Reader
Trang Đầu | Mục Lục | << CHƯƠNG 5

CHƯƠNG 6

KHOA HỌC VÀ KINH THÁNH

 

I.  ĐẶC ĐIỂM CỦA KHOA HỌC

     

      Tập khảo luận “De Revolutionibus Orbium Coe Lestium” của Copemic được phổ biến (1543) đã khởi đầu cho thời đại khoa học hiện đại và đồng thời nó cũng là một thách thức cho Giáo Hội thời đó. Với chủ trương quả đất tròn và quay quanh mặt trời, Copernic và Galilée đã bị giáo hội kết án.  Họ đã dám nhân danh khoa học để đi ngược lại những gì Giáo Hội chủ trương.  Dầu Gelilée đã trưng dẫn Kinh Thánh để hậu thuẫn cho Copernic cũng như chứng tỏ rằng những điều ông khám phá không làm suy giảm đức tin, nhưng những người bảo thủ vẫn không nhìn nhận sự sai lầm của họ - Giáo Hội thời đó đã tỏ thái độ coi thường khoa học để bảo vệ một truyền thống thiếu nền tảng.  Nhưng rồi sự thật vẫn là điều chính yếu, Giáo Hội đã từ bỏ những quan điểm sai lầm, vô căn cứ của mình trước những bằng cớ hiển nhiên mà khoa học khám phá.  Không ai bây giờ còn chủ trương cách ngây thơ rằng quả đất hình vuông và mặt trời quany quanh trái đất.

 

      Sau cuộc cách mạng của Copernic, thời đại ánh sáng (Enlightment) xuất hiện với những thành công liên tiếp trong lãnh vực khoa học.  Nhưng tại đây thái độ “duy khoa học” cũng đồng thời xuất hiện. Những phong trào duy lý, duy khoa học đã coi khoa học như là thần tượng có khả năng giải quyết mọi vấn đề của nhân loại.  Sự trưởng thành và đóng góp của khoa học khiến chúng ta không thể không thừa nhận giá trị của nó, nhưng đồng thời bắt buộc chúng ta phải có một tinh thần mới:  Tinh thần khoa học.  Với tinh thần khoa học, chúng ta phải tránh hai thái độ cực đoan:  thái độ coi thường khoa học - thể hiện rõ ràng trong thời đại Trung Cổ và thái độ tôn sùng khoa học được thể hiện trong thời đại ánh sáng.  Người ta không thể phủ nhận vai trò của khoa học trong việc cải thiện đời sống con người từ phương diện vật chất đến tinh thần, nhưng cũng không thể gán cho khoa học một khả năng vô hạn và coi khoa học có một phạm vi tổng quát bao gồm tất cả mọi thực tại.

 

1) Vai trò của Khoa Học.

 

      Khoa học bắt đầu bằng sự nghiên cứu sự chuyển động của sự vật - không có chuyển động sẽ không có khoa học - khoa thực vật học có vì có sự chuyển động hay thay đổi của các tế bào trong thân cây - khoa vật lý học có vì có sự chuyển vận của vật chất ...  Chuyển động bao gồm ý niệm không gian và thời gian - cho nên khoa học không thể tách rời hai ý niệm đó.  Nói cách khác, nếu một hiện tượng không được mô tả bằng không gian và thời gian thì không thể xếp vào phạm vi khoa học.

 

      Dầu các hiện tượng thuộc phạm vi vật lý học hay động vật học thì chúng cũng không phải được khảo sát hoặc như là nguyên nhân và hậu quả của chuyển động hoặc như là chúng chuyển động.  Vai trò của khoa học là GIẢI THÍCH những chuyển động, hay nói cách khác khoa học cho biết hiện tượng chuyển động NHƯ THẾ NÀO; khoa học tìm ra mối tương quan giữa các sự kiện để giải thích hiện tượng dựa trên phương pháp khoa học.  Mối tương quan đó được gồm tóm trong những định luật khoa học.  Khoa học không tạo ra những định luật mà là KHÁM PHÁ ĐỊNH LUẬT.  Và dầu khoa học có khám phá được hay không thì định luật vẫn có.  Định luật duy trì sự hài hòa của vũ trụ, khiến vũ trụ tồn tại.

 

      Khoa học theo nghĩa rộng có nghĩa là biết.  Tuy nhiên để biết một vật hay một thực tại nào thì không phải bắt buộc phải sử dụng cùng một phương pháp.  Ngay trong cùng một lãnh vực khoa học, mỗi bộ môn cũng có những phương pháp riêng thích ứng.  Phương pháp sử học - hiểu như một khoa học - không giống như phương pháp vật lý học bởi lẽ người ta không thể dựng lại một khung cảnh lịch sử trong quá khứ để kiểm chứng như người ta làm thí nghiệm trong khoa vật lý.  Và trong những khoa học kém chính xác như nhân văn lịch sử thì sự quan sát nghiêng về phẩm chất và sự tương quan giữa các sự kiện nhiều hơn.  Tuy nhiên, người ta cho rằng trong sự quan sát, khoa học thiên về lượng - tứcchú ý đến sự đo lường bao nhiêu thì càng trưởng thành bấy nhiêu.  Vì thế trong những khoa học như xã hội học, tâm lý học, người ta thường cố gắng đưa những tương quan giữa các sự kiện vào những hệ thức mang bằng những con số và những ký hiệu toán học.  Cả trong lãnh vực tư tưởng, ngày nay người ta cũng thay môn luận lý cổ điển bằng luận lý toán học được tượng trưng bằng những hệ thức mang toàn những ký hiệu toán học nhằm đưa đến sự chính xác trong luận lý.

 

      Cùng một sự kiện có thể có nhiều lối giải thích, nhưng với cái nhìn khoa học, lời giải thích sẽ trở nên có giá trị nếu vấn đề không nằm ngoài phạm vi của khoa học.  Khoa học không thể trả lời TẠI SAO vật chất lại chuyển động.  TẠI SAO có sự sống, TẠI SAO có định luật, ai là tác giả của sự sống, của vật chất, của chuyển động, của định luật v.v... Đây là phạm vi của triết học và của tôn giáo.

 

      Vai trò của khoa học là KHÁM PHÁ sự kiện và GIẢI THÍCH sự kiện với một trình độ chính xác cao nhất - bằng những phương pháp vật lý có thể sử dụng.

 

2. Phạm Vi Của Khoa Học

 

      Một lời tuyên bố cho rằng không một sự việc nào lại có thể nằm ngoài phạm vi của khoa học thật ra là một kết luận triết học chứ không phải khoa học.  Nếu một sự kiện nào không được mô tả bằng không gian và thời gian thì không thể nào được xếp vào phạm vi khoa học.  Cho nên có những thực tại mà khoa học không thể nào đặt chân đến.  Khoa học không thể nào nói gì về Thượng Đế, về tình yêu, về cái đẹp... Đây là những thực tại phi không gian, phi thời gian thuộc phần của triết học hay siêu hình học.  Vai trò của khoa học là quan sát, mô tả và giải thích các sự kiện trong thiên nhiên.  Khoa học có thể cho ta biết một hiện tượng xảy ra như thế nào chứ không cho ta biết tại sao nó xảy ra như thế.  Khoa học không thể cho ta biết vũ trụ này có chủ đích gì, ai đã làm nên vũ trụ, tại sao nó có.  Khoa học cũng không thể nào đưa ra những phán đoán về giá trị của những vật nó đo lường.  Khoa học tự nó không xác định được rằng nguyên tử năng sẽ được dùng để phá hủy các thành phố hay tiêu diệt bịnh ung thư.  Đấy chỉ là những phán đoán nằm ngoài phạm vi phương pháp khoa học.

 

      Vai trò của khoa học là giải thích sự kiện thực tế chứ không nhằm xác định thực tế đó có hay không.  Trả lời cho những tra hỏi đến tận cùng uyên nguyên của sự vật thuộc phạm vi của hình thể học, siêu hình học và mặc khải.  Những gì không thấy, nghe, ngửi được thì không thuộc phạm vi của khoa học thực nghiệm.  Dầu các nhà khoa học có sáng chế những dụng cụ tinh vi để đo lường vượt ra ngoài khả năng quan sát của các giác quan - nhưng những đối tượng được khảo sát vẫn là đối tượng của giác quan.  Khoa học không thể chứng minh hay đo lường được tình yêu, cái đẹp, đức tin cũng như không thể chứng minh sự hiện hữu của Thượng Đế, vì những thực tại này không phải là đối tượng của khoa học.

 

      Có lẽ có người đặt câu hỏi rằng nếu những điều không thể chứng nghiệm được bằng phương pháp khoa học thì điều đó có giá trị và có thật hay không.  Đặt câu hỏi như thế là đi quá phạm vi của khoa học.  Người ta không thể điều động tất cả những dụng cụ khoa học trong phòng thí nghiệm để kiểm chứng tình yêu của hai người yêu nhau là có giá trị hoặc có thật hay không.  Chúng ta cần phải biết rằng có nhiều phương tiện khác hơn là phương tiện dùng trong phòng thí nghiệm để đạt đến kiến thức thật đúng.  Nói cách khác, khoa học là một phương pháp để khám phá chân lý về những thực tại vật lý nhưng ngoài phạm vi vật lý lại còn có những thực tại phi vật chất (như đạo đức, tình yêu, chân, thiện, mỹ, Thượng Đế...) và nhiều phương pháp khác để đạt đến chân lý.

 

      Khoa học chỉ có giá trị và có thẩm quyền trả lời cho những tra hỏi trong phạm vi của nó.  Vì thế cần có một thứ ánh sáng hay thẩm quyền khác để trả lời cho những vấn đề ngoài phạm vi khoa học.  Nếu khoa học giải thích cho chúng ta biết hiện tượng xảy ra như thế nào, chứ không cho biết tại sao nó xảy ra như vậy, thì Kinh Thánh, mặc khải của Đức Chúa Trời, cho ta biết tại sao nhưng không chủ trương giải thích cho ta biết hiện tượng đó diễn ra như thế nào.  Nói cách khác, Kinh Thánh không nhằm giải thích sự kiện nhưng chỉ nhằm nói lên nguồn gốc, ý nghĩa, mục đích và xác định sự kiện như là điều hiển nhiên.  Điều này không có nghĩa là khi đề cập đến những vấn đề liên quan đến khoa học thì Kinh Thánh thiếu chính xác.  Kinh Thánh chỉ muốn nói lên chủ đích Kinh Thánh muốn nhắm vào.

 

3. Phương Pháp Khoa Học

 

      Nói một cách đơn giản, phương pháp khoa học diễn tiến qua ba giai đoạn:  quan sát, đặt giả thuyết, kiểm chứng.

 

            a)  Quan sát:  Nhà khoa học quan sát tất cả mọi sự kiện xảy ra và mô tả cách chính xác bằng những dụng cụ khoa học.  Sự mô tả thường được biểu diễn bằng những con số và càng thiên về lượng bao nhiêu thì sự mô tả càng chính xác.

 

      Những sự kiện không những chỉ được nhìn cách riêng rẽ nhưng còn trong tương quan với toàn thể.  Những tương quan giữa các sự kiện thường được biểu diễn bằng những ký hiệu toán học.  Sự quan sát cũng thường bị giới hạn bởi những điều kiện vật lý - chẳng hạn khi đi vào phạm vi cấu tạo cơ bản của vật chất nhà khoa học không thể thấy gì về điện tử, trung hòa tử, Proton...Ở đây, nhà khoa học chỉ thấy qua giả thuyết tưởng tượng được biểu diễn bằng ngôn ngữ tưởng tượng của toán học mà thôi.

           

b)  Đặt giả thuyết:  Sau khi đã quan sát và ghi nhận cách chính xác các dữ kiện, nhà khoa học tìm câu trả lời cho các vấn đề căn cứ trên những dữ kiện đó.  Câu trả lời nhằm tổng quát hóa các sự kiện, có khi là kết quả của sự phân tích toán học, có khi là kết quả của trực giác và trí tưởng tượng.  Câu trả lời này chưa phải là chân lý khoa học vì chưa được kiểm chứng, vẫn còn là giả thuyết.

 

            c)  Kiểm chứng:  Một giả thuyết hay lý thuyết chỉ là những tiên đoán về những dữ kiện đã quan sát được nên chưa hẳn là đúng.  Có khi có nhiều giả thuyết hay lý thuyết cho cùng một sự kiện.  Một giả thuyết hay lý thuyết chỉ trở thành chân lý khi đã được kiểm chứng bằng những thí nghiệm khoa học.  Các thí nghiệm có thể phù hợp một phần, phù hợp hoàn toàn hay không phù hợp với những điều tiên đoán trong giả thuyết.  Vì thế, giả thuyết cần được sửa đổi và các thí nghiệm cần lặp lại nhiều lần cho đến khi các dữ kiện ăn khớp hoàn toàn với những loạt thí nghiệm khác nhau.  Lúc đó định luật hay chân lý khoa học đã được khám phá.

