồi tai hoạ (sự huỷ diệt) thình lình vụt đến (tham khảo Lu-ca 21:34).  Ở đây, Phao-lô căn cứ theo những gì Chúa Giê-xu đã nói để cảnh cáo họ.  Nhưng điểm đặc biệt ông cần làm sáng tỏ là lời cảnh báo về biến cố đầy đe doạ này là dành cho người không tin Chúa, không phải cho các tín hữu.  Tư tưởng về ngày của Chúa được kết hợp không chỉ với sự phán xét, mà cả với sự sáng bình minh biểu tượng cho măïc khải của Đức Chúa Trời và sự công chính nữa.  Các tín hữu là người đang sống trong sự sáng, họ không còn ở trong bóng tối của tội lỗi và sự ngu dốt nữa.  Và kết quả, ngày của Chúa đối với họ sẽ không đến như tia chớp vạch trần các tội lỗi từng được bóng tối che đậy, khiến người không tin Chúa muốn ẩn mình hoặc chạy trốn.  Trái lại, các tín hữu sẽ hoan nghênh ánh sáng tràn ngập của ngày ấy, và họ sẽ không bị bất ngờ vì họ không làm những việc có thể dẫn tới sự phán xét.

6-11  Tuy nhiên, ngay cả các tín hữu cũng có thể bị cám dỗ để rồi sống như những kẻ vô tín.  Điều họ cần trong trường hợp đó không phải là thông tin về thời điểm ngày phán xét xảy đến (với hy vọng ngây thơ rằng họ sẽ có thể thu xếp cuộc đời mình vào phút chót) nhưng là mạng lệnh mạnh mẽ để sống như những người thuộc về ngày ấy.  Họ không nên làm những việc mà loài người làm vào ban đêm - như say sưa hay ngủ mê – mà phải tỉnh thức và sẵn sàng chờ đợi Chúa.  Họ phải thật sự giống như các chiến sĩ canh gác và tự trang bị khí giới cho mình (Phao-lô còn tiếp tục so sánh) bằng ba đặc tính cơ bản của Cơ Đốc nhân (xem 1:3).  Đặc tính quan trọng nhất trong số đó, trong bối cảnh hiện tại, là sự trông cậy về sự cứu rỗi. Nó dựa trên niềm tin quyết rằng các tín hữu không bị Đức Chúa Trời định cho số phận mà các tội nhân sẽ phải chịu, đó là phải nhận lấy cơn thịnh nộ của Ngài, nhưng sẽ nhận được sự cứu rỗi, điều này lúc đầu được hiểu là sự từng trải trong tương lai về sự giải cứu khỏi cơn thạnh nộ.  Sự giải cứu này sở dĩ có được là nhờ Chúa Giê-xu đã chết thay cho họ. Ở đây Phao-lô không giải thích điều đóù sinh ra kết quả như thế nào, nhưng ở những chỗ khác thì có nói rõ rằng Chúa Giê-xu đã gánh thay tội lỗi cho họ và đã vì họ mà chịu đoán phạt rồi (Rô-ma 3:24-26; II Cô-rinh-tô 5:19-21).  Kết quả, họ sẽ được dự phần trong sự sống của Ngài – điều này sẽ thành sự thật cho cả các tín hữu tận trung vẫn còn sống lúc Chúa đến lẫn những người tin Chúa đã qua đời rồi.  Với sự trông cậy đó, các độc giả phải giúp đỡ lẫn nhau bằng cách khuyên lơn, khích lệ nhau và làm bất cứ việc gì để gây dựng đức tin cho nhau.

5:12-24  Những lời chỉ dạy về nếp sinh hoạt trong Hội Thánh 

Phần giáo huấn thứ ba thoạt nhìn có vẻ như những lời dạy chung chung về nếp sinh hoạt của các độc giả trong Hội Thánh.  Phao-lô cũng đưa ra lời dạy tương tự như thế cho nhiều hội thánh khác (đặc biệt xem Rô-ma 12) nhưng ở đây nó đặc biệt hướng vào tình hình tại Tê-sa-lô-ni-ca lúc bấy giờ.  Lời dạy có thể được chia ra thành năm phần (12-13, 14, 15, 16-18, 19-22) và sau đó là một bài cầu nguyện (23-24).