 

      Như thế với phương pháp khoa học, một lý thuyết chỉ được coi là chân lý sau khi đã làm thí nghiệm kiểm chứng và thấy phù hợp khoa học về lịch sử không thể lập lại để kiểm chứng ở phòng thí nghiệm.  Sử học có phương pháp khảo cứu riêng - và được liệt vào loại khoa học “kém chính xác”.  Người ta không thể dựng lại một lịch sử loài người từ thời tạo thiên lập địa căn cứ trên những dữ kiện đã khám phá được của khảo cổ học và địa chất học.  Cho nên những gì người ta nghĩ về nguồn gốc con người chỉ là những giả thuyết.  Một lý thuyết khoa học chỉ là được coi là chân lý khi đã đi hết diễn trình của phương pháp khoa học, nghĩa là từ quan sát, đặt giả thuyết và kiểm chứng bằng thí nghiệm.

 

      4.  Giới Hạn Của Khoa Học.  Lý thuyết của khoa học được xem là có trình độ xác xuất cao nhất nhưng nó không có gì là tuyệt đối cả.  Một lý thuyết hôm nay xem ra hợp lý nhưng có thể bị bài bác ngày mai.  Việc “sửa sai” các lý thuyết khoa học nói lên giới hạn của chính khoa học.  Chúng ta không thể coi những lý thuyết khoa học là tuyệt đối vì lẽ có những định luật chi phối sự kiện mà khoa học chưa hoặc không bao giờ khám phá ra được.  Chỉ trong vòng vài chục năm nay, cơ học lượng tử đã thay thế khoa vật lý cổ diển và chính cơ học lượng tử cũng đã,  đang được sửa đổi nữa.

 

      Trong sự khám phá thế giới vật chất, khoa học không thể dừng lại.  Chúng ta không biết bao giờ sự hiểu biết trọn vẹn về nguyên tử, về không gian, về vũ trụ...được hoàn tất.  Nhưng mà chúng ta biết chắc một điều là khoa học có giới hạn trong phạm vi của nó.

 

      Giả thuyết khoa học cũng nói lên giới hạn của nó.  Có những điều khoa học không bao giờ dám quả quyết gì cả mặc đầu vấn đề nằm ngay trong phạm vi của nó.  Đến nay cũng không ai dám quả quyết là trái đất đã được hình thành như thế nào và tuổi chính xác của vũ trụ là bao nhiêu.  Cũng chưa ai có thể cho biết số lượng các thiên thể nằm trong ngân hà và có bao nhiêu thiên hà trong vũ trụ.  Có nhiều giả thuyết được đưa lên nhưng vì chưa thể, hoặc không thể kiểm chứng được bằng những phương pháp khoa học nên không thể có giá trị như một lý thuyết khoa học.

 

      Khoa học nhân văn, lịch sử được coi là khoa học không chính xác vì lẽ các sự kiện không thể quan sát, đo lường cách chính xác bằng những dụng cụ khoa học hoặc làm thí nghiệm để kiểm chứng.  Hơn nữa các sự kiện đó còn bị chi phối bởi những yếu tố ngoài phạm vi khảo sát khoa học.  Người ta cũng không thể nào thu nhập đầy đủ những dữ kiện cần thiết liên quan đến sự kiện để đưa ra một phán quyết đáng tin.

 

      Sự trưởng thành nhanh chóng của khoa học dù rất đáng cho chúng ta ca ngợi nhưng khoa học cũng không giải quyết tất cả các nan đề trong đời sống con người.  Y học dù đã tìm ra những phương thuốc chữa trị những chứng bệnh nan y nhưng vẫn không thể kéo dài đời người vượt khỏi giới hạn của nó.  Tiến bộ kỹ thuật đã cung cấp cho con người một đời sống vật chất thoải mái nhưng không tiêu diệt được những ray rứt sâu xa của tâm hồn.  Cho nên những vấn đề nhân sinh không phải chỉ tìm cách giải quyết trong khoa học nhưng còn trong Lời Đức Chúa Trời.  Khoa học giúp giải quyết những vấn đề vật chất nhưng Lời Đức Chúa Trời giải quyết những vấn đề tâm linh.

 

 

II.  ĐẶC ĐIỂM CỦA KINH THÁNH

 

1.  Đặc Tính Ngôn Ngữ Kinh Thánh. 

 

      Trong lãnh vực khoa học và Kinh Thánh, sự suy tư đích thực hợp thời sẽ không thể nào có được trước khi bản chất của ngôn ngữ Kinh Thánh đã được thâm cứu.  Có rất ít sách bàn về Kinh Thánh với khoa học đã đề cập đến điểmnày.  Trong các sách đã đá động đến đề tài ấy thì đề cập hết sức sơ sài.  Được hướng dẫn bằng nhiều phương tiện, bằng luận lý học và bằng phương pháp phân tích, qua nhiều thế kỷ, khoa học đã thiết lập được ngôn ngữ đặc biết của nó.  Ngôn ngữ Kinh Thánh là ngôn ngữ cổ của Palestin và Hy Lạp.  Muốn kết hợp hai ngôn ngữ đó, người ta bị bắt buộc phải thông suốt cả hai.  Khi nhà khoa học dùng những danh từ “nguyên tử,” “định luật,” “định lý” hay “không gian cong,” thì chúng ta phải biết môn triết lý khoa học mới có thể hiểu đúng những danh từ ấy có nghĩa gì.  Danh từ nguyên tử vốn có một ịch sử lâu đời, và ý niệm về một nguyên tử đã biến đổi rất nhiều từ Newton đến De Broglie.  Triết gia về khoa học cần phải biết tác giả dùng ý niệm nào về ngôn từ.  Hơn nữa, triết gia về khoa học biết rằng người ta chẳng bao giờ thấy được một nguyên tử, bởi vì độ lớn của một nguyên tử nhỏ hơn vật nhỏ nhất mà mắt người ta có thể trông thấy được đến mấy ngàn lần.  Lối hiểu chữ nguyên tử thông thường, thường khác xa với lối hiểu về phương diện kỹ thuật.

 

      a)  Ngôn Ngữ Kinh Thánh có tính cách bình dân, không có tính cách khoa học.  Bình dân đây được dùng với nghĩa là thuộc về dân chúng.  Ngôn ngữ bình dân là thứ ngôn ngữ dân chúng dùng trong giờ trò chuyện, trong buổi nhóm họp hay ở ngoài chợ búa.  Đó là lối văn căn bản cho sự giao thiệp hàng ngày của dân chúng.

 

      Ngôn ngữ khoa học là thứ ngôn ngữ đặc biệt giúp cho các nhà chuyên môn của mỗi khoa học trao đổi với nhau cách nhanh chóng, đúng nghĩa và tiện lợi.  Nhờ đó các nhà khoa học dùng các danh từ riêng của họ mà không cần dài dòng giải thích hay định nghĩa, vì các đồng nghiệp của họ hiểu ngay họ muốn nói cái gì.

 

      Cả hai thứ ngôn ngữ đó đều có ích cho mục đích riêng của mỗi bên.  Các nhà khoa học viết bài nghị luận của họ cho một tạp chí chuyên môn trong thứ ngôn ngữ chuyên môn của họ.  Họ truyền đạt tư tưởng của họ một cách dễ dàng qua thứ ngôn ngữ chuyên môn này.  Nhưng khi họ trò chuyện với người láng giềng của họ trong một buổi họp mặt nào đó, thì các nhà khoa học lại phải khôn ngoan sử dụng ngôn ngữ bình dân.

 

      Kinh Thánh là sách dành cho mọi tầng lớp, mọi dân tộc trong mọi thời đại, nên từ ngữ Kinh Thánh phải bình dân, phải dễ hiểu cho mọi tầng lớp trong xã hội.  Có lẽ trong ngôn ngữ y khoa và hàng hải của Luca có một số danh từ chuyên môn, nhưng hầu hết ngữ vựng của Kinh Thánh về vạn vật trong thiên nhiên đều bình dân.  Bởi thế, nhà khoa học đi tìm từ liệu chuyên môn trong Kinh Thánh thì thật là mất công.  Có nhà giải kinh cố gắng tìm tòi những dấu chỉ kín đáo trong Kinh Thánh liên quan đến khoa học ngày nay, cũng hoàn toàn luống công.  Bắt một tác phẩm bình dân nói tiếng nói của khoa học thì không tốt.  Bắt Kinh Thánh nói những điều Kinh Thánh không chủ trương nói cũng không tốt.

 

b) Ngôn Ngữ Kinh Thánh Là Ngôn Ngữ Biểu Tượng. 

      Biểu tượng ở đây chỉ về những gì xuất hiện ra bên ngoài.  Kinh Thánh là một thứ ngôn ngữ không những bình dân mà còn giới hạn vào những gì hiển hiện cho ngũ quan cảm giác được.  Tỉ dụ Kinh Thánh nói đến “bốn góc của trái đất” (Êsai 11:12), vì việc chia một vật gì đó ra làm bốn phần là cách loài người thường làm và là một phương pháp thích hợp để chỉ một nơi chốn, một địa điểm cho đến ngày nay.  Không phải là chúng ta không thường nghe các thành ngữ như “từ bốn phương trời” hay “từ mọi góc biển chân trời.”  Những thành ngữ như vậy không phải là cách nói của khoa học hay có tính phản khoa học, nhưng là những thành ngữ bình dân nhằm mô tả hiện tượng trong câu chuyện thường ngày.  Kinh Thánh cũng nói đến mặt trời mọc, mặt trời lặn.  Đối với mắt của mọi người thì mặt trời có mọc lên và lặn xuống, và nó có hiện tượng đi ngang qua bầu trời.  Thực ra chúng ta không cảm thấy, không xem thấy trái đất xoay quanh mặt trời.  Những kiểu nói đó không khoa học, nhưng cũng không phản khoa học, đó là kiểu nói bình dân, hiện tượng, trong các câu chuyện thường ngày.  Thử coi ngôn ngữ của Sáng Thế Ký đoạn một.  Đối với các danh từ sinh vật học và thảo mộc học, sách nói đến loài cá, loài chim, loài thú,loài cây, loài cỏ.  Sáng Thế Ký không phân biệt loại giống lưỡng thể động vật hay động vật có vú sống dưới nước.  Về phương diện thiên văn học, Kinh Thánh cũng dùng thứ ngôn ngữ biểu tượng.  Kinh Thánh có nói tới trái đất, mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao.  Sách không nói đến sao chổi, các loại hành tinh hay các thứ tinh vân cầu.  Kinh Thánh chỉ mô tả và giới hạn vào những gì mắt xem thấy được khi ta ngước mắt lên trời.  Cách đó cũng áp dụng cho các từ về sinh vật học.  Chúng ta sẽ đề cập đến những mặc khải đặc biệt qua những từ ngữ bình dân của Sáng Thế Ký 1 ở chương sau.

 

      c) Ngôn Ngữ Kinh Thánh là Ngôn Ngữ Không Định Lý Đối Với Các Vật Tự Nhiên.  Điều này có nghĩa là Kinh Thánh không lập thuyết cho bản tính các sự vật.  Có người giải thích thơ Hê-bơ-rơ 11:3 là thuyết vật chất được tạo dựng từ năng lượng, nhưng nên nhớ rằng đó là một lối giải thích, Kinh Thánh không có thuyết nào về vật chất cả.  Cũng có người đề nghị rằng chữ “vận hành” trong Sáng Thế Ký 1:2 ngầm chỉ về thuyết làn sáng của ánh sáng, nhưng giải Kinh như vậy là quá trớn.  Ai đem sự ấp ủ của Thần của Đức Chúa Trời trên mặt nước vào trong thuyết làn sóng vật chất của De Broglie là lý luận kỳ cục:  Kinh Thánh giữ im lặng đối với sắp xếp bên trong của mọi vật hữu hình.

     

      Cũng không có thuyết thiên văn nào trong Kinh Thánh.  Sáng Thế Ký đoạn 1 không bênh vực Aristote hay Ptolemy hay Copernicus hay Newton hay Einstein hay Milhe - tuy nhiên có vài lối giải thích của thiên văn học hiện đại phù hợp với lời giải thích của một số người giải nghĩa Sáng Thế Ký đoạn 1 mà chúng tôi sẽ trình bày ở chương sau.

      Trong Kinh Thánh không có một định thuyết nào về thiên văn học, địa chất học, vật lý, hóa học, động vật học và thảo mộc học.  Kinh Thánh chỉ đề cập tới các vấn đề đó theo ngôn ngữ bình dân và biểu tượng, không bị bó buộc vào một định lý khoa học nào, tuy ngày nay có vài giả thuyết khoa học phù hợp với điều Kinh Thánh nói đến bằng ngôn ngữ thông thường.

 

d) Kinh Thánh Dùng Văn Hóa Thời Đại Làm Phương Châm Mặc Khải. 

      Ông John Pye Smith nhận định như sau:  “Không thể nào nghi ngờ tính cách chung của cả bộ Kinh Thánh, nhất là trong những phần được viết trước tiên, là lời nói về Chúa, về bản thể Ngài, các sự trọn lành Ngài, các ý định Ngài, và các công việc Ngài bằng thứ ngôn ngữ mượn bởi thể xác và tinh thần con người và mượn bởi những ý kiến liên quan đến hành động của Thiên Chúa trong thế giới thiên nhiên, tức là ngôn ngữ của lớp người được Chúa ban cho mặc khải.”  (John Pye Smith, Genesis and Geology, p 225).  Chúng ta cần đi vào chi tiết như sau:

 

            e)  Ngôn ngữ về “thời gian” ở trong Cựu Ước và Tân Ước không phải là thứ thời gian khoa học, nhưng là thứ thời gian theo tính cách xã hội thời các tác giả Kinh Thánh.  Ánh sáng và bóng tối định giới hạn cho ngày; những chu kỳ của mặt trăng định giới hạn cho tháng; những chu kỳ của thời tiết với những chuyển vận của tinh tú định giới hạn cho năm.  Mỗi ngày cũng chia thành từng canh hay giờ.  Cách phân chia như vậy là đầy đủ cho nếp sống thường nhật của dân chúng.  Còn cách chia thời gian theo kiểu văn minh khoa học bây giờ thì họ không biết.  Do đó chúng ta không thể áp dụng phương pháp khoa học ngày nay vào những cách tính toán bình dân về thời gian mà các tác giả Kinh Thánh đã dùng.

 

      Nói như vậy không có nghĩa là cách tính thời gian dùng trong Kinh Thánh hoàn toàn  sai.  Cách tính đó là cách tính thông thường tương đối đúng cho dân chúng thời xưa, và có cho thời nay.  Những phương pháp đó không thể so sánh với những phương pháp khoa học tối tân, nhất là với thứ đồng hồ nguyên tử trong thời gian được tính bởi những rung động của các điện tử.

 

            f)  Những danh từ tâm lý trong Kinh Thánh là những từ ngữ trong văn hóa thời cổ, không phải là những từ ngữ dùng trong khoa tâm lý học ngày nay.  Kinh Thánh dùng những từ ngữ như:  tim, gan, xương, ruột, thận... và qui tác động tâm lý cho các cơ quan nầy.  Đây là thứ từ ngữ hiện thực hóa mà ngày nay chúng ta cũng dùng như đau thấu xương, buồn thúi ruột, héo trái tim...  Những từ ngữ đó nhằm mô tả một thứ tâm sinh lý.  Trái tim có thể tin không (Rô-ma 10:9-10)?  Gan chúng ta có thể buồn sầu không (Ca Thương 2:11)?  Phải chăng Phao Lô có tình yêu thiêng liêng ở trong ruột ông (Phi-líp 1:8)?  Phải chăng thận là một phần trong cơ cấu tâm lý chúng ta (Giê-rê-mi 11:20; Khải Thị 2:23)?  Chúng ta có phải học Tân Ước cho biết rằng mỗi người chúng ta có một hồn, một linh, một trí, một tâm, một lực, một thể (Sôma và Sarks) không?  Lẽ dĩ nhiên câu trả lời của chúng ta quá rõ ràng, nhưng đây là cách diễn tả mà chúng ta vẫn thường diễn tả.

 

      Nếu chúng ta nhấn mạnh rằng vấn đề tâm lý trong Kinh Thánh cần phải hiểu theo nghĩa chữ, nghĩa đen, thì chúng ta đi đến kết luận rằng khoa tâm lý trong Kinh Thánh không thể nào chấp nhận được.  Nhưng nếu chúng ta đồng ý rằng lẽ thật của Kinh Thánh được biểu diễn bằng những từ ngữ của nền văn hóa đồng thời với lúc viết Kinh Thánh, từ ngữ thông thường, bình dân thì chúng ta không còn thắc mắc.  Bổn phận chúng ta là tìm trong Kinh Thánh khoa tâm lý thần học căn bản ẩn chứa trong đó.  Tim và thận chỉ là những con đường sinh lý diễn tả đời sống tình cảm, đam mê của chúng ta, với những kinh nghiệm, cảm hứng của chúng ta.

 

            g)  Những phương pháp tính toán, những hệ thống đo lường trong Kinh Thánh thuộc về thời tiền khoa học, không phải là những phép tính và đo của thời nay.  Con số thường được dùng theo nghĩa chúng ta nói ngày nay như “nhiều, “vài”, “một ít.”  3 đứng thế cho một ít; 7, 10 và 100 đứng thế cho sự trọn vẹn. 10 cũng có nghĩa là vài.  40 có nghĩa là nhiều.  7 và 70 có nghĩa là lớn, đông nhưng không nhất định con số tính cho chẵn, con số tròn, được dùng như con số đúng.  Các tự điển Kinh Thánh thường kê ra những bảng đối chiếu chi tiết về các hệ thống đo lường trong Kinh Thánh nhưng chúng ta cần nhớ rằng khi Kinh Thánh thay đổi từ văn hóa Sê-mi-tích (Semitic) của Cựu Ước sang văn hóa La Hy (Greek Roman) của Tân Ước thì các hệ thống cân đo cũng thay đổi.  Hệ thống nào là hệ thống được linh cảm và vô ngộ?  Hệ thống trong Cựu Ước hay hệ thống trong Tân Ước?  Nếu chúng ta tin rằng chân lý bất diệt của Thiên Chúa đến với chúng ta qua những phương châm của văn hóa làm trung gian thì câu hỏi trên trở nên vô nghĩa.  Thiên Chúa không hà hơi và bảo đảm cho những hệ thống đo lường thời Kinh Thánh được viết, chúng được dùng trong Kinh Thánh chỉ vì chúng là những đơn vị đo lường được dân chúng thời viết Kinh Thánh quen dùng.

 

            h)  Các danh từ địa lý trong Kinh Thánh là những danh từ phổ thông của nền văn hóa thời đó.  Kinh Thánh nói đến núi non, thung lũng, bình nguyên, sông ngòi, suối lạch, hồ ao, biển cả và bờ biển...  Kinh Thánh có một thứ địa lý thần học về trời, về đất, về địa ngục...  Nhưng không nên coi thứ địa lý nầy như địa lý thông thường.  Cựu Ước bằng tiếng Hy-bá-lai và Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp đã dùng những danh từ phổ thông của nền văn hóa thời đó để mô tả các đề tài địa lý.

 

      2. Những Lợi Điểm Của Ngôn Ngữ  Kinh Thánh:

 

            a)  Vì là thứ ngôn ngữ bình dân, không định lý khoa học, nên ngôn ngữ này lập thành một mặc khải rất ý nghĩa.  Ngay cả ngày nay có mấy ai hiểu nổi một cuốn sách dùng toàn những từ khoa học tân tiến?  Người nào chê Kinh Thánh không dùng ngôn ngữ khoa học thì người ấy không hiểu mình nói cái gì.  Nếu Kinh Thánh dùng các từ ngữ của khoa học mới nhất thì những người trong các thời đại trước không hiểu nổi, và biết bao nhiêu người không có những kiến thức khoa học hiện nay cũng không hiểunữa.  Kinh Thánh đã dùng thứ ngôn ngữ thích hợp cho hết thảy mọi người, trong mọi thời đại.  Ông Shields nói:  “Kinh Thánh tuy không mô tả khoa học, nhưng không phản khoa học, cho nên Kinh Thánh đúng cho mọi người thời nay, cũng như đã đúng cho người thời xưa và sẽ còn đúng cho các thế hệ trong tương lai nữa.”

 

            b)  Vì Kinh Thánh dùng những từ ngữ tiền khoa học nên Kinh Thánh là của mọi thời đại và thích ứng cho mọi giai đoạn tiến bộ của loài người.  Không còn cách nào hiệu nghiệm hơn để Kinh Thánh được truyền bá nhanh chóng qua các thế kỷ của lịch sử Hội Thánh.  Nếu trong Kinh Thánh có chêm vào những tiếng chuyên môn của khoa học thì bất tiện cho việc giảng đạo, vì như thế Kinh Thánh sẽ trở nên lạnh lẽo, khô khan, vô vị và rất khó hiểu cho dân chúng.

 

      Tóm tắt lại, Kinh Thánh đề cập đến các vật tự nhiên bằng lối văn, thứ ngôn ngữ bình dân, tiền khoa học.  Đó là lối văn đương thịnh hành của thời đại Kinh Thánh được viết ra.  Đức Thánh Linh nói qua thứ từ liệu đó với hai mục đích:  thứ nhất là để người ta khỏi lấy từ liệu Kinh Thánh làm một thứ khoa học vô ngộ; thứ hai là để các nội dung thần học trong Kinh Thánh không bị tổn hại.

 

3.  Những Khó Hiểu Trong Kinh Thánh.

 

      a)  Nhiều người ngạc nhiên và chán nản vì thấy trong Kinh Thánh có nhiều chỗ khó hiểu.  Hội Thánh đầu tiên cũng có những khó khăn tương tự như chúng ta, vì thế sứ đồ Phierơ viết:  “Cũng như Phao Lô, anh rất yêu dấu của chúng ta, đã đem sự khôn ngoan đã được ban cho mình mà viết thơ cho anh em vậy.  Ấy là điều người đã viết trong mọi bức thơ, nói về những sự đó, ở trong cómấy khúc khó hiểu, mà những kẻ dốt nát và tin không quyết đem giải sai ý nghĩa cũng như họ giải sai các phần Kinh Thánh khác, chuốc lấy sự hư nát riêng về mình.”  II Phierơ 3:15, 16.  Người khôn ngoan thật không bao giờ chối cãi rằng Kinh Thánh không có những điều khó hiểu.  Họ thành thực nhìn nhận và cố gắng tìm hiểu những khó khăn trong Kinh Thánh.

 

            Nhưng nếu nói rằng trong Kinh Thánh chẳng có gì là khó hiểu cả, thì lại càng phi lý; vì Kinh Thánh là gì?  Kinh Thánh là kho tàng các chân lý khải thị về trí khôn, ý muốn, đặc tính và bản thể của Đấng tối cao, tuyệt đối khôn ngoan và vô cùng thánh khiết tức là Thiên Chúa.  Chính Thiên Chúa lại là tác giả của Kinh Thánh, nguồn mặc khải thiên thượng.  Nhưng Kinh Thánh này, nguồn mặc khải này ban cho ai?  Thưa, ban cho loài thọ tạo, có giới hạn về mọi phương diện, trí không đầy khuyết điểm trong sự hiểu biết, đầy khuyết điểm trên đường thánh thiện.  Người khôn ngoan nhất, thánh thiện nhất, so với Thiên Chúa thì chỉ là đứa bé chưa học vỡ lòng.  Như vậy trí khôn loài người hạn hẹp làm sao khỏi thấy những sự khó hiểu trong cuốn sách do Đấng thông thái vô cùng chép ra.  Khi vật hữu hạn tìm hiểu những sự vô hạn thì tất phải gặp khó khăn không nhiều thì ít.  Khi người thất học nghe bài diễn văn của nhà thông thái sẽ thấy có nhiều điều rắc rối, có khi còn cho là vô lý nữa.

 

      Một người có lương tâm chai đá trước tội lỗi vì đã sống quen với tội ác, khi người đó nghe nói đến những hình phạt của Thiên Chúa giáng trên tội nhân thì bỡ ngỡ và bối rối, không hiểu được lý do nên vội cho Thiên Chúa là ác nghiệt, thiếu nhân từ.  Còn kẻ hiểu được tội ác là điều gớm ghê chừng nào và đòi hình phạt nặng trước mặt Thiên Chúa là Đấng cực thánh thì kẻ đó sẽ lấy lý đoán của Chúa mà làm phải lẽ.

 

      Như thế lạ gì trong nguồn mặc khải của Thiên Chúa có những điều khó hiểu.  Giả sử có ai trao cho bạn bản cửu chương và nói:  “Đây là Lời Đức Chúa Trời, trong đó Ngài bày tỏ hết sự khôn ngoan của Ngài.”  Hẳn bạn sẽ lắc đầu và bảo:  “tôi không tin, vì bản cửu chương đâu phải là nguồn mặc khải trọn vẹn về sự khôn ngoan vô cùng của Chúa.”  Vì bản cửu chương dễ hiểu quá cho bạn.  Còn sự khải thị đầy đủ về trí khôn, ý muốn, đặc tính và bản thể của Thiên Chúa hẳn là những sự khó hiểu cho những kẻ mới tập sự hiểu biết.  Những người thông minh nhất trong loài người cũng chỉ mới tập sự trước kho tàng mặc khải của Thiên Chúa.

 

      b)  Những gì khó hiểu trong Kinh Thánh không có nghĩa là những điều đó sai lầm.  Có nhiều người quen nghĩ rằng nếu họ không nhận ra lẽ tại sao Kinh Thánh lại có nguồn gốc từ Thiên Chúa và tuyệt đối vô ngộ, lập tức họ đi tới kết luận rằng giáo lý đó là sai lầm.  Nghĩ vậy không triết lý chút nào.  Nếu bình tâm suy nghĩ một chút, họ sẽ thấy rằng không mấy thuyết khoa học được hoan nghinh ngày nay mà trước kia không bị chỉ trích, bác bỏ.