12-13  Phần thứ nhất đề cập thái độ của Hội Thánh nói chung đối với các lãnh đạo.  Không có tước vị cụ thể nào dành cho các lãnh đạo trong hôi thánh (về sau các từ ngữ như trưởng lão, giám mục và chấp sự mới trở nên phổ biến hơn), và tước vị của họ được mô tả bằng những từ ngữ chỉ những công việc họ đảm nhiệm.  Họ tham gia vào những việc được gọi là công khó (một từ ngữ chỉ công tác Cơ Đốc nói chung của chính Phao-lô và các nhà truyền giáo, nhưng cũng chỉ chức việc của các lãnh đạo trong chi hội địa phương).  Họ chỉ dẫn và dạy bảo anh em - nhóm từ có lẽ ngụ ý việc thực thi uy quyền hay chứng tỏ sự quan tâm chăm sóc (đặc biệt nếu họ là những người giàu có và dâng tài sản của mình cho Hội Thánh, tham khảo Rô-ma 16:1-2), và họ đưa ra lời cảnh cáo những người cần dạy bảo.  Như thế họ thực thi uy quyền trong Hội Thánh, và nhắc nhở những người ở dưới quyền họ phải thừa nhận địa vị lãnh đạo của họ để chứng tỏ thái độ tôn trọng phải lẽ đi đôi với tình yêu thương.  Ở cho hoà thuận có thể gợi ý về nguy cơ chia rẽ nào đó giữa các lãnh đạo và các tín hữu khác.

14  Điều này có lẽ liên quan với điểm tiếp theo, sự cần thiết của việc hướng dẫn thuộc linh cho một số người trong Hội Thánh.  Lưu ý rằng ở đây Phao-lô khích lệ cả Hội Thánh (chú ý từ ngữ anh em được lặp lại trong câu 14) hãy quan tâm và chăm sóc nhau, không phải chỉ các lãnh đạo mới có trách nhiệm chăm sóc cho những thành viên còn lại trong Hội Thánh.  Có lẽ Phao-lô đang đặc biệt nghĩ đến một nhóm người trong Hội Thánh cần được chỉ dẫn nhưng lại không chịu vâng lời.  Đó là những kẻ ăn ở bậy baï (bản NIV dịch là những kẻ ở dưng, là từ ngữ thường có nghĩa là “vô trật tự” nhưng đặc biệt chỉ về những kẻ ăn không ngồi rồi và trong ngữ cảnh này thì ý nghĩa đó càng thích hợp hơn, xem 4:11; II Tê-sa-lô-ni-ca 3:6-13).  Những kẻ ngã lòng hay “rụt rè” có thể là những người buồn rầu và mất tinh thần trong 4:13-5:11.  Những kẻ yếu đuối có lẽ là những người gặp khó khăn thử thách dồn dập nên cảm thấy khó đương cự nổi, họ cần có người đứng bên cạnh để nâng đỡ.  Những người giúp đỡ cho những người này cần phải nhịn nhục để chịu đựng họ, thái độ vụng về của họ, thậm chí thái độ chống cự của họ khi không muốn nhận sự giúp đỡ của người khác.

15  Sự trả thù đã xảy ra trong Hội Thánh, và vấn đề này được nói đến trong mạng lệnh thứ hai, đó là không được lấy ác báo ác, nhưng phải luôn tỏ ra tử tế ngay khi bị đối xử không tốt.  Xin chú ý mạng lệnh này không giới hạn chỉ trong vòng các tín hữu, nhưng cũng được áp dụng cho mọi người.  Thái độ này vượt xa luân lý đạo đức thời bấy giờ và là một nét đặc trưng của Cơ Đốc giáo (Rô-ma 12:17, 19-21; I Phi-e-rơ 3:9; tham khảo Ma-thi-ơ 5:38-42, 43-48).

16-18  Một loạt các mệnh lệnh ngắn gọn và rõ ràng cho chúng ta thấy được nền tảng của đời sống Cơ Đốc.  Chúng có tính cách khái quát và được áp dụng cho bất kỳ một nhóm Cơ Đốc nhân nào.  Cơ Đốc nhân có cơ sở để vui mừng cả trong từng trải về sự cứu rỗi lẫn trong sự trông cậy về những gì Đức Chúa Trời sẽ làm trong tương lai, nhưng họ cần phải bộc lộ niềm vui đó ra; có một nơi đúng đắn và thích hợp để bộc lộ cảm xúc vui mừng ấy.  Cơ Đốc nhân cũng phải cầu nguyện – ở đây có lẽ mang ý nghĩa họ phải cầu xin với Đức Chúa Trời, vì mạng lệnh tiếp theo nói về sự cần thiết của việc tạ ơn.  Điểm chung cho cả ba mạng lệnh này là sự nhấn mạnh rằng chúng phải được làm trọn trong mọi hoàn cảnh; không có nghĩa là phải cầu nguyện không ngừng nghỉ, nhưng phải cầu nguyện đều đặn, thường xuyên.  Phao-lô nói thêm rằng đời sống như vậy là đời sống khả thi, vì Đức Chúa Trời muốn như thế, Ngài muốn dân sự Ngài vui mừng cầu nguyện và cảm tạ, và Ngài giúp họ có thể làm được như vậy.