 

            Thuyết thiên văn của ông Copernicus, bây giờ được toàn thể thế giới công nhận, nhưng ban đầu bị bài bác không ít.  Người ta bảo nếu thuyết này đúng thì kim tinh cũng phải có những chu kỳ biến đổi như mặt trăng.  Nhưng thời đó không thể có viễn vọng kính nào đủ sức khám phá ra những chu kỳ của kim tinh.  Và rồi thuyết đó đưa ra những lý lẽ mạnh đã thuyết phục được nhiều người, mặc dầu vấn nạn trên kia vẫn còn nan giải.  Về sau khi đã có những ống kính mạnh hơn, người ta mới thấy rõ những chu kỳ của kim tinh. Đối với những điều khó hiểu trong Kinh Thánh cũng vậy, chỉ tại người ta chưa nắm vững được ít nhiều sự kiện còn tàng ẩn trong vấn đề.

 

            Vậy khi nghiên cứu Kinh Thánh, ta cũng áp dụng cái ý đương nhiên mà người ta thường áp dụng trong các lãnh vực khoa học, tức là khi một lý thuyết có đủ chứng cớ hiển nhiên thì ta phải chấp nhận mặc dầu còn có những khó khăn nan giải trong chi tiết nhỏ.  Kẻ nông cạn thường chối bỏ một chân lý chỉ vì gặp thấy ít nhiều điều họ không thể giải thích nổi theo chân lý đó.  Chúng ta cũng nông cạn khi không tin nguồn gốc siêu nhiên và đặc tính vô ngộ của Kinh Thánh chỉ vì chúng ta gặp thấy những khó khăn mà chúng ta cho là nan giải trong Kinh Thánh.

     

            c)  Ta sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nếu chúng ta bảo Kinh Thánh do loài người và vì thế thiếu đặc tính vô ngộ (không sai lầm). 

Khi bạn gặp ai nói:  Nếu anh bảo Kinh Thánh là lời của Đức Chúa Trời thì anh giải thích làm sao các nan đề trong Kinh Thánh?  bạn hỏi lại ngay họ rằng:  Nếu anh bảo loài người viết ra Kinh Thánh thì anh giải thích làm sao sự ứng nghiệm trọn vẹn tất cả các lời tiên tri về Đấng Cứu Thế?  Anh giải thích làm sao sự hợp nhất diệu kỳ của toàn bộ Kinh Thánh?  Giải thích làm sao về sức mạnh lạ lùng, siêu nhiên của Kinh Thánh trong việc nhắc lòng người ta hướng về Thiên Chúa?...Đối với những vấn nạn nhỏ nhặt của họ về Kinh Thánh, bạn có thể nêu ra trước mặt họ nhiều vấn nạn sâu xa ý nghĩa phản lại việc họ chối bỏ Kinh Thánh.  Ai thành thật muốn hiểu biết chân lý và noi theo chân lý sẽ không ngần ngại khi quay về Kinh Thánh.

 

      Ngày kia có một chàng sinh viên rất giàu tư tưởng của những thuyết chuyên bác bỏ Kinh Thánh đến nói với ông Torrey rằng anh ta đã suy xét nhiều và nhận thấy không thể nào nhìn nhận Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời được.

      Ông Torrey hỏi:  Tại sao?

      Anh ta trưng một câu Kinh Thánh mà anh ta không muốn tin là sự thật.

      Ông Torrey trả lời:  Giả sử tôi không trả lời được vấn nạn của anh, thì điều đó không có nghĩa là Kinh Thánh không do Thiên Chúa.  Nếu anh cho Kinh Thánh là bởi loài người thì tôi có thể trưng ra cho anh thấy nhiều khó khăn hơn nếu anh không nhận Kinh Thánh là bởi Chúa.  Anh không thể chối cãi thực tế là các lời tiên tri đã ứng nghiệm.  Anh giải nghĩa thế nào việc đó nếu Kinh Thánh không phải là Lời Chúa?  Anh không thể bịt mặt trước sự hợp nhất lạ lùng của 66 cuốn sách trong bộ Kinh Thánh.  Các sách đó đã được viết ra dưới những trường hợp khác nhau, vào những thờikỳ cách xa nhau, bởi hơn 40 người trần gian viết.  Anh giải nghĩa việc đó thể nào nếu không nhận Thiên Chúa là tác giả chính của tất cả 66 sách đó?  Anh không thể chối cãi là Kinh Thánh có một thần lực để cứu người ta khỏi tội, để mang lại cho loài người sự bình an, hy vọng và vui thỏa, để nâng cao tâm hồn người ta lên tới Chúa; thần lực đó hết mọi sách khác hợp lại cũng không thể tạo nên.  Anh giải nghĩa thế nào việc siêu phàm đó nếu anh không nhìn nhận Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời theo nghĩa không sách nào khác là Lời Đức Chúa Trời.”  Chàng sinh viên đó không thể trả lời.  Kẻ không tin Kinh Thánh bởi Thiên Chúa sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn hơn kẻ tin Kinh Thánh là bởi Thiên Chúa.

 

            d)  Khi bạn không thể giải quyết nổi một khó khăn thì không có nghĩa là khó khăn đó không thể giải quyết, và khi bạn không thể trả lời một câu hỏi thì không có nghĩa là câu hỏi đó không thể trả lời.  Về Kinh Thánh cũng phải nói như vậy mới đúng.

 

            Lẽ thật hiển nhiên đó, biết bao lần chúng ta bỏ qua.  Có nhiều người gặp điều khó hiểu trong Kinh Thánh, họ ngồi suy nghĩ một lát thấy không thể giải thích được, lập tức họ kết luận không có ai giải đáp được và vì thế họ lìa bỏ niềm tin vào đặc tính vô ngộ và nguồn gốc siêu nhiên của Kinh Thánh.  Người khiêm nhường, khôn ngoan sẽ nói:  dù tôi thấy không có lời giải đáp nào thỏa đáng cho vấn đề này, nhưng người nào thông thái hơn tôi sẽ có thể dễ dàng tìm ra lời giải đáp.

            Chúng ta sẽ tránh được thái độ vô lý nếu chúng ta hiểu rằng chúng ta không thông biết hết mọi sự, và có nhiều sự chúng ta không thể giải thích bây giờ, nhưng nếu chúng ta có nhiều hiểu biết hơn chút nữa, chúng ta sẽ giải thích được dễ dàng.  Nhất là chúng ta đừng quên điều này là một trí khôn vô hạn sẽ có giải đáp rất dễ dàng cho những gì mà các trí khôn hữu hạn hoàn toàn bất lực.  Chúng ta nghĩ thế nào về một cậu học trò mới bước chân vào lớp đại số học.  Cậâu ta loay hoay trong vòng nửa giờ không tìm ra đáp số cho một bài toán khó nên cậu ta tuyên bố không ai có thể giải được bài toán đó hoạc vì cậu ta không tìm ra đáp số?  Cậu tuyên bố đề bài toán này sai?

 

            Có một người giàu tài trí và kinh nghiệm đã từ xa bỏ công việc để đến gặp ông Torrey, lòng đầy bối rối vì ông ta vừa khám phá ra một điều mà ông cho là mâu thuẫn ở trong Kinh Thánh.  Ông đã thức suốt đêm nằm suy nghĩ về điều đó mà không tìm được lời giải đáp thỏa đáng cho trí khôn của ông ta.  Nhưng sau khi ông đã tỏ hết những băn khoăn của ông ta cho ông Torrey, thì ông Torrey giúp ông ta tìm thấy ngay chỗ mở nút cho nan đề, và ông ta ra về với lòng khoan khoái.  Đáng lẽ ông ta đã tránh được biết bao ưu phiền nếu từ đầu ông ta hiểu được rằng vấn đề ông ta cho là khó khăn, nan giải thì người khác có thể giải thích được dễ dàng.  Ông ta cứ tưởng rằng nan đề của ông ta gặp đó là hoàn toàn mới, nhưng thực ra biết bao nhiều người đã gặp và đã giải đáp xong từ trước khi ông ta được sinh ra.

 

            e)  Những cái mà người ta cho là khuyết điểm gặp trong Kinh Thánh chỉ là quá nhỏ bé nếu so với những điều thật là cao trọng và kỳ diệu của Kinh Thánh.  Một điều chứng tỏ lòng dạ lệch lạc của nhiều người là phung phí rất nhiều thì giờ vào việc nghiên cứu những khuyết điểm nhỏ nhặt trong Kinh Thánh mà không chú ý gì đến những vẻ xinh đẹp, những nét lạ lùng hằng chiếu sáng rực rỡ trong mỗi trang sách Kinh Thánh.  Mấy ai biết để tâm, để trí vào những sự tốt đẹp cao quí vô song làm Kinh Thánh nổi vượt lên trên hết mọi thứ sách khác của trần gian.  Chúng ta nghĩ thế nào về một người khi chiêm ngưỡng một bức họa tuyệt tác chỉ chăm chú nhìn vào mấy cái vết chân ruồi ở góc bức tranh?  Nhiều Cơ Đốc Nhân cũng có thái độ như vậy khi truy cứu Kinh Thánh, họ chỉ chăm chú tìm tòi, moi móc ra những vết chân ruồi hơn là thưởng thức những nét siêu phàm hiển hiện trước mắt.  Một điều tệ hại là cái “mốt” thời trang này lại hay ca tụng những kẻ chuyên tìm vết chân ruồi trong Kinh Thánh là bậc trí thức và hợp thời.

 

            f)  Những sự khó hiểu trong Kinh Thánh thường to lớn cho những đầu óc nông cạn, nhưng là bé nhỏ cho những khối óc sâu sắc.  Đối với những hạng người tìm đọc Kinh Thánh để phô trương tư tưởng riêng của mình trước mặt thiên hạ hoặc để mua vui trong chốc lát thì những chỗ khó hiểu trong Kinh Thánh càng tối tăm mù mịt.  Còn đối với những kẻ chuyên lo học Kinh Thánh để chiêm ngưỡng Lời Đức Chúa Trời và lấy làm luật sống cho đời mình thì các câu Kinh Thánh trở nên minh bạch.  George Muller đã chuyên chăm nghiên cứu Kinh Thánh từ đầu tới cuối hơn một trăm lần, thì không một chỗ khó hiểu nào trong Kinh Thánh làm ông phải bối rối cả.  Những ai mới chỉ đọc suốt bộ Kinh Thánh một hai lần thì thường gặp nhiều điều khó khăn làm cho nản chí.

 

            g)  Những khó khăn ta gặp trong Kinh Thánh sẽ tan đi mau chóng nếu ta chuyên chú học hỏi với tinh thần cầu nguyện.      Có nhiều điều trong Kinh Thánh đã từng làm chúng ta rối trí nhưng dần dà đã sáng tỏ ra và hiện giờ không còn gì là khó cho chúng ta nữa.  Sau mỗi năm học tập Kinh Thánh, những khó khăn trong đó lại giảm dần xuống, mỗi năm mỗi giảm xuống mãi cho tới một ngày chúng ta thấy Kinh Thánh hoàn toàn sáng tỏ trước mắt chúng ta từ Sáng Thế Ký đến Khải Huyền.

 

      4. Lý Do Kinh Thánh Khó Hiểu

 

      a)  Nhiều chỗ khó hiểu trong Kinh Thánh đến từ những bản sao viết tay thời xưa.  Các bản dịch của kinh Thánh không có đặc tính vô ngộ.  Chỉ có bản Kinh Thánh nguyên thủy, tức bản tiên khởi, mới có đặc tính vô ngộ.  Còn các bản dịch khác, như bản tiếng Việt chẳng hạn, chỉ diễn đạt đúng những ý chính của nguyên bản mà thôi.  Bản Kinh Thánh nguyên thủy hiện nay không còn.  bản đó được sao đi chép lại nhiều lần với sự chú ý cẩn thận hết sức, nhưng dầu sao cũng không tránh khỏi một vài lỗi lầm trong khi sao chép bằng tay.  Ngày nay người ta còn giữ được nhiều bản chép tay rất tốt và khi so sánh các bản đó với nhau, chúng ta có thể nói đúng nguyên bản thế nào.  Có thể nói, ngày nay người ta đã lập lại được bản chính. Người ta không còn phải nghi ngờ chút nào về các giáo lý quan trọng có chứa trong nguyên bản.  Cũng có khi người ta dịch từ những bản chép tay xưa không được hoàn hảo cho lắm nên những bản dịch bởi đó cũng mang nhiều khuyết điểm.  Những khó hiểu  vì thế mà sinh ra.

 

      Tỉ dụ trong Giăng 5:4, ta đọc “...vì một thiên sứ thỉnh thoảng giáng xuống trong ao, làm cho nước động; lúc nước đã động rồi, ai xuống ao trước hết, bất kỳ mắc bệnh gì, cũng được lành.”  Câu đó thật đáng nghi ngờ và khó tin, nhưng sau khi nghiên cứu kỹ, người ta nhận thấy đó là một lỗi lầm của thư ký chép tay thời xưa.  Người thư ký nào đó, khi coi nguyên bản của Găng, đã tự ý thêm vào bên cạnh lời giải thích của y về đặc tính chữa bệnh của giếng nước.  Rồi sau đó, một người thư ký khác chép lại bản đó, liền viết thẳng lời giải thích kia vào bản sao của mình như thể lời giải thích đó là của Thánh Giăng.  Và cứ thế truyền xuống cho đến bản dịch của chúng ta ngày nay.

 

      Những khác biệt về con số trong Kinh Thánh, tỉ dụ như các khác biệt về tuổi của mấy vua chép trong Các Vua  và sách Sử Ký.  Chắc chắn đây là lỗi lầm của thư ký.  Những lầm lẫn về con số như vậy rất dễ xảy ra, bởi vì tiếng Hy Bá lai dùng chữ trong mẫu tự làm số.  Mỗi chữ có một con số khác nhau nhưng trông hình dạng lại rất giống nhau.   Tỉ dụ chữ thứ nhất trong mẫu tự Hy Bá lai là con số 1, nhưng trên nó hai chấm rất nhỏ như vết chân ruồi thì lại là con số 1.000.  Chữ sau cùng trong mẫu tự Hy Bá Lai là 400, những chữ thứ tám trong mẫu tự Hy Bá Lai, coi rất giống chữ cuối cùng và rất dễ lộn với chữ cuối, nhưng là con số 8.  Thư ký chỉ lầm lẫn một chút là đổi hẳn con số rồi.  Nhưng có điều lạ là rất ít những lầm lẫn như vậy trong các bản chép tay cổ.

 

      b)  Những khó hiểu trong Kinh Thánh có thể là do dịch không đúng.  Cũng có bản dịch Mathiơ 12:40 là Giôna ở trong bụng “cá voi.”  Có người nói nhạo rằng con cá voi đó phải có cái miệng và cổ họng đặc biệt lắm mới nuốt nổi một ông tiên tri.  Nếu nghiên cứu kỹ một chút, người đó sẽ nhận ra tiếng dùng trong bản chính là “con quái vật biển” mà bản dịch đã giải nghĩa là “con cá voi”.  Như vậy chỗ khó hiểu là do người dịch sai và người đọc không sâu sắc.

 

      c)  Có khi Kinh Thánh khó hiểu là vì người ta giải nghĩa sai về Kinh Thánh.  Có khi Kinh Thánh dạy một đàng mà người giải kinh lại nói một nẻo.  Phần nhiều những khó khăn không do điều Kinh Thánh nói nhưng do lời nói của người giải thích.  Nếu chúng ta cứ bám ấy lời giải thích của mấy nhà giải kinh xưa nay thì ta thấy khó mà dung hòa Sáng Thế Ký đoạn một với những khám phá của khoa học ngày nay.  Sự khó hiểu không do điều Sáng Thế Ký đoạn một nói, nhưng do lời giải thích của người ta đặt vào đó.  Thực ra không hề có mâu thuẫn giữa khoa học ngày nay và Sáng Thế Ký đoạn một.

 

d)         Có những khó hiểu do quan niệm sai lầm về Kinh Thánh. 

      Có nhiều người nghĩ rằng khi nói Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời có nghĩa là Đức Chúa Trời nói hết mọi lời trong Kinh Thánh.  Nhưng hiểu thế là sai.  Thường thường Kinh Thánh ghi lại lời nói của kẻ khác, tức là của người tốt, của người xấu, của người được Chúa soi sáng, của người không được Chúa soi sáng, của thiên sứ, của ma quỉ.  Chúa ghi lại những lời đó đúng một cách tuyệt đối. Nhưng chính những lời đó có khi đúng, có khi không đúng sự thật.

 

      Tỉ dụ, Sáng Thế Ký 3:4 có chép rằng ma quỉ đã nói:  “Các ngươi chẳng chết đâu.”  quả thực ma quỉ có nói như vậy, song lời nó nói dối trá đã làm hại cả loài người chúng ta.  Lời Đức Chúa Trời ghi chép rằng ma quỉ có nói như vậy, nhưng lời nói đó không phải là Lời của Đức Chúa Trời, mà là lời của ma quỉ.  Lời Đức Chúa Trời nói rằng đó là lời của ma quỉ.    Nhiều người đọc Kinh Thánh mà không phân biệt ai nói những lời đó - Thiên Chúa nói hay người tốt nói, người xấu nói, người có ơn nói hay người không có ơn nói, thiên sứ nói hay ma quỉ nói.  Họ kéo một câu Kinh Thánh ra khỏi khung cảnh của nó, không chú ý xem kẻ nói câu đó là ai, rồi họ bảo:  “Đó, Lời Thiên Chúa nói như vậy.”  Mà thực ra Thiên Chúa không nói những điều đó.  Lời Chúa dạy rằng ma quỉ nói vậy hay loài người nói vậy...Và điều Chúa nói là thật, tức là quỉ nói vậy hay người nói vậy hay thiên sứ nói vậy. Có người trưng lời của Êlipha, Binh Đát và Sôpha nói với Gióp như thể lời của Đức Chúa Trời chỉ vì thấy lời đó được chép trong KinhThánh, mặc dầu Đức Chúa Trời đã bác bỏ ý kiến của họ và phán với họ rằng: “Các ngươi không hề nói về ta một cách xứng đáng.” (Gióp 42:7).  Một phần lớn những khó khăn mà chúng ta gặp bởi vì chúng ta không nhận định ai đã nói.

 

      Trong Thi Thiên, đôi khi có lời Chúa phán với người và lời đó chân thật mãi mãi, và cũng có lời người nói với Chúa, lời đó là thật mà cũng có khi là dối.  Trong Thi Thiên chúng ta thường gặp lời căm thù và uất hận của những người nói.  Tiếng kêu oán thù đó là lời của người bị ức hiếp kêu oan với Đấng có trọn quyền báo oán (Rôma 12:19), và chúng ta không buộc phải bênh vực những người ấy.   Vì thế, khi đọc Kinh Thánh, nếu Đức Chúa Trời nói, chúng ta tin mọi điều Ngài nói.  Nếu người được ơn linh ứng nói, thì chúng ta cũng tin những lời đó vì đã được Chúa bảo nói.  Nếu Kinh Thánh ghi lại lời nói của những người thường đối đáp với nhau, chúng ta phải tự xét lấy.  Nếu ma quỉ là kẻ nói, thì chúng ta phải nhớ rằng ma quỉ là kẻ nói dối từ ban đầu, nhưng đôi khi ma quỉ cũng có nói sự thật.

 

      e)  Có những khó hiểu do ngôn ngữ của Kinh Thánh.  Kinh Thánh là sách cho mọi thời đại và cho mọi người, nên Kinh Thánh được viết bằng thứ ngôn ngữ không thay đổi và mọi người đều hiểu được, đó là thứ ngôn ngữ của đại chúng và của hiện tượng.  Một trong những điểm lợi của Kinh Thánh là đã không viết bằng ngôn ngữ khoa học ngày nay.  Tuy nhiên, có những khó khăn do ngôn ngữ Kinh Thánh là do nhiều phần trong Kinh Thánh được ghi bằng lối văn thi ca; tức là thứ ngôn ngữ của cảm xúc, của đam mê, của tưởng tượng và hình bóng.  Nếu người nào không biết thơ phú là gì tất nhiên sẽ gặp khó khăn trong những phần thi ca của Kinh Thánh.

 

      Tỉ dụ trong Thi Thiên 18 có những diễn tả tuyệt hay về cơn bão tố sấm sét để nói về uy quyền của Đức Chúa Trời, thử hỏi một người không biết gì về thơ có hiểu nổi câu này:  “Khói bay ra từ lỗ mũi Ngài, ngọn lửa phát ra từ miệng Ngài, làm cho than cháy đỏ.”  (Thi 18:8)?  Sự khó hiểu đây không phải tại Kinh Thánh, nhưng vì chúng ta không biết về văn chương.

 

      f)  Có những khó khăn vì chúng ta thiếu hiểu về lịch sử, về địa lý và phong tục tập quán của người thời đại Kinh Thánh ghi lại.

      Những nghiên cứu và khám phá của khoa địa lý, lịch sử và khảo cổ đã chứng minh cho Kinh Thánh. Tỉ dụ sách Đaniên là sách bị công kích nhiều nhất.  Lý luận của những người chỉ trích đã nêu lên rằng trong lịch sử đã không có một nhân vật nào tên là Bên Xác Xa, và các sử gia cũng đồng ý cho rằng Na-bô-ni-đớt là ông vua cuối cùng của Babilôn, mà Na-bô-ni-đớt lại không có mặt ở thành Babilôn khi thành này bị chiếm.  Như vậy Bên-xác-xa phải là một nhân vật tưởng tượng, và cả câu truyện cũng hoang đường, không có sự thật lịch sử.  Lý luận đó xem ra mạnh và không thể chối cãi.

 

      Nhưng ông H. Rawlinson đã tìm thấy tại Muglieir và mấy nơi khác trong xứ Canh-đê (Chaldée) những cuốn sách bằng đất sét trên đó ghi rằng Bên-xác-xa (tức Belsaruzur) được Nabonidus phong chức Đông Cung Thái Tử.  Như vậy dĩ nhiên Bên-xác-xa được cai trị như nhiếp chính tại Babylôn trong thời kỳ vua cha đi vắng, vì thế mới có chuyện ông đặt Đaniên lên chức thứ ba trong nước (Đaniên 5:16), còn ông thì thứ hai trong nước.  Rõ ràng là Kinh Thánh không sai lầm.

      Những người công kích còn quả quyết chắc chắn rằng Môi-se không thể là tác giả của Ngũ Kinh, bởi vì trong thời ông chưa có chữ viết.  Nhưng những khám phá của khảo cổ học gần đây chứng minh rằng chữ viết đã có từ lâu trước thời Môi-se.

 

      g)  Khó khăn vì không am tường những hoàn cảnh trong đó Kinh Thánh được viết ra và lệnh truyền của Chúa được ban xuống.

      Tỉ dụ, ai không rõ các hoàn cảnh trong đó Thiên Chúa truyền cho dân Y-sơ-a-ên phải tiêu diệt hết các dân tộc Canaan, hẳn có lệnh đó là tàn ác quá.  Nhưng ai đã hiểu các dân xứ Canaan lúc đó đang chìm sâu trong hố tội lỗi ghê gớm chừng nào, và hiểu sự kêu gọi hoàn toàn luống công đối với họ, và hiểu sự yếu đuối của dân Israel, thì người đó sẽ nhận thấy lệnh truyền của Chúa là một sự thương xót đối với các thế hệ tương lai.

 

      h)  Khó khăn vì tính chất đa diện của Kinh Thánh.  Người nào thông minh nhất cũng chỉ suy tưởng theo đường lối của mình mà thôi, tức đơn diện.  Nhưng chân lý thì đa diện, và Kinh Thánh thì toàn diện.  Như vậy trí khôn chật hẹp của chúng ta đôi khi thấy trong Kinh Thánh phần nọ mâu thuẫn với phần kia.  Tỉ dụ, trong tư tưởng có người theo phái Calvin, có người theo Arminien, và có nhiều phần trong Kinh Thánh hợp với trường phái Calvin thì lại gây khó khăn cho trường phái Arminien, trong khi những phần khác trong Kinh Thánh hợp cho tư tưởng Arminien, nhưng đồng thời trở nên khó hiểu cho tư tưởng pháp Calvin.  Nhưng cả đôi bên đều có sự thật.  Ngày nay có nhiều người có tâm trí mở rộng đủ tiếp thu cả hai khía cạnh của sự thật qua tư tưởng Calvin và Arminien.  Nhưng nhiều người khác lại không được như thế, nên Kinh Thánh trở nên khó khăn và rắc rối cho họ.  Sự khó khăn đó không phải tại Kinh Thánh, nhưng tại ho ïbị chi phối bởi một trường phái tư tưởng.  Cũng vì thế có người xem Phao-lô mâu thuẫn với Giacơ, và điều Phao Lô nói chỗ này xem ra mâu thuẫn với điều ông nói trong chỗ khác.  Nhưng cái khó khăn thật, là do óc hẹp hòi của chúng ta không thâu thập được hết chân lý rộng lớn của Thiên Chúa.

 

      i)  Khó khăn vì Kinh Thánh nói về Đấng vô biên, vô hạn mà trí khôn chúng ta thì hữu hạn.  Dĩ nhiên là khó khăn khi đem các việc của Đấng vô hạn đặt vào trong tầm mức hẹp hòi của trí khôn hữu hạn chúng ta, cũng như đem nước cửa cả đại dương đổ vào trong một chiếc lon.  Thuộc về loại khó khăn này có giáo lý về ba Ngôi, hai bản tính Thần, Nhân của Chúa Cứu Thế Giêxu.  Đối với ai quên rằng Thiên Chúa là vô hạn thì giáo lý về Ba Ngôi trở nên một sự quái đản trong toán học vì một bằng ba.  Nhưng nếu chúng ta chúng ta đinh ninh trong trí rằng giáo lý về ba Ngôi là một cố gắng đem các việc của Đấng vô biên đặt vào trong những khuôn khổ của trí khôn hữu hạn, và đem các việc tinh thần đặt vào trong những khuôn khổ vật chất của ngôn từ, thì các khó khăn tiêu tan hết ngay.