19-22  Một loạt những câu ngắn gọn khác chủ yếu liên quan đến Đức Thánh Linh và các ân tứ của Ngài.  Những điều đã được trình bày chi tiết trong I Cô-rinh-tô 12-14 được kể ra vắn tắt ở đây.  Đức Thánh Linh vốn đầy quyền năng và vận hành giống như lửa trong Hội Thánh (tham khảo Rô-ma 12:11; II Ti-mô-thê 1:6 về cách ví von này).  Các ân tứ cho chức vụ đã được thực thi, nhưng một số người còn tìm cách dập tắt chúng (chúng ta không biết tại sao), nhưng làm như thế là sai.  Phao-lô đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết của việc đánh giá cao các lời tiên tri.  Rất có thể Hội Thánh này từng có kinh nghiệm buồn về chúng (tham khảo I Giăng 4:1-3) và thay vì phải nhận thức rõ đúng sai, họ đã để cho những lời tiên tri ngày càng kiểm soát trong mọi hoạt động nói chung.  Hội Thánh phải xem xét mọi việc, nghĩa là phải cân nhắc các lời tiên tri (I Cô-rinh-tô 12:10; 14:29).  Phải giữ lấy những gì có giá trị và bỏ đi những điều sai lầm trong số những lời dạy mang tính tiên tri ấy (câu 21-22 có thể hiểu khái quát hơn, nhưng chúng có cách ứng dụng hẹp hơn trong văn cảnh ở đây).

23-24 Cuối cùng Phao-lô viết ra một bài cầu nguyện cho các độc giả (tham khảo 3:11-13).  Chính Đức Chúa Trời quan tâm đến họ.  Ngài là nguồn mạch của các phước hạnh thuộc linh, được tóm tắt là sự bình an, do đó thật phải lẽ để chúng ta cầu xin Ngài giúp cho những người được gọi là “thánh đồ” ngày càng được nên thánh hơn trong toàn bộ con người của họ.  Phao-lô nghĩ đến một tiến trình liên tục, và kết quả lý tưởng sẽ là bất kỳ lúc nào Chúa trở lại, Ngài sẽ thấy những người thuộc về Ngài đều hoàn toàn không chỗ trách được, nghĩa là hoàn thiện hoàn mỹ.  Tâm thần, linh hồn và thân theå là một cách nói “đầy đủ” bởi sự ngụ ý về cả ba phương diện của một con người – đời sống trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời, nhân cách và thân thể mà bởi đó người ta hành động và tự bộc lộ mình.  Tuy đời sống Cơ Đốc đòi hỏi sự nỗ lực của con người, xét cho cùng, nó tuỳ thuộc vào chính Đức Chúa Trời, là Đấng thành tín.  Ai tin cậy nơi Ngài đều tin rằng Ngài sẽ gìn giữ họ cho đến cùng – và họ có mọi lý do để tin Ngài thật đáng tin cậy.

5:25-28  Những yêu cầu và lời chào thăm kết thúc

Những bức thư  thời xưa thường có một kết thúc thật tự nhiên bằng những lời chào thăm và yêu cầu cá nhân.  Ở đây chúng liên quan rất nhiều đến đời sống Cơ Đốc và sự làm chứng của trước giả và những người nhận thư.  Phao-lô thường yêu cầu những độc giả của ông cầu nguyện cho ông và các bạn đồng sự của ông (II Tê-sa-lô-ni-ca 3:1-2), đây là cách để họ dự phần trong công tác truyền giáo của ông, và các giáo sĩ cũng cần đến sự hậu thuẫn đó.  Các độc giả phải chào thăm nhau bằng một dấu hiệu thể hiện tình cảm Cơ Đốc.  Khi đưa ra lời dạy này, Phao-lô cho thấy rằng tuy ông đang cách xa họ, ông vẫn liên kết với họ trong lời chào thăm của họ. Cái hôn là một dấu hiệu của sự trìu mến và kính trọng, từ này không ngụ ý đến tình dục.

27  Đến đây có lẽ Phao-lô đã tự cầm bút viết ra những lời nhấn mạnh rằng mọi người trong Hội Thánh phải đọc được thư này.  Nó phải được đọc (thay cho bài giảng?) khi mọi người đều có mặt, như để thay mặt cho Phao-lô.  Ông muốn chắc chắn rằng sứ điệp của ông đến được với tất cả những người mà ông muốn gởi đến.

28  Phao-lô luôn luôn kết thúc các thư của ông bằng một lời chúc phước mà lời lẽ cũng tương tự như lời chào thăm mở đầu.  Lời chào bình thường theo thế gian (Công Vụ 15:29) được thay thế bằng một lời chúc theo Cơ Đốc giáo, đưa chúng ta đến với trọng tâm của Phúc Âm, với chính Chúa Giê-xu là Chúa Tể và là nguồn ân phước của Đức Chúa Trời.

I.  Howard Marshall


Top