 

      k)  Khó khăn vì trí khôn chúng ta còn thấp kém về phương diện siêu nhiên.  Một người dù học nhiều về thần đạo đến đâu cũng vẫn còn non nớt, chưa có thể hiểu thấu mọi sự như Thiên Chúa hiểu, trừ khi người đó lấy đức tin mà thâu nhận mọi sự.  Thuộc loại khó khăn này là giáo lý Kinh Thánh dạy về hình phạt đời đời.  Đôi khi chúng ta cho rằng giáo lý này không thể có, không nên có vì chúng ta cảm thấy khó chấp nhận quá.  Nhưng khó khăn đó là tại chúng ta còn mù quáng về siêu nhiên, chúng ta không nhìn rõ sự xấu xa độc ác ghê gớm dường nào của tội, nhất là tội chối bỏ Con Thánh của Đức Chúa Trời là Giêxu Christ.  Nhưng khi chúng ta nên thánh thiện giống như Thiên Chúa nhìn, thì chúng ta sẽ hiểu thấu và chấp nhận dễ dàng giáo lý về hình phạt đời đời.

 

      Nói tóm lại, có sự khó khăn trong việc hiểu lời Chúa trong Kinh Thánh đều do khuyết điểm ở nơi chúng ta chứ không do Kinh Thánh.  Kinh Thánh thì hoàn hảo, còn chúng ta chưa được hoàn hảo, nên chưa có thể hiểu Kinh Thánh một cách dễ dàng.  Chúng ta càng tiến tới sự toàn thiện của Thiên Chúa thì những khó khăn trong Kinh Thánh càng giảm bớt đi trước mắt chúng ta.  Như vậy phải kết luận:  Khi nào chúng ta nên trọn vẹn như Thiên Chúa thì chúng ta không còn gặp phải một khó khăn nào trong Kinh Thánh nữa.

 

      4. Phương Cách Giải Quyết

 

      a)  Giải quyết mọi khó khăn trong Kinh Thánh với lòng thành thật.  Khi bạn gặp một khó khăn trong Kinh Thánh, bạn hãy thẳng thắn nhìn nhận nó.  Đừng trốn tránh cũng đừng giấu giếm.  Hãy nhìn thẳng vào vấn đề nếu có kẻ nào muốn gây khó cho bạn.  Nếu bạn không giải quyết được một cách tốt đẹp thì đừng giải quyết.  Có nhiều người vì quá sốt sắng bênh vực Kinh Thánh nên đã vội vã đưa ra những giải quyết không ngay thẳng, không xứng đáng, nên đã làm hại cho Kinh Thánh hơn là làm ích.  Người ta sẽ kết luận rằng nếu chỉ có lời giải thích như vậy là tốt nhất thì Kinh Thánh không đáng tin nhận.

 

      b)  Giải quyết với lòng khiêm nhường.  Hãy công nhận trí khôn và sự hiểu biết của chúng ta có giới hạn, và đừng có bao giờ nghĩ rằng nan đề đó không có thể giải đáp bởi vì tôi không tìm thấy giải đáp.  Rất có thể sẽ có một giải đáp đơn giản, dầu khi bạn không tìm ra giải đáp nào cho vấn đề.

 

      c)  Giải đáp vấn đề một cách cương quyết.  Bạn hãy nghĩ rằng bạn sẽ tìm ra giải đáp cho vấn đề nếu bạn chịu khó nghiên cứu cho sâu xa hơn.  Những khó khăn trong Kinh Thánh là bài học của Cha trên trời để tập cho trí óc bạn làm việc.  Đừng bỏ dở sự tìm tòi giải đáp khi bạn không thấy kết quả sau khi suy nghĩ năm mười phút.  Bạn hãy bền tâm nghiên cứu mãi, ngày này sang ngày khác.  Sự làm việc đó có ích cho bạn hơn là chính giải đáp được tìm ra.  Sớm muộn rồi lời giải đáp sẽ hiện ra với bạn nếu bạn kiên tâm tìm kiếm nó.

 

      e)  Giải quyết mọi khó khăn với lòng can đảm.  Bạn đừng hoảng sợ  khi gặp phải một khó khăn, dầu khó khăn đó ban đầu có vẻ nan giải và vượt khả năng của bạn.  Hàng trăm ngàn người khác đã gặp những khó khăn như thế trước khi bạn sinh ra.  Các khó khăn đó đã xuất hiện từ mấy trăm năm rồi mà Kinh Thánh vẫn còn đứng vững.  Kinh Thánh vốn vẫn tồn tại sau 18 thế kỷ bị chống đối phê bình, đả kích, tấn công liên tiếp đủ mọi mặt.  Như vậy có lẽ nào Kinh Thánh bị đổ vỡ trước những khám phá của bạn hay trước những tràng súng chỉ trích, gièm chê của thời nay.  Ai đã quen thuộc một chút với lịch sử phê bình Kinh Thánh sẽ mỉm cười trước những lời đe dọa của đối phương quyết tâm tiêu diệt Kinh Thánh.

 

      f)  Giải quyết khó khăn với lòng kiên nhẫn.  Đừng nên nản lòng, thối chí vì bạn thấy không thể giải đáp xong cho mọi nan đề trong một ngày.  Nếu có một nan đề nào cứ thách đố mãi khả năng giải đáp của bạn, bạn hãy xếp nó lại trong một thời gian.  Rất có thể khi bạn trở lại thì nó đã tan biến mất rồi, khiến bạn không hiểu tại sao trước kia bạn khổ tâm khổ trí đến thế.

 

      g)  Giải quyết khó khăn bằng chính lời Kinh Thánh.  Nếu bạn gặp khó khăn trong phần Kinh Thánh này, bạn hãy dùng phần Kinh Thánh khác để soi sáng và phá tan khó khăn đó.  Không gì giải thích Kinh Thánh tốt hơn bằng chính Kinh Thánh.  Có người đến hỏi ông Mục sư về một khó khăn trong Kinh Thánh đã làm khổ tâm y không ít.  Ông Mục sư chỉ cho ông ta đọc một đoạn Kinh Thánh và sau khi đọc xong, người đó thấy mây mù tan hết, và vấn đề khó khăn đã được giải tỏa.

 

      h)  Giải quyết khó khăn bằng cầu nguyện.  Một điều lạ là khi người ta quì gối nhìn vào các khó khăn gặp trong Kinh Thánh thì các khó khăn đó tan biến đi.  Đáp lại lời cầu nguyện của chúng ta, Chúa không những mở mắt cho chúng ta nhìn thấy những vẻ đẹp kỳ diệu của Lời Chúa trong Kinh Thánh mà còn soi trí cho chúng ta thấu suốt được những khó khăn mà khi chưa cầu nguyện chúng ta tưởng là nan giải.  Lý do chính để các nhà giải kinh nổi tiếng thời nay trở thành những tay phê bình phá hoại Kinh Thánh là họ đã không cầu nguyện.

 

III.  TƯƠNG QUAN GIỮA KINH THÁNH

VÀ KHOA HỌC

 

      Khoa học và Kinh Thánh có mâu thuẫn nhau không?

      Chúng ta có thể khẳng định rằng khoa học và Kinh Thánh không bao giờ có mâu thuẫn nhau.  Thiên nhiên, đối tượng khảo sát của khoa học, và Kinh Thánh, đối tượng khảo sát của thần học, đều là tác phẩm của cùng một tác giả nên không thể có sự chống đối nhau giữa nhà khoa học và thần học chân chánh.  Vì thế, sự mâu thuẫn, nếu có chỉ là do cách hiểu và giải thích lệch lạc về Kinh Thánh và khoa học mà thôi.

 

      Như đã nói, khoa học và thần học là hai lãnh vực riêng biệt và có mục đích khác nhau, nên sự xung đột nếu có cũng chỉ là sự tranh chấp nhau về thẩm quyền giữa nhà khoa học và nhà thần học.  Người này muốn tuyên bố những vấn đề thuộc phạm vi của người kia và ngược lại.  Nói cách khác sự xung đột xảy ra khi nhà khoa học hoặc nhà thần học đi quá phạm vi của mình, như trong trường hợp Galilê và giáo hội thời trung cổ.

 

      Khoa học và Kinh Thánh không những không chống đối nhau mà còn hỗ tương cho nhau nữa.  Tuy Kinh Thánh không dùng ngôn ngữ khoa học nhưng những sự kiện khoa học được Kinh thánh đề cập tới thì hoàn toàn phù hợp với những gì khoa học khám phá ra sau này.

 

      Trong việc tìm hiểu ý nghĩa của Kinh Thánh, chúng ta không thể bỏ quên những khám phá mới mẻ và chính xác trong lãnh vực khoa học.  Bỏ quên không những khiến chúng ta thiệt thòi mà còn đi trái với tinh thần của kẻ “đi tìm” ý nghĩa Lời Chúa.

 

      Những khám phá của khoa học ngày nay liên quan đến Kinh Thánh khiến chúng ta có thêm lý do để tin Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời.  Những ý kiến của khoa học chân chính về Sáng Thế Ký, những bằng chứngkhảo cổ học, y học, sử học...càng cho thấy rõ tác giả của Kinh Thánh là Đấng Toàn Năng, tể trị vạn vật, tể trị lịch sử.  Dầu Kinh Thánh không phải là cuốn sách khoa học nhưng không vì thế mà khi Kinh Thánh đề cập đến thế giới vật lý lại mâu thuẫn với khoa học.

 

      Nếu không thể phủ nhận được giá trị và khả năng của khoa học thì cũngkhông ý thức về vai trò, phạm vi và giới hạn của nó.  Những người chủ trương như thế phủ nhận nguyên nhân tối cao của vạn vật.  Chúng ta không bắt buộc khoa học phải chấp nhận siêu hình học nhưng cần biết rằng vấn đề siêu hình không thuộc phạm vi khoa học, cũng không thuộc lãnh vực khảo sát của bất cứ khoa học thực nghiệm nào.

 

      Những thành quả của khoa học cho phép khoa học kết luận rằng thực tại  (cái có thực) là đối tượng của khoa học, nhưng không có gì cho phép khoa học kết luận thực tại chỉ có thế.  Càng ý thức được phạm vi và giới hạn của mình, các nhà bác học càng nhìn nhận rằng công trình kỳ diệu của họ không thể đáp ứng được các khát vọng sâu xa của con người.  Và khi đã nhìn nhận như thế, khoa học đã nhận ra những giới hạn trong lãnh vực chuyên môn của mình.

     

      Khi nói đến phạm vi của khoa học, chúng ta không có ý nói là các nhà bác học không được đề cập đến vấn đề thực tại siêu hình nhưng chỉ muốn nói rằng ông ta không có quyền sử dụng phương pháp khoa học riêng biệt và giới hạn trong lãnh vực khoa học thực nghiệm để đề cập tới vấn đề.  Vì lẽ vấn đề vượt khỏi phạm vi của khoa học thực nghiệm.

 

      Khoa học và đức tin không thể xung đột nhau - nhưng đức tin là cái gì vượt khỏi phạm vi khoa học - Sự xung đột nếu có, chỉ là kết quả của sự sai lầm về phương pháp.  Chính vì thế mà năm 1926, những hội viên của Hàn Lâm Viện Paris hoàn toàn đồng thanh tuyên bố rằng không thể có sự xung đột thực sự giữa các chân lý khoa học và chân lý tôn giáo.  Khoa học và đức tin không những không hạ bệ nhau mà còn tương trợ cho nhau trong ý nghĩa vươn lên của mỗi lãnh vực, như nhà khoa học lỗi lạc P. Teillard de Chardin, đã nói:  “Dường như thế giới tân tiến phát sinh từ trào lưu chống đối tôn giáo.  Con người tự mâu thuẫn với chính mình.  Lý trí thay thế tín ngưỡng.  Thế hệ chúng ta và hai thế hệ trước chỉ nghe nói đến những tranh chấp đức tin và khoa học, đến độ dường như có một lúc khoa học đã hoàn toàn được chỉ định thay thế cho đức tin.  Thế nhưng tình trạng căng thẳng càng kéo dài, cuộc tranh chấp xem ra lại được giải quyết dưới một hình thức quân bình khác hẳn, nghĩa là không phải bằng phương cách khai trừ hoặc nhị phân nhưng là tổng hợp.  Sau hai thế kỷ đấu tranh hăng hái, khoa học và đức tin đều không giảm hạ nhau, nhưng ngược lại cả hai sẽ không phát triển bình thường, nếu không có tương tự, chỉ vì lý do đon giản là cùng một sự sống tác động trong cả hai.  Thật vậy, trong những hướng tiến cũng như trong các khám phá xây dựng, khoa học không thể đạt đến cùng đích của mình nếu không nhuốm mầu thần nhiệm và đức tin.” (Le Phenomène Humain, Paris 1962, p.315)

 

      Kinh Thánh và khoa học đều nhằm bày tỏ chân lý:  chân lý của đức tin và chân lý của khoa học.  Cả hai đều là tác phẩm của Thượng Đế.  Cho nên thái độ Cơ Đốc Nhân là thái độ tìm kiếm cả hai để sở đắc thực tại toàn diện.

 

IV.TRẢ LỜI CHỦ NGHĨA CHỐNG SIÊU NHIÊN 13 

 

1. Các Vấn Nạn Do Khoa Học.

Nhà khoa học chống siêu nhiên cho rằng  (1) siêu nhiên mâu thuẫn với định luật thiên nhiên; và (2) phép lạ không thích hợp trong vũ trụ của nhà khoa học.

 

a) Siêu nhiên mâu thuẫn với định luật thiên nhiên.   Cái ý niệm về luật thiên nhiên không đơn giản như thoạt nghe.  Tuy nhà khoa học có thể sử dụng luật thiên nhiên như một câu châm ngôn đơn giản, nhưng phân tách ra thì nó không đơn giản như vậy đâu.  Luật thiên nhiên trước hết hiểu về nguyên tắc đồng nhất của thiên nhiên.  Nếu không có sự đồng nhất của thiên nhiên thì luật thiên nhiên ra vô nghĩa, tức là nó chỉ còn đúng cho một số kinh nghiệm hay thí nghiệm nào, trong mộït khoảng thời gian naò, trong một điểm không gian nào đó thôi.  Phải có nguyên tắc đồng nhất của thiên nhiên để phổ quát các định luật, hầu cho sự gì khám phá ở một chỗ nào, trong môït thời nào, được trở nên có giá trị đối với mọi nơi và mọi đời.

 

Không những nguyên tắc đồng nhất thiên nhiên là cần thiết  cho định luật thiên nhiên, mà còn cần thiết cho sự tiên đoán nữa.  Không có phương pháp rõ rệt nào chứng tỏ được rằng tương lai sẽ giống như dĩ vãng.  Lẽ đó chỉ có thể được chấp nhận qua nguyên tắc đồng nhất thiên nhiên mà thôi.

 

Nguyên tắc đồng nhất thiên nhiên được công nhận là một sản phẩm của thời đại trung cổ.  nguyên tắc đó ý nghĩa rằng vì Thiên Chúa là một Đấng Thượng Đế của trật tự nên vũ trụ phải phản ánh đặc tính trật tự của Ngài.  Nguồn gốc của nguyên tắc này được tìm thấy ở trong triết lý hữu thần về thiên nhiên.  Nhưng điều kỳ cục là ngày nay người ta lại dùng nguyên tắc đồng nhất thiên nhiên để chống lại khoa triết học hữu thần về thiên nhiên.  Trong triết học hữu thần thì nguyên tắc đồng nhất thiên nhiên là hợp lý và có nền tảng siêu hình ở trong đặc tính của Đấng Thiên Chúa toàn năng.

 

Hơn nữa, Cơ Đốc nhân có thể đặt nguồn gốc nguyên tắc đó trong khoa Cơ Đ(ốc triết học, nhưng nhà khoa học không có phương pháp gì để chứng minh cho nguyên tắc đó.  Không có một cuộc thí nghiệm nào chứng minh được vì  nó là khởi điểm cho mọi cuộc thí nghiệm.  Đem áp dụng nguyên tắc đó từ một cuộc thí nghiệm bao trùm lên tất cả mọi cuộc thí nghiệm thì tức là dùng chính nguyên tắc để chứng minh cho nguyên tắc.  Có hai lối thoát.  Nhà khoa học có thể quy cho nguyên tắc đó tất cả ý nghĩa siêu hình về thực tại, nhưng làm thế nào thì nhà khoa học đã trở thành nhà siêu hình học.  Hoặc nhà khoa học có thể nói theo ca1c triết gia thực tiễn rằng nguyên tắc đó là một trong những nguyên tắc nghiên cứu khoa học mà người ta chấp nhận là đúng nhưng không muốn chứng minh.  Làm như vậy tức là tránh né vấn đề.  Một lập trường khác của thực tiễn triết học là nhìn nhận nguyên tắc đó là thật trên căn bản thực dụng.  Nhưng nếu đặt nó trên căn bản thực dụng thì lại không thể dùng nó trong vòng lẩn quẩn đề bài trừ vấn đề phép lạ trong lịch sử Kinh Thánh.  Phương pháp thực dụng còn để kẻ hở cho nhiều tình trạng khác có thể xảy ra mà nguyên tắc không giải thích nổi.

 

Sau hết, Cơ-đốc nhân nhấn mạnh rằng sự đồng nhất của thiên nhiên không phải là điểm chính của vấn đề.  Đối với đời sống thường nhật, đối với hoạt động thông thường của khoa học, và đối với những nhu cầu thực tế của giới kinh doanh thì nguyên tắc đồng nhất của thiên nhiên đứng vững.  Cơ Đốc nhân nhấn mạnh vào cái nền trật tự điều hoà của khối thiên nhiên là vì mục đích khám phá ra cái “bất điều hoà”.  Nói thế có nghĩa là người Cơ Đốc không bênh vực cho một vũ trụ hỗn mang hay bất định hay tình cờ rủi may khi họ bênh vực cho sự siêu nhiên.  Về điểm này Cơ Đốc nhân chỉ có ý nhấn mạnh rằng khoa học không bừa bãi và mù quáng đến độ đem áp dụng luật đồng nhất thiên nhiên đó cho toàn cõi lịch sử nhân loại mà không chú trọng đến bản chất của kiến thức khoa học và những giáo lý tốt lành của Kinh Thánh.

 

Thái độ Cơ đốc nhân đối với nguyên tắc đồng nhất vũ trụ là thế này:  nguyên tắc đó có giá trị cho đường lối chung của vạn vật trong vũ trụ.  Nền tảng sau cùng của nguyên tắc đó đặt vào đặc tính bất biến của Thiên Chúa.  Nhưng không thể dùng nguyên tắc đó để loại trừ mọi biến cố siêu nhiên khi có đủ lẽ mạnh chứng minh các biến cố đó phù hợp với hệ thống chung cả vũ trụ.

 

b) Phép lạ không thích hợp trong vũ trụ của nhà khoa học.  Vấn nạn thứ hai của khoa học là phép lạ không thích hợp với vũ trụ của nhà khoa học.  Các thiên thể không bắt chước những biến cố trong ngày dài của Giô-suê; không có sự độc tính thụ thai trong các sinh vật có cơ thể phức tạp hơn; và những bệnh tật quan trọng như bệnh vùi không được chữa lành tức khắc.  Câu hỏi được nêu lên là phải chăng phương pháp khoa học có thể áp dụng cho tất cả mọi việc xảy ra trong vũ trụ, và Cơ đốc nhân phải trả lời rằng không.  Trước hết, áp dụng phương pháp khoa học cho hết mọi sự việc có thể xảy ra trong vũ trụ là đi qua giới hạn của khoa học.  Nói rằng:  “Chúng tôi là những nhà khoa học đã không tìm thấy sự độc tính thụ thai (parthenogenesis) nơi thứ người Homo Sapiens” đó là một sự việc; còn nói rằng:  “Không thể nào có sự trinh thai xảy ra” thì đó là vấn đề siêu hình hoàn toàn.  Người ta có thể bảo đó là đúng với khoa siêu hình học, nhưng ở đây chúng tôi muốn nói đó không phải là khoa học.

 

Nếu ngày xưa có sự xung đột giữa các nhà thần học và các nhà khoa học về các vấn đề thuộc địa chất học và sinh vật học, thì ngày nay có sự xung đột về việc áp dụng phương pháp khoa học một cách vô hạn định, khiến cho khoa học trở thành siêu hình học, như ta thấy xảy ra trong thuyết thực nghiệm luận lý (logical empiricism), thuyết duy nhiên (naturalism), thuyết tân duy thực (new realism) và thuyết duy vật hiện đại (modern materialism).

 

2.  Phân Tích Phương Pháp Khoa Học. 

 

Sự xung khắc giữa nhà thần đạo với nhà khoa học này bao gồm một sự phân tích về phương pháp khoa học.  Có ít là năm ý niệm căn bản dẫn đến phương pháp khoa học.

 

            a)  Khoa học cố gắng diễn tả về phẩm qua những từ liệu về lượng:  Các màu sắc được thu vào những chiều dài của làn sóng:  vật chất được đo bằng cân, bằng tấn, sự chuyển động được trinh bày qua thời gian và khoảng cách:  sự vận hành của tinh tú được tả qua luật của hấp lực.  Khoa học đang cố hết sức để tính toán với thiên nhiên theo lượng, nghĩa là nhấn mạnh về phương diện có thể cân đo được.  Hơn nữa, sự nhấn mạnh trên phương diện lượng tức là nhấn mạnh về mặt toán học.  Và nhấn mạnh về mặt tón học tức là nhấn mạnh về mặt trừu tượng.  Như vậy khoa học càng tiến thì khoa học càng trở nên trừu tượng và nghiêng về lượng.

           

b)  Khoa học cố gắng hết sức để tiên đoán.  Có người đã can đảm quyết rằng tiên đoán là thử nghiệm chính của giả thuyết.  Nhưng tiên đoán căn cứ vào sự kế tiếp và sự kế tiếp chỉ có nghĩa khi dựa trên ý niệm “nhân quả”.  Vậy nhân quả là ý niệm căn bản cho tiên đoán.

 

Tuy vậy, mặc dầu nguyên tắc tiên đoán không phải là thử nghiệm duy nhất cho giả thuyết khoa học, và mặc dầu ý niệm nhân quả rất khó diễn tả, nhưng tiên đoán vẫn là một trong những ý niệm chính về khoa học.

           

c)  Khoa học chỉ đề cập tới những gì là bền vững.  Và khoa học cố gắng làm cho những gì không bền vững được mặc lấy vẻ bền vững.  Đó cũng là cách nói rằng khoa học đề cập tới những gì có thể tái diễn.  Khoa học không thể chỉ hoạt động trong vòng những sự có thể tái diễn, như một số người chủ trương, vì điều đó không thể có trong thiên văn học và địa chất học.  Nhưng khoa học hằng tìm kiếm những yếu tố bền vững của thiên nhiên.

 

Nếu có sự gì tỏ ra không bền vững, thì khoa học cố tìm cách làm cho nó bền vững bằng khoa thống kê.  Trong khoa nguyên tử vật lý người ta không thể tiên đoán được đường lối của từng phần tử nhỏ bé, thì khoa thống kê học đem lại một hình thức trật tự.  Mặc dầu không thể định rõ về ngày chết của từng cá  nhân, nhưng người ta có thể dùng những bản thống kê tử suất để làm cho các hãng bảo hiểm sinh mạng được hoạt động iều hoà.

           

d) Khoa học đề cập tới những gì có thể quan sát được.  Thực ra có nhiều thứ nhà khoa học không hề xem thấy trực tiếp, tỉ dụ như năng lượng, hấp lực, các điện tử, các từ trường,nhưng nhà khoa học cố gắng diễn tả những cái không thể quan sát dựa theo những cái có thể quan sát được.  Bởi vì không có những bằng cứ nào rõ rệt về sự chuyển vận của khinh khí, nên quan niệm đó bị bác bỏ.  Song nếu người ta có thể khám phá ra được một sự chuyển vận nào - và hình như các thí nghiệm gần đây đã khám phá ra - thì bấy giờ khinh khí, dù không thể xem thấy, cũng được chấp nhận là hiện hữu.

           

e)  Khoa học ra sức thống nhất các bằng cứ lại nhờ những nguyên tắc chung.  Mục đích của luật hấp lực vũ trụ là để giải thích mọi hiện tượng vận chuyển từ hạt nguyên tử cho đến các vì tinh tú.  Thuyết mới đây của Einstein về sự thống nhất từ trường có lẽ là một thuyết phổ quát nhất chưa hề có trong lịch sử  khoa học.  Nhưng trong các thuyết đó thường có cái nguy hiểm của thuyết “thu gọn”.  Trong khi cố gắng thống nh6át cho thật nhiều lãnh vực dưới một nguyên tắc chung, thì những cái khác biệt sẽ bị cắt xén cho vừa hợp với cái giường của Procrust.  Điều đó xảy ra trong cái tham vọng ngày nay của mấy ông triết gia muốn giản lược mọi khoa học vào khoa vật lý học.

 

Khi tra xét kỹ về các mục đích đó của phương pháp khoa học, người ta sẽ nhận ra được giới hạn của phương pháp khoa học trong khi khoa học muốn giải thích mọi thực tại hay mọi kinh nghiệm.  Hễ ở đâu thiên nhiên hay thực tại hay kinh nghiệm của chúng ta đi ngược với các mục đích của khoa học, thì bấy giờ khoa học không thể thâu nhận yếu tố đó vào trong hệ thống khoa học.

 

 

 

3.  Giới Hạn Của Phương Pháp Khoa Học

 

            a)  Phẩm không phải là lượng.  Phẩm có thể được diễn tả bằng từ liệu của lượng, nhưng lượng không phải là phẩm.  Một người điếc có thể học khoa vật lý về âm thanh và có thể chụp hình những dấu nhạc và nhìn ngắm nó.  Có khi các nhà tâm lý vật lý có thể bảo chúng ta về số những rung chuyển chạy trên giấy thần kinh của thính giác.  Nhưng các rung chuyển và vận động không phải là phẩm, cho đến khi khoa học khám phá thêm nữa về các mầu nhiệm của ý thức, các phẩm không được kể vào trong phạm vi của phương pháp khoa học.

 

            b)  Những gì thực sự là mới mẻ hay không thể tiên đoán đều không ở trong sự kiểm soát, phán đoán của khoa học.  Một trong những nét đặc điểm của vũ trụ mà Bergson đã vạch ra là tính cách mới mẻ của nó.  Thuyết tiến hoá gặp vấn đề hết sức nghiêm trọng ở điểm này.  Nếu không có sự mới mẻ thật thì cũng không có sự ngoại sinh thật (epigenesis).  Nếu có sự ngoại sinh thật thì có sự mới mẻ thật, và sự mới mẻ thật thì khoa học không thể hiểu.  Với kiến thức hiện giờ, hoạt động con người đầy dẫy những sự mới mẻ.  Sự quảng cáo liên tục một cách có tổ chức là một bằng chứng rõ rệt về điều đó.  Khi một kiểu áo đã quen  thuộc thì lập tức có kiểu áo mới trưng bày cho công chúng ngay.

 

            c)  Khoa học không thể đề cập tới những gì vượt thời gian hay vượt không gian, nghĩa là những gì không thể quan sát được.  Vi lẽ đó mà khoa học có thể nói về tâm hồn thực nghiệm (empirical soul) nhưng không thể  nói đến tâm hồn siêu nghiệm (transcendental soul); khoa học có thể nói về trí khôn thực nghiệm, lý trí thực nghiệm (empirical mind) mà không thể nói về lý trí thuần lý (pure mind); khoa học có thể nói về năng lực thực nghiệm (empirical energy) mà không thể nói về năng lực sáng tạo (creative energy); khoa học có thể nói về cứu cánh thực nghiệm (empirical teleology) mà không thể nói về cứu cánh siêu hình (metaphysical teleology).

 

            d)  Sau hết, khoa học không thể hiểu một cá tính đích thực (genuine individuality).  Khoa học có thể nói về các mẫu người, có thể xét đoán về những yếu tố sinh ra những đặc điểm cá nhân, nhưng khoa học không thể hiểu về từng cá nhân hay cá vật đích thực.   Câu kết luận rất chung là các phạm trù của khoa học chỉ đầy đủ ở trong giới hạn của các mục đích của khoa học (tức là về lượng, về những cái bền vững, những cái tiên đoán được, quan sát được, những cái chung), nhưng không đầy đủ để hiểu tổng số tấùt cả kinh nghiệm hay thực tại, hay vũ trụ.  Cho nên cũng còn phải nhờ đến khoa siêu hình học để ấn định các phạm trù đó là gì, và cái tiêu chuẩn để kiểm chứng các xác quyết siêu hình đó là lý trí thuần lý (hay khả niệm tính thuần lý, rational intelligibility).

 

            e)  Nghiên cứu thêm về phương pháp khoa học, ta sẽ nhận thấy rằng, để hoạt động, phương pháp khoa học lại phải tuỳ thuộc vào một số nguyên tắc khác.  Chính những sự tuỳ thuộc này làm thành một khung lý luận thuần lý (logical & rational framework), trong đó phương pháp khoa học hoạt động và nếu thiếu nó thì sự hoạt động ngưng liền.  Nhưng các vấn đề liên quan tới khung đó đều có một đặc tính siêu hình.

 

                        i)  Trước hết phải nhận trật tự thiên nhiên.  Tương lai sẽ giống như dĩ vãng.  Dưỡng khí ngày nay cũng giống như dưỡng khí ngày xưa.  Các tiến trình địa chất học ngày nay cũng giống như các tiến trình cách đây hàng triệu năm, và sẽ còn như vậy trong tương lai.  Nhưng tại sao các yếu tố và các tiến trình đó cứ bền vững mãi thì khoa học không giải đáp và cũng không thể giải đáp được.  Khoa học cũng không thể đặt ra câu hỏi nữa.  Nhưng đằng khác, nếu khoa học không công nhận trật tự đó trong thiên nhiên thì khoa học không thể làm thí nghiệm được, mà hoặc nếu có làm thì những khám phá của khoa học không thể dùng phép loại suy mà đi xa hơn ranh giới của cuộc thí nghiệm đó.  Tại sao thiên nhiên cứ bất biến như vậy mãi?  Câu hỏi đó thuộc phạm vi siêu hình học.

 

                        ii)  Phải nhìn nhận khả năng tinh thần trong con người.  Nếu nhà khoa học cứ nghĩ rằng trí khôn mình luôn luôn đánh lừa mình thì nhà khoa học không thể thí nghiệm gì được. Ôâng ta không thể lý luận gì được.  Mặc dầu ông ta biết mình sai lầm, nhưng ông ta vẫn tin rằng mình hay kẻ nào khác sẽ có sức khám phá ra những điều sai lầm của mình.  Oâng ta nhận rằng nếu mình chú ý cẩn thận thì sẽ tránh được sai lầm.  Oâng ta phải tin cậy vào trí nhớ của mình.  Oâng ta phải có sự thành thực tuyệt đối, nghĩa là ông ta không được bừa bãi cẩu thả trong các cuộc thí nghiệm hay trong các suy luận của mình.  Nhưng còn câu hỏi tại sao ông ta có trí khôn, tại sao ông ta có thể tin cậy ở trí khôn, và tại sao trí nhớ con người lại có khả năng và đáng tin trong giới hạn của nó, và tại sao sự thành thực lại là phương cách tốt nhứùt v.v… thì nhà khoa học không thể trả lời các câu hỏi đó.  Oâng ta chỉ phải mặc nhiên chấp nhận các điều đó.  Mọi cố gắng để chứng minh các điều đó đều không thoát ra ngoài các điều đo.  Trí khôn là một điều cần thiết để chứng minh trí khôn, hoặc để nghiên cứu nó.  Trí nhớ là một điều cần thiết để chứng minh trí nhớ hoặc để nghiên cứu nó.  Sự thành thực là một điều  cần thiết để tìm hiểu tại sao thành thực lại là một điều cần thiết để tìm hiểu tại sao thành thực lại là  phương sách khoa học tôùt nhứt.  Cho nên người ta phải tìm đến với khoa siêu hình học và khoa trí thức luận để gặp thấy câu trả lời cho các vấn đề đó và để được hướng dẫn bởi các phạm trù về luật tương ứng và luật tri thức.

 

                        iii)  Khoa học phải làm việc với một lý thuyết chân lý (theory of truth) nhưng không có cuộc thí nghiệm nào chứng minh được lý thuyết chân lý.  Lý thuyết chân lý tuỳ thuộc vào sự phân tích của hoặc trí thức luận hoặc siêu hình học nhưng bức màn phân chia trí thức luận với siêu hình học thường là rất mỏng.

 

Để kết luận về phương pháp khoa học, có hai nhận xét. Trước hết, bất cứ lời nào đề cập tới bản chất toàn diện của vũ trụ toàn diện đều phải bắt nguồn  từ siêu hình học, chứ không thể bắt nguồn từ khoa học được.  Khoa học có thể nhân danh khoa học mà nói rằng các phép lạ không xảy ra trong khoa học.  Nhưng khoa học không thể nhân danh khoa học mà nói gì về toàn thể những sự có có thể xảy ra hay không thể xảy ra.  Nếu có lời tuyên bố nào như vậy thì lời đó phải là bởi nhà siêu hình học chứ không thể bởi nhà khoa học nói ra.  Điều đó dẫn chúng ta tới một nhận xét thứ hai, liên hệ đến sức mạnh hay lợi ích của phương pháp khoa học không phải là điểm chính của câu chuyện.  Đối với  các mầu nhiệm của khoa học, thì người Cơ Đốc không dùng phương pháp nào khác ngoài phương pháp khoa học.  Họ cũng phải hăng hái thành thực trong phương pháp khoa học như nhà khoa học duy nghiệm.

 

Câu hỏi đích thực là như sau:  Phải chăng có một quan điểm siêu hình về vũ trụ khả dĩ  tôn trọng phương pháp khoa học trong lãnh vực riêng của nó, nhưng đồng thời cũng nhìn nhận hoạt động của siêu nhiên trong ít nhiều trường hợp đặc biệt?   Người Cơ  Đốc quả quyết rằng có.  Vì nếu có sự chống đối lời quả quyết đó thì sự chống đối phải do nhà siêu hình học chứ không do nhà khoa học phát ra.  Triết gia Cơ Đốc không chủ trương lý luận quá nhiều, không bênh vực một thiên nhiên chỉ hoạt động rời rạc lẻ tẻ, cũng không bênh vực những điều dị đoan  của các nền văn hoá thiếu khoa học.  Oâng ta đố kỵ với những điều bày đặt, thần thoại và phi lý cũng như nhà khoa học.  Điều mà ông ta nhấn mạnh là:  trước hết, cái quan niệm cho rằng phương pháp khoa học là phương pháp tốt nhứt để tìm hiểu thiên nhiên, cả hai quanniệm đó đều đúng cho việc nghiên cứu học hỏi thông thường của nhân loại.  Nhưng dù quan niệm về luật đồng nhất thiên nhiên, dù quan niệm về luật phổ biến của phương pháp khoa học cũng không có khả năng bao phủ được hết mọi thứ biến cố có thể xảy ra trong khắp vũ trụ càn khôn.  Triết gia Cơ Đốc tin rằng họ có đủ lý do để tin vào một số hành động siêu nhiên đã xảy ra trong một số trường hợp đặc biệt.  Và làm như vậy, họ tin rằng họ cũng khoa học, cũng minh mẫn, cũng uyên thâm bác học như các người sùng bái khoa học.

 

Tới đây chúng ta chỉ nói rằng người ta không thể nhân danh khoa học để chối bỏ siêu nhiên hay phép lạ.  Làm như vậy chúng ta đã xây dựng thêm nền móng cho lập trường Cơ Đốc trong khoa triết lý hữu thần.

 

 

 

 

 

 


CÂU HỎI

 

1.  Khoa học là gì?  Cho biết vai trò, phạm vi, giới hạn của khoa học.

 

2.  Thế nào là giả thuyết khoa học?  Khoa học có thể khám phá những chân lý về nguồn gốc loài người không?  Tại sao? Có phải khoa học luôn luôn giải thích được những chân lý của Kinh Thánh không?  Tại sao?  Nêu lên vài minh chứng.

 

3.  Đặc tính bình dân của ngôn ngữ Kinh Thánh có những ích lợi gì thiết thực nào? Trưng dẫn vài trường hợp làm nổi bật tính cách mô tả hiện tượng trong ngôn ngữ Kinh Thánh.  Ngôn ngữ Kinh Thánh đã lợi dụng như thế nào nền văn hóa đương thời để làm phương tiện mặc khải?

 

4.  Nêu những lý do khiến Kinh Thánh khó hiểu.  Trưng ra những kinh nghiệm của bạn. Thái độ cần có khi gặp những thắc mắc trong Kinh Thánh là gì?

 

5.  Nêu những lý do và đơn cử vài thí dụ cho thấy khoa học và Kinh Thánh không mâu thuẫn nhau.  Tại sao khoa học càng tiến bộ, những mâu thuẫn giữa khoa học và Kinh Thánh bị phá bỏ dần?  Cho biết quan điểm của bạn giữa đức tin và khoa học.

 

6.  Theo Bernard Ramm, phương pháp khoa học dựa trên những tiền đề nào?  Bernard Ramm đã nêu lên những giới hạn nào của phương pháp khoa học?

 

7.  Nhận định câu:  “Nếu có câu trả lời cuối cùng cho các vấn đề của khoa học và tôn giáo, thì chính khoa học có thể đóng góp vào việc cung ứng các câu trả lời đó.  Vậy Cơ Đốc Nhân có thể bình tâm tin tưởng rằng khoa học rồi đây sẽ minh chứng cho Lời Đức Chúa Trời.”

 

8.  Bạn hiểu và áp dụng thế nào đối với lời khuyên trong I Phierơ 3:15b.  Sự trau dồi kiến thức làm hại hay tăng giá trị của đức tin?

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 1 The Works of Plato.  Edited by I. Edman.  New York: Modern Library, 1956, p. 60.

 2 G. C.  Berkouwer, A Half-Century of Theology,  Grand Rapids, Mich.: Eerdmans, 1977, p. 26.

 3 B. B. Warfield, Selected Shorter Writtings, Vol. 2, edited by J. E. Meeter, Philadelphia: Presbyterian and Reform, 1973, p. 115.

 4 B. B. Warfield, p. 120.

 5 Abraham Kuyper, Principles of Sacred Theology, Grand Rapids, Mich.: Eerdmans, 1968, p. 127.

 6 Abraham Kuyper, p.384-85.

 7 Abraham Kuyper, p. 388.

 8 Xem F. F. Bruce, The Apostolic Defense of the Gospel, London: Inter-Vasity Press, 1959.

 9 Xem Bernadas Lindars, New Testament Apologetic: The Doctrinal Significance of Old Testament Quotations, London: SCM, 1961.

 10 Augustine, Confession, Trans. By E. B. Pusey, New York: Washington Square, 1960, p. 27, 65.

 11 Augustine, p. 25.

 12 J.K.S. Reid, Christian Apologetics, Grand Rapids , MI: Eerdmans, 1969, p. 153

13 Phần này được trích dịch từ Protestant Christian Evidences của  Bernard Ramm (Chicago: Moody Press, 1965), chương 2.

 

 

<%Response.Clear%>
Top